Nguyễn Tiến Cường: Lịch sử quay ngược hay lập lại?
Lịch sử quay ngược hay lịch sử lập lại? Tình hình kinh tế, chính trị nước Mỹ trong 4 năm tới sẽ trả lời câu hỏi này.
Hơn 140 năm trước, sau khi đảng Cộng Hòa chiến thắng cuộc nội chiến (Civil War 1861-1865), năm 1883 họ quyết định phát triển đất nước bằng cách ủng hộ những người đang nắm giữ nền công nghiệp nước Mỹ với những tài nguyên của đất nước trong tay, trong khi những công nhân lao động làm việc cho họ chỉ sống trên mức nghèo khổ, phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, tuần lễ 7 ngày.
Nhà xã hội học William Graham Sumner, giáo sư tại đại học Yale – đồng thời cũng là người triệt để ủng hộ chủ nghĩa tư bản – đã trả lời sự lo lắng, quan tâm đến sự cực kỳ chênh lệch giàu nghèo trong nước bằng cuốn sách: “Những giai cấp trong xã hội mắc nợ gì nhau?” (What Social Classes Owe To Each Other).
Sumner kết luận rằng: “Sẽ không công bằng khi những người đàn ông chăm chỉ làm việc, độc lập và tự lập phải chịu đóng thuế để giúp đỡ những người mà theo Sumner là chây lười. Tệ hại hơn, Sumner cho rằng việc phân phối lại của cải sẽ hủy hoại doanh nghiệp cá nhân dẫn tới việc phá hủy nước Mỹ. Sumner kêu gọi “xây dựng một nước Mỹ nên để cho những kẻ thất bại sống trong đói nghèo, thậm chí là hãy để cho họ chết đi. Đừng để cho nước Mỹ trở thành quốc gia của những kẻ lười biếng chờ đợi sự bố thí. Vì lợi ích đất nước, cần phải loại bỏ những kẻ chây lười đó khỏi xã hội”.
Những người Cộng Hòa đã đồng tình với quan điểm của Sumner trong quyển (What Social Classes Owe To Each Other) nói trên của ông. Ngay cả tờ báo New York Times vào thời điểm đó cũng cho rằng “thật khó mà phản biện lại nhận định đó”. Tuy nhiên, trong thâm tâm, nhiều người cũng cảm thấy áy náy về sự tàn nhẫn rõ ràng của họ.
Trái ngược với những người theo quan điểm chính quyền không nên can thiệp vào các vấn đề kinh tế, hãy để cho những người có khả năng có thể tích lũy của cải, càng nhiều càng tốt, những người khác cho rằng chính quyền có bổn phận duy trì một sân chơi kinh tế bình đẳng để mọi người đều có cơ hội như nhau để đạt được sự sung túc.
Bắt đầu từ đó, chủ nghĩa tư bản hoang dã đã có một đối lực. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, chủ nghĩa tư bản hoang dã ở Mỹ đã dần dần phải thay đỏi để thích hợp với sự tiến bộ của xã hội. Thành viên của cả 2 đảng Cộng Hòa, Dân Chủ, một số đảng khác mới nổi đã phản bác lập luận của Sumner. Họ ra sức dọn dẹp các thành phố, thiết lập điều kiện làm việc tốt hơn, đề ra các chương trình giáo dục, quản lý thực phẩm, thuốc men để bảo vệ người tiêu thụ.
Sau Đệ Nhất Thế Chiến, đảng Cộng Hòa lãnh đạo một cuộc phản công dữ dội, chống lại các quy định đó cùng các loại thuế cần thiết để trả cho việc thực thi các chương trình trên. Vào tháng 10 năm 1929, khủng hoảng kinh tế bắt đầu, thị trường chứng khoán không được quản lý đã sụp đổ, cuộc Đại Suy Thoái bộc phát, ảnh hưởng cả thế giới hơn mười năm.
Trong gần năm thập niên (1933-1981), người của cả 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã đồng ý với nhau rằng chính phủ có bổn phận điều chỉnh nền kinh tế, đồng thời thiết lập một mạng lưới làm nền tảng cho sự an toàn của xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ quyền công dân.
Họ tin tưởng rằng một sự can thiệp của chính quyền sẽ ổn định xã hội, ngăn ngừa được các thảm họa kinh tế có thể xẩy ra trong tương lai bằng cách bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người được tiếp cận bình đẳng với sự thịnh vượng kinh tế.
Năm 1981 sau khi đắc cử, Tổng Thống Ronald Reagan bắt đầu lội ngược dòng, lập lại chủ trương cùa William Graham Sumner, tuyên bố rằng các chính quyền trước đây đã lấy tiền thuế của những người da trắng siêng năng, chăm chỉ đem phân phát cho những người không xứng đáng. Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm chạp, Reagan cam kết với người dân Mỹ rằng “chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề, chính phủ mới là vấn đề”. Việc cắt giảm thuế, bải bỏ các quy định nghiêm ngặt về sản xuất, kinh doanh, môi trường…là cách tốt nhất để kinh tế bùng phát trở lại một cách an toàn.
Trong bốn mươi năm tiếp theo, các nhà lập pháp thúc đẩy việc xóa bỏ quy định và liên tục cắt giảm thuế, tư nhân hóa cơ sở hạ tầng, cắt giảm bộ máy hành chánh bảo vệ quyền công dân. Bốn mươi năm đó, từ năm 1981 đến năm 2021, tầng lớp trung lưu đã suy giảm đáng kể khi khoảng 50 ngàn tỷ $ chuyển từ 90% người Mỹ nghèo nhất sang 1% người giàu nhất.
Khi nhậm chức vào tháng giêng năm 2021, Tổng Thống Joe Biden đã cố gắng lật ngược xu hướng đó. Dưới thời Biden và đảng Dân chủ, Quốc hội đã ban hành một loạt sắc luật để đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ. Những sắc luật đó đã sử dụng tiền của liên bang để khởi nghiệp các ngành công nghiệp sau đó thu hút vốn tư nhân – hơn 1 ngàn tỷ đô la.
Theo nhà nghiên cứu chính sách Jack Conness, Đạo luật CHIPS và Khoa học và Đạo luật Giảm lạm phát đã chịu trách nhiệm cho hơn 135.000 trong số 1,6 triệu việc làm trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất được tạo ra dưới thời chính quyền Biden. Tuy nhiên những thành tựu về kinh tế này lại không được truyền thông đưa tin như Jennifer Rubin của Washington Post lưu ý. Đây có thể là đạo luật quan trọng nhất do chính phủ thúc đẩy kể từ Đạo luật GI sau Thế chiến II.
Nhưng tháng 11 năm 2024, cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho Donald Trump, người hứa sẽ xóa bỏ các chính sách kinh tế chiến lược của Biden để khôi phục lại hệ thống của những năm trước năm 2021, theo đó một số ít cá nhân có thể tích lũy, gom góp được nhiều của cải nhất. Chỉ mười ngày sau cuộc bầu cử, một thẩm phán Texas đã lật ngược điều lệ trả lương phụ trội làm thêm giờ của chính quyền Biden, cho phép các chủ lao động hủy bỏ mức tăng lương mà họ đã trả cho nhân viên của mình theo quy định.
Hơn thế nữa, Trump, Elon Musk cùng với Vivek Ramaswammy thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency, (DOGE) chủ trương dẹp bỏ công đoàn, cấm công nhân đình công trên cả nước, giảm số lượng công nhân viện chức chính quyền từ 2,9 triệu người xuống còn 50.000 để dễ bề tham nhũng, thao túng chính phủ theo ý họ. Trump đã chọn lựa người cho nội các không theo khả năng, kiến thức, kinh nghiệm mà theo lòng trung thành tuyệt đối.
Nếu nội các của ông Trump được thành lập đúng theo ý ông, Bộ Hiệu quả Chính phủ do Musk và Ramaswammy có thực quyền để lèo lái, tác động vào các chính sách kinh tế, ngoại thương của Mỹ, bốn năm sắp tới, có thể nước Mỹ sẽ quay trở lại thời kỳ tư bản hoang dã như cuối thế kỷ 19. Công nhân viên sẽ phải làm việc nhiều hơn mà không được hưởng tiền phụ trội làm thêm giờ, không có bảo hiểm sức khỏe, không có lương tối thiểu, không có công đoàn bênh vực khi xung đột với giới chủ nhân…
Hơn thế nữa, giá cả hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm sẽ tăng chóng mặt khi thuế quan (tariff) được Trump dùng như một vũ khí chiến lược để răn đe kẻ thù, lẫn bạn.
Cử tri Mỹ sẽ nhìn thấy những điều này sớm thôi.
Nguyễn Tiến Cường
********
Tham khảo: