Nguyễn Dương: Nói trước công chúng

Hình minh họa: ICSA

Tôi đã nhiều lần “bị” hỏi từ năm 1997 rằng tôi là một trong hai vị đầu tiên người Mỹ gốc Việt lên chức “Full bird” * mà không ở lại thêm để bắt một sao. Nhưng theo Tôn Tử “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” nên tôi đành ra khỏi quân đội Hoa Kỳ vì muốn thành công trên đường đời phải có những điều kiện sau đây:

  1. Phải có một tướng mạo bắt mắt dễ nhìn để làm người ta chú ý như cao lớn mạnh mẽ  hay xinh xắn. (như Tổng Thống Charles De Gaulle bên Pháp hay gần đây Tổng Trưởng Quốc phòng Hoa kỳ L.A**).
  1.  Phải có một tài năng (intrinsic value nói theo kiểu stocks): lẽ dĩ nhiên một kẻ với một IQ thấp idiocy thì không thể nào nói hấp dẫn người khác được.(như Thủ Tướng W. Churchill với bài “Our Finest Hour” khi nghe tin Pháp bị Đức Quốc Xã xâm chiếm, hay như danh hào M. L. King với bài “I Have A Dream”).
  2. Thông thạo ngôn ngữ hiểu biết văn hoá (như hiểu biết các slang- tiếng lóng-) và các đòi hỏi thầm kín của quần chúng (nhất là tùy theo nhóm thính giả). (như Tổng Thống J. F. Kennedy “Ask Not What Your Country Do For You”).
  1. Quen biết rộng rãi (như trường hợp Hoàng Đế Napoléon được giới thiệu làm quen với  nàng courtesan Josephine).

Nhưng theo tôi thì muốn thành công trong trường đời thì phải “sine qua non” là phải có tài nói trước công chúng.

Viết tới đây tôi nhớ lần đầu tiên tôi nói trước công chúng là khi mới tập tễnh vào đời sinh viên. Tôi nhớ mãi khi mới bước vào Đại học, tôi được làm quen với một nhóm sinh viên  (PG Cổn, ĐQ Cường, NM Diễm, BN Tô). Khi đó lớp Dự bị Y khoa (APM) muốn chọn đại diện cho lớp thì nhóm bạn trên xúi dục tôi ra tranh cử. Ngây thơ tôi chấp nhận. Lớp APM cần chọn 3 đại diện trong đó có tôi là một trong năm sinh viên ra ứng cử.

Tôi phải sửa soạn bài diễn văn để đọc trước hơn 200 sinh viên lớp APM. Đó là một chuyện đáng sợ cho tôi vì khi ở Trung học nói trước công chúng với kinh nghiệm nghèo nàn của tôi chỉ là trả bài học thuộc lòng trước các giáo sư. Nhất là khi tôi ở lớp nhất Tiểu học tôi bị một cô giáo thực dân ‘sadique’ (thô bạo) lấy làm thú vị khi được tát các học sinh phạm một lỗi lầm bé nhỏ. Tôi còn nhớ bà ta bắt các học sinh phạm lỗi (hay không thuộc bài) đứng hàng dọc đi tới bà ta  để lãnh “gifles” (tát)! Lên Trung học cũng không khá gì mấy, mấy ông giáo sư Tây (Lycée Chasseloup Laubat về sau đổi thành Lycée Jean Jacques Rousseau) bắt các học sinh lên trả bài đứng trước lớp “reciter” (đọc thuộc lòng) bài học dưới cặp mắt cú vọ của họ. Nhất là họ nắm quyền sinh sát đánh rớt học sinh không thuộc bài dễ như chơi (rớt Tú tài là phải đi lính thời đó). Thành ra vụ nói trước công chúng là một mối đe dọa chứ không là một thú vị mong ước để có kinh nghiệm. Chả bù với các học sinh hiện nay: các cháu tôi đã được thực tập nói trước công chúng ngay từ hồi học sinh như tranh luận với các học sinh cùng trường hay cả nước Mỹ/Thế giới như họp debate ở THIMUN (The Hague International Model United Nations) tại The Hague, Hoà Lan.

Lẽ dĩ nhiên là tôi phải thực tập nói đít cua (discours/bài phát biểu) trước nhóm bạn nhỏ kể trên, và cũng lẽ dĩ nhiên tụi nó vỗ tay đồng ý khen hay (tụi nó cũng đâu có kinh nghiệm nói trước công chúng hơn tôi gì đâu!). Hiện nay các chính trị gia có thể thụ huấn học tập với những lớp chuyên môn như hội Toastmasters International để trau dồi nói trước công chúng.

Nhóm tôi ngồi ở hàng cuối lớp một giảng đường to lớn chứa được hơn 200 vị. Cái đó cũng là một điềm sợ hãi cho tôi vì ở Trung/Tiểu học phòng các lớp lớn nhất thông thường cũng chỉ có 40 ghế ngồi học sinh mà thôi. Đương nhiên tôi bị “khớp”, nhưng đã theo lao phải phóng theo lao, tôi phải tiếp tục gồng mình chịu trận. Hai ứng cử viên trước tôi đã lên sân khấu và đọc diễn văn. Tôi có nghe họ nói nhưng thật sự các lời nói của họ đi vào tai trái và ra tai phải ngay tức thì, tôi chả hiểu họ nói gì cả vì tôi quá sợ, luôn luôn trong đầu óc tôi lẩm bẩm bài diễn văn của tôi. Trái tim tôi đập lô tô phập phồng lo sợ.

Khi ban tổ chức đọc tên tôi lên sân khấu, tôi đứng dậy và bước xuống thềm như là một máy robot nào có biết chung quanh gì đâu. Các sinh viên vỗ tay nhưng tôi chả có cảm hứng gì hết, mặt tôi như là một cái mặt nạ cứng ngắc giả tạo. Tôi nhả lời diễn văn máy móc như tôi trả bài trong lớp Trung học, nhưng có cái khác là tôi không phải khoanh tay trả bài. Tôi nói nhanh như chớp mong cho nó kết thúc sớm không như các danh hào chậm rãi nói trước quần chúng như tôi về sau được biết. Rồi cũng xong bài diễn văn, cả lớp vỗ tay khi tôi rời khỏi sân khấu. Tôi vừa đi vừa giơ hai cánh tay như chữ V thành công.

Kết quả là tôi được chọn đứng thứ tư tức là tôi đã thất cử: một kỷ niệm đắng cay của lần  đầu tiên nói trước quần chúng! Sau đó nhóm bạn tôi, Đ.Q. Cường và một cô bạn gái sinh viên Văn khoa, cùng P.G. Cổn và N.M. Diễm đèo nhau lên Thủ đức “ăn mừng” thất cử.

Nhưng theo tôi xét lại những điều kiện trên để thành công dù có đủ cũng không bằng nếu không có “số hên” (“at the right time and the right place”). Hình như Napoléon cũng đã tuyên bố là “Give me generals but give me lucky generals”. Và ngược lại Socrates, một nhà hiền triết Hy lạp xưa kia, nổi tiếng về tranh luận hùng hồn nhưng cũng không tránh được bị cưỡng bức chết.

Nguyễn Dương

       ———————

*Slang trong quân đội Hoa kỳ ”full bird” là chức Đại tá vì lon Đại tá có hình con diều hâu.

** Chuyện bên lề: khi tôi là Trung tá Phó Trưởng Khoá Chỉ huy và Tham mưu Cao Cấp năm 1989 tại Fort Leavenworth, Kansas, có một lần Thiếu tá L.A. lên gặp tôi. Vì lớp quá đông (độ 1200 sĩ quan cấp tá Quân đội Hoa kỳ và của các nước bạn Hoa kỳ) nào tôi đâu biết ai là ai, tôi hỏi “Who are you?”. L. A. chào tôi và xưng danh họ cấp như trong hệ thống quân giai đòi hỏi. Về sau Thiếu tá L.A. lên tới chức Đại tướng và sau đó làm Tổng trưởng Quốc phòng, nếu tôi mà có dịp được gặp ông ta trong một trường hợp ngẫu nhiên thì ông ta sẽ hỏi lại ngược tôi “Who are  you?”