Truyện ngắn Jean Giono: Người Trồng Cây, Nguyễn Văn Thực dịch từ tiếng Pháp

L’homme qui plantait des arbres

Jean Giono, sinh nhằm 30.3.1985, ở thành phố Manosque, vùng Provence-Alpes-Côté d’Azur, và mất 8.10.1970, cũng tại thành phố này, là văn sĩ Pháp.

Đa số tác phẩm của ông dựa trên bối cảnh miền quê Provence. Được truyền cảm hứng bởi trí tưởng tượng của ông và linh kiến của ông về nền văn minh Hy Lạp cổ và Tiểu Á, các tác phẩm mang tính truyền kỳ của ông diễn tả thân phận con người trong thế giới này, khi con người đối diện với những vấn đề đạo đức và siêu hình, và chúng mang tầm vóc phổ quát.

Tiểu phẩm sau đây là một tác phẩm rất nổi tiếng và mang tính đạo đức rất cao.

***

Lời nói đầu

Mahatma/Ngài Gandhi có câu nói nổi tiếng “Bạn hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn thấy trên trái đất này.” Câu nói này có vẻ trừu tượng, thậm chí đầy lý tưởng hoặc không tưởng. Năm 1953, Jean Giono đã biến danh ngôn này thành một cuốn cẩm nang thực hành với tác phẩm Người trồng cây.

Tất cả chúng ta nên đọc đi, đọc lại những trang này để tự thấy rằng những cử chỉ nhỏ nếu được lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác, với lòng kiên nhẫn, chúng có thể thay đổi một góc trái đất, và rằng những cử chỉ của chúng ta, khi kết hợp lại, chúng có thể đổi thay được cả trái đất. Chúng ta không đòi hỏi từ bất cứ ai điều gì. Chẳng cần phải phép tắc gì cả. Chúng ta không cần đợi đến kỳ bầu cử sau, hay đợi phải lật đổ chính phủ cái đã. Ý chí vốn đã được trang bị sẵn cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhận ra được điều ấy giống như Elzéard Bouffier, nhân vật của Jean Giono.

Vì vậy, chúng ta hãy chuyển bản văn đầy tính cách mạng này cho bạn bè của chúng ta, chúng ta cũng hãy thúc đẩy họ thay đổi trái đất hầu những cử chỉ nhỏ và có vẻ vô dụng của chúng ta sẽ được tích lũy lại. Do đó, ngày nay, không gì có thể ngăn cản sự phổ biến những lời của Giono, người đã tuyên bố vào năm 1957:

Tôi từ bỏ tác quyền của mình đối với tất cả các bản sao.

Như thể, Giono đi trước phong trào Creative Commons* gần 50 năm, khi ông tuyên bố:

Truyện ngắn này là một trong những bài văn mà tôi hãnh diện nhất. Nó chẳng mang đến cho tôi một xu và đấy cũng là lý do nó đã hoàn thành cái tâm niệm của tôi khi tôi viết nó.

Chúng ta hy vọng rằng nó sẽ làm tăng thêm sự can đảm cho nhiều người, đàn ông cũng như đàn bà, những người háo hức nghe theo lời Ngài Gandhi, ở đây và bây giờ, mà không cần chờ đợi ông lớn bà lớn nào cả**.

Thierry Crouet,

Tháng 7. 2010

*Creative Commons: Một phong trào khuyến khích sự chia sẻ đồng đều hơn tài sản của thế giới, thành lập năm 2002.

** Nguyên văn: sans plus attendre un homme ou une femme providentiel: không chờ đợi một ông hay một bà quan phòng/kẻ thu xếp cho chúng ta nào. Ý nói các người lãnh đạo.

Chính truyện

Để nhìn ra được những phẩm tính độc đáo nơi một con người, người ta phải có cơ duyên gặp gỡ và quan sát hành động của người ấy trong một thời gian dài. Nếu hành động của người ấy trần trụi mọi ích kỷ, nếu ý tưởng đưa đến hành động này xuất phát từ một tấm lòng quảng đại vô song, hoàn toàn thi ân bất cầu báo, và hơn nữa, hành động này để lại trên trái đất những dấu tích rành rành, có như thế, lúc đó người ta mới chắc chắn là mình đang đứng trước một con người mà ta không thể nào quên được trong đời.

Cách đây khoảng 40 năm, tôi đã làm một chuyến đi bộ dài, trên những vùng đồi núi mà du khách hoàn toàn chưa biết đến, trong một vùng đất rất cổ xưa giữa rặng Alpes, trải dài xuyên qua Provence.

Vùng này bị giới hạn ở phía Nam và Đông Nam bởi trung nguồn của sông Durance, nằm giữa Sisteron và Mirabeau; ở phía Bắc bởi thượng nguồn của sông Drôme, nguồn của sông này chảy tới Die; ở phía Tây bởi bình nguyên Comtat Venaissin và những chân đồi Mont-Ventoux. Vùng này gồm tất cả phần bắc của Basses-Alpes, miền nam Drôme và lỏm đất nhỏ Vaucluse.

Khi đó tôi bắt dầu một cuộc đi bộ dài trong những vùng hoang dã, những trảng đất trơ trụi, chỗ nào cũng như chỗ nấy, ở cao độ khoảng 1200–1300 mét so với mặt biển. Chỉ có cây hoa oải hương dại mọc ở đó.

Tôi đi băng qua xứ này, chỗ chiều ngang rộng nhất và, sau ba ngày đi, tôi đến một nơi hoang vắng không thể nào hoang vắng hơn. Tôi cắm trại cạnh một ngôi nhà chỉ còn sườn nhà trong một ngôi làng mà người dân đã bỏ đi hết. Tôi đã hết sạch nước uống từ đêm hôm trước và giờ tôi phải đi kiếm nước. Những ngôi nhà co rụm, dù đã hoang phế, giống như một tổ ong vò vẽ, làm cho tôi nghĩ là vào thời trước, hẳn phải có một cái bể nước hay một cái giếng. Có một bể nước thật, nhưng khô mất rồi. Năm trong sáu ngôi nhà, tróc mái, gió mưa gặm nhấm, ngôi nhà nguyện nhỏ với tháp chuông đã sụm xuống, thủa xưa đã được dựng lên theo hàng theo lối như những mái nhà, những nhà nguyện của những ngôi làng còn có vẻ sống động, nhưng sự sống đã hoàn toàn biến mất.

Vào một ngày Tháng Sáu đẹp trời nhiều nắng, nhưng trên những thửa đất không có một nơi trú ẩn và cao cao trong nền trời, gió thổi dữ dội kinh khủng. Gió gào rú trong những xác nhà như tiếng rú của loài thú dữ đang ăn mà bị quấy rầy.

Tôi phải nhổ trại. Đã đi được năm giờ, tôi chẳng hề kiếm được và chẳng có dấu hiệu gì cho tôi niềm hi vọng là sẽ kiếm được nước. Nơi nơi đồng khô cỏ cháy, đâu đâu cũng là cỏ thân cứng như gỗ. Tôi thấy dường như đằng xa có một hình bóng nhỏ, thẳng đứng. Tôi cứ ngỡ đó là một thân cây lẻ loi. Tôi cứ đi đại về phía hình bóng ấy. Hóa ra đấy là một người chăn cừu. Khoảng ba chục con cừu đang nằm nghỉ ngơi trên mặt đất nóng, cạnh ông ta.

Ông đưa bầu nước mời tôi uống và, một lúc sau, ông dẫn tôi đến chuồng chiên của ông, nằm trong một dãy đồi nhấp nhô. Ông kéo nước trong mát vô cùng lên từ một hố nước tự nhiên, rất sâu, mà phía trên ông đã gắn một trục quay nước thô sơ.

Người đàn ông rất ít nói. Kẻ sống một mình thì vốn như thế, nhưng nơi ông người ta thấy điều này thật rõ ràng, không lầm vào đâu được. Trong cái xứ trơ trọi này mà ông lại như thế, thì đúng là chuyện lạ. Ông ta không sống trong chòi lụp xụp, nhưng trong một cái nhà đàng hoàng xây bằng đá, mà người ta có thể thấy là ông đã tự mình vá víu, sửa chữa từ một ngôi nhà hoang phế để ở khi ông đến đây. Ngôi nhà chắc chắn, chắn được mưa. Gió lùa trên mái ngói tạo ra tiếng sóng biển xô bờ.

Trong nhà gọn gàng đâu vô đó, bát đĩa đã được rửa, khoảnh sân đã được quét dọn, súng đã được bôi nhớt; nồi xúp đang sôi liu riu trên bếp. Tôi để ý thấy rằng ông ta râu vừa mới cạo, khuy áo được đính một cách chắc chắn, quần áo của ông được vá lại một cách tỉ mỉ đến nỗi khó mà thấy được đường chỉ vá.

Ông chia xúp cho tôi và, khi tôi mời ông thuốc, ông nói ông không hút thuốc. Con chó của ông, lặng lẽ như ông, và ân cần, nhưng không quá vồn vã.

Ông nghe tôi nói mà không ngắt lời là tôi sẽ ngủ qua đêm nơi khác; ngôi làng gần nhất cũng phải đi một ngày rưỡi mới tới. Và, hơn nữa, tôi biết rất rõ tính chất của những ngôi làng hiếm hoi trong vùng này. Có bốn hay năm làng nằm rải rác cách nhau trên những sườn đồi, trong những cụm rừng cây dẽ thân trắng nằm tận mút những con đường mà xe bò, xe ngựa có thể qua lại. Những người tiều phu sống ở đó để đốt than. Đấy là những nơi người ta sống khổ sống sở. Những gia đình sống co cụm trong một nơi mà khí hậu thật khắc nghiệt, hạ cũng như đông, làm cho cái tính ích kỷ nhà ai nấy ở càng tăng thêm. Họ tham lam quá độ vì họ ngày đêm ước sao thoát khỏi nơi này.

Đàn ông chở than ra chợ bán bằng xe vận tải, rồi trở lại. Lòng dù có sắt son đến mấy cũng phải rạn vỡ dưới khí hậu trường cữu nóng lạnh thất thường này. Đàn bà con gái cứ tầm ngẫm tầm ngầm ghét nhau. Bọn họ cứ tranh nhau mọi thứ, tranh bán than cho tới tranh băng ghế trong nhà thờ, đàn bà tranh nhau chuyện đức hạnh, đàn ông tranh nhau làm bậy, tranh nhau cả nhân đức lẫn nết xấu, lộn tùng phèo, không ngừng. Và trên kia, gió cũng không hề ngừng khích thích thần kinh. Có những trận dịch tự sát, nhiều trường hợp điên loạn gần như luôn luôn dẫn tới chuyện giết người.

Người chăn cừu, vốn không hút thuốc, đi tìm một cái túi nhỏ và đổ ra trên bàn một đống hạt. Ông ta bắt đầu chăm chú xem xét từng hạt một, nhặt hạt tốt, bỏ hạt xấu. Tôi ngồi hút ống vố. Tôi nói là tôi muốn giúp ông. Ông nói rằng đây là một việc ông phải tự làm lấy. Thực vậy: Thấy ông cẩn trọng như thế, tôi không muốn nài nỉ thêm. Chúng tôi nói với nhau chỉ được mấy câu như thế. Khi ông đã nhặt ra một bên một đống đủ lớn, ông ta đếm từng chụm mười hạt. Vừa làm như thế, ông vừa loại những hạt nhỏ và những hạt có vết nứt, dù nứt thật nhỏ, bởi vì ông đưa chúng tận mắt mà xem xét. Khi ông đã có được trước mắt ông một trăm hạt tuyệt hảo, lúc đó ông mới ngừng và chúng tôi đi ngủ.

Ở bên ông lòng tôi cảm thấy bình yên. Ngày hôm sau tôi xin phép ông cho tôi được nghỉ ngơi nguyên ngày tại nhà ông. Ông thấy điều đó là chuyện tự nhiên, hay, chính xác hơn, ông cho tôi cái cảm tưởng là không gì có thể quấy rầy được ông. Tôi chẳng cần phải nghỉ ngơi gì cả, nhưng tôi ngẫm nghĩ là mình nên tìm hiểu ông ta để biết ông ta rõ hơn. Ông lùa đàn cừu ra khỏi chuồng và dẫn chúng đến đồng cỏ. Trước khi đi, ông đã ngâm nước cái bị dựng những hạt cây giống mà ông đã cẩn thận lựa chọn và đếm kỹ.

Tôi để ý thấy rằng thay vì gậy chăn cừu, ông lại mang theo mình một thanh sắt đường kính bằng đường kính ngón tay cái và dài khoảng một mét năm mươi. Tôi cứ lai rai khi đi khi nghỉ như một người đi ngoạn cảnh và tôi đi theo một con đường song song với đường ông đi. Đồng cỏ nằm trong đáy một lũng núi dài. Ông ta để cho con chó coi chừng đàn cừu nhỏ và trèo lên một nơi có tôi đang đứng. Tôi cứ sợ ông ta sẽ trách tôi, khi thấy tôi chường mặt ra, nhưng không: đó là con đường ông hay đi và ông mời tôi đi theo ông nếu tôi không có gì để làm. Ông đi lên chỗ cao cách đó hai trăm mét.

Tới nơi mà ông ta định đến, ông bắt đầu thọc xuống đất cái thanh sắt dài nói trên, tạo nên một cái lỗ mà trong đó ông gieo một hạt giống, rồi ông lấp lỗ lại. Ông gieo những hạt dẻ. Tôi hỏi ông liệu đất đai này có phải là của ông. Ông trả lời là không. Ông có biết ai sở hữu đất này không? Ông không biết. Ông cho rằng đất này là công thổ, hoặc có thể, chúng là đất của những kẻ bây giờ không còn muốn đoái hoài gì đến? Ông chẳng bận tâm tìm hiểu ai là sở hữu chủ. Ông gieo như thế một trăm hạt với một sự chăm chú hết mực. Tôi nghĩ tôi đã rất thành tâm khi tôi đặt những câu hỏi vì tôi thấy ông vui vẻ trả lời cho tôi. Ông trồng cây trong vùng đất hoang vắng này đã ba năm rồi. Ông đã gieo được một trăm ngàn hạt, và trong một trăm ngàn hạt này, đã mọc lên hai mươi ngàn cây. Trong hai mươi ngàn cây này, ông tính là mất đi một nửa, vì những loài gặm nhấm, hoặc bởi cái gì đó không thể đoán trước được trong ý định của Chúa Quan Phòng, còn lại mười ngàn cây dẻ mọc lên được và sẽ lớn lên trong vùng đất mà trước đây chẳng có giống gì sinh sôi nẩy nở.

Vào lúc này tôi mới để ý tới tuổi của người đàn ông này. Có thể thấy ông ta trên năm mươi tuổi. Năm mươi lăm, ông ta cho biết. Ông tên là Elzéard Bouffier. Ông có một trang trại dưới đồng bằng. Ông đã sống một cuộc đời ông như bao người khác. Đứa con trai duy nhất mất, rồi vợ ông cũng qua đời. Ông lùi về miền hoang vắng, ở đó ông sống khoan thai nhàn nhã, với cừu và chó. Ông thấy ra rằng vùng đất này sẽ trở thành đất chết vì thiếu cây cối, và thấy rằng mình chẳng bận bịu quá chuyện áo cơm, ông đã quyết định chữa lành cái tình trạng đất đai như thế của vùng này.

Lúc này dù đang còn trẻ, tôi đã cất bước vào một cuộc hành trình như thế này, và cũng là bước vào một cuộc sống thầm lặng, nên tôi biết cách chạm, một cách tế nhị, vào những tâm hồn của những con người yêu sự thầm lặng. Tuy nhiên trước đây, tôi đã sai lầm. Cái tuổi trẻ của tôi, rõ ràng nó đã thúc đẩy tôi mơ về một tương lai mà trong đó tôi chỉ biết lo cho tôi, và thúc dục tôi đi kiếm và đạt cho được một cuộc sống sung sướng trên đời, cách này hay cách khác. Tôi nói với ông rằng, trong ba mươi năm nữa, mười ngàn cây dẻ này sẽ trở nên huy hoàng lộng lẫy. Ông trả lời tôi một cách đơn sơ là trong ba mươi năm, nếu Chúa còn cho ông mượn đỡ sự sống, thì dám là ông cũng sẽ trồng thêm nhiều cây khác nữa, mà mười ngàn cây bây giờ chỉ là giọt nước trong biển cả.

Ngoài ra ông đã nghiên cứu chuyện trồng lại cây sồi và ông có một vườn ươm những cây sồi giống. Những cây sồi giống này, mà ông phải bảo vệ bằng một hàng rào vì sợ cừu ăn mất, chúng thật đẹp. Ông cũng nghĩ tới chuyện trồng những cây du ở trong những lũng thấp vì ở đó có nước râm rấp khoảng vài mét dưới mặt đất.

Năm sau đó, xảy ra Thế Chiến thứ nhất, mà tôi phải đi lính trong năm năm. Là một người lính bộ binh tôi không còn hơi sức nào mà nghĩ đến cây với cối. Thật sự mà nói, cái giống ấy chẳng ăn nhập gì đến tôi nữa: Tôi đã coi đấy như một trò tiêu khiển, như một bộ sưu tập tem, và quên tuốt.

Thoát khỏi chiến tranh, tôi đứng đầu trong danh sách của một nhóm lính nhỏ được giải ngũ và tôi khát khao được hít thở không khí trong lành. Chẳng định trước – ngoại trừ cái ý tưởng vừa kể – mà tôi lại lên đường đi đến những vùng đất hoang năm xưa tôi đã đến.

Xứ sở không thay đổi. Dẫu sao đi nữa, tôi cũng nhận ra xa xa, phía bên kia ngôi làng hoang tàn, một loại sương mù màu xám, như một tấm thảm, phủ lấy những ngọn đồi cao. Từ đêm hôm trước, tôi đã bắt đầu lại nghĩ tới người mục tử trồng cây năm ấy. “Mười ngàn cây dẻ, ” tôi tự nghĩ, ”hẳn là phải chiếm một vùng đất rộng lớn.”

Trong năm năm, tôi đã thấy nhiều người chết, thì chuyện ông Elzéar Bouffier đã chết cũng không phải là chuyện không thể, cũng như, khi người ta vào lứa tuổi mười tám đôi mươi, người ta cứ coi những người năm mươi tuổi là những người già soạn sửa về với tổ tiên ông bà. Ông ấy nào có chết. Ông còn mạnh khoẻ như cây còn mướt xanh màu lá. Ông ta đã đổi nghề. Ông sở hữu chỉ dăm ba con cừu, nhưng trái lại, ông có hàng trăm thùng nuôi ong. Ông đã bỏ nuôi cừu vì cừu sẽ gây tổn hại cho những khu cây ông trồng. Và vì, ông nói với tôi (và tôi cũng biết), ông chẳng phải lo lắng gì về chuyện chiến tranh, ông cứ tiếp tục trồng cây mà không ai động chạm gì đến ông.

Những cây trồng năm 1910 tới giờ đã mười năm và đã cao hơn ông ta và tôi. Cảnh tượng làm lòng tôi xôn xao. Tôi cứng cả lưỡi, theo nghĩa đen và, vì ông không thể nói, chúng tôi suốt ngày đi lững thững trong rừng không ai nói với ai lấy một lời. Khu rừng chia làm ba vạt, dài mười một ki-lô-mét và chỗ rộng nhất là ba ki-lô-mét. Khi người ta nhớ lại rằng tất cả đều từ bàn tay và tâm hồn của người đàn ông này – không có phương tiện kỹ thuật – người ta hiểu ra được rằng con người cũng tạo có khả năng tạo dựng một cách hiệu quả như Chúa trong một số lãnh vực, chứ không phải chỉ biết phá hoại mà thôi.

Ông đã theo đuổi ý tưởng của ông, và những cây sồi giờ đã cao tới ngang vai tôi, trải ra ngút ngàn hút mắt, đang làm chứng điều đó. Những cây sồi lá xanh kín và đã qua cái tuổi mà chúng phải trao thân gởi phận cho loài gậm nhấm, còn ý của Đấng Quan Phòng ư, Ngài mà muốn phá đi tác phẩm đã được ông tạo dựng này, hẳn Ngài phải kêu cứu đến cuồng phong. Ông chỉ cho tôi những cụm rừng cây du trồng cách đây năm năm, có nghĩa là năm 1915, vào cái thời tôi đang còn chiến đấu ở Verdun. Ông đã trồng chúng trong những trũng núi mà ông nghi, mà nghi đúng, là có nước xâm xấp không xa dưới mặt đất. Chúng mềm mại như dáng đứng những thanh niên nam nữ mới lớn mà lại rất cương quyết.

 Vật được sáng tạo, nó có cái vẻ cứ tuần tự mà vận hành, chẳng ưu tư gì cả; cứ kiên trì theo đuổi mục đích của nó, không rắc rối khúc mắc. Nhưng trong khi tôi đi xuống lại làng, tôi thấy có nước chảy dưới những con suối mà từ ngày xửa ngày xưa đã khô cạn. Công trình ông thực hiện đã tạo nên hiệu ứng đang đập vào mắt tôi. Những con suối này ngày xưa, thiên cổ ngày xưa, đã mang trong lòng mình những dòng nước. Vài ngôi làng buồn hiu mà tôi đã nói nơi đầu bài đã được xây dựng trên nền móng của những làng gôloa (1)-rôma còn lưu lại những phế tích, mà ở đó đã người ta đã đào bới được những lưỡi câu ở những địa phương, nơi mà vào thế kỷ hai mươi, người ta phải chạy đến tận những bồn nước để kiếm một ít nước.

Gió cũng rải xuống đây một số hạt giống các loại. Cùng lúc dòng nước tái xuất hiện, thì cũng lại hiện ra những cây liễu, cây mây, những đồng cỏ, vườn tược, hoa và lẽ sống làm người nào đó cũng vừa tượng hình.

Nhưng sự thay da đổi thịt vận hành chậm rãi  đến nỗi nó đi vào trong nhịp sống thường ngày mà không làm nên con sóng ngỡ ngàng nào. Những người thợ săn leo lên núi vắng để săn thỏ, săn heo rừng đã nhận ra ngàn ngàn cây nhỏ đang ngày càng xum xuê, nhưng họ cũng nhận ra rằng cây cối xum xuê này mọc trên những vùng đất trước kia là những vùng đất còi trọc.  Cho nên chẳng ai dám rớ tới tác phẩm của người đàn ông này. Nếu họ nghi ngờ thiện ý của ông, hẳn họ đã ngăn cản ông. Không ai có thể nghi ngờ ông. Ai trong những thôn làng và trong chính quyền, mà có thể tưởng tượng ra, có một người kiên trì đến như thế, kiên trì với một sự xả thân sáng rực như mặt trời trên cao?

Từ năm 1920 trở đi, không có năm nào mà tôi không đến thăm Elzéard Bouffier. Tôi chưa bao giờ thấy ông nhụt chí, hay mất niềm tin vào việc mình làm. Ngày cả chính Chúa trên cao chỉ có mình Chúa mới biết Chúa cũng có lúc phải sa vào tình trạng nhụt chí và mất niềm tin! (2)  Tôi không thấy ông hối tiếc gì. Người ta trong khi đó có thể nghĩ rằng, để được thành công như thế, hẳn ông ta cũng đã gặp phải những chướng ngại; rằng, để nắm trong tay phần thắng nhờ đam mê đến như thế, hẳn ông cũng phải đấu tranh hết mình. Ông đã, trong một năm, trồng được mười ngàn cây phong. Chúng nó chết hết trơn. Một năm sau, ông bỏ cây phong mà trồng cây sồi, loại cây này mọc tươi tốt còn hơn cây dẻ.

Để có một ý tưởng gần như thật chính xác về con người này, chớ có quên rằng, ông ta hành sự hoàn toàn một thân một mình; đến nỗi, vào cuối đời ông mất đi tập quán nói. Hay, có thể, ông chẳng thấy cần thiết?

Năm 1933, ông gặp một viên kiểm lâm, ông này phải sững sốt. Viên chức này ra lệnh ông không đốt lửa bên ngoài, sợ sẽ gây nguy hiểm cho sự phát triển của cánh rừng tự nhiên này. Đây là lần đầu tiên, viên chức này nói, người ta thấy một cánh sừng tự nhiên hoàn toàn tự mọc như thế. Vào lúc này, ông đi trồng cây sồi ở một nơi cách nhà ông mười hai ki-lô-mét. Để khỏi phải đi tới đi lui – vì ông đã bảy mươi hai tuổi – ông tính xây một cái chòi bằng đá ngay nơi những cánh rừng cây ông trồng. Và ông đã ông thực hiện điều này năm sau đó.

Năm 1935, một phái đoàn chính thức của chính quyền đến xem xét “cánh rừng tự nhiên”. Phái đoàn gồm một nhân vật quan trọng của bộ thủy lợi và lâm nghiệp, một ông phó đoàn, và những chuyên viên lâm nghiệp khác. Các vị này chỉ là những thùng rỗng kêu to. Các ngài ra nghị quyết sẽ phải làm cái chi đó, rồi cũng chẳng làm gì cả, ngoại trừ một điều có ích: đặt khu rừng dưới sự bảo vệ của Nhà Nước và cấm người ta đến đó mà đốn cây làm than. Bởi vì người ta không thể không mê vẻ đẹp của hàng hàng cây trẻ trung, tràn trề sức sống này. Và cánh rừng quyến rũ được cả chính viên phó phái đoàn.

Tôi có một anh bạn trong những xếp lâm nghiệp thuộc phái đoàn. Tôi cho anh ta biết điều bí ẩn về khu rừng. Một ngày vào một tuần sau đó, cả hai chúng tôi đến tìm Elzéard Bouffier. Chúng tôi tìm được ông lúc đó đang làm việc, hai mươi ki-lô-mét, cách nơi mà phái đoàn đến thanh tra lần trước.

Anh xếp lâm nghiệp này không phải vì vô cớ mà tôi nhận làm bạn. Ông nhận ra giá trị của sự việc. Ông ta biết giữ im lặng. Tôi đưa cho ông ta mấy quả trứng tôi đang mang theo mình. Chúng tôi chia đồ ăn bữa lỡ ra ba phần và trải qua vài giờ thinh lặng ngắm cảnh.

Phía, mà từ đó chúng tôi đến, đã được bao phủ bởi ngàn ngàn cây cao cả sáu bảy mét. Tôi nhớ lại cảnh trí của nơi này vào năm 1913: một vùng đồi trọc… Làm việc đều đặn trong an bình, không khí kích thích sức sống, sống đạm bạc và nhất là giữ cho hồn mình luôn được trong sáng, tất cả đã cho ông cái vẻ cường tráng đượm uy nghi. Đây là một lực sĩ của Chúa. Tôi tự hỏi không biết ông còn phủ cây trên bao nhiêu héc-ta nữa.

Trước khi giã từ, anh bạn tôi chỉ có một cái đề nghị nhỏ là nên trồng một vài giống cây có vẻ hợp thủy thổ ở đây. Nhưng anh ta không khăng khăng là phải làm như thế. “Chỉ vì đơn giản là, người đàn ông tốt bụng này biết còn nhiều hơn tôi.” Đi được một giờ – ý tưởng nảy sinh trong lòng trên đường đi – anh ta nói thêm: “Ông ta biết nhiều hơn tất cả mọi người. Ông đã tìm được một cách thức tuyệt vời để tạo ra hạnh phúc cho chính mình.”

Nhờ ông quan kiểm lâm này, không những cánh rừng, mà còn cuộc đời hạnh phúc của người trồng rừng này sẽ được bảo vệ. Ông xếp kiểm lâm cắt đặt ba nhân viên kiểm lâm làm công tác bảo vệ, và bằng cách nào đó, đã làm cho ba anh kiểm lâm này khiếp sợ đến nỗi ba chàng không dám rớ tới những vò rượu chát mà mấy gã đốt than kính biểu.  

Công trình đụng phải một chuyện rủi ro khá trầm trọng trong thời kỳ xảy ra Thế chiến thứ hai, chính xác là vào năm 1939. Xe cộ hồi đó buộc phải chạy bằng than, củi than không bao nhiêu cho xuể. Người ta bắt đầu đốn cây dẻ trồng từ năm 1910, nhưng những khu cây dẻ này may thay nằm xa hệ thống đường sá đến nỗi công việc này trở nên khó khăn, xét về mặt lời lỗ. Thế là người ta bỏ đi chuyện khai thác gỗ này. Ông ta lúc đó đang ở cách xa đó ba mươi ki-lô-mét, không biết đến Thế chiến thứ nhất, năm 1914, lẫn Thế chiến thứ hai, năm 1939.

Tôi tới thăm Elzéard Bouffier lần cuối cùng vào Tháng Sáu, 1945. Lúc này ông đã tám mươi tuổi. Tôi lại đi theo con đường chạy theo những đồi trọc ngày xưa, bây giờ, mặc dù những cái bỏ bê do chiến tranh tạo ra, vẫn còn đó, nhưng vẫn có một chiếc xe chạy phục vụ dân chúng trên tuyến đường giữa thung lũng nằm trong lưu vực sông Durance và miền núi. Tôi nhận ra là phương tiện di chuyển tương đối nhanh này làm tôi không còn nhận ra những nơi mà tôi đã từng đi ngoạn cảnh năm xưa: Có vẻ như chuyến xe này đang đưa tôi qua những vùng đất mới. Tôi cần biết một cái tên của làng nào đó để khẳng định là tôi đang ở trong một vùng mà ngày xưa là vùng hoang phế. Chiếc xe thả tôi xuống ở Vergons.

Trong năm 1913, ngôi làng này có mươi cái nhà và có ba người ở đó. Ba đứa này là bọn mọi rợ, chẳng ưa gì nhau và sống bằng nghề bẫy thú: bọn họ, thể lý cũng như luân lý, hạ xuống gần như mức của người tiền sử. Cây tầm ma nuốt dần nơi họ sống; những căn nhà bị bỏ hoang. Không cách chi sống được nữa. Họ chỉ chờ chết: với tình cảnh như thế thì người ta khó có thể mà sống tốt. Thay vì những cơn gió giật khô khốc và khắc nghiệt đón tiếp tôi ngày xưa, bây giờ là làn gió mơn man đẫm hương. Tiếng gì nghe như tiếng nước chảy từ trên cao xuống: đấy là tiếng gió trong những vạt rừng. Cuối cùng có điều còn ngạc nhiên hơn, đó là tiếng nước chảy vào bồn. Hoá ra người ta đã làm một bể nước, bể đang đầy nước và, điều làm tôi cảm động nhất đó là người ta đã trồng cạnh bể nước một cây đoạn dám là đã bốn năm năm, lá đã xum xuê lắm, biểu tượng không thể chối cãi được của sự sống lại.

Rồi nữa, Vergons đang mang dấu vết của một công trình mà trong đó sự hi vọng vào một ngày mai tươi đẹp là một yếu tố cần thiết. Niềm hy vọng ấy như thế đã trở lại. Người ta đã quét dọn xà bần, đập những bức tường hư hại xuống và xây lại năm ngôi nhà. Xóm nhỏ đã có hai mươi tám dân cư, trong đó có bốn cặp vợ chồng trẻ. Bốn ngôi nhà mới, với tường vữa mới trát, có vườn rau bao quanh, ở đấy, mọc chung mà có hàng lối, cải và hoa, bắp xu và hoa hồng, tỏi tây và hoa lay-ơn, rau cần tây và hoa hải quỳ. Kể từ đó, đây là một nơi mà người ta thèm muốn định cư.

Từ nơi ấy, tôi đi bộ. Cuộc chiến mà chúng tôi vừa thoát ra chưa cho phép cuộc sống nở hoa sung mãn, nhưng ông Lazare/Ladarô (3) đã ra khỏi mồ. Trên những sườn đồi thâm thấp tôi thấy những khoảnh nương trồng lúa mạch và những miếng rẫy trồng lúa mạch đen đang xanh non; ở dưới đáy những lũng núi là những cánh đồng cỏ xanh mướt.

Chỉ mới có tám năm chúng tôi xa nhau, mà bây giờ xứ này đã rạng rỡ sự sống và tràn trề sự thoải mái. Trên nơi mà, năm 1913, tôi chỉ thấy toàn hoang phế, bây giờ vươn lên những trang trại sạch sẽ, tường quét vôi kỹ càng, tất cả bày ra một cuộc sống hạnh phúc và tiện nghi. Những nguồn nước cũ, được bồi dưỡng bởi nước mưa và nước tan từ tuyết mà những vạt rừng mới đã giữ lại được, lại bất đầu tuôn nước. Người ta khai mương dẫn nước. Cạnh mỗi trang trại, trong những chòm cây phong, những bồn nước nhận nước từ những bể chứa nước, chảy tràn khỏi mép hồ và thấm đẫm những vạt bạc hà tươi rói. Làng xóm từ từ xây nhà xây cửa. Một số dân từ miền đồng bằng, mà ở đó đất đai mắc mỏ, đã đến lập nghiệp trong vùng này, mang theo tuổi trẻ, sự vươn tới và tinh thần mạo hiểm. Người ta gặp trên đường những người đàn ông, những người đàn bà no đủ, những cậu con trai, những cô con gái tươi cười và kéo nhau đến dự lễ hội đồng quê tưởng đã mất hẳn. Dân số những người cố cựu ở đây thì khó mà biết cho chính xác vì họ sống âm thầm và dân mới đến làm ăn, hơn mười ngàn người, mắc nợ ông Elzéard Bouffier cuộc sống an cư lạc nghiệp mà họ nay có được.

Khi tôi suy nghĩ về một người, sức khoẻ và tinh thần có giới hạn, đã có đủ nghị lực mà làm trỗi dậy từ vùng đất sỏi đá cằn cỗi này, một dải đất như dải đất Canaan (4), tôi hiểu ra rằng, bất kể gì đi nữa, nhân tố con người vẫn là đáng nể nhất.

Nhưng khi tôi xem xét tới tất cả những những đặc tính mà ông ta có, từ sự kiên trì nằm trong một tâm hồn cao muôn trượng tới sự làm việc không ngơi nghỉ vì lượng cả bao dung thúc đẩy để đạt được kết quả này, tôi hết sức khâm phục ông nhà quê già cả, không học hành này, người đã hoàn thành được một tác phẩm như thế, một sự sáng tạo tiếp nối xứng đáng với công trình sáng tạo nguyên thuỷ của Chúa. (5)

Elzéard Bouffier giã từ cõi đời trong bình an năm 1947 tại viện dưỡng lão Banon.  

Lời bạt

Giono viết truyện ngắn này năm 1953 theo lời yêu cầu của tạp chí Mỹ The Reader’s Digest, tạp chí này đã đăng truyện này trong mục ”Nhân vật ngoại hạng mà tôi gặp”. Năm 1957, Giono gởi một lá thư cho một trong những độc giả của ông, Viên chức bảo tồn Sông Nước và Rừng của Digne/Conservateur des Eaux et Forêts de Digne, Ông Valdeyron:

Kính thưa Ông,

Thật buồn khi tôi phải làm cho ông thất vọng, nhưng Elzéard Bouffier là một nhân vật tôi hư cấu ra. Mục đích là làm cho người ta thích cây cối hay đúng hơn, là thích trồng cây cối. Và nếu xét về thành quả thì thấy truyện ngắn này, nhờ nhân vật tưởng tượng trong truyện, đã đạt được mục đích của nó. Bản văn mà Ông đọc trong Trees and Life/Cây và Đời sống thi đã được dịch ra tiếng Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ Điển, Na Uy, Anh, Đức, Nga, Tiệp Khắc, Hung, Tây Ban Nha, Ý, phương ngữ Do Thái hải ngoại Yiddish, Ba Lan. Tôi đã miễn tác quyền cho những bản dịch này. Gần đây nhất một người Mỹ đã xin phép tôi in 100 000 bản để phân phát miễn phí ở Mỹ. (Tôi chấp nhận lời thỉnh cầu này.) Đại học Zagreb cho dịch ra tiếng Nam Tư. Truyện ngắn này là một trong những bài văn mà tôi hãnh diện nhất. Nó chẳng mang đến cho tôi một xu và đấy cũng là lý do nó đã hoàn thành cái tâm niệm của tôi khi tôi viết nó.

     Tôi những muốn được gặp Ông, nếu Ông thấy tiện, để cặn kẽ nói với Ông về sự sử dụng vào thực tiễn bài văn này. Tôi nghĩ là đã đến lúc người ta cần đưa ra một “đường hướng chính trị về cây cối” dù rằng chữ đường hướng chính trị có vẻ đao to búa lớn quá.

Thân ái,

Jean Giono.

————-

Chú thích

 (1) Gaulois: để gọi người Pháp đời xưa.

(2) Nguyên văn: Et pourtant, Dieu sait si Dieu même y pousse.

(3) Lazare/Lazarus/Ladarô đã chết, đã được chôn trong mồ và Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho sống lại. (Gioan 11:1-45)

(4) Vùng đất được nói đến trong Kinh Thánh Cựu Ước, nay là đất Israel/Do Thái

(5) Nguyên văn: «Je suis pris d’un immense respect pour ce vieux paysan sans culture qui a su mener à bien cette œuvre digne de Dieu.»

(6) Một số cây, hoa trong truyện: