Thơ Anna Akhmatova (1889-1966): Hai ta sẽ không uống từ một cốc, Ngân Xuyên chuyển ngữ

Chân dung Anna Akhmatova năm 1922, họa sĩ Kuzma Petrov-Vodkin

Hai ta sẽ không uống từ cùng một cốc

Dẫu rượu ngọt hay là nước trong

Sẽ không hôn nhau buổi sáng mai thức giấc

Và chiều hôm không cùng bên cửa sổ vời trông

Anh thở mặt trời, em thở mặt trăng

Nhưng có một tình yêu ta cùng sống.

Em luôn có bên mình người bạn chung thuỷ, lành hiền

Anh có bên mình cô bạn vui vẻ hồn nhiên.

Nhưng nỗi sợ trong đôi mắt xám em hiểu.

Và anh đã gây ra cơn bệnh trong em.

Ta tránh không gặp nhau dù là ngắn ngủi.

Như thế mới giữ cho ta được bình yên.

Chỉ giọng nói anh vang trong thơ em

Và trong thơ anh có nhịp hơi em thở

Ôi có đống lửa mà nỗi sợ và sự lãng quên

Không thể nào chạm vào được đó.

Giá anh biết bây giờ em yêu đến độ 

Muốn đôi môi hồng khô ráp của anh!

Thu 1913

***

Не будем пить из одного стакана
Ни воду мы, ни сладкое вино,

Не поцелуемся мы утром рано,

А ввечеру не поглядим в окно.

Ты дышишь солнцем, я дышу луною,

Но живы мы любовию одною.

Со мной всегда мой верный, нежный друг,
С тобой твоя веселая подруга.

Но мне понятен серых глаз испуг,

И ты виновник моего недуга.

Коротких мы не учащаем встреч.

Так наш покой нам суждено беречь.

Лишь голос твой поет в моих стихах,
В твоих стихах мое дыханье веет.

О, есть костер, которого не смеет

Коснуться ни забвение, ни страх.

И если б знал ты, как сейчас мне любы

Твои сухие, розовые губы!

Осень 1913 г.

Bài thơ “Hai ta sẽ không uống từ cùng một cốc” của Anna Andreevna Akhmatova viết tặng người bạn, dịch giả và ông chủ xuất bản Mikhail Leonidovich Lozinsky. Ông là một dịch giả lớn, đã dịch sang tiếng Nga tác phẩm của các tác giả vĩ đại nhất thế giới – Shakespeare và Kipling, Cervantes và Lope De Vega, Dante và Gabriele D’Annunzio, Molière và Voltaire, Hugo và Mérimée. Đối với từng nhà văn, từng tác phẩm ông đều cố gắng tìm ra một cách tiếp cận riêng. Ngoài ra, Lozinsky còn viết thơ, mặc dù chúng không được phổ biến như các bản dịch của ông.

Anna Akhmatova gặp Mikhail Lozinsky năm 1911 trong một cuộc họp của nhóm “Xưởng các nhà thơ”. Mối liên lạc của họ tiếp tục cho đến khi ông qua đời vào năm 1955. Akhmatova gọi Lozinsky là một người đàn ông tuyệt vời, cao quý, có phẩm chất hóm hỉnh tao nhã, biết cách chung thủy với tình bạn. Anna Andreevna cũng đánh giá cao phẩm chất chuyên nghiệp của Mikhail Leonidovich. Theo bà, “trong nhiệm vụ khó khăn và cao cả của dịch thuật”, ông ấy đối với thế kỷ XX giống như Zhukovsky đối với thế kỷ XIX. Những bài thơ gửi Lozinsky có thể thấy trong các tác phẩm của Akhmatova viết từ 1913 đến 1940. 

A.Akhmatova viết bài này năm 1913 và đưa in trong tuyển tập “Chuỗi tràng hạt”. Nữ thi sĩ lúc này 24 tuổi, đã kết hôn, nuôi một cậu con trai và đã là tác giả của một tập thơ đầu tay. Nói chung, Lozinsky đã nhiều lần trở thành người nhận thơ của bà, và bản thân ông cũng có những bài thơ tặng cho bà. Ít lâu sau, ông đã giúp bà xuất bản tập thơ thứ hai, trong đó có bài thơ này. 

“Hai ta sẽ không uống từ cùng một cốc” là tác phẩm nói về một mối tình bi thương. Hai nhân vật trong đó là những người quá khác nhau để ở cùng nhau. Nữ nhân vật trữ tình ở đây là chính tác giả, bà thú nhận mình thở bằng mặt trăng. Người yêu của bà thì thở bằng mặt trời. Đó là sự khác biệt tính cách và tính khí. Cuộc sống cá nhân của họ đã bị định sẵn như thế. Bà có chồng là “một người bạn thủy chung, lành hiền”. Ông có vợ là “một cô bạn vui vẻ”. Giữa họ chỉ có thể diễn ra những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi bí mật. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu họ gặp nhau thường xuyên hơn, bởi vì trong hoàn cảnh hiện tại của họ cuộc sống đã bình lặng hơn rất nhiều. Thế nhưng tình yêu của họ lại nảy nở tự do trong không gian sáng tạo. “Có một tình yêu ta cùng sống” là nói tình yêu văn chương của hai người. Trong các tác phẩm trữ tình của nữ nhân vật có vang vọng giọng của ông. Như đã nói trên, Akhmatova có một số bài thơ dành tặng Lozinsky. Nhân vật đàn ông trong bài thơ “Hai ta sẽ không uống từ cùng một cốc” là một người có làm thơ. Trong thơ ông có hơi thở của nữ nhân vật. Ở đây cũng có sự giao cắt với các sự kiện có thật. Ai cũng biết là Lozinsky có gửi một số bài thơ cho Akhmatova. Hóa ra không gian sáng tạo là không gian duy nhất cho hai nhân vật có thể hoàn toàn tự do, không phải che giấu cảm xúc của mình, không phải giữ kín. Đồng thời, sự dâng hiến của họ cho nhau vượt qua thời gian, nỗi sợ hãi và sự lãng quên.

Uống từ cùng một cốc là một điều mê tín phổ biến. Người ta tin rằng bằng cách này có thể biết được những suy nghĩ thầm kín và ý định thực sự của nhau. Cuối cùng, đó là cử chỉ tượng trưng cho sự tin tưởng hoàn toàn, sự gần gũi đặc biệt. Vì lý do này, chỉ những người yêu nhau và vợ chồng mới được phép uống theo cách đó. “Không phải nước”: ở đây không có ý ngầm văn bản. “Không phải rượu”: một ý nghĩa thân thiết hơn. “Sáng sớm và chiều tối”: tức là không cùng chung sống. “Nỗi sợ trong đôi mắt xám”: vô tình chạm mắt nhau, họ đọc được trong ánh mắt nhau câu chuyện về tình cảm thầm kín. Đó là một bí mật chung của hai người. Những cuộc gặp chỉ trong nhóm bạn bè đọc thơ cho nhau nghe. Khác đi sẽ làm lộ ra điều muốn giấu. Hai người không ai muốn điều đó. Bà cảm nhận được ngầm ý trong những bài thơ của ông, ông cũng nhìn ra ngầm ý trong những bài thơ của bà. “Em yêu”: dù câu thơ nồng nàn đam mê nhưng nữ thi sĩ vẫn muốn thú nhận những tình cảm ấm áp, lòng biết ơn thiện cảm của ông, sự im lặng cao quý của ông để giữ cho bà được yên ổn. Tình bạn của họ kéo dài nhiều năm, cho đến khi M. Lozinsky qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo ập đến với ông khi còn trẻ.

Sự bất khả của tình yêu và sự biết ơn một trái tim nồng nhiệt – đó là chủ đề chính trong bài thơ “Hai ta sẽ không uống từ cùng một cốc” của A. Akhmatova.

Ngân Xuyên 

(dịch thơ và lời phân tích từ tiếng Nga)