Nguyên Việt: Sự thao túng tín ngưỡng: Phật giáo trong cuộc khủng hoảng đạo đức xã hội

Dưới ánh sáng của sự thật, xã hội Việt Nam hiện đại đang chứng kiến sự suy thoái đạo đức chưa từng có. Những giá trị truyền thống đã từng là nền tảng vững chắc cho đời sống văn hóa và tinh thần của dân tộc dường như đang lu mờ. Từ trên đỉnh cao quyền lực cho đến những tầng lớp thấp nhất của xã hội, hiện tượng mua bán danh vọng, chạy theo quyền lực và vật chất trở nên phổ biến. Sự thật này không phải là một vấn nạn mới, nhưng tầm mức của nó đã trở thành thách thức lớn lao cho toàn bộ nền tảng đạo đức xã hội Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Phật giáo – một trong những cột trụ luân lý của dân tộc Việt – đang bị bóp nghẹt và thao túng bởi những thế lực chính trị. Từ sau năm 1975, với sự can thiệp cứng rắn của nhà nước mà phần nào do tác động từ các thế lực ngoại bang, Phật giáo không còn vận hành tự do như một tôn giáo thuần túy, mà đã bị biến thành công cụ phục vụ cho các lợi ích chính trị. Hiện tượng xây dựng các cơ sở vật chất lớn lao như chùa chiền khổng lồ hay tượng đài cao ngất chỉ là lớp vỏ bề ngoài, che giấu những toan tính sâu xa của sự kiểm soát và điều khiển. Nhưng tất nhiên, thuật ngữ “Phật giáo” từ đây là nhằm nói đến bản thể của một tôn giáo truyền thừa mạng mạch truyền thống và những gì liên hệ với bản thể này, chứ hoàn toàn không phải là những cơ sở, đoàn thể Phật giáo – xã hội chủ nghĩa dưới thời cộng sản Việt Nam hiện nay.

Bề ngoài, nhà nước dường như hỗ trợ Phật giáo bằng việc xây dựng và phát triển các cơ sở tôn giáo. Thực chất, đó là một hình thức thao túng tinh vi. Việc kiểm soát các cơ sở tôn giáo chẳng phải chỉ để duy trì an ninh xã hội, mà còn nhằm kiểm soát tinh thần của người dân, biến tôn giáo thành một phần trong chiến lược chính trị lớn hơn. Sự “hỗ trợ” này là một hình thức cầm cố, khiến cho Phật giáo mất đi tính tự chủ, không còn giữ được vai trò của mình như một hệ thống luân lý độc lập và mạnh mẽ, dẫn dắt con người đến với sự thanh tịnh và giác ngộ.

Những ngôi chùa được xây dựng rất “hoành tráng”, thường kết hợp với hình thức “du lịch tâm linh” ở Việt Nam. Từ trái sang: chùa Tam Chúc, Hà Nam (ảnh: Báo Thanh Tra); Chùa Bái Đính, Ninh Bình; chùa Ba Vàng, Quảng Ninh (ảnh: Báo Thanh Niên).

Một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất của việc thao túng Phật giáo chính là sự suy thoái đạo đức trong xã hội. Khi tôn giáo – vốn là nơi con người tìm đến để tìm sự an lạc và hướng thiện – bị kiểm soát bởi những lợi ích chính trị, xã hội sẽ mất đi một nguồn lực quan trọng để xây dựng lại nền tảng đạo đức. Những giá trị như từ bi, hỷ xả và lòng yêu thương lẫn nhau – vốn là cốt lõi của giáo lý Phật giáo – không còn được truyền tải một cách đúng nghĩa và hiệu quả đến con người.

Phật giáo không phải là sự vĩ đại của những bức tượng cao lớn hay những ngôi chùa tráng lệ, mà chính là tinh thần từ bi và trí tuệ mà tôn giáo này mang lại cho con người. Sự thịnh vượng thực sự của một quốc gia không được đo bằng số lượng công trình vật chất mà đo bằng mức độ an lạc của người dân và sự phát triển ổn định lâu dài của xã hội. Khi người dân được sống trong sự thanh tịnh của tâm hồn, không bị xâu xé bởi những tham vọng ích kỷ, xã hội sẽ trở nên thịnh vượng từ gốc rễ. Đó mới là giá trị thực sự của Phật giáo, chứ không phải những hình thức rực rỡ bề ngoài.

Hẳn nhiên người ta chỉ chú mục vào sự can thiệp của ngoại bang, đặc biệt là từ Trung Cộng ở việc kiểm soát chính trị, quốc phòng và kinh tế, nhưng thực ra không dừng ở đó, nó còn sâu rộng vào lĩnh vực văn hóa và tôn giáo. Việc làm suy yếu Phật giáo Việt Nam không đơn thuần là một hành động nhất thời, mà là một chiến lược có tính toán nhằm thao túng tâm thức của cả một dân tộc. Khi nền tảng đạo đức của Phật giáo bị triệt hạ, con người sẽ trở nên mất phương hướng, dễ bị dẫn dắt bởi những giá trị vật chất phù phiếm thay vì những giá trị tinh thần cao quý. Đây là kế sách thâm độc, không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn có tác động lâu dài đến tương lai của dân tộc.

Chính phủ, dưới áp lực của các thế lực ngoại bang, đã biến tôn giáo thành một công cụ chính trị, thay vì để tôn giáo thực sự phục vụ cho nhu cầu tâm linh của người dân. Sự kiểm soát này không chỉ khiến cho Phật giáo và nhiều tôn giáo khác lâu đời tại Việt Nam mất đi tự do tín ngưỡng, mà còn làm cho người dân mất nơi nương tựa tinh thần trong những thời khắc khó khăn. Điều này càng làm cho sự suy thoái đạo đức trong xã hội trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo đã từng là nguồn sáng dẫn đường cho dân tộc Việt Nam trong những giai đoạn đen tối nhất. Từ thời kỳ của Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông cho đến những bậc Chân tăng, Phật tử đã hy sinh thân mình vì đạo, Phật giáo luôn là ngọn hải đăng dẫn dắt con người vượt qua mọi thử thách. Sức mạnh của Phật giáo không nằm ở những biểu hiện bên ngoài, mà nằm ở sự thức tỉnh của từng cá nhân, sự tu tập tinh tấn của từng con người.

Nhìn lại giai đoạn trước năm 1975, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã có những đóng góp to lớn vào nền văn hóa và tư tưởng dân tộc. Các cơ sở giáo dục như hệ thống trường Bồ Đề, Đại học Vạn Hạnh, và nhiều tổ chức từ thiện xã hội khác dưới sự bảo trợ của giáo hội đã trở thành những trụ cột trong việc nuôi dưỡng tri thức và phát triển tinh thần của người dân Việt Nam. Những trường học này không chỉ dạy kiến thức mà còn truyền bá các giá trị nhân văn, đạo đức, tạo nên một thế hệ trẻ có tinh thần yêu nước, yêu thương đồng bào và sống vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, sau năm 1975, với sự thay đổi thể chế chính trị, các cơ sở này đã bị tiếm đoạt, giải thể và triệt hạ một cách không khoan nhượng. Sự mất mát này không chỉ là sự xóa bỏ những công trình vật chất, mà còn là sự đứt đoạn của một dòng chảy văn hóa, giáo dục và tư tưởng đã gắn bó sâu sắc với dân tộc. Những giá trị mà GHPGVNTN từng gieo mầm trong lòng người dân Việt Nam dần dần bị thay thế bởi những lý thuyết chính trị ngoại lai, không phù hợp với truyền thống văn hóa và đạo đức của dân tộc.

Nhìn rộng ra, sự suy thoái đạo đức trong xã hội hiện nay chẳng phải chỉ do thao túng tôn giáo và kiểm soát chính trị, mà còn là hậu quả của việc mua bán quyền lực, mua quan bán tước từ thượng tầng lãnh đạo cho đến hạ tầng cơ sở phổ thông học đường, hay thấp hơn nữa. Tình trạng này đã từ lâu lan tràn cả nước, thâm nhập sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội Việt Nam và không dừng lại ở một tầng lớp nào, nó diễn ra trong mọi thành phần người Việt, từ quan chức cấp cao đến người dân thường. Sự mua bán danh vọng này đã tạo thành một “chợ đen” mà ở đó có cung có cầu, nơi mà quyền lực, vị trí xã hội và thậm chí tôn giáo cũng không ngoại lệ. Đây không phải là những vấn đề hời hợt mà chúng ta có thể nhìn từ bề ngoài, mà là những hiện tượng đang ăn sâu vào bản chất của xã hội, phá vỡ các giá trị đạo đức cơ bản nhất.

Bấy giờ, chúng ta phải nhìn nhận rằng, sự thịnh vượng và phát triển của một xã hội chẳng thể tách rời khỏi những giá trị đạo đức mà tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, mang lại. Khi Phật giáo bị thao túng, khi các giá trị đạo đức bị coi nhẹ, xã hội sẽ nhanh chóng rơi vào sự hỗn loạn. Do đó, để tái thiết lại nền tảng đạo đức của dân tộc, chúng ta cần trả lại tự do tín ngưỡng cho mọi tôn giáo, trong đó có Phật giáo và khôi phục lại vai trò cốt lõi của tôn giáo này trong việc định hướng luân lý cho xã hội.

Việc phục hồi Phật giáo không chỉ là trả lại các cơ sở vật chất mà còn là trả lại quyền tự chủ để phục vụ cho mục đích cao cả của mình: mang lại sự an lạc và giác ngộ cho con người. Để làm được điều này, cần có sự nỗ lực của những người theo đạo và sự thức tỉnh của toàn thể xã hội. Chỉ khi Phật giáo được giải phóng khỏi những ràng buộc chính trị, khi được tự do lan tỏa tinh thần từ bi và trí tuệ, thì xã hội mới có thể thực sự phát triển bền vững.

Nhìn chung, để tái thiết lại nền tảng đạo đức của dân tộc, chúng ta cần phải nhìn sâu vào vấn đề gốc rễ. Sự thao túng từ bên ngoài và sự kiểm soát của nhà nước chỉ là những biểu hiện bề ngoài của một vấn đề lớn hơn: sự mất cân bằng giữa các giá trị vật chất và tinh thần trong xã hội. Chỉ khi chúng ta nhận thức rõ ràng về vai trò của tôn giáo, của đạo đức trong việc xây dựng một xã hội công bằng và hạnh phúc, chúng ta mới có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.

Phật giáo là nền tảng luân lý đã ăn sâu vào tâm hồn của dân tộc Việt Nam từ hàng nghìn năm qua. Đây không chỉ là một tôn giáo, mà còn là một phần của văn hóa, của tinh thần Việt Nam. Việc bảo vệ và phục hồi Phật giáo không phải là nhiệm vụ của một cá nhân hay một nhóm nhỏ, mà là trách nhiệm của toàn thể dân tộc. Bởi vì khi Phật giáo được bảo tồn và phát triển, toàn bộ xã hội sẽ được thăng hoa, và chúng ta sẽ có thể vượt qua những thách thức của thời đại để xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái và bền vững.

Nguyên Việt 

https://uyennguyen.net

Ngày 22 tháng Mười, 2024

*Một vài vụ tai tiếng của giới chức sắc Phật giáo được biết đến rộng rãi gần đây:

Đại đức Thích Trúc Thái Minh – trụ trì chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh – bị kỷ luật do liên quan đến vụ việc trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật”. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
Đại đức Thích Nhuận Đức (thuộc Tổ đình Hộ Pháp, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bị cấm thuyết giảng không thời hạn, dưới mọi hình thức, vì có những video thuyết giảng bị cho là phản cảm và vì xúc phạm bà con Khmer. Ảnh: Báo Kinh Tế
Thượng tọa Thích Chân Quang bị thu hồi tất cả bằng cấp 3 bổ túc văn hóa, bằng Cử nhân, Tiến sĩ vì đã sử dụng bằng cấp 3 không hợp pháp – Ảnh: Thiền tôn Phật Quang