Nho sĩ cuối cùng (Kỳ 2), Denis Warner, Phạm Viêm Phương giới thiệu

Việc Diệm sớm phát hiện ra rằng ông không có ơn kêu gọi làm linh mục không có nghĩa là ông thiếu nhiệt tình tôn giáo. Ngược lại, Diệm thấy Giáo hội quá dễ bị tác động so với ý chí cứng rắn của ông. Anh trai ông là Thục, một người đàn ông hiền lành, mặc dù có suy thoái, và cho đến khi cuộc khủng hoảng Phật giáo nổ ra vào tháng Năm 1963, đã tránh được phần lớn sự thù ghét nhắm vào một số thành viên khác trong gia đình tổng thống, cho rằng Diệm quá nghiêm khắc không hợp với sự chừng mực của Giáo hội, quá cứng nhắc để thực hiện nhiệm vụ của một linh mục giữa những người dân của mình.

Khía cạnh ngoan cố này trong tính cách của ông, việc ông từ chối lời khuyên, phản ánh nền tảng Nho giáo, chứ không phải Công giáo, của ông. Ông luôn đúng. Ông là cha của nhân dân. Ông biết điều gì là tốt cho nhân dân. Chỉ có người cha mới biết, vì nhân dân là toàn bộ mối quan tâm của ông. Vậy thì làm sao ông có thể sai được?

Sau này, khi đã lật đổ Bảo Đại và nắm quyền tổng thống, Diệm đã tự thiết kế một hiệu kỳ. Nó là một mảnh vải vàng hình vuông với một bụi trúc ở giữa. Bên dưới là dòng chữ “Tiết trực tâm hư” [nghĩa đen, lóng thẳng, ruột rỗng, để tả cây trúc; nghĩa bóng là lòng dạ ngay thẳng, không thu vén riêng tư] có nghĩa là “Chính trực và vô tư”, hoặc, như theo tiểu sử chính thức, “Tổng thống sinh ra là người chính trực và không bị vướng vào những thứ của thế gian.”

Hiệu kỳ Tổng thống Ngô Đình Diệm

“Thực tế cơ bản ở Việt Nam, và điều này thường không được hiểu rõ, là hệ thống chính trị của chúng ta trong lịch sử không dựa trên khái niệm quản lý công vụ do người dân hoặc đại diện của họ, mà do một quân vương sáng suốt và một triều đình sáng suốt [cuốn tiểu sử viết]. Hệ thống này hữu hiệu vì các chức vụ công quyền mở cửa cho tất cả mọi người, thông qua sát hạch cạnh tranh. Hệ thống này cũng hữu hiệu vì có một quy tắc đạo lý nghiêm ngặt. Mặc dù trong lịch sử, thỉnh thoảng chúng ta có một vị vua kém cỏi, nhưng nhìn chung, triều đình có ý thức mạnh mẽ về nghĩa vụ công và trách nhiệm đối với người dân.

“Vấn đề đang đối mặt với một người như Tổng thống Ngô Đình Diệm, vốn bám rễ sâu vào các nguyên tắc hành chính truyền thống, nhưng cũng quen thuộc với các hệ thống chính trị Tây phương, do đó là vấn đề đem lại cho Việt Nam một nền tảng đạo lý vững chắc để xây dựng lại một Nhà nước dân chủ lành mạnh và hùng cường,” tiểu sử viết tiếp. “Nghĩ đến hình thức trước khi nghĩ đến thực chất chắc chắn sẽ thất bại. Do đó, mối quan tâm chính của Tổng thống Ngô Đình Diệm là phá hủy các nguồn gây mất tinh thần, dù mạnh đến đâu, trước khi đi vào vấn đề đem lại cho Việt Nam một bộ máy dân chủ theo nghĩa Tây phương của từ này.” [Vì không có được cuốn tiểu sử Ngô Đình Diệm này, vốn có lẽ được in bằng tiếng Việt, nên đoạn dịch trên chỉ dựa theo bản Anh]

Có thứ triết lý của Diệm. Các đại sứ có thể đến rồi đi và nói về nhu cầu cần có những quyền tự do chính trị rộng rãi hơn cho những người không Cộng sản, nhưng Diệm không chấp nhận điều đó. “Nếu chúng ta mở cửa sổ, không chỉ ánh nắng mà nhiều điều xấu cũng sẽ bay vào,” Bà Nhu, cô em dâu can dự vào hoạch định chính sách của ông, từng nói thế. Cửa sổ – và tâm trí của Diệm – vẫn đóng chặt.

“Bạn nghĩ rằng bạn có thể có một sự thấu hiểu tư tưởng với Diệm,” một thành viên trong gia đình ông từng nói. “Tôi nói thẳng với bạn rằng điều đó là bất khả. Đối với một người Tây phương, Diệm không chỉ đến từ một nền văn hóa khác và một bán cầu khác. Ông ấy đến từ một hành tinh khác.”

Được nuôi dưỡng trong bầu không khí Nho giáo của chế độ quan lại, Diệm tận tụy và mãnh liệt, đồng thời có khả năng làm việc chăm chỉ khác thường. Nhớ lại thời thơ ấu, anh em ông kể rằng ánh đèn dầu vẫn sáng trong phòng của ông vào lúc rất khuya khi ông miệt mài với sách vở. Ngay từ hồi đó, ông đã không thích sự sửa sai, chỉ trích, hay lời khuyên. Cha ông thường đánh ông vì thói cứng đầu. Cậu bé trút sự giận dữ với mẹ mình.

Khi đã là tổng thống, Diệm đi ngủ khi không còn thức nổi nữa. Ông thường mang theo một đống công việc, và nếu thức dậy trong đêm, ông sẽ mở một tập hồ sơ và tiếp tục làm việc ở nơi ông đã bỏ dở. Ông làm việc từ 16 đến 18 giờ một ngày. Ông từng thích chụp ảnh, quay phim, và cưỡi ngựa, nhưng không có thời gian cho những thú vui khi làm tổng thống. Sự thư giãn duy nhất của ông, nếu có thể gọi như vậy, là những chuyến đi thực tế định kỳ vào vùng nông thôn. Các đại sứ đi cùng ông trở về trong tình trạng mệt mỏi. Diệm vẫn tiếp tục làm việc. Có lần ông bị ngã từ độ cao bốn hoặc năm mét trên cầu thang của một tàu hải quân Việt Nam. Khi các trợ lý và đại sứ chạy đến giúp đỡ ông, ông gạt họ sang một bên và tiếp tục công việc mà không hề khập khiễng.

Chỉ một tuần sau khi đến Sài Gòn năm 1954, Diệm nhận được tin choáng váng rằng người Pháp đã từ bỏ khoảng 42.000 cây số vuông ở Đồng bằng sông Hồng, trong đó có những thị trấn đồn trú quan trọng ở phía nam Hà Nội cùng với khoảng hai triệu trong dân số từ bảy đến chín triệu sống dưới sự kiểm soát của Pháp. Người Pháp không có giải pháp nào khác. Tuy về mặt quân sự, ít ai nhận thấy sai lầm gì trong việc rút lui, nhưng về phương cách triệt thoái, nhất là thiếu sót trong việc thông báo với giới dân sự đã khiến dân chúng càng thêm khinh bỉ họ. Tại Trại Báo chí (*) ở Hà Nội, sĩ quan thông tin, mới tháng trước, còn khinh thị gọi quân Việt Minh là “les jaunes” (lũ da vàng), cứ như màu da đó có nghĩa là hèn nhát [trong tiếng Anh, yellow (vàng) còn có nghĩa là “hèn nhát”], lúc này đã cẩn thận gọi là “Quân đội nhân dân Việt Nam”.

(*) Trại này (Camp de Presse, xem hình) do tướng Jean de Lattre de Tassigny thành lập năm 1950. Khi chiến cuộc sôi động, số nhà báo giảm xuống. Đầu năm 1953, tài liệu ghi nhận có ba nhà báo Pháp và gia đình sống ở đó. Đầu 1954, khoảng ba mươi nhà báo quốc tế khác trú ngụ trong đó. Ảnh tư liệu.

Các cuộc đàm phán tại chỗ về lệnh ngừng bắn bắt đầu tại Trung Giã [huyện Sóc Sơn, Hà Nội], ngay bên kia phòng tuyến phía bắc của Pháp, vào ngày 4.7.1954. Việt Minh đã làm mọi cách để người Pháp không quên được thực tế của tình hình quân sự. Ba chiếc xe jeep và hai xe vận tải võ khí được gắn tấm biển sơn dòng chữ “Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ – 7.5.54”. Các bức tường của một quán trà liền kề với dãy nhà hội nghị vách tôn và cót tre [mê bồ] được trang trí bằng những chiếc dù Pháp thu được ở Điện Biên Phủ. Những người lính Việt Minh bật lách tách những chiếc bật lửa lấy được của lính Pháp bại trận. Trên tường là những khẩu hiệu đặc trưng của Việt Minh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Đảng Lao Động muôn năm”, và “Cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc và dân chủ muôn năm”.

Đúng 9 giờ sáng, hai phái đoàn vào phòng họp và được các sĩ quan liên lạc giới thiệu. Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, đại diện cho Việt Minh, giơ tay chào Đại tá Marcel Lennuyeux, và có những cuộc trao đổi thân mật giữa các thành viên của cả hai phái đoàn. Trong khi những người nông dân làm việc trên cánh đồng lúa chỉ cách phòng họp vài mét hò hét lũ trâu bò của họ. Tướng Dũng có bài phát biểu khai mạc bằng tiếng Việt. Nó tẩm đầy những lời tuyên truyền về “tám năm chiến tranh cứu quốc” và “sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ông hứa rằng Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để nhanh chóng mang lại việc ngừng bắn và đình chiến, và tái lập hòa bình ở Đông Dương. Khi vị tướng này phát biểu xong, mọi thành viên của phái đoàn Việt Minh đứng dậy và vỗ tay. Đại tá Lennuyeux cảm ơn Tướng Dũng về những phát biểu của ông và nói về việc nghiên cứu một kế hoạch cụ thể nhằm “khắc phục một số vấn đề không vui phát sinh từ chiến tranh”.

Từ Genève, Trần Văn Đỗ, chú của bà Nhu, người sau đó bị cáo buộc, rồi miễn tố, tham gia vào cuộc đảo chính bất thành năm 1960, và lúc này là Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm, đã gửi điện cho Diệm: “Chúng tôi đã chiến đấu tuyệt vọng chống lại sự chia cắt và đòi thành lập một vùng trung lập ở khu vực Công giáo của Bắc Việt. Hoàn toàn không thể vượt qua được sự thù địch của kẻ thù và sự phản bội của những người bạn giả dối. Các thủ tục bất thường đã làm tê liệt hoạt động của phái đoàn chúng tôi. Mọi thỏa thuận đều được họ [Pháp và Việt Minh] ký kết riêng với nhau. Chúng tôi bày tỏ nỗi buồn sâu sắc nhất về sự thất bại hoàn toàn này trong nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi xin trân trọng đệ đơn từ chức.”

Theo chỉ thị của Diệm, phái đoàn Việt Nam đã không ký hiệp định chia đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17, để lại miền Bắc và phần lớn dân số dưới quyền Hồ Chí Minh và miền Nam cho Diệm. Như một biện pháp tạm thời, lực lượng võ trang của cả hai bên sẽ tập hợp lại và chuyển đến khu vực tương ứng của họ ở phía bắc và phía nam vĩ tuyến 17 dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát gồm Ba Lan, Ấn Độ, và Canada. Sau một năm, hai bên sẽ tham vấn về các cuộc bầu cử, để sau một năm nữa, thống nhất đất nước.

Diệm nhận chức thủ tướng với niềm tin rằng phe Cộng sản hẳn có thể đã bị đánh bại nếu người Pháp trao cho Việt Nam độc lập hoàn toàn, hoặc ít nhất là quy chế tự trị. Theo quan điểm của ông, những người đã nhận chức vụ dưới quyền người Pháp do đó đều là những người cộng tác, mặc dù họ có thể chống Cộng, nhưng đã đánh mất quyền được coi là người quốc gia chân chính, xứng đáng được đưa vào chính phủ của ông.

Theo tiêu chuẩn này, ông hầu như không tin cậy ai, bởi vì ngoài một vài người ngoại lệ hầu như tất cả những người có kinh nghiệm công vụ đều có vết hoen ố. Thay vì làm việc cho người Việt, họ đã làm việc cho người Pháp vốn không những đã thua cuộc chiến này mà còn rút ra khỏi Việt Nam tất cả những gì họ có thể rút. Nhiều cánh cửa vốn không đóng lại với ông thì bị chính ông chủ tâm đóng lại.

Sài Gòn là một đầm lầy, một hố phân của tham nhũng và hoạt động phi pháp. Với sự thông đồng chính thức của Pháp, một dòng piastre [đồng bạc Đông Dương] đã đổ ra khỏi Việt Nam và chảy vào Pháp với tỷ giá hối đoái giả tạo. Bất kỳ người Pháp nào có thân nhân ở quê nhà cũng đều có thể tham gia vào việc này bằng cách gửi 25.000 franc mỗi tháng về Pháp. Những con buôn xuất nhập khẩu giả mạo đã tham gia vào mạng lưới này để chuyển “lợi nhuận” của họ về Pháp. Ngân hàng Đông Dương đã cắt giảm phần vốn nắm giữ tại Đông Dương xuống mức tối thiểu nhưng vẫn tiếp tục thu được lợi nhuận lớn, phần lớn trong số đó đến từ Việt Nam.

Cho đến khi ký kết Hiệp định Genève, sự hiện diện của chính quyền Pháp đã mang lại vẻ ngoài trật tự cho tình hình hỗn loạn tiềm tàng ở Nam Việt Nam. Bằng cách kiểm soát nguồn tiền lưu chuyển và ban phát sự bảo trợ, người Pháp nắm được sự trung thành lỏng lẻo trong số các lãnh chúa khác nhau. Cũng giống như một số lực lượng Công giáo ở miền Bắc vốn xây dựng được quân đội riêng của họ và coi sóc mọi việc theo cách của họ, các giáo phái [ở Sài Gòn và Nam Việt] cũng tự điều hành công việc của họ, trong khi ngoài miệng vẫn thừa nhận quyền thống trị của Pháp. Người Pháp là chốt chặn thiết yếu, và như Diệm nhanh chóng nhận ra, ông không phải là giải pháp thay thế có thể chấp nhận được. Nam Việt Nam bắt đầu tan rã.

Các giáo phái vào thời đó là một bộ phận đầy màu sắc và ảnh hưởng phân hóa của bối cảnh. Thường được liệt kê trong số đó, nhưng hoàn toàn không liên quan đến những hoạt động tâm linh, là lực lượng Bình Xuyên vốn trong nhiều năm đã bóc lột hoạt động giao thương trên sông Sài Gòn và lúc này đã mua đứt những nhượng địa từ tay cảnh sát [Pháp] ở Sài Gòn với giá bốn mươi triệu piastres.

Lê Văn Viễn, hay Bảy Viễn, như cách gọi đại chúng dành cho thủ lãnh Bình Xuyên này, đã hợp tác với Nhật trong Thế chiến II, và những binh lính mặc đồ xanh của ông đã nhiều lần tấn công dữ dội vào người Pháp ở Sài Gòn hồi tháng Chín 1945. Điều này mở ra một liên minh với Việt Minh kéo dài trong hai năm nhiều khó chịu. Tuy nhiên, qua việc từ chối ám sát những trí thức Việt Nam bị Việt Minh kết án tử hình, Bảy Viễn đã giành được tình cảm kéo dài ở một số khu vực Sài Gòn, cách xa khu ổ chuột Chợ Lớn và các sòng bạc và nhà thổ đã lấp đầy kho bạc của ông trong một thời gian dài, ông cũng phải chịu sự thù địch của Việt Minh.

Sau một thời gian làm phó chỉ huy lực lượng Việt Minh ở Nam Kỳ, Bảy Viễn đã cắt đứt quan hệ với họ vào năm 1947, khi Mặt trận Thống nhất Quốc gia, một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc hoạt động ở Thượng Hải, cử một trong những thủ lãnh của họ đến liên lạc với những người chống Cộng bất đồng chính kiến ở Việt Nam với mục đích thành lập một liên minh vốn có thể góp phần lật đổ cả người Pháp và Việt Minh.

Người đại diện của Mặt trận này, một luật sư tên là Trần Văn Tuyên, đã tìm đường đến sở chỉ huy của Bảy Viễn, sâu trong rừng rậm ở Gò Công, cách Sài Gòn khoảng 50 km, và sau một tuần thảo luận với thủ lãnh phiến quân này, đã thuyết phục được ông ta gia nhập Mặt trận Thống nhất. Việt Minh mau chóng biết được quyết định này. Vào tháng Năm 1948, họ mời Bảy Viễn đến sở chỉ huy của họ ở Đồng Tháp Mười, nơi mà trong nhiều năm đã là khu an toàn của Cộng sản trong vùng đầm lầy cách Sài Gòn hơn trăm cây số về phía tây, để họp với các ủy ban du kích kháng chiến. Ông đã thận trọng mang theo một đội cận vệ khoảng hai trăm người. Cuộc họp vừa mới “bổ nhiệm” Bảy Viễn làm Khu bộ trưởng Chiến khu 7, một trong ba khu vực Việt Minh ở Nam Kỳ, thì Bình Xuyên biết được rằng một số cận vệ của ông đã bị bắt. Bảy Viễn liền cùng những người còn lại tẩu thoát, gia nhập chính quyền Nam Kỳ do Pháp bảo trợ, và sau đó, khi Bảo Đại tái xuất hiện trên chính trường, ông trở thành đại tá đầu tiên trong quân đội quốc gia Việt Nam.

Tình bạn của ông với Bảo Đại là một liên minh đôi bên cùng hài lòng. Đến năm 1954, Bảy Viễn đã mở rộng quyền kiểm soát của mình để bao gồm cả cảnh sát Sài Gòn và Chợ Lớn, và các nguồn lợi đáng kể của Bình Xuyên đã nhanh chóng mở rộng ra toàn khu vực tệ nạn của thành phố. Đại Thế giới, một khu cờ bạc lớn ở Chợ Lớn, phục vụ cho bất kỳ ai có vài xu trong túi và thu về hàng triệu đồng mà Bảy Viễn chia sẻ với Bảo Đại. Ông ta mua lại Noveautés Catinat [ngay góc Bonard (Lê Lợi) – Catinat (Tự Do), thời VNCH nó là Phòng thông tin đô thành], cửa hàng bách hóa sang trọng nhất thành phố, hai mươi ngôi nhà, cả trăm cửa hàng, một đội ghe lớn trên sông, và mở hoạt động mại dâm phục vụ lính tráng tại khu nhà thổ lớn nhất châu Á, nổi tiếng với những kiểu phòng ngủ khác thường và ly kỳ, như phòng ngủ toàn gương. Cách trụ sở này một quãng ngắn, lò thuốc phiện của ông ta phục vụ cho các ổ hút mà lực lượng cảnh sát của ông đóng cửa về mặt lý thuyết.

Lớn hơn và mạnh hơn nhiều so với Bình Xuyên, nhưng trụ sở của họ thì ở Tây Ninh cách Sài Gòn độ trăm cây số, là Cao Đài. Họ tuyên bố có hơn một triệu tín đồ và quan trọng hơn nữa là việc họ có một đội quân gồm khoảng 25.000 người.

Đức tin của giáo phái này là sự pha trộn của thuyết duy linh, Phật giáo, Đạo giáo, và nhất là Công giáo vốn có hệ thống giáo phẩm được họ mô phỏng ít nhiều trong Tòa thánh của giáo phái. Giáo phái này được thành lập vào năm 1919 bởi một quan chức cấp tỉnh tùng sự tại Phú Quốc, Ngô Văn Chiêu, vốn đã làm quen với thuyết duy linh và do nhàn hạ vì công việc hành chánh không có gì nhiều, ông khởi sự tu đạo. Ít lâu sau ông được chuyển về Sài Gòn. Tại đây, ông ảnh hưởng đến một nhóm bạn, trong đó có Phạm Công Tắc, hộ pháp cầm quyền năm 1954, để giúp ông tiến hành các buổi cầu cơ. Từ đó xuất hiện Cao Đài, nghĩa đen là Tháp cao, hoặc Đấng Tối cao, được thể hiện qua biểu tượng của giáo phái, thiên nhãn, có dạng một con mắt khổng lồ. Cao Đài được người Nhật bảo trợ và đào tạo trong Thế chiến II. Sau một thời gian ngắn quan hệ với Việt Minh sau chiến tranh, họ thỏa hiệp với người Pháp vốn sau đó duy trì và hậu thuẫn quân đội của họ.

Nhóm võ trang quan trọng thứ ba trong khu vực này là giáo phái Hòa Hảo. Hòa Hảo, giống như Cao Đài, có xu hướng chia rẽ và phân hóa thành nhiều nhóm nhỏ: thủ lãnh có võ trang mạnh nhất là của một người mù chữ có ria mép rậm được gọi là Tướng Trần Văn Soái [tục danh Năm Lửa].

Đây là giáo phái sinh sau đẻ muộn nhất trong số tất cả các phe nhóm. Giáo phái được thành lập vào năm 1939, khi người con trai tóc dài, đau ốm một cách bí ẩn của một người nông dân giàu có sống ở một tỉnh gần biên giới Cambodia đang nằm trên giường bệnh. Bên ngoài, một cơn bão dữ dội đang hoành hành. Bên trong, chàng trai trẻ, Huỳnh Phú Sổ, rơi vào tình trạng vốn được các tín đồ sau này mô tả là cơn phấn khích thần kinh theo cường độ của cơn bão. Khi cơn bão lắng xuống, anh ta tái nhợt và run rẩy nhưng đã hoàn toàn khỏi bệnh. Anh ta đến bàn thờ gia đình, phủ phục, và từ lúc đó trở thành một người chữa bệnh dựa vào đức tin và một nhà lãnh đạo tôn giáo có tiếng tăm đáng kể. Anh đặt tên cho giáo phái của mình theo tên của ngôi làng quê hương.

Ông đi khắp Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút hàng ngàn người cải đạo. Ông đặt tay lên người bệnh và người bệnh được chữa khỏi. Người Pháp đưa ông vào dưỡng trí viện, ở đó ông đã cải đạo cho bác sĩ thần kinh người Việt lo việc điều trị cho ông. Trong số những người bạn của ông có Ngô Đình Diệm, người mà ông che giấu khi ông Diệm trốn tránh người Pháp.

 Các lãnh đạo giáo phái, từ trái sang phải: Bảy Viễn (Bình Xuyện), Phạm Công Tắc (Cao Đài) và Năm Lửa (Hòa Hảo)

Phạm Viêm Phương giới thiệu và chuyển ngữ.

*Nho sĩ cuối cùng, Denis Warner, Phạm Viêm Phương giới thiệu