Trần Tiến Dũng: Tui không gọi cây bút, tui gọi cây viết và…
49 năm qua, nhiều khi tôi cũng buột miệng nói: làm phiền, cho mượn cây bút.
Thật ra từ lúc học lớp Năm tiểu học, học trò Miền Nam đều gọi: cây viết. Cây viết để viết lời thầy dạy, chép bài, làm bài… Hiểu rộng và sâu: gọi là cây viết thiệt trúng. Học trò đi học, tập viết bằng cục phấn, sau thì được viết cây viết chấm mực, sau nữa thì tới cây viết máy. Vào lúc người ta chế cây viết nguyên tử (gọi là viết nguyên tử đúng là ngộ, tụi tui ngày đó không hiểu nguyên tử là sao!) Viết nguyên tử nhà trường hổng cho học sinh con nít xài, chắc là gì nó nguyên tử.
Tui nhớ, miếng nùi giẻ được may có dây để lau bản, cái đồ bào viết chì, cái bình mực và cả cái lỗ khoét trên bàn học cho mỗi chỗ ngồi học trò để cái bình mực và cả mấy viên mực để học trò tự pha với nước. Việc, học trò tự pha chế mực, chấm mực cho cây viết mực là một dạng nghệ thuật khéo tay, cũng là hình thức biểu lộ tính nết cẩn thật hay ẩu tả của đứa con nít tiểu học.
Nếu tui nhớ không trật thì cây viết mực được gắn ngòn bút lá tre là viết êm và chữ đẹp nhứt. Nhưng mấy ông Cắc Chú chạp phô ở thị xã nhỏ thường bán ngòi bút nào cũng nói là: “Tiệm của Ngộ chỉ bán ngòi bút lá tre, không bán thứ khác hà.” Rồi mấy học trò mua viết, vài bữa tè đầu ngòi, chữ xấu quắc, lại ra tiệm mắng vốn. Ông Cắc Chú, cười hì hì, nói: Chữ của Lỵ mới xấu quắc, đừng đổ thừa ngòi viết.
Tui hồi nhỏ ham cây viết ngòi bút lá tre, nhưng chưa bao giờ có được cái ngòi viết lá tre thứ thiệt. Tới giờ cũng không biết có ngòi bút lá tre thứ thiệt không nữa. Nghe nói chữ đứa nào đẹp thì nhờ ngòi bút lá tre, nhứt là chữ tụi con gái, thành ra tui chữ xấu là lỗi do mấy ông Cắc Chú không thiệt thà bán không trúng ngòi bút lá tre.
Học trò tiểu học ở Miền Nam thế hệ tui, đương nhiên là dùng dụng cụ học sinh gọi theo tiếng Miền Nam như cây viết, bình mực, cuốn vở, cuốn sách… dám cá học sinh đời sau 1975 khó biết, thậm chí không biết mấy thứ dụng cụ học trò mà chúng tui gọi thời xưa cũng bằng tiếng Việt đó nghĩa là gì.
Tui thiệt nghĩ: Có thứ trí thức ngu ngốc hơn trẻ con chưa kịp học hỏi, đó là dạng trí thức đòi thống nhất ngôn ngữ trong một cộng đồng dân tộc từ Bắc chí Nam đều cùng tiếng Việt. Sự đa dạng phong phú ngôn ngữ vùng miền chẳng phải là nền sinh ngữ tinh hoa của Tiếng Việt sao?
Tui thương, quý cục phấn, giẻ lau bảng, cây viết, cuốn vở, cuốn sách, bình mực, cái cặp bằng điệm lát… tui thương quý cả đời tên gọi các dụng cụ học sinh bằng tiếng Miền Nam thân thương. Sau lòng tri ân thầy cô dạy tui biết đọc, biết viết để học hành thành người thì các dụng cụ học sinh đầu đời của tui cũng xứng đáng được nhớ hoài với cả lòng trân trọng.
Trần Tiến Dũng
SG 20-11-2024