Bà Viễn Phố, phu nhân nhà văn Võ Phiến và mối tình tri kỷ của ông bà trong mắt bạn bè
Nguyễn Hưng Quốc: Bà Võ Phiến
Tôi mới biết tin bà Viễn Phố, vợ của nhà văn Võ Phiến (1925-2015) đã qua đời ở California ngày 24/7/2024. Tôi gặp bà khá nhiều lần. Lần nào đi Mỹ tôi cũng đều ghé thăm ông bà, có lần ở hẳn trong nhà ông bà mấy ngày. Về già, Võ Phiến mất trí nhớ, nên thường ngồi im lặng, lâu lâu nói bâng quơ vài câu than thở. Tôi chủ yếu nói chuyện với bà. Chưa bao giờ tôi thấy một người phụ nữ nào yêu chồng và chăm sóc cho chồng một cách tận tụy, chi li và tỉ mỉ như bà Võ Phiến. Bà lo cho ông từng miếng ăn, từng tách trà, từng viên thuốc. Bà đánh máy từng trang bản thảo viết tay của ông. Bà lo cho danh tiếng và sự nghiệp của ông. Bà quan tâm đến từng lời khen tiếng chê chung quanh. Đọc những bài báo có ác ý về ông, bà tức lồng lộn, vừa kể vừa chì chiết. Còn Võ Phiến thì vẫn ngồi lặng lẽ, miệng vẫn cười hiền lành nhưng ánh mắt thì nhìn vào khoảng không trước mắt, buồn buồn, xa vắng. Lâu lâu ông chép miệng thở dài: “Tôi lú lẫn quá rồi anh ơi!”
Trong lá thư gửi tôi ngày 26.4.1991, Võ Phiến kể về chuyện tình duyên giữa hai ông bà:
“Nhà chúng tôi ở gần nhau. Ban ngày ngồi thổi sáo ở nhà tôi thì bên ‘cô ấy’ có thể nghe được. Bởi vậy tôi hay thổi sáo. Hai làng chúng tôi cách nhau một con suối.
[…] “Má bầy trẻ” nhỏ hơn tôi 5 tuổi, nhưng ông ngoại các cháu lại lớn hơn ba tôi cả chục tuổi, thuộc hẳn thế hệ đàn anh. Trong Tuỳ bút 2 có bài thơ:
Tôi thương những đứa trẻ
Sống bên cạnh người già…
Chúng tôi là những đứa trẻ như thế. Khung cảnh phía ngoại các cháu cũng để lại trong tác phẩm tôi nhiều hình ảnh. Con chim tu hú, ngọn đèn hột vịt thức suốt đêm ở nhà cậu Bảy trong “Giọt cà phê”, đó là kỷ niệm một đêm ngủ lại ở nhà ngoại các cháu, khi chúng tôi chưa cưới nhau. Bài thơ “Nhà em” trong Tuỳ bút 2 cũng là ngôi nhà ấy. Bài “Mộng” cũng thuộc về kỷ niệm thời ấy v.v… Đây đó có những chỗ nói đến một con suối cạn nước (“Về một xóm quê”, “Mưa đêm cuối năm”…) thường thường là con suối ấy.
Hai chúng tôi học sơ học (lớp 5, lớp tư, lớp 3) cùng một thầy, học tiểu học cùng một trường huyện lỵ. Vào Qui Nhơn, tôi có học lớp đệ nhất (tức đệ thất sau này) ở collège Qui Nhơn non một niên khoá; nhà tôi cũng sắp vào trường ấy thì vì cách mạng 45 mà nghỉ học… Chúng tôi cách nhau 5 năm. Ở các trường nói trên, khi nhà tôi đến học thì tôi đã ra đi mất rồi, không gặp nhau.
Chúng tôi chỉ thực sự gặp nhau nhiều là sau tháng tám 1945, khi phải bỏ học, gia nhập vào công tác kháng chiến.”
Trong lá thư khác, ngày 4.12.1991, Võ Phiến kể tiếp:
“Chúng tôi có duyên “tiền định”, anh ơi. Nhớ lại thì thực sự là ngay từ hồi nhà tôi 5, 6 tuổi, chúng tôi đã lưu luyến nhau. […] Chúng tôi tái ngộ hồi Phố mới 15 tuổi, từ đó dính… liền cánh, gỡ không ra!
Phố mất mẹ hồi còn bú, lớn lên bên cạnh bà dì. Bà dì của Phố nói về chúng tôi: “Tụi nó như hai con sam”. Ở nhà quê, chuyện như thế chắc là mới lạ, khó coi lắm!
Mấy năm sau, khi tôi bị bắt vì hoạt động chính trị, thì ngay công tố viên Quách Tạo cũng tuyên bố oang oang giữa phiên toà trên một sân vận động trước mấy vạn người về sự hèn nhát ra rít của tôi. (Một sự ra rít được cầu chứng tại toà).
Sau 1954, vừa ti toe cầm bút là tôi xin trước tịch những bút hiệu Võ Phiến và Hoài Vũ! Trong hơn hai mươi năm cái sự nhảm ngầm ấy được giữ bí mật, anh em ở Sài Gòn không ai khám phá ra cả.
Tại Sài Gòn tôi cũng không hay đàn đúm bạn bè. Sau buổi làm là về nhà với vợ con. Chúng tôi cặp nhau lang thang. Phạm Lọ – Đông Thi của Sài Gòn sánh vai dong ruổi khắp ngũ… thị: chợ Bến Thành, chợ Vườn Chuối, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, chợ Tân Định v.v… Tôi bám theo bả len lách vào các hàng vải, hàng cá, hàng xén, hàng quà, ngồi ăn “thử” món nọ món kia v.v… Đêm đêm, chúng tôi thường đi các ngỏ hẻm. Ở ta vậy mà an ninh lắm; thời chiến, súng ngắn súng dài có thể lạc vào tay bất cứ hạng người nào, vậy mà không mấy khi xảy ra bạo động ở đô thị. Về những năm cuối chế độ, tôi đi thanh tra các tỉnh, lúc nào có điều kiện là lôi bả theo: Tiền Giang, Hậu Giang, bả biết khá nhiều tỉnh.
Cuộc sống như thế làm tôi cô độc, thiếu bạn. Làm văn nghệ tôi là đứa không có “cánh”. Cũng không có “vây”.
Và cuộc sống ấy bắt Phố trả một giá đắt: bả ghiền thịt cầy la de một độ theo tôi. Thoạt đầu, cũng như mọi bà mọi cô, bả không chịu được thịt cầy, thấy ai bàn chuyện cầy là lánh xa. Về sau, vì cứ lẽo đẽo theo tôi, bả bị lôi cuốn. Rốt cuộc bả chấp nhận nồng nhiệt. La-de hai đứa uống chung một ly cối! Ngất ngư.
Anh có nhớ trong Nho lâm ngoại sử có vài nhân vật (Đỗ Thiếu Khanh, Trang Triệu Quang?) có tính hay cặp kè với vợ, la cà ăn uống ở quán xá, bị người đời chê cười, coi không phải là kẻ sĩ “chân chính” không? Tôi rất không chân chính. Bây giờ đã già, qua Mỹ cũng không chân chính được. Vẫn thích ăn “thử” đủ các món linh tinh, và xem “thử’ các cảnh lạ trên thế gian. Các cảnh đẹp ở Hoa Kỳ chúng tôi đi gần hết, có lần con trai lái xe trên 3,000 miles cho chúng tôi đi. Âu châu, Úc châu tụi tôi cũng cố lết tới. Đủ cặp.
Còn chuyện sống với nhau trong gia đình cũng thiếu hẳn chân chính. Trong Nguyên vẹn có cái đoạn một buổi trưa trong nhà, ăn cơm xong, anh nằm võng chị nằm divan thỉnh thoảng ngoéo tay nhau. Anh nhớ đoạn đó không? (Lúc đó, con đầu chúng tôi đã đậu bác sĩ, đã ra quân y!)”
……
Nguyễn Hưng Quốc
***
Ngự Thuyết: Bà Võ Phiến
Anh Trúc Chi gọi điện thoại báo tin chị Võ Phiến đã qua đời vào ngày 24/7/2024. Trước đấy mấy hôm, người con trai của chị, Bác sĩ Liên, cho tôi hay rằng chị đã xuất viện (chị đã vào nằm bệnh viện hơn một tuần lễ). Trong một thời gian khá dài, chị không đi, đứng được. Nay chị được về nhà và đang tập những cử động nhẹ như đưa tay, đưa chân. Bác sĩ Liên cũng cho biết chị còn rất sáng suốt, minh mẫn, gọi điện thoại và trả lời điện thoại một cách nhanh chóng, rõ ràng. Cho nên tôi vô cùng sửng sốt khi nhận được tin buồn nói trên.
Thường, một nhà văn nổi tiếng tạ thế, người ta ít nhớ hay không còn nhớ tới người bạn đời của nhà văn ấy. Trường hợp chị Võ Phiến khác hẳn.
Lúc sinh thời, ông bà Võ Phiến luôn luôn sống quấn quýt bên nhau. Tại nhà, tại những sinh hoạt văn học, tại những lần đi đây đó, hay du lịch v.v… Ông đâu, bà đấy, không hề rời nhau. Tất cả những nhà văn, nhà báo tiếp xúc với ông đều rất thân cận với bà. Người ta kính mến ông vì tài năng, quý trọng bà vì đức độ. Bà có trí nhớ tuyệt vời, rất quan tâm đến sự nghiệp lớn lao của ông, và rất chu đáo trong việc tiếp xúc với bạn văn hay bạn đọc của ông, một cách chân thành và niềm nở. Bà trở thành một nhân vật không thể vắng mặt trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong suốt cuộc đời viết lách của nhà văn Võ Phiến.
Trong mấy năm trước khi qua đời, ông Võ Phiến bị bệnh mất trí nhớ rất nặng. Thì vai trò của bà càng nổi bật. Bà quán xuyến mọi việc. Hai người sống trong một ngôi nhà khá lớn. Bà một mình chăm sóc ông từ cái ăn, cái uống, đến thuốc men, giặt giũ. Ông quên nhiều nhưng những người mến mộ ông vẫn đến thăm ông đều đều. Bà thay ông tổ chức những bữa ăn thân mật tại nhà. Ông không ăn uống bao nhiêu, chỉ im lặng nhìn mọi người chuyện trò, hoặc khi mệt, ông cáo lui, rồi lên lầu nằm nghỉ. Tôi không nghĩ rằng ông có thể nghe được hay hiểu được thực khách nói năng cái gì. Bữa tiệc nhỏ vẫn tiếp tục, và bà là người “đứng mũi chịu sào.”
Sau khi ông qua đời, trông bà yếu hẳn, già, và gầy đi nhiều. Bà kém ông 5 tuổi. Bà bán nhà cũ, dọn nhà tới sống tại một chung cư, có một người phụ chăm sóc bà. Nhiều người mến mộ bà vẫn thường đến thăm bà. Gần thì có các anh chị Trúc Chi, Phạm Phú Minh, Trần Huy Bích, Đỗ Quý Toàn … và vợ chồng tôi; xa thì có nhà văn Trần Mộng Tú, Trùng Dương … Anh Nguyễn Hưng Quốc ở tận bên Úc cũng thường hỏi tôi về tin tức của bà. Nói tóm lại, dù ông không còn, những người quen thân vẫn mang lòng thành kính đến viếng thăm bà.
Cách đây mấy tháng, bà yếu đi hẳn. Gia đình những người con đưa bà vào nhà dưỡng bệnh nhỏ nhắn, đầy đủ tiện nghi, có bác sĩ chăm sóc. Và chỉ có khoảng năm, sáu người cao niên được nhận vào mà thôi.
Nay bà Võ Phiến lại ra đi. Tôi không biết nói gì hơn là cầu nguyện bà chóng sum họp với ông, và cùng nhau sớm về cõi an lạc vĩnh hằng.
Tiện thể, để nhớ vài kỷ niệm về bà, xin trích dẫn một đoạn ngắn trong “Võ Phiến đã vĩnh viễn ra đi” viết cách đây 10 năm.
“Anh Ngự ơi,” bà nói, “tới ngã tư trước mặt quẹo qua trái là tới Khu Phố Nhật.”
Vợ tôi nãy giờ im lặng, tiếp lời:
“Rứa mình không đi China Town sao?”
“Lần trước đi rồi, có cả anh chị Minh, chị nhớ chứ. Lần này mình đi Phố Nhật. Cũng đẹp lắm.”
Tới đó, hai bà đi mua sắm lặt vặt, ông và tôi kiếm chỗ ngồi trên ghế đá bên ngoài tiệm bán bánh ngọt và nhiều loại kem. Trong khi chờ hai bà để cùng nhau vào tiệm bánh, chúng tôi tha hồ chuyện trò. Ông đã lớn tuổi nhưng không “ngán” đường hoặc thức ăn mặn. Tuy ăn uống ít, nhưng cà phê sữa phải thêm đường hoặc sữa; bún bò phải thêm nước mắm mặn, cay, đã đành, bánh bèo đi với nước mắm ngọt cũng được ông cho thêm nước mắm mặn như thường. Rượu chát hay bia chỉ lai rai một ly là đủ. Hồi đó ông còn khỏe dù đã trải qua một lần mổ tim.
Người ông tầm thước, phục sức đơn sơ, quần dài, áo sơ mi màu nhạt, đầu đội nón vải, chân mang giày đen loại không dây cột. Chỉ khi đọc sách ông mới mang kính. Không hề thấy ông mang kính mát dù trời nắng lớn, và cũng không bao giờ thấy ông chống gậy. Lúc nào cũng ôn tồn, không nói lớn, không cười nhiều, giọng Bình Định trầm trầm. Ông nói ít, tinh tế, sâu sắc. Dù là một nhà văn lớn, ông không bao giờ muốn tỏ rõ ra điều ấy đến nỗi có người chỉ nhìn vào bề ngoài bảo ông rụt rè. Những người viết lách, dù đã thành danh hay chưa, mỗi lần có dịp ghé Nam Cali đều đến thăm ông kể cả một số nhà văn danh tiếng đến từ Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khải, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi …
Trong vòng năm bảy năm gần đây, sức khỏe của ông sút giảm. Ông không muốn đi đâu xa nữa, và mỗi lần bước ra khỏi nhà, ông luôn luôn mặc thêm chiếc áo lạnh dày cộm. Ông nói: “Đối với tui mùa đông quanh năm.” Và tôi để ý thấy ông càng lớn tuổi càng ít nói và buồn hẳn đi. Vào sinh nhật của ông, có khi bà rủ chúng tôi đi đến các nhà hàng trên bãi biển Long Beach nhìn ra ngoài khơi thấy tàu thuyền chi chít xuôi ngược, hoặc ban đêm thì lên nhà hàng nằm trên ngọn đồi cao, Orange Hills, trông xuống, là cả một biển mênh mông đèn xanh, vàng, đỏ lấp lánh trùm lên toàn thể Quận Cam (Orange County) dưới xa. Bà Phiến, vợ tôi, và tôi đều háo hức nhìn ngắm. Riêng ông dửng dưng. Trước kia, dù không tỏ vẻ thích thú cho lắm khi đến một nơi xa lạ, nhưng ông có tham gia vào “cuộc vui”. Nay trông ông như người ngoại cuộc.
Bà rất quý ông, chăm chút cho ông từng ly từng tí, từ cái áo, cái quần, đôi giày, đôi vớ trước khi ông ra khỏi nhà. Đến tiệm ăn, bà lo cho ông từ miếng ăn thức uống. Thấy ông ăn uống ít ỏi, bà lén gắp thức ăn bỏ vào chén của ông. Bắt gặp, ông la bà ngay, và bà xin lỗi. Mà có phải bà còn trẻ trung, khỏe mạnh gì cho cam. Bà chỉ thua ông năm tuổi, thường đau yếu, thần kinh tọa, thấp khớp nặng, và ốm nhom. Nhiều khi bà than thở lỡ tui “đi” trước thì ông làm sao!
Càng ngày ông càng không muốn đi chơi xa. Ngay cả quán thịt dê gần nhà mà ông bà vẫn thường cùng chúng tôi đến, hay tiệm ăn Huế nơi có món chả ốc mà ông thích, ông cũng “hết ham”. Ông bảo, “Ông trời ban luật thừa trừ. Anh ơi, gần đây bác sĩ mới cho biết lỗ tai bên phải của tôi bị điếc bẩm sinh, lỗ tai trái thì càng ngày càng tệ, chẳng nghe được gì cả. Đọc thì trang sau quên trang trước nói chi tới chuyện viết. Thế là khỏi nghe, khỏi nghĩ ngợi, đỡ bận tâm, đỡ khổ.” Tôi ngờ đó là câu nói để tự trấn an mà thôi. Quên, ông mới bớt buồn. Khi tỉnh táo, độ rày ông thường tỏ ra nhớ làng, nhớ xóm, nhớ quê hương. Bà cho hay nhiều khi ông ngồi một mình ở phòng dưới tưởng bà ở trên lầu không nghe thấy gì, ông lẩm bẩm: “Buồn, buồn, buồn.” Tôi chưa đọc cuốn sách của John C. Schafer, nhưng cái nhan đề của nó, Võ Phiến and the Sadness of Exile (tạm dịch Võ Phiến và Nỗi Buồn Lưu Đày) có lẽ nói lên được tâm trạng Võ Phiến lúc về già. Hai câu thơ cuối cùng của bài thơ cuối cùng trong tập Tạp Bút tựa đề Cuối Cùng của ông xuất bản tại California năm 2009 nghe bi thảm và đúng quá. Trên mặt đất với nhà cửa, cây cối, làng mạc, sông núi … thì Việt Nam phải khác Mỹ, cho nên qua đến Mỹ thấy cái gì cũng lạ lùng bỡ ngỡ. Nhưng cả hai bầu trời hẳn là giống như nhau, quen lắm:
Thân tàn đất lạ chơi vơi
Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen
Ông không muốn đi xa thì chúng tôi đến chơi tại nhà ông bà, hoặc tiện thể cùng ông bà lên xe đi qua sân golf ngay bên kia đường (lên xe là vì dù không xa ông bà độ này không thể đi bộ được, và chính bản thân tôi cũng thế thôi) “ăn đồ Mỹ” tại câu lạc bộ. “Vừa ăn vừa nhìn những bãi cỏ xanh cho mát mắt,” bà nói. Dĩ nhiên ông không ăn uống được mấy. Những lần đi này thường có thêm các anh Phạm Phú Minh, Trần Huy Bích, anh chị Mai Kim Ngọc. Bà rất bặt thiệp, niềm nở, vui vẻ, nhẹ nhàng. Gặp bà như gặp lại người bà con thân yêu, gần gũi.
Tại nhà ông bà ở đường Fifth Street, Santa Ana, California, trước hết chúng tôi được bà cho uống trà thật ngon từ bộ đồ trà quý giá, cái bình trà nhỏ hơn nắm tay, cùng sáu chén trà tí hon nhỏ như hột mít, nên bà phải châm trà liên tục, hai bàn tay nhanh thoăn thoắt. Tiếp theo là những món ăn ngon do bà chuẩn bị hoặc do chúng tôi mang đến. Chuyện trò với nhau như không bao giờ dứt. Bà có trí nhớ tuyệt vời, bà thuộc Truyện Kiều từ đầu tới cuối. Thỉnh thoảng bà làm thông ngôn nói lại bên tai cho ông nghe chúng tôi “đấu láo”.
Một hôm tôi đến thăm, ông đọc cho tôi nghe (không phải đọc từ trang sách) hai câu ca dao Huế mà tôi dẫn trong tập truyện ngắn Bắc Hành tôi biếu ông đã lâu:
Mẹ già cuốc đất trồng tiêu
Con đi đò dọc mẹ liều con hư
Tôi vui quá, thế là ông vẫn còn đọc sách. Tôi nói lên điều đó với ông, ông buồn rầu bảo rằng, “Tui chỉ đọc được năm ba câu thôi, trí nhớ bết bát lắm rồi. Nhớ nhớ quên quên. Chuyện xa xưa có khi nhớ, chuyện mới xẩy ra lại quên.” Quả thật, trong một bữa ăn trưa tại nhà ông bà có khá đông khách khứa, bạn bè, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn từ Úc qua, Lê Tất Điều từ San Diego lên, Trúc Chi từ Alhambra xuống, Phạm Phú Minh, Đỗ Quý Toàn và tôi thì ở gần nhà ông, tôi hỏi đùa một câu, “Anh có nhớ những ai đây không?”. Ông quên tên hầu hết, chỉ nói được tên Đỗ Quý Toàn và Lê Tất Điều. Những lần gặp sau, ít người hơn, ông lại nhớ Phạm Phú Minh và tôi. Vâng, nhớ nhớ quên quên bất chợt. Nhưng ông rất sáng suốt, khi nhớ vẫn đưa ra những nhận xét sâu sắc, tinh anh.
Bỗng một hôm. Tôi cho đây là chuyện quan trọng nên tôi nhớ cả ngày tháng lẫn nơi chốn. Đó là buổi trưa ngày 28/10/2013, cách ngày ông vĩnh viễn ra đi hai năm một tháng. Hôm đó, sau khi rời Quán Huế Hương Vỹ, có gặp Tràm Cà Mau, nhà văn này chào hỏi ông rất cung kính, vừa ngồi yên trên xe và cài xong dây an toàn, ông thì thầm nói:
“Đi đâu, đi đâu, anh ơi? Mình đi đâu?”
Thoạt tiên tôi nghĩ rằng ông muốn đi chơi thêm một chốc nữa chăng, điều mà xưa nay ông chưa từng yêu cầu. Đi chơi thì ông cũng đi, nhưng không hăng hái cho lắm. Hôm nay có lẽ ông phá lệ, tôi nghĩ thầm. Tôi dạ dạ, rồi lùi xe ra khỏi chỗ đậu và quẹo ra đường lớn. Ông nói tiếp, giọng lạ hẳn, như nửa chừng nó nằm kẹt trong cổ họng, rồi thoát ra đột ngột:
“Mình đi đâu? Đi đâu anh? Đây là đâu? Ôi chao!”
Tôi giật mình liếc nhìn ông ngồi cạnh. Cặp mắt ông ngơ ngác, thất thần, hoảng hốt. Bà ngồi ghế sau vội chồm người lên nói bên tai ông, nhỏ nhẹ, van lơn:
“Anh, anh, mình sắp đi về nhà mình mà anh.”
“Nhà đâu?”
“Nhà ở Santa Ana. Anh, anh. Mình đang ở Mỹ đó anh.”
Tiếng nói của bà dường như trấn an ông phần nào. Ông hỏi tiếp, nghe dễ hơn:
“Ở đâu hả? Mình ở với ai?”
“Mình ở với nhau,” bà tiếp tục đáp nho nhỏ. “Chỉ ông với tui thôi, không còn ai nữa.”
Nói xong, bà vẫn giữ tư thế chồm người như cũ, như thể chờ nghe ông nói tiếp. Có lẽ chuyện như thế này đã xẩy ra trước đó rồi nên bà không ngạc nhiên đến sửng sốt như tôi. Tới đường Euclid tôi quẹo phải rồi quẹo trái trên đường Fifth, tức là con đường của nhà ông bà. Trước kia khi xe tới quãng đường này, ông thường kín đáo chỉ trỏ chứng tỏ ông nhớ đường về, nay ông ngồi im lặng, thẫn thờ. Đến cổng nhà, ông vẫn còn ngơ ngác. Khi vào tận trước mặt nhà, xuống xe — ông bà trước kia sau khi xuống xe luôn luôn quay nhìn chúng tôi và vẫy tay cho đến khi xe chạy khuất — bà vẫy tay chào từ giã trong khi ông đứng im lặng nhìn bà.
Chúng tôi và một số bạn bè sau đó đến thăm ông bà. Tôi băn khoăn. Tôi lo lắng không biết sức khỏe của ông nay ra sao. Như mọi khi, ông từ trên lầu chầm chậm bước xuống bậc tam cấp từng bước một, bắt tay từng người không sót một ai, rồi ngồi xuống chiếc ghế dựa lưng vào tường mà ông vẫn thường ngồi.
Bà tươi tắn chào hỏi mọi người, xong lui cui đi pha trà. Nhận thấy bà đã già yếu, chúng tôi xin miễn vụ uống trà nhưng bà nhất định không chịu. Ông vẫn nói cười, tuy có phần lặng lẽ. Ông 90 tuổi rồi mà. Tôi tự nhủ ông có nhận ra tôi là ai hay không. Tôi muốn hỏi như một lần tôi đã hỏi, lại sợ ông không nhớ ra tôi. Rồi một hôm chúng tôi cùng ông bà đang ngồi nói chuyện với nhau thì anh chị Lê Tất Điều đến. Ông vẫn ngồi yên trên chiếc ghế cũ nhưng khuôn mặt ông rạng rỡ ra. Anh Điều tới gần, ông đứng dậy, hai người ôm chặt lấy nhau. Ánh mắt ông ấm hẳn lên. Ông không nghe được mấy, nhưng ông nói nhiều hơn mọi ngày, giọng nói reo vui. Ông vốn trân quý những người quen, nhất là những tình xưa nghĩa cũ. Hôm đó cũng có mặt nhà văn Ngô Thế Vinh. Anh Vinh đến trễ.
……
Ngự Thuyết