Trương Nhân Tuấn: 49 năm ngày hải chiến Hoàng Sa – bàn về chủ quyền Hoàng Sa
Nhân 49 năm ngày hải chiến Hoàng Sa 17/19 tháng Giêng 1974, thử bàn về chủ quyền Hoàng Sa qua nguyên tắc “ex injuria jus non oritur”.
Trong luật có nguyên tắc: “ex injuria jus non oritur”. Đại khái có thể hiểu là “lẽ phải không phát sinh từ một hành vi bá đạo”.
Áp dụng trong thực tế, các bằng chứng đến từ một cuộc tra khảo (phạm nhân) thì không có giá trị.
Áp dụng trong luật quốc tế, một quốc gia không thể yêu sách chủ quyền tại một vùng lãnh thổ chiếm hữu bằng vũ lực.
Ta có thể nhắc trường hợp Tưởng Giới Thạnh qua lập trường của ông này về các vùng lãnh thổ Mãn Châu và các đảo Đài loan, Bành hồ. Hội nghị Cairo 1943, họ Tưởng đặt điều kiện với TT Roosevelt của Mỹ và Thủ tướng Churchill của Anh, để Trung hoa tuyên bố chiến tranh với Nhật, là các vùng lãnh thổ Mãn Châu, Đài loan và Bành hồ phải trả lại cho Trung hoa. Tuyên bố Cairo 1943 ghi nguyện văn lý lẽ của Tưởng Giới Thạch: “all the territories Japan has stolen from the Chinese, such as Manchuria, Formosa, and the Pescadores, shall be restored to the Republic of China – tất cả những lãnh thổ mà Nhật đã cướp của Trung hoa, như Mãn châu, Đài loan và quần đảo Bành Hồ, phải trả lại cho Trung hoa”.
Trên thực tế thì Đài loan là nhượng địa vĩnh viễn của nhà Thanh cho Nhật, qua Hiệp ước Shimonoseki 1895.
Tưởng Giới Thạch áp dụng nguyên tắc “ex injuria jus non oritur”, Nhật “ăn cướp” lãnh thổ của Trung Hoa, do đó Nhật không có chủ quyền trên các lãnh thổ Mãn Châu, Đài loan và Bành hồ.
Ngoài ra Tưởng Giới Thạch còn sử dụng lập luận luật học: “người ta có thể lấy lại một vật thuộc sở hữu của mình đã bị người khác cướp đi, bất kể thời gian là bao lâu. Nhưng người ta không thể lấy lại vật đó, mà chỉ có thể mua lại hay chuộc lại, nếu quyền sở hữu của vật đó được chuyển nhượng một cách hợp pháp”.
Nguyên tắc “ex injuria jus non oritur” áp dụng cho trường hợp quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền ở các lãnh thổ này, đơn giản vì Trung Quốc đã chiếm chúng bằng vũ lực. Theo nguyên tắc này không quốc gia nào nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa.
Bằng chứng, các công hàm của các quốc gia Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức… gởi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, thông qua Văn phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc trong năm 2020, tất cả đều thể hiện lập trường chung “không có ý kiến” về quốc gia nào (Việt Nam hay Trung Quốc) có chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.
Ngoại trừ nước Úc thẳng thừng cho biết họ không ủng hộ lập luận Trung Quốc có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
Ta có thể giải thích lập trường “không có ý kiến” của các quốc gia, thay vì nhìn nhận Hoàng Sa (và Trường Sa) thuộc chủ quyền của Việt Nam, qua nhiều lý do.
Thời Pháp thuộc cho đến khi Việt Nam độc lập 1955, đại đa số các quốc gia trong phe “Đồng minh” thắng trận Thế chiến II nhìn nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Pháp. Sau khi Pháp trả độc lập cho Việt Nam, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa được chuyển sang Quốc gia Việt Nam, sau đó sang Việt Nam Cộng Hòa.
Đến năm 1975, CS Bắc Việt chiến thắng Việt Nam Cộng Hòa. Lý ra chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa sẽ chuyển từ Việt Nam Cộng Hòa sang Chính Phủ Lâm thời Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, sau đó sáp nhập vào Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trở ngại của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong việc “kế thừa” lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa từ Việt Nam Cộng hòa vẫn là do nguyên tắc “ex injuria jus non oritur”.
CS miền Bắc, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, luôn có lập trường coi Việt Nam Cộng hòa là “ngụy”. “Ngụy” tức là giả, là “chính quyền tay sai”.
Nguyên tắc “ex injuria jus non oritur” áp dụng trên quan điểm của “bên thắng cuộc”, mọi hành vi phát sinh từ ngụy Việt Nam Cộng hòa đều không có giá trị pháp lý.
Vì vậy mới có học giả Pháp, Giáo sư Công pháp quốc tế, bà Joële Duy Tan Nguyen, đặt vấn đề cho CSVN: làm thế nào Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể kế thừa di sản Việt Nam Cộng hòa khi Hà nội luôn xem Việt Nam Cộng hòa là “ngụy” ?
Lập trường “không có ý kiến” của các quốc gia Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật v.v… về việc quốc gia nào có chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa vì vậy ta có thể hiểu được.
Ngay cả trường hợp Pháp, quốc gia bảo hộ VN, là quốc gia đã bàn giao Hoàng Sa và Trường Sa lại cho Việt Nam Cộng hòa. Pháp không có ý kiến về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là vì sau 1976, Cộng hòa XHCN Việt Nam đã tuyên bố không kế thừa di sản Việt Nam Cộng hòa. Mọi cam kết giữa Việt Nam và Pháp xem như “caduc”, vô giá trị.
Ngoài ra còn do lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phần phía Bắc của Việt Nam nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc (từ thời nhà Tống).
Tức là, nguyên tắc “ex injuria jus non oritur” thay vì áp dụng cho Trung Quốc, vì đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực – không nước nào nhìn nhận Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Thì nguyên tắc này lại áp dụng cho Việt Nam.
Cộng hòa XHCN Việt Nam không thể tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa do kế thừa từ Việt Nam Cộng hòa. Người ta không thể kế thừa một di sản đến từ một thực thể “ngụy”, tức là giả, không có tư cách pháp nhân.
Học giả Việt Nam có người nại lý do Chính Phủ Lâm thời Mặt trận Giải Phóng Miền Nam “kế thừa” lãnh thổ từ Việt Nam Cộng hòa. Sau đó lãnh thổ này sáp nhập vào Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi thống nhứt đất nước năm 1976.
Trở ngại của lập luận này là luật có nguyên tắc “cái phụ tùy thuộc vào cái chính”. Trong chiến tranh Việt Nam mọi người đều biết Mặt trận Giải Phóng Miền Nam là một công cụ của Cộng sản miền Bắc lập ra để thôn tính miền Nam. Nhân sự Mặt trận Giải Phóng Miền Nam đều là đảng viên của đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy Mặt trận Giải Phóng Miền Nam là “phụ”, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “chính”. Cái phụ phải tùy thuộc vào cái chính. Lập trường về lãnh thổ là lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tức lập trường của cái “chính”, chớ không phải của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam.
Ngoài ra còn có các bằng chứng từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhìn nhận chủ quyền của Trung quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa (như công hàm 1958, các bài báo trên Nhân dân, các bản đồ, sách giáo khoa… do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ấn hành, trong đó nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc).
Tình hình lý ra còn có thể gỡ. Thí dụ sau khi thống nhứt, Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên bố (hay ra luật) về hòa giải quốc gia, nhìn nhận tính chính danh của thực thể Việt Nam Cộng hòa, là “một bên” của Việt Nam. Các tập lịch sử được viết lại, trong đó xóa bỏ chữ “ngụy”. Sau đó tuyên bố kế thừa di sản Việt Nam Cộng hòa. Thì may ra Việt Nam hôm nay có thể lên tiếng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa và việc này có thể sẽ được cộng đồng thế giới ủng hộ.
Nhưng không, đến nay Cộng sản Việt Nam vẫn giữ lập trường xem Việt Nam Cộng hòa cũ là “ngụy”, là “tay sai”… Những tập sử mới xuất bản của Việt Nam vẫn còn y nguyên những từ “ngụy”, “quân xâm lược”, “lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ”…
Vấn đề Hoàng Sa thì họ tìm cách đổ thừa do Việt Nam Cộng hòa làm mất, hoặc do Mỹ ngăn cản Việt Nam Cộng hòa chiếm lại Hoàng Sa.
Học giả Việt Nam, cũng như đảng viên Cộng sản Việt Nam, ra sức bảo vệ bộ mặt của đảng, thay vì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Họ cố gắng “lập thuyết” cho rằng mất Hoàng Sa là do Việt Nam Cộng hòa. Nếu không là do Mỹ (ngăn cản).
Vấn đề vẫn là nguyên tắc “ex injuria jus non oritur”. Ngay cả khi Việt Nam Cộng hòa (hay do Mỹ) “làm mất” Hoàng Sa, khi áp dụng nguyên tắc này thì Trung Quốc vẫn không khẳng định được chủ quyền của họ ở Hoàng Sa (và Trường Sa).
Tức là Việt Nam vẫn “có cửa”, nếu một ngày nào đó vấn đề Hoàng Sa được đưa ra phân giải tại một tòa án quốc tế.
Nhưng công hàm 1958 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại đóng mọi cửa pháp lý của Việt Nam, về Hoàng Sa và Trường Sa, vì Việt Nam đã phạm “estoppel”, nếu nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vẫn không làm thủ tục kế thừa danh nghĩa Việt Nam Cộng hòa.
Vì vậy kẻ thù làm mất Hoàng Sa (và Trường Sa) của Việt Nam là người Cộng sản Việt Nam chớ không phải do Mỹ hay do Trung Quốc.
Trương Nhân Tuấn