Hải Di Nguyễn: Chuyến đi về Việt Nam thăm quê hương đầy ám ảnh của ba mẹ con cô giáo Hạnh
“Con không bao giờ quên được hình ảnh em con đang dùng máy thở mà họ giật ra để hại chết em con”. Đó là lời nói của cậu bé 12 tuổi, con đầu của chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, sau một kinh nghiệm khủng khiếp và đầy ám ảnh ở Việt Nam, do chị thuật lại.
Ngày 7/6/2024 vừa qua, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh cùng hai con, đều có quốc tịch Mỹ, về Việt Nam và bị từ chối nhập cảnh. Con trai thứ hai của chị, 4 tuổi, khi đó đang lên cơn hen suyễn, cần bác sĩ.
Theo lời chị, ba mẹ con bị an ninh ở phi trường Tân Sơn Nhất đánh đập, bỏ đói, và nhốt suốt ba ngày.
Cuộc sống trước đây ở Việt Nam
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (biết đến trên YouTube với tên “Cô giáo Hạnh”) là người Công giáo, trước đây từng dạy Văn ở Việt Nam.
“Ông ngoại tôi là người tranh đấu cho nhân quyền, đặc biệt cho tự do tôn giáo, nên năm 1952, cộng sản Việt Nam đã bắt giam ông ngoại tôi và sau 10 năm giam giữ, họ đã giết ông ngoại tôi ở trại giam Cổng Trời,” chị nói. “Vào năm 1960, cộng sản Việt Nam bắt giam cha tôi mà không có một bản án xét xử nào hết, chỉ nói là đi tập trung thôi… Họ giam giữ cha tôi 17 năm, không có một bản án xét xử nào cả.”
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh bị nhà cầm quyền đặc biệt sách nhiễu và theo dõi từ khi kết hôn với nhà hoạt động người Công giáo Thái Văn Tự. Vì bị đàn áp, anh Thái Văn Tự trốn sang Thái Lan lánh nạn năm 2012 và đến Mỹ năm 2014, trong khi chị ở Việt Nam vừa một mình nuôi con, vừa thường xuyên bị công an hành hạ.
Chị cho biết, tới năm 2017 thì anh Thái Văn Tự bảo lãnh chị sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, về mặt pháp lý là vậy, nhưng theo chị nhìn nhận thì chị rời Việt Nam là đi theo diện tỵ nạn chính trị.
Chuyện gì xảy ra ở phi trường Tân Sơn Nhất?
Vì mẹ già ở Việt Nam gặp nhiều vấn đề sức khỏe và vì chuyến đi về Việt Nam tháng 11/2023 không có chuyện gì xảy ra, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh quyết định về Việt Nam cùng hai con vào tháng 6 năm nay.
Từ Bắc Carolina về Việt Nam, chị cho biết thời gian bay là 19 tiếng nhưng tính thời gian đi từ nhà, chờ ở phi trường, v.v., tổng cộng thời gian lên thành 30-32 tiếng.
Chị cho biết, cháu bé 4 tuổi bị hen suyễn bẩm sinh và bắt đầu khó thở từ lúc quá cảnh ở Hàn Quốc. Không tìm được trợ giúp y tế hay máy móc ở đó, chị dùng thuốc xịt để cầm cự tới khi về đến Việt Nam.
Đêm 7/6/2024, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh cùng hai con hạ cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất.
“Khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, em bé lên cơn co thắt. Tức là phổi bị nghẽn lại, thắt chặt lại, làm em bé rất khó thở.”
Chị cho biết “Họ lập biên bản yêu cầu chúng tôi quay trở lại Hàn Quốc lúc 11 giờ 45 phút. 11 giờ 20 phút, họ lập biên bản không được nhập cảnh. Lý do đưa ra rất chung chung là lý do an ninh…. Tôi hỏi lý do an ninh là gì thì họ không giải thích. Họ chỉ nói thời điểm này chị chưa được nhập cảnh, và chị phải quay về ngay.
“Nhưng khi đó con tôi bắt đầu có những triệu chứng rất nguy hiểm. Nó không thở được, bắt đầu mắt nó đơ ra. Tôi rất là sợ, vì con tôi đã hai lần phải đi cấp cứu trong bệnh viện vì bệnh hen suyễn bẩm sinh của cháu biến chứng. Tôi rất là sợ.”
Gọi điện thoại cho chồng, chồng không bắt máy. Liên lạc sứ quán Mỹ, sứ quán không trả lời. Dùng máy trợ thở đem từ Mỹ, máy không hoạt động vì khác dòng điện.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh cầu xin cho con được cấp cứu nhưng các nhân viên ở đó không cho, chỉ khăng khăng cưỡng ép họ lên máy bay rời Việt Nam. Theo lời chị kể, có một bác sĩ xuất hiện nhưng chỉ đứng đó nhìn và “rung rung cái chân”, không làm gì.
Bị đánh đập
“Hàng chục nhân viên an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất ùa đến và bắt tôi phải lên máy bay về lại Hàn Quốc. Tôi nói tôi không đi. Họ nói nếu không đi thì họ sẽ cưỡng chế. Khi tôi đang ôm đứa con trong tay như vậy, việc đầu tiên của họ là giật đứa con khỏi tay tôi. Đó là đứa con nhỏ, em bé 4 tuổi…Cháu 12 tuổi thì họ đưa hai người đến xốc nách mang đi.”
Bản thân chị bị nhóm an ninh lôi đi “như một con vật”, bấm vào hai tay và mắt cá chân để khó chống cự.
“Họ đánh lên đầu. Khi tôi giãy giụa, họ nắm tóc, họ đánh. Họ đánh vào cạnh sườn bên trái. Sau hơn một tuần mà vết thương vẫn chưa tan được.”
Chị giãy giụa tới khi ngất xỉu, không biết chuyện gì xảy ra và cũng không hiểu vì sao không bị tống đi Hàn Quốc vào đêm hôm đó.
Tôi đã xem được hình ảnh các vết bầm tím trên người chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, và cũng đã xem qua đoạn ghi âm chị vật lộn, cầu xin các nhân viên an ninh cứu giúp con mình trong khi họ nằng nặc cưỡng ép chị lên máy bay.
3 ngày bị nhốt
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh và hai con bị nhốt tại phi trường. Sứ quán Mỹ, chị không được liên lạc. Điện thoại và hộ chiếu, họ tịch thu.
Theo lời chị, chị phải liên tục đập cửa, liên tục kêu cứu, liên tục van xin mới có được bác sĩ cho con. Người bác sĩ thứ hai xem qua và cũng không làm gì. Chỉ tới đêm mùng 8 sang mùng 9, họ mới gặp được một bác sĩ tử tế và có máy trợ thở cho cháu bé.
“Cùng lúc tôi yêu cầu có bác sĩ, tôi cũng yêu cầu là các con tôi cần được ăn và cần được uống, tại vì các anh vô cớ giam giữ chúng tôi bất hợp pháp… Tất cả những nhân viên an ninh đều trả lời là chúng tôi không có bổn phận cung cấp đồ ăn thức uống cho chị và các con của chị.”
Hai cháu bé chỉ có sữa có sẵn trong vali.
Bị đánh khi bị giam giữ
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh cho biết “Tôi mở cửa xin nước thì họ đánh tôi. Họ túm vào tóc tôi, họ giật ngược ra, họ đánh vào trong ngực. Họ tát vào mặt. Họ đưa tay trỏ chỉ thẳng vào trán tôi, sỉ nhục tôi. Đánh, tát, đấm.
“Con tôi thấy như vậy thì nó chạy lại, nó bảo ‘Mẹ cháu chỉ xin nước thôi mà chú.’ Anh an ninh văng tục, chửi thề… và đánh con tôi luôn. Bảo ‘Mẹ con mày, tao phải đánh, nếu không đánh thì mẹ con mày sẽ không chừa.’ Thế là đánh luôn con tôi và nó khóc thì cầm cả người nó nhấc bổng lên, ném bụp xuống sàn đất, đập ngược cả đầu ra phía sau.”
Cưỡng chế lên máy bay lần hai
Theo chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, ngày 9/6/2024, bất chấp chị nói cháu bé 4 tuổi đang dùng máy trợ thở và cần vài ngày để khỏe lại, các nhân viên an ninh vẫn ập tới, giật máy trợ thở, và tống ba mẹ con lên máy bay.
Trên phi cơ, chị đứng lên cầu xin các hành khách cho mượn điện thoại để liên lạc với chồng và sứ quán Mỹ. “Hơn 300 con người trên [máy bay], họ không nói một lời nào cả. Họ ngồi trong im lặng.”
Tới khi chị nói “Hãng bay này nếu đồng ý chở mẹ con tôi trở lại Hàn Quốc, hãng bay đó đã làm việc với những kẻ bắt cóc phụ nữ và trẻ em, đã tiếp tay cho tội ác” và nói “Nếu con tôi mà chết trên chuyến bay này, hãng bay này sẽ không bao giờ có thể tiếp tục phát triển được nữa”, phi hành đoàn quyết định không chở chị và các con về Hàn Quốc nữa.
An ninh Việt Nam lại lôi chị và hai cháu bé khỏi máy bay và tống lại vào phòng.
Tối 9/6, sau khi nói nhiều lần, chị mới được đặt thức ăn. Đó là bữa ăn đầu tiên của ba mẹ con từ lúc bị giữ ở phi trường Tân Sơn Nhất đêm 7/6.
Trở lại Mỹ
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh cho biết, sáng 10/6/2024, nhân viên an ninh đổi thái độ và mang đồ ăn tới.
Lúc đó chị hiểu sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã can thiệp.
Ngày 8/6/2024, anh Thái Văn Tự, không liên lạc được với vợ con, đã báo động với TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS. TS. Thắng liên lạc ngay với lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn.
Ngày hôm sau, hai người nói chuyện trực tiếp với bộ phận dịch vụ khẩn cấp của sứ quán Hoa Kỳ và được cho biết chị Nguyễn Thị Bích Hạnh và hai con đang trên đường bay về Hàn Quốc, nhưng BPSOS phối kiểm và nhận ra điều này không đúng.
Ngày 10/6/2024, anh Thái Văn Tự và TS. Nguyễn Đình Thắng yêu cầu Tham tán Chính trị của Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào cuộc, vì đây không còn là vấn đề nhập cảnh bình thường mà liên quan đến quyền phụ nữ và quyền trẻ em đối với ba công dân Hoa Kỳ.
Sau đó chị Nguyễn Thị Bích Hạnh đã được nói chuyện với sứ quán Hoa Kỳ. Ngày 11/6/2024, chị nhận lại được điện thoại và ba mẹ con lên máy bay về Mỹ, nhưng chỉ tới khi hạ cánh ở Atlanta, Georgia, mới được đưa lại hộ chiếu.
Hiện nay
“Bé nhỏ của tôi vẫn đang bị hen suyễn, vẫn đang phải dùng thuốc và khí dung mỗi ngày… Bé lớn có vẻ vui tươi hơn một chút, khi về nhà thì bé cảm thấy an toàn, nhưng tôi nghĩ là nỗi ám ảnh vẫn còn,” chị nói trong phỏng vấn ngày 17/6/2024. “Bé nói sau này con không bao giờ muốn quay về Việt Nam thêm lần nào nữa hết.”
Chị cho biết vẫn còn đau và bị ám ảnh về những chuyện xảy ra ở Việt Nam. “Mấy ngày hôm nay, gần như tôi không ăn uống được.”
Trong video kể lại thời gian ở Việt Nam, cháu bé 12 tuổi nói “Sự ám ảnh đó có thể ở với tôi mãi mãi.”
Hải Di Nguyễn