Thái Hạo: Chị Hoài Phương – Con gái, bảo mẫu, người tri kỷ, “cảnh vệ” của nhà văn Nguyên Ngọc đã ra đi*
Con gái của nhà văn Nguyên Ngọc, chị Nguyễn Thị Hoài Phương vừa qua đời ở tuổi 50, vì bạo bệnh. Thương chị và lo lắng cho ông, khi tuổi cao sức yếu, giờ chỉ còn một mình trong ngôi nhà trống trải, khi vợ và người con gái duy nhất đều đã ra đi.
Nhà văn Kim Cúc viết về Hoài Phương: “Khi thi vào chuyên toán Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Hoài Phương đã được 22 trên 20 điểm vì bài giải của cháu còn hay hơn đáp án. Cô học trò ưu tú của Giáo sư Hoàng Tụy khi trở về quê cha đã tự tìm niềm vui trong việc chăm chút hoa kiểng, rau trái. Mấy lần chúng tôi về Hội An, cháu đều khoe những chậu hoa treo quanh nhà, khoe những kiến thức về cây cỏ mà mình có được.
Năm 2014, dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm chiếm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hoài Phương cũng tham gia và bị bắt. Khi được lọc ra và thả về trước, cháu đã từ chối, ở lại cùng đám đông cho đến khi được thả cùng nhau.
Anh Nguyên Ngọc đã nói về con gái: “Nó bướng bằng cả tôi và bà Tâm cộng lại”.
Tháng 9 vừa rồi tôi ghé Hội An thăm bác Nguyên Ngọc, đi cùng là vài người bạn thân. Chị Phương hỏi kỹ trước khi cho chúng tôi vào, tôi nói là đã có hẹn với bác trước rồi. Đó cũng là lần đầu tôi gặp chị, dù đã từng đến ngôi nhà này và trò chuyện cùng người cha yêu quý của chị. Chúng tôi vào phòng khách một lát thì bác Nguyên Ngọc từ nhà trong chậm chạp đi ra cùng với bộ khung đỡ hình chữ u. Tôi liền tiến đến để chào và đỡ bác. Ngay lúc ấy chợt nghe một câu nói vang lên, giọng đanh “Không được chụp hình đâu nhé!”. Tôi quay lại nhìn, thì ra một người bạn tôi đang đưa điện thoại lên để chụp ảnh hai bác cháu, và người nói câu ấy là chị Phương.
Trên đường về chúng tôi nhắc chị nhiều, trông chị gầy và không khỏe, ai cũng lo lắng. Bạn tôi nói, “Chị ấy bảo vệ bố ghê nhỉ. Chắc sợ những hình ảnh sẽ làm ảnh hưởng đến bố”. Nhà văn Dạ Ngân vừa viết trên facebook: “Đang sống và làm việc ở Hà Nội, bỏ hết theo ba mẹ về Hội An làm thư ký – làm điều dưỡng – làm mọi việc cho ba cho mẹ. Mẹ mất đột ngột, khi đó em là người phụ nữ duy nhất kề cận hôm sớm Ba, giã từ cả phòng riêng để ngủ trên ghế vải cạnh giường của Ba. Ba làm việc em cũng một góc trên giường đó, không rời nửa bước”.
Giáo sư Hoàng Dũng cũng viết “Phải khó khăn lắm, qua bao nhiêu bom đạn chiến tranh và cả tù ngục, anh chị mới được gặp lại nhau. Và đứa con lành lặn là chuyện trời ban đối với một người từng ướt đẫm chất diệt cỏ; anh chị mừng rớt nước mắt đã đành nhưng càng rớt nước mắt vì không dám có đứa con thứ hai, vì sợ số phận không lơ đễnh một lần nữa. Nay đứa con ấy, là sự ấm áp lúc tuổi già của chị của anh, là vị ngọt ngào khi đau yếu của anh của chị, đứa con ấy cũng theo chị bỏ anh mà đi”.
Tôi có cảm giác, chị Phương không những là một người con, một bảo mẫu mà còn là một tri kỷ, một cảnh vệ của bố. Chị để mắt trông chừng và sẽ can thiệp ngay nếu thấy có bất kỳ việc gì mà chị nghĩ sẽ không tốt cho bố mình. Nay chị đi rồi, chắc là an lành, vì thân đã nhẹ như mây.
Chị không nổi tiếng như bố chị, dĩ nhiên rồi. Nhưng nhìn vào cuộc đời gần như vô danh ấy, ta có thể thấy lịch sử của đất nước này, thấy số phận nhiều gia đình, thấy số phận của hàng triệu con người. Đó là một lịch sử khác, bên cạnh những bản hùng ca. Một lịch sử lắm khi đã bị nhòe đi, mờ đi, chìm khuất giữa biết bao cờ hoa rợp trời chưa dứt. Đó là một dòng sông khác, và có thể là dòng sông lớn nhất nhưng đã bị sương mù phủ trắng, vẫn chảy âm thầm nhưng dữ dội dưới đáy sâu, chưa một ngày bình yên.
Cha chị, nhà văn Nguyên Ngọc, một người đã sống gần trăm năm, trải qua biết bao biến cố dâu bể của đất nước và đời riêng, tôi dù biết một người thông tuệ và đã thấu suốt lẽ đời cùng những nghiệt oan của tạo hóa như ông, cũng khó lòng mang vác nỗi đau này ở tuổi ngoài 90; và chỉ biết cầu mong ông mạnh khỏe, đi hết những ngày tháng cuối của một cuộc đời bi tráng; mong ông sớm in được phần hai của cuốn “Dọc đường” – có lẽ sẽ là một trong những di sản cuối cùng của đời ông, vì nghe ông nói là nó đang bị “ách” lại. Mà chẳng ai biết “ách” vì lý do gì. Tôi nói với bác, là Dọc đường [*] đã và đang được nhiều báo nhà nước trích đăng lại cùng những bài bình luận ngợi khen không ngớt, tại sao lại cấm. Ừ, chẳng tại sao cả. Không phải chỉ phận người, mà phận sách ở xứ mình cũng lận đận, chìm nổi, rã riêng. Có chiếc lá nào không thở khí trời chung…
————-
Chú thích [*]: Cuốn “Dọc đường” đã in không có thông tin nào cho biết đó là tập 1 hay phần 1, nhưng theo chia sẻ của chính nhà văn Nguyên Ngọc với tôi trong cuộc gặp đã nhắc ở trên, thì đó thực chất chỉ là cuốn 1, còn cuốn 2 thì cũng như đã nói, đang bị “ách” lại.
*Tựa do DĐTK đặt.