Trần Trung Đạo: Những nhịp cầu nối vào dòng chính

Tháng 6, 2024, cựu Đại Tá Hải Quân gốc Việt Hùng Cao thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa và đại diện cho đảng Cộng Hòa tiểu bang Virginia ứng cử vào Thượng Viện Mỹ.

Hùng Cao. Hình: Glenn Youngkin, Được cung cấp bởi Spirit of Virginia.

Trước đó không lâu, một cựu sĩ quan quân đội Hoa Kỳ gốc Việt khác là Luật sư Derek Tran ứng cử chức vụ dân biểu đơn vị Quận 45 tiểu bang California đại diện cho đảng Dân Chủ.

Hùng Cao không vượt qua được đối thủ Tim Kaine trong cuộc chạy đua vào Thượng Viện. Tim Kaine mạnh hơn về mọi mặt, hai nhiệm kỳ thượng nghị sĩ, từng là Phó Thống Đốc, Thống Đốc, ứng cử viên Phó Tổng Thống với kinh nghiệm tranh cử dạn dày. Ngoài ra Hùng Cao ứng cử trong một tiểu bang chưa bầu một thượng nghị sĩ Cộng Hòa nào trong suốt 20 năm.

Luật sư Derek Tran là một câu chuyện thành công. Trong cuộc bầu cử sơ bộ ông đã hơn phiếu 4 ứng cử viên trước khi đương đầu với Michelle Steel. Sau ba tuần hồi hộp đợi chờ và đếm từng lá phiếu, hôm nay, Luật sư Derek Tran được xem như đã thắng cử. Cuộc chạy đua giữa Derek Tran và Michelle Steel là một trong những cuộc chạy đua sít sao nhất trong lần bầu cử Hạ Viện năm nay.

Derek Tran. Ảnh: Ban vận động Derek Trần

Một không thành công và một thành công nhưng Hùng Cao và Derek Tran đã cố gắng hết sức để dựng những đầu cầu cần thiết nối vào dòng chính. Người Việt tại Mỹ không phải quá cần ngay một thượng nghị sĩ Cộng Hòa hay một dân biểu Dân Chủ mà trước hết cần sự có mặt của một hay nhiều dân cử gốc Việt trong Quốc Hội Hoa Kỳ.

Nhìn sang cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái.

Quốc Hội Hoa Kỳ Thứ 118, 2023-2025, có 37 vị dân cử gốc Do Thái tại Hạ Viện và Thượng Viện trong tổng số 5.8 triệu người Mỹ gốc Do Thái trong đó có 4.2 triệu người xác nhận họ là Do Thái.

Tính theo tỉ lệ các sắc dân không phải da trắng (non-white) trên dân số, số lượng dân cử gốc Do Thái nhiều gấp hơn ba lần. Chỉ riêng tại Thượng Viện đã có 10 Thượng Nghị Sĩ, tức 10%, gốc Do Thái. (Theo tài liệu của Jewish Virtual Library)

Các thượng nghị sĩ hay dân biểu gốc Do Thái không nhất thiết phải thuộc đảng Cộng Hòa, một đảng thường có chủ trương đối ngoại cứng rắn với các quốc gia chống Do Thái. Trong khối dân cử Do Thái có cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa. Họ khác nhau nhiều vấn đề thuộc về chính sách trong tư cách một công dân và chính khách Mỹ nhưng đối với quyền lợi của quốc gia Do Thái trên chính trường quốc tế khi cần họ đoàn kết bên nhau. Các quyết nghị tại Thượng Viện và Hạ Viện được đưa ra để ủng hộ Do Thái đều có chữ ký của các dân cử Do Thái. Có thể ngày mai khi trở về địa phương họ sẽ khác nhau thậm chí sẽ chống nhau nhưng sáng nay khi đưa tay ủng hộ Do Thái họ chỉ một lòng.

Sự thành công của khối dân cử Do Thái, ngoài các lý do tài chánh, phương tiện vận động, yếu tố địa phương chiếm một phần quan trọng. Địa phương của các dân cử gốc Do Thái là các cộng đồng người Do Thái khắp nước Mỹ nhiều nhất là New York chiếm 10% dân số, Los Angeles chiếm 4.6% dân số, Chicago chiếm 3.34% dân số v.v…

Chúng ta, các cộng đồng người Việt hải ngoại, không thể mạnh hơn Do Thái về tiền bạc, không thể ảnh hưởng hơn Do Thái trong giới truyền thông nhưng chúng ta cũng có yếu tố cộng đồng như cộng đồng Do Thái nếu chúng ta biết đoàn kết, biết vượt qua những cái riêng để hướng tới cái chung. Không có sức mạnh nào mạnh hơn sức mạnh của chính mình.

Một câu nói quen thuộc trong sinh hoạt chính trị Mỹ: “All politics is local” (Tất cả chính trị mang tính địa phương). Chính sách của một dân biểu hay nghị sĩ thành công hay thất bại đều do họ đáp ứng hay không đáp ứng được các ước vọng, mong muốn, đòi hỏi hay nói chung là ý nguyện của người dân tại địa phương. Một dân biểu hay nghị sĩ đáp ứng được nguyện vọng của người dân phải là người trưởng thành từ địa phương đó.

“Địa phương” của các chính trị gia gốc Việt là các cộng đồng Việt Nam.

Quốc Hội Lần Thứ 118 là Quốc Hội đa diện về sắc dân và chủng tộc (race and ethnic diversity) nhất trong lịch sử Mỹ và xu hướng đó đang trên đà gia tăng. Các nghị sĩ và dân biểu không phải da trắng (non-white) chiếm 28% tại Hạ Viện và 12% tại Thượng Viện. Họ thuộc gốc Da Đen (Black), Mỹ La Tinh (Hispanic), Mỹ gốc Á Châu (Asian American), Mỹ bản địa (American Indian), Mỹ bản địa Alaska (Alaska Native) hay đa chủng. Đó là sự thay đổi lớn. (Theo PEW Research)

Cộng đồng Việt Nam thuộc nhóm Mỹ gốc Á Châu (Asian American). Người Mỹ gốc Việt hiện có 2.3 triệu theo thống kê chính thức, với lợi tức gia đình hàng năm $81.000 nhưng Quốc Hội Mỹ Thứ 118 không có một dân biểu hay nghị sĩ gốc Việt nào.

Từ trước tới nay, chỉ có 2 dân biểu gốc Việt Nam được bầu vào Hạ Viện Mỹ là ông Joseph Cao (Cao Quang Ánh) (2009-2011) và bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) (2017-2023). Cả hai cựu dân biểu đều tự trưởng thành và độc lập trong chính trị không có hậu thuẫn mạnh của cộng đồng người Việt tại địa phương họ. Nhiều người chỉ biết đến bà Stephanie Murphy là người Mỹ gốc Việt sau khi bà đắc cử. Bà Stephanie Murphy không tái ứng cử và Joseph Cao sau lần thất cử 2011 chưa có các hoạt động tranh cử nào nổi bật.

Trong Quốc Hội Thứ 118 có 22 vị dân cử gốc Á Châu, Nam Á, hay các đảo Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Số dân Mỹ trong nhóm này chiếm khoảng 22 triệu. Họ từ hơn 20 quốc gia Đông và Đông Nam Á, và lục địa Ấn Độ. Mỗi quốc gia có sắc thái văn hóa riêng biệt. (Key facts about Asian Americans, a diverse and growing population, PEW)

Người Mỹ gốc Á Châu là cộng đồng phát triển nhanh nhất tại Mỹ. Sáu nhóm lớn cấu thành gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Việt Nam, Nam Hàn và Nhật Bản. Người Mỹ gốc Trung Quốc chiếm 24%, 5.4 triệu người, và có tiếng nói trong Quốc Hội như Judy Chu, Grace Meng (TQ Đài Loan). Cộng đồng các quốc gia khác như Ấn Độ, Phi Luật Tân, Nam Hàn và Nhật Bản đều có dân cử gốc quốc gia họ.

Tuy nhiên như đã viết ở trên, không có một dân biểu hay nghị sĩ gốc Việt Nam nào.

Hai lý do chính: một khách quan và một chủ quan.

Về mặt khách quan, cộng đồng Việt Nam trải qua những chặng đường đầy gian khổ.

Cộng đồng các sắc dân khác như người Scotland, Ireland, Ý v.v.. khi giong buồm ra biển họ nghĩ nhiều về tương lai hơn quá khứ. Cộng đồng Việt Nam thì khác. Mỗi bước chân đi của người tỵ nạn Việt Nam có tiếng dội của nỗi lo về tương lai và nỗi đau trong quá khứ. Chúng ta ra đi để lại có khi phần lớn người thân trong gia đình, cả dòng họ và nhất là cả một dân tộc thân yêu trong xiềng xích độc tài Cộng Sản. Thế hệ đầu tiên ra đi phần đông là hai bàn tay trắng và mang theo cả cuộc chiến tranh. Họ phải làm hai hay ba công việc để xây dựng tương lai cho con cháu. Những kỹ sư, bác sĩ hôm nay được đầu tư từ những đồng lương 3 dollar một giờ của cha mẹ họ trong những ngày đầu.

Dù sao, sau gần nửa thế kỷ, cộng đồng Việt Nam đã bước những bước rất dài. Đồng hương Việt Nam đã biến những con đường đầy ổ gà thành xa lộ khang trang, biến những khu ổ chuột thành thị trấn sầm uất. Hai bên đường Bolsa ngày xưa chỉ là những khu đất ruộng, hôm nay hàng trăm ngàn cơ sở thương mại đã mọc lên. Sự thành công đó không phải là con đường bằng phẳng mà rất gồ ghề. Sau lưng là biển cả và trước mặt là núi cao. Chúng ta không có đường lui ngoài việc phải vượt qua bằng mọi cách. Một danh sách rất dài những người có công xây dựng nên những cộng đồng Việt Nam và bên cạnh đó còn một danh sách dài hơn những người đóng góp âm thầm.

Một lý do chủ quan. Cộng đồng Việt Nam đạt đươc những thành công lớn về kinh tế, những bước đi dài về phát triển thương mại nhưng chưa nhận thức đủ sự cần thiết để nâng cao vai trò của cộng đồng trong dòng chính chính trị của Mỹ (American politics mainstream). Bởi vì nếu nhận thức đủ thì phải biết chọn ưu tiên và mục đích trước mắt, đó là thiết lập cho được đầu cầu đi vào dòng chính Mỹ.

Hai mặt trong mục đích của cộng đồng người Việt là vừa (1) theo đuổi giấc mơ nước Mỹ để thành công trên quê hương thứ hai và (2) cũng vừa đóng góp sức mình vào công cuộc vận động tự do dân chủ cho quê hương thứ nhất. Hai mặt đó chỉ có thể gây hiệu quả nếu các thành viên ưu tú của cộng đồng đi được vào dòng chính của chính trị Mỹ, không nhất thiết phải qua ngã đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ.

Cố Thượng Nghị Sĩ Joseph Lieberman thuộc đảng Dân Chủ và từng là ứng viên Phó Tổng Thống đảng Dân Chủ nhưng ông ta là một trong những thượng nghị sĩ đầu tiên ủng hộ Tổng thống George W. Bush đánh Iraq và được xem là “một diều hâu” trong các chính sách đối ngoại của Mỹ. Lý do? Thượng Nghị Sĩ Joseph Lieberman là người gốc Do Thái. Ông ủng hộ Mỹ đánh Iraq để ngăn ngừa việc Iraq tấn công Do Thái sau này. Đó cũng là quan điểm của nhiều dân cử gốc Do Thái. Quan điểm đó chưa hẳn đúng. Là một người Mỹ, đừng nói chi là Thượng Nghị Sĩ, lẽ ra Joseph Lieberman phải đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên. Dù sao sự kiện Thượng Nghị Sĩ Joseph Lieberman đứng về phía các dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa cho thấy quan điểm chung của cộng đồng người Do Thái tại Mỹ.

Tiến sĩ Bigniew Brzezinski, sinh ra ở thủ đô Warsaw của Ba Lan năm 1928 và năm 1977 trở thành Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng thống Jimmy Carter, đã tích cực giúp phong trào dân chủ Ba Lan bởi vì ông ta là chính khách gốc Ba Lan. Trong hồ sơ còn lưu trữ tại Đại học George Washington, Tiến sĩ Bigniew Brzezinski hãnh diện đã đóng góp cho quê hương Ba Lan của ông: “Tất nhiên chúng tôi có những công cụ nhất định để tiếp cận Ba Lan, chẳng hạn như Đài Châu Âu Tự do; chúng tôi đã có một chương trình xuất bản rất toàn diện; chúng tôi cũng có những phương tiện khác để khuyến khích và ủng hộ những người bất đồng chính kiến. Và khi thời điểm quan trọng đến vào tháng 12 năm 1980, khi Liên Xô chuẩn bị can thiệp vào Ba Lan, chúng tôi đã làm mọi cách có thể để huy động dư luận quốc tế, gây áp lực quốc tế tối đa lên Liên Xô, để thuyết phục Liên Xô rằng chúng ta sẽ không thụ động.”

Trong cùng phân tích trên áp dụng vào trường hợp cộng đồng Việt Nam, hơn bao giờ hết những người Việt quan tâm đến tương lai của cộng đồng Việt Nam nên ủng hộ để các ứng cử viên gốc Việt tại địa phương thắng cử dù họ đứng dưới đảng nào, Cộng Hòa hay Dân Chủ.

Mỗi người dân hay mỗi ứng cử viên gốc Việt khác đảng sẽ có quan điểm khác nhau về thuế má, về các khoản tiêu dùng công cộng, về trách nhiệm cá nhân, về quyền hiến định, về ngân sách, về ngừa thai phá thai, về dùng súng v.v… nhưng chắc chắn chia sẻ những điểm chung về các giá trị lịch sử và văn hóa Việt Nam, về quyền lợi của người Mỹ gốc Việt cũng như về trách nhiệm của một người Mỹ gốc Việt Nam trước sự thịnh suy của dân tộc Việt Nam bên kia bờ Thái Bình Dương.

Derek Tran nêu rõ quan điểm của mình đối với chế độ Cộng Sản và sự bành trướng Trung Cộng trên trang Web vận động tranh cử của ông: “Gia đình Derek chạy trốn khỏi chế độ cộng sản tàn ác ở Việt Nam. Ông biết rõ tác động tàn bạo của các chế độ toàn trị và cam kết chống lại sự cai trị của Cộng sản Trung Quốc. Tại Quốc hội, ông sẽ ủng hộ các chính sách thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận. Ông sẽ ủng hộ các biện pháp chống lại sự xâm lược và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, đồng thời tham gia vào các hoạt động ngoại giao chiến lược để bảo vệ lợi ích của Mỹ và tăng cường liên minh với các đồng minh của chúng ta.”

Derek Tran là dân biểu đầu tiên thắng cử có sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại nhiều nơi trên nước Mỹ.

Có người sẽ phản biện rằng Derek Tran nói vậy nhưng có thể không làm như đã hứa thì sao? Bốn năm là một thời gian rất ngắn. Người dân trong địa hạt của ông sẽ theo dõi từng bước chân chính trị của ông và bốn năm sau sẽ có câu trả lời chính đáng về các chương trình nghị sự của ông ta.

Hùng Cao thắng bầu cử sơ bộ đảng Cộng Hòa với 61.8% số phiếu, hơn xa 4 ứng viên khác. Trong cuộc chạy đua vào thượng viện, ông đã nhận được gần 2 triệu phiếu, thua Tim Kaine 8% tổng số phiếu. Chiến thắng của Tim Kaine không phải là một chiến thắng “long trời lở đất” (landslide) như một số người tiên đoán trước ngày 5 tháng 11, 2024. Năm 2016 Tim Kaine đánh bại Corey Stewart (Cộng Hòa) 16% tổng số phiếu. Dù chưa đạt được mục đích, Hùng Cao đã bước một bước rất dài trong một tiểu bang có nhiều bất lợi về khuynh hướng chính trị và trước một đối thủ đầy kinh nghiệm tranh cử.

Những người Mỹ gốc Việt quan tâm đến tương lai cộng đồng Việt Nam nên cám ơn họ.

“Tất cả chính trị mang tính địa phương”. Địa phương của người Việt là cộng đồng Việt Nam và mục đích chung hiện nay là cùng nhau đi vào dòng chính để từ đó phát triển rộng hơn. Nếu làm được như vậy, một ngày không xa sẽ có những Bigniew Brzezinski Việt Nam, Joseph Lieberman Việt Nam. Mọi nỗ lực đều bắt đầu từ điểm khởi hành. Có đi rồi sẽ đến.

Trần Trung Đạo