Hiệu Minh: Bốn chữ I trong kỷ nguyên mới

Tiếng Anh và tiếng Việt thú vị, I là tôi và tôi cũng là “ai” (I). Nền kinh tế thị trường có ba chữ I khác: (I)nstitutions – Thể chế, (I)ncentives – Cơ chế khuyến khích, và (I)nformation – Thông tin.

Việt Nam muốn sang “kỷ nguyên mới” cần cả bốn chữ I trên. 

Nhiều báo cáo quốc tế luôn đánh giá, sự chuyển đổi của Việt Nam – từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường và từ một đất nước rất nghèo trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp (trên 1000$/người/năm) trong vòng chưa đến 20 năm – đã trở thành một phần trong các sách giáo khoa về phát triển.

Nhưng một sự chuyển đổi khác của Việt Nam – để trở thành một nền kinh tế công nghiệp, hiện đại, đặc trưng của quốc gia thu nhập trung bình – bắt đầu từ chục năm trước và giờ đây có lẽ cũng chỉ đang khởi động vì…kỷ nguyên mới.

Gần thập kỷ qua, đất nước này vẫn lùng nhùng trong cuộc chống tham nhũng, một bệnh ung thư di căn kìm hãm sự phát triển.

Các báo cáo thường niên của WB trong nhiều năm đều khuyến cáo, Việt Nam cần bình ổn kinh tế vĩ mô, xây dựng cơ hạ tầng tiêu chuẩn thế giới, xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng và tăng cường các thể chế kinh tế thị trường.

Họ thường dùng ba chữ I trong tiếng Anh để định nghĩa nền kinh tế thị trường: (I)nstitutions – Thể chế, (I)ncentives – Cơ chế khuyến khích, và (I)nformation – Thông tin.

Muốn khen thế nào thì cũng phải thừa nhận, cả ba chữ I của VN đều có vấn đề: thể chế yếu (weak Institutions), cơ chế khuyến khích bị bóp méo (distorted Incentives) và thiếu thông tin (inadequate Information). (Báo cáo WB 2012)

Những bất cập của ba chữ I cần được phân tích thấu đáo và giải quyết triệt để mới mong bước vào…kỷ nguyên mới.

Ba chữ I của nền kinh tế thị trường:

Institutions – Thể chế ở tầm quốc gia được tạo ra nhằm điều hòa và kiểm soát một đất nước. Thể chế hiệu quả được thể hiện qua luật pháp và dân chủ. Nếu luật pháp yếu và xã hội thiếu dân chủ sẽ dẫn đến thể chế bị lợi dụng và suy yếu.

Nhiều quốc gia có thể chế yếu như Indonesia, Philippines, Thái Lan, và nhiều nước khác, tuy vẫn phát triển, có thu nhập ở mức trung bình, nhưng không vượt qua cái bẫy thu nhập trung bình do thể chế vẫn còn ở tầm quốc gia thu nhập thấp, không theo kịp với sự phát triển.

Khi dân thu nhập 1.000$/người/năm thì quản lý kiểu nhà nghèo nhưng khi đạt 10.000$/người/năm tầm quản lý phải khác xa, kiến thức lãnh đạo cũng phải nâng lên hàng chục lần nếu không nói là gấp nhiều lần mới quản lý dân có xe hơi, villa, có kiến thức toàn cầu.

Incentives – Động lực cho sự phát triển của quốc gia dựa rất nhiều vào cơ chế khuyến khích cho người dân lao động và sáng tạo.

Cả làng đói thì sẽ dễ bảo nhau ra đường kiếm ăn. Nhưng khi có của ăn, của để, thì cái tôi càng lớn hơn. Khi đó động lực và cơ chế khuyến khích dễ bị bóp méo, nếu không có thể chế mạnh để người ta tin rằng, cái tôi làm hôm nay sẽ được hưởng vào ngày mai, tương lai của tôi được đảm bảo.

Information – Cuối cùng chính là sự minh bạch của thông tin sẽ giúp cho cả hai chữ I trên. Nếu thể chế có thông tin đầy đủ, rõ ràng, chính xác, và kịp thời thì người dân sẽ tin tưởng vào chính thể mà họ đặt niềm tin tuyệt đối. Đó là chìa khóa cho phát triển.

Chữ I cuối cùng – TÔI (do người viết bịa thêm):

Chữ I trong tiếng Anh chính là TÔI. “TÔI” là ai, “TÔI” đang đứng ở đâu, “TÔI” sẽ làm gì cho đất nước và “TÔI” sẽ được gì, là những yếu tố không thể không xét đến.

Thời chiến, động lực cho chiến thắng là sự quyết tâm bảo vệ tổ quốc đến giọt máu cuối cùng. Cái “TÔI” cá nhân bị lu mờ đi rất nhiều bởi trách nhiệm chung trước sự sống còn của quốc gia.

Thời bình, động lực cho phát triển mang tính cá nhân nhiều hơn, “TÔI” làm gì, được gì sau chuyện này, phần chia của “TÔI” như thế nào.

Nếu “TÔI” được giao trách nhiệm tạo ra một văn bản pháp lý mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của gia đình riêng, bản thân và bạn bè, được gì sau chữ ký thì sẽ có một thể chế yếu.

Nếu “TÔI” thấy rằng thông tin này mà giấu được, “TÔI” sẽ được lợi, thì minh bạch thông tin sẽ là truyện dài nhiều tập không có hồi kết.

Nếu “TÔI” chỉ nhìn thấy hai cái “TÔI” như trên thì quốc gia ấy chứa đựng toàn những cơ chế khuyến khích bị bóp méo.

Để có Institutions, Incentive và Information theo đầy đủ nghĩa của nền kinh tế thị trường thì chữ I thứ 4 này vô cùng quan trọng.

Nếu hiểu đúng thêm chữ I (TÔI) này cùng với 3 chữ I trên thì câu chuyện kỷ nguyên mới của Việt Nam không phải quá xa.

Hiệu Minh 

11-2024

PS. Cựu ngoại trưởng Mỹ, bà Madeleine Albright, giải thích tại sao người biểu tình trên quảng trường Tahrir (Cairo) lại phản đối chính phủ “People are talking to their governments on 21st century technology, governments are listening on 20th century technology, and responding with 19th century ideas. – Dân chúng nói với chính quyền bằng công nghệ thế kỷ 21, chính quyền nghe họ bằng công nghệ thế kỷ 20 và trả lời bằng ý tưởng của thế kỷ 19”