Trần Doãn Nho: Một vài kỷ niệm với nhà văn Võ Phiến
Đầu tháng 9/2023 vừa rồi, tôi đi quận Cam thăm bạn bè. Nhân 8 năm ngày nhà văn Võ Phiến ra đi (28/9/2015), chúng tôi gồm các anh Cung Tích Biền, Phạm Phú Minh, Thành Tôn và tôi, Trần Doãn Nho, ghé thăm bà Võ Phiến (tên thật là Viễn Phố) hiện cư ngụ tại Little Sài Gòn. Tuy đã 93 tổi, nhưng trông bà còn rất khỏe mạnh. Bà vẫn đọc sách hàng ngày. Gặp chúng tôi, bà nhớ tên và tác phẩm từng người.
Còn nhớ, lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Võ Phiến là vào khoảng tháng 7 hay 8/1969 ở Sài Gòn, khi tôi đến tòa soạn Bách Khoa thăm ông chủ nhiệm Lê Ngộ Châu và cũng để lấy tiền nhuận bút một truyện ngắn vừa đi trên tạp chí này (số 300, tháng 7/1969). Là một người mới tập tễnh viết lách, lại mê văn Võ Phiến, được gặp ông, tôi rất mừng, tíu tít hỏi chuyện. Tôi xin ông cho nhận xét về một số truyện ngắn của tôi đã đăng tải trên Bách Khoa, Văn và Vấn Đề và một vài lời khuyên về chuyện sáng tác. Ông không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, mà chỉ bảo, “Anh đã thích văn chương thì cứ viết, viết và viết. Cứ viết mãi thì rồi cái hay, cái dở nó sẽ tự bộc lộ ra.” Thật là một lời khuyên bất ngờ, nằm ngoài mọi dự đoán! Nhưng nghe lời ông, tôi cứ viết, viết, viết. Và viết mãi cho đến…bây giờ.
Sau này, khi sang Hoa Kỳ định cư, tôi gặp lại ông, lần đầu tiên ở Los Angeles và rồi sau đó, ở ngay tại quận Cam. Từ Boston, nơi tôi cư ngụ, đến quận Cam cách nhau 6 giờ bay. Xa thì xa, nhưng năm nào tôi cũng đi quận Cam để tham dự các sinh hoạt văn hóa và thăm viếng bạn bè, có lúc 2 hay 3 lần. Và lần nào, tôi cũng ghé thăm Võ Phiến. Cũng như các văn nghệ sĩ khác, lúc nào tôi cũng được ông bà tiếp đón một cách chân tình. Uống trà ngon. Nói chuyện văn chương. Chụp hình lưu niệm. Vân vân.
Ấy vậy mà, thỉnh thoảng Võ Phiến vẫn gửi thư thăm. Đây là thói quen của ông đối với nhiều anh chị em văn nghệ sĩ hải ngoại. Thực ra, thăm hỏi chỉ là một lẽ, cái chính là ông muốn động viên những cây bút thuộc thế hệ đàn em. Hễ ông đọc được một bài viết mới của tôi hay đọc một tác phẩm tôi vừa xuất bản, là thế nào ông cũng viết vài giòng nhận xét và khích lệ. Trước sau, ông gửi cho tôi khoảng mười mấy lá thư. Mới đây, trong khi lục soạn tài liệu để đăng báo tưởng niệm nhân húy nhật lần thứ 8 của ông, tôi tìm thấy một ít lá thư ông gửi cho tôi trong các năm từ 1998 đến 2006. Những lá thư khác lạc mất đâu đó, do tôi phải chuyển chỗ ở nhiều lần. Đây chỉ là những lá thư ngắn, không chứa đựng thông tin gì đáng kể về mặt văn học, mà chỉ là những lời thăm hỏi và động viên có tính cách cá nhân.
Để tưởng niệm ông, tôi cho đăng nguyên văn các lá thư này như là một cách ghi lại những kỷ niệm mà tôi đã có với ông lúc ông còn sinh thời.
- Anh TDN ơi,
Đọc tới bài cuối (Huế, một đôi điều) [1], gặp mấy đoạn, tôi không cầm được nước mắt. Tôi sống ở Huế trước sau, e chưa tới năm năm; tôi xa Huế đã hơn năm chục năm rồi, mà sao còn nhiều vấn vương về Huế quá.
Thấy cái cảnh Huế tự mất mình mà thương quá chừng. Huế tự mất Huế, mình cũng tự mất mình. Chúng ta sống một thời đại dữ dội quá.
Rất cám ơn anh về cuốn “Căn phòng thao thức”.
Thân mến,
VP
Los Angeles, 30-10-1998
- Thân gửi anh Trần Doãn Nho,
Thư này (theo chương trình dự định!) thì đã gửi anh lâu rồi. Nay mới viết được! Cốt yếu là để xác nhận tôi không có ý xúi anh bỏ các loại khác để chuyên về thơ. Không có vậy đâu. Không biết được chắc chắn con đường mình đi. Tôi đọc thấy thích thì tri hô lên vậy thôi, không có ý đồ gì.
Trong những bài thơ tôi đang làm gần đây cũng có bài na ná kiểu anh làm (chắc cũng không được mấy ai ưa thích). Cái thẩm thức thơ văn mỗi ngày mỗi diễn biến về nhiều hướng khác nhau, tương lai e sẽ manh mún nhiều hơn nữa.
Anh có nhiều chỗ giống tôi: viết nhiều loại khác nhau, hay suy nghĩ về cái viết, hay quan sát thế giới viết lách, lâu lâu lại nảy ra một lối viết chẳng giống ai, v.v…
Tôi nghĩ gì làm nấy, thích gì làm nấy, ít thích thảo luận, bàn tán, luận đàm, trao đổi với ai. Nhất là trên mặt báo. Làm thế nó rộn ràng, rối ruột, bận trí, mất cả thảnh thơi.
Nhân dịp năm mới, xin chúc anh chị vạn sự như ý. Anh thật là người nhiều nghị lực; đọc ký của anh, thấy quãng đời vừa qua của anh mà khiếp. Thôi, giờ là giai đoạn thái lai rồi đấy.
Thân,
Los Angeles 02-2000
- Thân gửi anh Trần D Nho
Cuốn “Dặm trường” [2] tôi vừa đọc xong. Cuốn truyện chật ních dữ kiện; những năm sống trong nước sau 4-1975 của anh thật là gian truân, đau đớn. Lớp thoát ra sớm, đọc sách anh, tự dưng thấy mình có lỗi, áy náy trong lòng.
Rồi thời gian sẽ xóa lấp hết. Nếu không có những tác phẩm như của anh, của Phạm Thành Châu (tôi chỉ kể vài cuốn mới nhất)…, ngay lúc này lớp con, lớp em chúng ta đã thắc mắc về nợ bỏ nước ra đi của chúng ta. Nhưng sách vở rồi còn ở đó mà biện minh cho chúng ta được bao lâu nữa!
Anh đã tạo được những nhân vật độc đáo, sống động: Hạnh, Hồng, Lục…
Hai chương đầu, tôi nhớ đã có lần anh viết dưới dạng truyện ngắn, đã đăng báo rồi. Lần này, vào truyện dài, có sửa đổi. Coi bộ anh viết công phu dữ đa.
Gia đình tôi thoát đi từ 1975. Sống 26 năm yên lành. Mười ngày gần đây bỗng náo động, tất nhiên mỗi thời mỗi khác, nhưng vẫn thấy xôn xao chứ anh?
Thân chúc anh chị và các cháu bình yên vui vẻ.
VP
Los Angeles 9/2001
- Anh Trần Doãn Nho ơi,
Tôi vừa đọc Văn Học số Tân Niên [3] thích chí, viết liền gửi anh mấy chữ. Thích chí vì tự dưng bắt gặp chúng ta có chỗ gần gũi: trong “lời ăn tiếng nói”. Gần nhau về tư tưởng, về ý kiến vân vân…là cái gần… ngoài da, không quan trọng. Lời ăn tiếng nói, tôi hiểu là style, là cái giọng. Là tính nết, tâm hồn v.v…Cái ấy là phần sâu xa hơn của mỗi người.
Anh là nhà giáo, nhà trí thức. Trước, tôi quen thấy anh thắt cà-vạt, nghiêm chỉnh. Vừa rồi chợt gặp anh nghịch ngợm, lộ cái humour, thoải mái, nhẹ nhõm. Khoái quá, tôi bắt tay anh “búa sua” (chữ của Sơn Nam) một cái. Thân chúc anh chị mọi sự an vui. Bao giờ có dịp Nam du, xin ghé tôi chơi.
VP
Los Angeles 3/2003
- Thân gửi anh Trần Doãn Nho,
Giác [Nguyễn Mộng Giác] có chuyển cho tôi cuốn “Tác giả Tác phẩm và Sự Kiện” [4]
Từ năm 1995 đến nay anh đã xuất bản được 6 cuốn. Thế là có thể cho là viết phăng phăng. Thích thật.
Tôi khoái anh ở chỗ…giống tôi: vừa sáng tác vừa suy luận. Tôi tự bênh vực mình cách lếu láo: Chỉ suy luận suông mà không sáng tác, e riết rồi đâm ra luận huyên thiên. Trái lại, chỉ mải miết sáng tác mà không có lúc dừng lại ngẫm nghĩ về cái viết, không khéo bốc quá đâm loạn xị.
Gần đây có lắm vị bê nguyên cả bộ sinh thực khí nóng hôi hổi đặt lên trang giấy. Tuyên bố rằng thế hệ mới can đảm hơn mọi lớp tiền nhân. Kể ra xưa nay món ấy nó có chồm lên cắn ai xé thịt ai đâu mà các cụ ta khiếp vía, phải chờ lớp người can đảm?
Dù sao, có vụ vùng lên ồ ạt vẫn có vui. Có….phấn khởi.
Anh suy nghĩ về “Sông Côn mùa lũ” [5] thận trọng, chín chắn. Giác có cái nhìn đằm thắm về Nguyễn Huệ. Tôi thích cách nhìn ấy. (“Tôi” thích cái gì ghét cái gì là chuyện vô vị, đáng lẽ không nên nêu ra làm gì. Nhưng trót ngứa mồm, vô duyên. Anh bỏ qua cho.)
Vô duyên, nói nhảm, thật ra là vì lúc mình suy yếu, chẳng còn làm được cái gì nữa thì hay nói những cái chẳng đâu vào đâu.
Anh chị còn nhiều thời gian trước mặt, tha hồ sống, anh tha hồ viết. Tôi mong chờ đọc “Từ ảo đến thực” [6]
Thân mến,
VP
Quận Cam, tháng 6/2005
- Anh Trần Doãn Nho ơi,
Từ ngày vượt mốc tám mươi, tôi bị ám ảnh về tuổi tác, không dám viết lách gì. Uống thuốc, đi khám bệnh là chính, là hoạt động chính của thời biểu. Thì giờ còn lại, đọc qua quít, hiểu qua quít. Nghe có bài mới của anh, hỏi [Nguyễn Chí] Kham. Hóa ra có “sự cố”! Máy email của Kham bị hư, đưa đi sửa chưa lấy về! Tôi trông đợi lắm: đã lâu không gặp trên mặt báo nên nóng lòng.
Thu Tứ là con trai út của tôi. Cháu cũng thích anh như tôi. Tôi cho địa chỉ cháu gửi sách tặng, không biết có đến tay anh chưa (Vì biết đâu anh đổi chỗ ở?) Thư này tôi cũng gửi đến địa chỉ 11 Oak Leaf…không biết có tới tay anh không? Được thư, anh báo Kham (e-mail), tôi sẽ biết ngay.
Thân chúc anh chị mọi sự an lành vui vẻ.
Thân mến,
Võ Phiến & Viễn Phố
Santa Ana 19-4-2006
Trần Doãn Nho
9/2023
[1] “Huế, một đôi điều”, tùy bút của Trần Doãn Nho, in trong “Căn phòng thao thức” (tập truyện), Văn Mới (Cali) 1998
[2] Dặm trường, truyện dài của Trần Doãn Nho, Văn Mới 2001.
[3] Võ Phiến muốn đề cập đến bài “Cái thú của tôi” đi trong tạp chí Văn Học (California) số 203&204, tháng 3 & 4/2003.
[4] “Tác giả Tác phẩm và Sự Kiện” là tập biên khảo của Trần Hữu Thục, Văn Mới (California) 2006.
[5] “Sông Côn mùa lũ”, truyện dài của Nguyễn Mộng Giác.
[6] “Từ ảo đến thực”, tạp bút của Trần Doãn Nho