Inrasara: Quên lý thuyết văn chương đi để đọc Dương Thuấn

Nhà thơ Dương Thuấn. Ảnh: FB Dương Thuấn.

Có thể nói cách tân, làm mới luôn ám ảnh số đông người làm thơ, hơn thập kỉ qua. Khi đất nước mở cửa và, khi thế hệ mới ý thức rằng sáng tác thơ Việt, sau gần nửa thế kỉ vẫn còn chưa thoát hẳn dư hưởng của thi pháp Hiện thực và nhất là, Lãng mạn. Nỗ lực của nhóm Sáng Tạo hay Nhân văn – Giai phẩm đưa thơ phiêu lãng vào những chân trời khác, do hoàn cảnh lịch sử đặc thù, nửa chừng bị dang dở. Từ đó thơ Việt chuyển động ì ạch…

Mở cửa về chính trị – xã hội như là một lối thoát cho thơ hôm nay.

Các nhà thơ trẻ háo hức nhìn ra thế giới bên ngoài trong tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi luồng gió mới. Hầu hết các trào lưu văn học trên thế giới: từ Tượng trưng đến thơ Trương nở, từ trường Ngôn ngữ cho tận tân hình thức… được các nhà thơ xu hướng cách tân hối hả cập nhật, học tập và vận dụng. Cả các bước đi nửa đường đứt gánh của thơ tự do Việt thập niên 60 cũng được tiếp nhận và tân trang lại. Thêm: văn hoá Internet và lưng vốn ngoại ngữ mở đường cho chúng ta hội nhập văn chương thế giới dễ dàng hơn, nhanh hơn. Đó là cái may mắn của thế hệ thơ thời đổi mới. 

Thế nhưng, văn hoá là cái gì còn lại, sau quá trình tiêu hóa tiệm tiến tri kiến thu nhận. Cuộc tiêu hóa đòi hỏi thời gian, nên không thể một sớm một chiều mà thành. Nhất là với bộ môn nghệ thuật cao là thi ca.

Cứ nhìn vào vùng vẫy không mệt mỏi của lớp nhà thơ này và, nhìn vào các “thành tựu” của thơ trẻ vài năm qua, cũng rõ. Sau hưng phấn lẫn choáng ngợp buổi đầu trước những đa dạng của cái mới, lạ, chúng ta lõm bõm bơi giữa rối mù của bao nhiêu dòng trào lưu. Các tài năng thơ thế hệ mới lộ nguyên hình nỗi lúng túng, quờ quạng trong thử nghiệm! Đã có dấu hiệu đuối ở một vài người. Và kiệt sức sớm xảy đến, nếu chúng ta không tự thức tỉnh và, dừng lại. Dừng lại để nhìn một cách đầy ý thức chặng đường vừa qua, kiểm điểm lại hành trang, như thể lấy hơi cho một cuộc ma-ra-tông thơ sắp tới – quyết liệt, cam go hơn, nhưng cũng nhiều hứa hẹn hơn!

Giữa vòng xoáy trận đồ chủ nghĩa, bản thân tôi với tư cách một nhà thơ ham tìm tòi, cũng có mặt, nhập vào dòng chảy ấy. Nói như Nguyễn Hoàng Sơn: Inrasara là một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay.(1) (Dĩ nhiên “cách tân nhất” chưa hẳn đã là hay nhất! Và tôi không đến nỗi dại dột để tin rằng nhận định của Nguyễn Hoàng Sơn là chân lí đinh đóng cho mình mắc hãnh diện vào!). Mười năm đeo đuổi “cách tân, thử nghiệm”, như bao bạn đồng hành khác, hôm nay, tôi nghe đuối!

Lớn dậy từ văn hóa Champa, nền văn hóa hình thành sớm và thành tựu khá lớn; được nuôi dưỡng bằng ngôn ngữ-văn chương Chăm phát triển; lớn lên, may mắn, tôi lại được tiếp nhận văn minh Tây phương ngay khi còn ngồi ghế trung học, nên các trào lưu văn chương tiền phong không xa lạ gì với tôi. Hệ quả: tôi khó giữ được cái “thuần phác dân tộc”, chân chất nhà quê như các bạn thơ dân tộc thiểu số vốn có. 

Như kẻ chợ đã quá oải cuộc sống hiện đại với lối kiến trúc tạp nham nhếch nhác, ngột ngạt mùi khói xe, hàng ngày phải chứng kiến bao nhiêu ô uế từ cơ man nhà máy thải vào môi trường thành phố… muốn tìm tới không khí tươi rói sót lại nơi miền quê yên tĩnh, hẻm núi trong lành. Cũng vậy, choáng ngợp giữa ngôn ngữ thi ca đương đại ắp đầy ý tưởng với ẩn dụ, siêu thực với tượng trưng… lắm lúc tôi thèm khát lối nói, lối nghĩ trong trẻo thuần phác của người miền sâu vùng xa. Tìm đến sông Lu quê tôi, hay xa hơn – sông Năng của núi rừng phương Bắc để, Hát với sông Năng, nói như Dương Thuấn, đọc lại các nhà thơ dân tộc thiểu số. Trong đó, Dương Thuấn, với tôi, khá tiêu biểu.  

*

Đến với thơ Dương Thuấn như đi vào khu vườn quê trèo cây hái trái. Cây nào ta cũng muốn thử trèo, quả nào cũng thèm nếm. Gần chục tập thơ, mỗi tập Dương Thuấn cũng bày ra được cho người đọc bao nhiêu hoa lạ quả lành! Ta thử xem lối quan sát của anh:

Đường Mã Pí Lèng dốc quanh co

Đá cũng leo như đoàn người đầu bạc…

Mặt trời chậm lên vừa leo vừa đợi…

Người nào cũng có đôi bàn chân to(2)

Lối quan sát gần, thực, với những liên tưởng rất cụ thể, có thể tìm thấy khắp các tập/bài thơ anh. Chính nó quá gần, quá thực nên nó khá xa lạ với cảm nhận của thế giới thừa mứa ý tưởng, lý thuyết hôm nay:

Rượu không cạn bầu chưa trở về bản cũ

Gái yêu chồng theo sau ngựa cầm đuôi…

Lên Đồng Văn người nào cũng nhắc

Chọn vợ chỉ chọn hai bắp chân

Để đi nương khỏe đêm gác nằm.

(“Lên Đồng Văn”)

Lối quan sát tương ứng với loại thơ nói-kể (tôi không muốn dùng từ Hiện thực, bởi tôi nghĩ thơ Dương Thuấn không dính dáng gì các trào lưu văn chương) của người miền núi chưa nhuốm lối nghĩ rối rắm phức hợp; nhưng không phải vì thế mà nó thô sơ. Ngôn ngữ Dương Thuấn không có cái điêu luyện của Lương Định, lối nói tưng tửng mà nghiêm túc, triết lí đơn giản mà sâu sắc của Lò Ngân Sủn. Giản dị, luôn luôn giản dị: 

Mời anh về quê tôi thăm Ba Bể

Anh sẽ được xem trên núi có hồ

Đi giữa trần gian mà như trong mơ

Đứng ở sườn non đưa tay ra bắt cá

Trên thuyền hái được củi đem về.

(“Mời anh về Ba Bể”)

Đôi lúc anh đẩy giản dị đến tận đầu mút của giới hạn:

Đi lâu lâu

Về muốn nhìn lâu lâu

Cái cầu thang có dấu chân của mẹ

(“Về bản”)

Trời đất! Có ai viết thơ như thế đâu? Vậy mà nó cứ hay, mới lạ chứ. Ngay cả khi Dương Thuấn triết lí, nó cũng chân chất, mộc mạc và, một nghĩa. Bài “Theo nước đi” của anh là tiêu biểu:

Người làm nương ăn theo lửa

Người làm đồng ăn theo nước

Sinh ra tắm nước thơm

Mới là con của mẹ

Lớn lên tắm nước sông

Mới thành người của làng

Đóng con tàu đi ra bể

Tắm giữa đại dương

Mới thành người của muôn nơi.

*

Thơ cần độ nén, cô đọng, độ sâu, tính hàm súc, đa nghĩa và đa thanh. Đấy là ý hướng vươn tới của mọi nhà thơ “cũ”, ý hướng đó trở nên khá “lỗi thời” trong mắt nhìn của thi sĩ hôm nay. Bởi chính ham đa thanh đa nghĩa thường khiến cho thơ mơ hồ, mơ hồ đến hàm hồ, rất hàm hồ. Nó đòi hỏi sự diễn giải. Và không ít lần, diễn giải đẩy thơ dấn bước lên con đường chông chênh nguy hiểm. “Diễn giải một tác phẩm có nghĩa là nhặt ra một số yếu tố trong tác phẩm đó. Và như vậy công việc diễn giải là làm chuyện diễn dịch.”(3)Diễn dịch để đáp ứng đòi hỏi của độc giả thời đại, nó dấn thân vào phiêu lưu vô cùng, làm “lệch nghĩa” tác phẩm, đôi khi “hủy diệt” tác phẩm. Vậy mà mỗi diễn giải cứ khăng khăng rằng chính nó mới là đúng nhất, là chân lí. Mới phiền!  

Hãy nhìn xem các nhà phê bình đã ứng xử với Rimbaud, Rilke, Kafka như thế nào cũng đủ biết. Gần chúng ta nhất: Truyện Kiều hay Hồ Xuân Hương. Diễn giải dày rậm rối mù làm chúng ta không thấy đâu Nguyễn Du, đâu bóng dáng nữ sĩ họ Hồ nữa, mà chỉ thấy các nhà diễn giải đang nói qua/với/bằng các nhà diễn giải!

S. Sontag cảnh báo: “Các diễn giải đa dạng đang ô nhiễm cảm tính nghệ thuật của chúng ta”! Đó là hậu quả tai hại của văn minh đương đại, một văn minh dựng trên sự thặng dư, thừa mứa mọi thứ: từ sản phẩm cho chí thông tin, ý tưởng và lý lẽ. Đến nỗi chúng ta trở thành thứ phản ứng có điều kiện. Hệ quả là: sự kém nhạy cảm của giác quan.(4)

“Điều tối cần bây giờ là tìm thấy lại giác quan”, giác quan thông minh có khả năng cảm nhận được cái tinh khôi, nguyên thủy. Sự lành lặn của cái nhìn, trong suốt của lời, giản đơn của câu chữ. Là yếu tính đưa thơ vượt thoát khỏi rối rắm rườm rà của suy luận học, lần nữa con người học tiếp cận với sự thể như nó là thế. 

Không phải không lý do khi Nguyễn Đăng Thường (Tạp chí Thơ) nêu chuẩn “bốn không” cho thơ hôm nay và ngày mai: không vũ trụ (chúng ta mải lo chuyện cao xa, chung chung mà quên mất điều nhỏ bé thường nhật là việc tối cần với con người), không siêu hình (thơ không làm chức năng của siêu hình học, suy tư cái bất khả tri, cái không thể thấy,…), không ẩn dụ (ẩn dụ như là lối nói vòng vo, bóng bẩy, úp mở không dám chỉ đích danh sự vật; ẩn dụ trùng trùng lớp lớp khiến thơ ngày càng khó hiểu và, “xa rời quần chúng”), không ngôn ngữ (“chúng ta sống quá lâu trong nền văn chương tu từ” – Khế Iêm)(5)

Tôi không nói thơ Dương Thuấn đạt các chuẩn trên, nhưng ít ra nó là một gợi ý. Đó là thứ thơ gần, thẳng và cụ thể. Cứ thử lướt qua tít các bài thơ (trong tập Hát với sông Năng chẳng hạn) cũng cho ta nhận định ấy: Mời anh về Ba Bể, Lượn cọi, Cõng trâu, Lên rẫy, Sinh con, Em tôi ở Lâm Đồng, Người mấy phận, Ta ở đâu bản ta ở đó, Viết ở Đá Đông… Có thể gọi thơ Dương Thuấn là thơ kí sự. Đi đến đâu có thơ đến đấy. Có quan sát, có tình cảm. Với đất, với người, với vật: Cà Mau, Bắc Cạn, sông Hậu, Mường Dôn, Bản Hon, Đồng Văn, Bắc Ninh, Lâm Đồng… chị Thìn, ông già gieo hạt, cô gái xứ Mây, cô gái Ba Na xinh đẹp, ông lái đò… sương giáng, xuôi bè, cọn nước, cái cầu thang… Anh chịu đi, chịu nghe. Nghe và kể lại, bằng thơ.  

Từ một bản riêng anh đi đến đất nước chung; từ một dân tộc anh đến với nhân loại:

Con bây giờ còn nhỏ

Thương nhất là mẹ cha

Lớn lên con sẽ thương thêm bao người khác

Ngôi nhà lớn của con là đất nước

(“Nhà của cha”)

Dù “ở nhà sàn ăn nước sông Năng” nhưng anh đã ra đi, các con anh cũng phải ra đi, anh em bè bạn anh phải rời bỏ bản làng nhỏ bé để ra đi, hòa nhập cuộc sống rộng lớn hơn ngoài kia, với quan điểm rất dứt khoát và, có thể nói – nhân bản:

Em ơi ta ở đâu

Là bản ta ở đó

(“Ta ở đâu bản ta ở đó”)

Giai đoạn đầu, khi mới xuống thành, thơ Dương Thuấn ít nhiều lây nhiễm ngôn ngữ, ẩn dụ và, một chút tư duy thơ trừu tượng. Có lẽ đấy là các mảnh vụn rơi rớt từ hệ thống cảm nhận thơ ca được/bị truyền thụ bởi trường học hay/và xã hội. Nhưng đến Hát với sông Năng, anh cắt đứt hẳn. Nên, không thể nói là anh không ý thức việc làm của mình. Tôi gọi đó là ý thức làm mới bằng trở về nguồn, tắm gội nghệ thuật mình bằng nguồn suối tinh khiết mà chỉ xứ Núi mới có. Dương Thuấn tự nhận mình là chàng trai của núi:

Ta là chàng trai của núi

… Ta đi bộ từ núi xuống đồng bằng  

Ta chỉ biết nói cho lời quả sai.

(Ngày mai hoa không nở, trường ca)

Không một dấu vết ưu tư trăn trở hay “quằn quại” (nhiều lúc chỉ là thứ làm dáng) thường thấy ở người thị thành trong thơ Dương Thuấn. Anh hiếm khi bình phẩm cõi người, cuộc thế. Anh để sự như nó là thế. Đó là đứa con sông Năng, tắm nước sông Năng, hát lời sông Năng. Đứa con ấy, từ xứ núi đi bộ xuống đồng bằng, khỏe khoắn, tươi rói và, chỉ biết nói lời cho quả sai. Tôi cho đó là cái đẹp mới của thơ dân tộc thiểu số. Thứ hoa trái tinh khiết rất cần cho người thành phố hái mang về, không như một sản phẩm lạ để làm quà lưu niệm, mà phải được xem là tặng vật của suối nguồn, thanh tẩy bụi bặm hay khoả lấp khoảng rỗng sa mạc trong tâm hồn con người thời đại. Khi khắp mọi nơi sa mạc đang lan dần. (“Sa mạc lan dần… Tai hại thay cho kẻ nào ôm giữ sa mạc!” – Nietzsche).

Về nguồn, nhưng không phải bằng bước chân ẻo lả của thứ tâm thức hoài niệm quá khứ hay khệ nệ của tinh thần bảo tồn bảo tàng, mà về nguồn như là về nguồn. Phật thuyết về nguồn tức phi về nguồn thị danh về nguồn. Về nguồn tắm nước suối làng bản. Đi đến tận cùng văn minh kĩ nghệ, chúng ta bắt gặp cái nguyên trinh của bản thể hiện hữu. Nó không là đối trọng của văn minh, một chống lại hay phản-văn minh mà là cái vượt qua bờ bên kia, đáo bỉ ngạn. Đi hết mọi cách tân, mọi làm mới, mọi trào lưu… thi ca trở về nguồn cội, nói lại ngôn ngữ ban đầu, thở lại hơi thở trong trẻo ban đầu. 

Tắm gội nước sông Năng với Dương Thuấn, tôi quay trở lại với cái xô bồ rậm rạp, bề bộn đầy bất trắc của cuộc sống/cuộc thơ Sài Gòn. Tôi trở về, bởi tôi phải trở về. Cũng như thơ Việt hôm nay phải tiếp tục lên đường để hoàn thành nốt cuộc hành trình đi tìm cái mới còn dang dở. Để rồi, khi cuộc đi đã mãn, đôi chân đã rã, đời đã mỏi mệt, sông Năng sẵn sàng mở vòng tay đón nhận những đứa con phiêu lãng trở về. Một lần và muôn ngàn lần nữa, trong cuộc Hồi quy vĩnh cửu của cõi sáng tạo. 

Inrasara

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Inrasara (trái) và nhà thơ, nhà báo Dương Thuấn. Ảnh chụp năm 1996 tại Đại Lải, Vĩnh Phúc.

_______________

 (1) Nguyễn Hoàng Sơn, “Inrasara, lần thứ hai đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam”, báo Tiền phong Chủ nhật, số 1, 2004.

(2) Dương Thuấn, “Mã Pí Lèng” trong Hát với sông Năng, NXB Văn học, H., 2001.

(3) S. Sontag, “Chống diễn giải”, Nguyễn Đăng Thường dịch, Talawas.org, 2003. 

(4) Xem thêm: Inrasara: “Nguyễn Hoàng Tranh, thơ như là một giải trừ thói quen”, Tienve.org, 2004.

(5) Khế Iêm, “Thơ Việt trên đường biến đổi”, tham luận Hội nghị hàng năm lần thứ 56 của Hiệp hội Nghiên cứu Á châu (Association For Asian Studies).

Một số bài thơ của Dương Thuấn:

NGƯỜI LÀM ĐỒNG

Mặt trời hôm nay như hôm qua

Ngày mai mặt trời không mới

Mặt trời ngày nào cũng lên rồi lặn

Buồn vui xưa ở đâu

Mây bay trắng đỉnh đầu

Ngoài đồng người đàn bà túc tắc

Gánh chiều lần theo chân rạ

Mặc thông reo với gió

Mặc ai buồn với mây…

***

CỰC TÌNH

Cái cây tình ái cong queo

Ai chẳng muốn trèo

Trèo lên lòng lại rối tinh

Cành thì thẳng

Cành thì cụt

Cành thì cong

La đà…

Bước lên chồn gối

Bước xuống mắt hoa

Ngó đi ngó lại

Chẳng qua chặt liều

Đem về thày mẹ lại than phiền

Rằng mối

Rằng mọt

Hãy nghiền nó ra…

Cực tình

Ai dễ đứng xa

Kẻ mong lên

Người mong xuống

Biết cây là cong queo.

***

PHỤ NỮ KHÔNG THỂ NGHĨ RA

Người phụ nữ lỡ thì 

Dẫu chưa một lần yêu

Dẫu chưa một lần đi lấy chồng

Cũng như bông hoa không có hương

Bướm ong không ngó tới

Người phụ nữ góa chồng

Dẫu đã có một con

Dẫu đã có vài con

Đêm đêm vẫn nghe ở đầu nhà

Tiếng bước chân đàn ông thậm thịch

Cái gì đàn ông thích

Phụ nữ không thể nghĩ ra…

***

EM – NGƯỜI XA LẠ

Em là gì

Anh không biết nữa

Dao có chuôi

Nhà có cửa

Cơm sôi hai đứa đứng nhìn

Kim đáy suối anh lặn lội đi tìm

Gặp em nơi chợ phiên ngày cuối

Anh thành người tập nói

Giấu chiếc khan đem về

Em là gì

Khi sung sướng anh thường hỏi thế

Em là nguồn nước nhỏ

Chảy vào vại nhà anh.