Ngu Yên: Tính Và Chất Văn Chương
Văn học phát xuất từ văn chương. Trước hết, bản sắc lý thuyết văn học đến từ bản sắc văn chương. Cơ sở trực diện nhất là ngôn ngữ, dẫn đến câu hỏi: tính chất ngôn ngữ văn chương là gì? Hoặc đặt câu hỏi mở rộng hơn: Tính chất ký hiệu văn chương là gì?
- Tính chất văn chương: Thể hiện độc đáo.
“Tôi đứng bên này sông, bên kia vùng giặc đóng.” Câu này là mô hình của lời nói hoặc câu văn viết bình thường, không phải là câu thơ.
Câu kế tiếp: “Làng tôi đấy sạm đen màu tiết đọng.” Câu này là mô hình của thơ vì nó khác biệt và nổi bật. Bình thường không nghe ai nói “màu tiết đọng,” đồng thời cụm từ này gợi lên vài ý nghĩa khác nhau khi phân tích lịch sử và biến cố lúc bài thơ thành hình.
Rồi mô hình khác của thơ mang sắc thái lãng mạn: “Tre cau buồn tóc rũ ướt mưa sương.” Mô tả thẩm mỹ bằng ngôn ngữ thi vị.
Tiếp theo, “Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường.” Câu mô hình văn chương trong giai điệu âm sắc và nhịp đọc. Khi câu thơ ở những vị trí sau khi tác giả đã tạo nên âm nhịp hoặc vần điệu, nó dễ trở thành thơ để dẫn vô thức đến, mang theo cảm xúc vào ý nghĩa: “Nếp đình xưa người hỡi đau gì không?” Bài “Nhà Tôi” của Yên Thao thật sự bắt đầu sau câu này và ý tưởng lẫn cảm xúc trong suốt bài thơ tập trung vào: “Người hỡi đau gì không?”
Mượn đoạn thơ trích bên trên để làm ví dụ, thể hiện những nét bản sắc văn chương. Trình bày đôi điều căn bản về ngôn ngữ tạo ra thơ. Và cấu trúc thơ.
Mô Hình Ngôn Ngữ Diễn Đạt.
Kỹ thuật diễn đạt quy định thành mô hình ngôn ngữ. Mô hình ngôn ngữ diễn nghĩa là gì? Là một đơn vị tập hợp ký hiệu thông tin (hoặc từ ngữ) hoàn tất ý nghĩa của điều gì muốn nói, từ dạng đơn giản đến phức tạp. Nội dung trong mô hình không cần tuân theo những quy luật văn phạm, thuật ngữ, cú pháp, bao hàm ý nghĩa biểu hiện và ý nghĩa được biểu hiện, bao hàm nghệ thuật và mỹ thuật.
Mô hình diễn đạt chia làm hai thể loại: – Mô hình thường, bao gồm những mệnh đề và những câu thường dùng đã hoàn tất ý nghĩa. – Mô hình văn chương, bao gồm những mệnh đề và những câu mang tính thi vị, thú vị, văn vẻ, thẩm mỹ, có ý nghĩa khác lạ.
- Bài thơ được xây dựng bởi hai loại mô hình nối tiếp nhau. Hầu hết mô hình thường dùng làm nền, liên kết, để mô hình văn chương xuất hiện và nổi bật.
- Trong mô hình thơ (hoặc mô hình văn chương) sẽ xuất hiện những thuật ngữ khác thường, mang ý nghĩa (có tính nhất quán cho toàn bài.) Nếu chúng ta dùng chữ “đắc địa” để chỉ vị trí của từ ngữ then chốt trong câu thơ, bài thơ, có lẽ nên hiểu một cách rộng rãi hơn: Từ ngữ đắc địa bao hàm một số thành tố: 1- Khó có thể thay thế bằng từ ngữ khác. 2- Khó thay đổi vị trí cho dù xuất hiện một cách phi văn phạm. 3- Mang nhiều ý nghĩa hơn ý nghĩa thông dụng. 4- Âm sắc hoặc vần điệu tạo ra thú vị. Cụm từ “Màu trăng vôi” nổi bật, tạo nên thi vị và thú vị: Không phải màu trắng vôi, cũng không phải màu trăng trắng như vôi, mà trăng sơn ánh sáng lên tường vách màu vôi. Từ “lồm lộp” có nghĩa trắng bệch (Từ điển Khai Trí). Trong bài có nghĩa màu trăng sáng rất sáng, sáng vằng vặc, gợi ý hồi tưởng một thời thanh bình. (Đọc “Nhà Tôi” trên mạng http: // www. dongnhacxua.com/nha-toi-chuyen-gian-thien-ly)
- Tứ thơ đơn giản có thể chỉ gói trọn trong một mệnh đề. Tứ thơ phức tạp bao gồm nhiều câu, có khi cần cả đoạn để hoàn tất tứ thơ sinh hoạt. Một bài thơ luôn luôn có một tứ thơ chủ yếu, nhất quán thể hiện ý nghĩa bề rộng và chiều sâu tổng thể.
Đa số tứ thơ được xây dựng bởi cả hai loại mô hình, chính yếu là mô hình văn chương. Những mô hình bình thường xuất hiện như cầu thủ lừa banh trên sân, (Tôi đứng bên này sông… Làng tôi đấy…Nếp đình xưa…) Những mô hình văn chương thể hiện những đường banh sút đẹp, gây cảm xúc, gây hào hứng (sạm đen màu tiết đọng… tóc rũ ướt mưa sương…Màu trăng vôi…), để cú đá lọt lưới như tứ thơ dứt điểm tung văng hồn và trí người đọc: “Nếp đình xưa người hỡi đau gì không?”
Những tứ thơ “dứt điểm” có thể gọi tứ thơ “đắc địa”, không nhất thiết nằm ở vị trí đặc biệt nào, dù vẫn hay xuất hiện để chấm dứt tứ thơ, tuy nhiên có thể hiện diện bất kỳ ở đâu, miễn là phải phá lưới. Một bài thơ hay thường có nhiều bàn ghi điểm.
- Cấu trúc toàn bài: Sự liên hệ giữa mô hình thường và mô hình văn chương theo nhận xét: Mô hình, câu hoặc tứ văn chương đồng hóa mô hình, câu, tứ thường vào văn bản văn chương. Sự hòa hợp tùy vào mỗi tác giả, mỗi loại thơ và mỗi nghệ thuật diễn đạt. Nên quan tâm về khuyết điểm vì ưu điểm tự nó sẽ thành hình, phần lớn do vô thức hiến tặng.
- Một bài thơ hoặc văn bản văn chương có đa số mô hình thường sẽ nghiêng về hiện thực. Văn chương ít cưu mang ý nghĩa thâm trầm, ít giá trị. Nếu thiếu khéo léo, tứ thơ sẽ hời hợt và dễ gây nhàm chán. Thể loại này phù hợp loại văn bản nhắm tác dụng trực tiếp như Hịch hoặc thơ Hành. Có khả năng mô tả và lý luận rõ ràng.
- Ngược lại một bài thơ có dày đặc mô hình văn chương sẽ trở nên nặng nề, khó hiểu, hoặc vô nghĩa. Nhất là những bài thơ có nhiều mỹ từ pháp mà thuật ngữ không bao hàm nghĩa thứ hai, hoặc nhiều ẩn dụ, tượng trưng không phù hợp và không nhất quán. Bài thơ trí tuệ không nhất thiết phải là bài thơ khó hiểu. Bài thơ khó hiểu không nhất thiết là bài thơ có gì để hiểu.
- Khó khăn nhất là kết hợp hai loại mô hình trong một mệnh đề hoặc một câu. Đòi hỏi tài năng và kinh nghiệm sáng tác. Không thể gượng ép vì sẽ tạo một tứ thơ giả mạo hoặc tứ thơ khoa trương.
Những quan điểm phân biệt giữa ngôn ngữ bình thường và ngôn ngữ văn chương dẫn đến nhận định căn bản đầu tiên: Ngôn ngữ văn chương mang bản chất độc đáo và nổi bật trong.
Nhà thơ Yên Thao khéo léo chấm dứt bài thơ “Nhà Tôi” bằng ba tứ thơ theo tính truyện:
- Người lính trở về giải phóng quê hương.
- Phấn khởi cùng người bạn pháo binh trước giờ tấn công vào trại giặc.
- Kết thúc bằng tứ thơ đắc địa: Anh rót cho khéo nhé! Không lại nhầm nhà tôi… có người tôi thương. Một cú đá xoáy nhẹ nhàng lọt lưới.
- Tính chất văn chương: Tinh Hợp Phức Tạp.
Trong văn bản văn chương có rất nhiều thành tố liên hệ với nhau một cách phức tạp khó giải thích. Bao gồm ngôn ngữ, ngoài ngôn ngữ, ý thức diễn đạt và vô thức truyền đạt. Có một “ảo thuật” nào đó xảy ra giữa âm sắc và nhịp điệu, giữa khả năng sử dụng ngôn ngữ và cấu trúc văn bản, giữa ngữ pháp, cú pháp và ý nghĩa, giữa kết duyên nét đẹp và kinh nghiệm về thẩm mỹ cá nhân. Sự hòa hợp tinh túy này chưa có ai giải thích một cách thuyết phục và có lẽ sẽ không bao giờ. Lý do, văn chương là biến số, vì vậy các thành tố cấu tạo đều là biến số. Chỉ có thể nhìn thấy như một phương trình hóa học luôn luôn có thành quả khác nhau. Về mặt học thuật, có thể giải thích sự tinh hợp là kết quả từ khả năng tài hoa của tác giả, bao gồm sở học, kinh nghiệm, sáng tạo và may mắn. Ví dụ đọc đoạn mở đầu bài: Âm Binh của Cao Đông Khánh:
“Thôi em hãy vì anh chia sớt ngoài kia gió ảo giác, đêm héo ruột não nùng. Bọn gian tặc ngôn ngữ khoái trá chửi rủa nhau như bệnh hoạn và tự tại lên mặt giữa mọi người, cảm tưởng ai cũng nhìn ngắm mình khiếp đảm. Dối trá trở thành liêm sỉ còn chân thật trở thành huyền hoặc hoang đường. Thời đại tân tiến chạy ngược bánh xe chở kẻ gian xảo ra mắt thế giới
[…]…” (Âm Binh. Trích Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn.)
Có điều gì cuồn cuộn tuôn ra những câu thơ dài liên u liên minh tưởng chừng khó chấm dứt thôi thúc mắt đọc rượt theo chữ nghĩa đến chừng hơi lảo đảo khi bánh xe chạy ngược chở kẻ gian xảo ra mắt thế giới. Sự tinh hợp các thành tố điêu luyện một cách khác thường khiến cho đọc muốn đọc ngấu nghiến những đoạn thơ dài chen lấn đứng lên. Để cuối cùng thở dài vì nín thở khá lâu tại câu cuối cùng: tại sao em hỏi anh tại sao anh ra mắt con người?
Mỗi văn thi sĩ tài hoa đều có một phương thức riêng, một phương trình tinh hợp riêng tạo ra phong cách và giá trị diễn đạt. Đây là chất giọng văn chương cá nhân. Vì mỗi văn bản văn chương có giá trị đều phải có chất giọng đặc thù, cho nên chất giọng chung của văn chương bao gồm tất cả những chất giọng cá nhân đã hiện diện dọc theo lịch sử. Chất giọng này sẽ tiếp tục thay đổi do sự đóng góp của chất giọng cá nhân và những khám phá mới của văn học.
- Tính chất văn chương:
Liên văn tự và Liên văn bản.
Thuật ngữ Liên Văn Bản (intertextuality) chỉ một tính chất văn chương thuộc về lịch sử ngôn ngữ và sự liên đới của các văn bản hàng dọc và hàng ngang, do Julia Kristeva tạo ra từ năm 1966. Trước đó, nhà thơ T.S. Eliot nhận định, mối liên hệ giữa một văn bản và truyền thống cũng như văn hóa là một mạng lưới rộng lớn của văn bản, bao trùm tất cả các văn bản khác, dẫn đến các giả định như liên văn bản, mà mọi tác giả nên ý thức về lịch sử và không có văn bản nào tự tồn tại riêng rẽ theo truyền thống. (An Introduction to Intertextuality as a Literary Theory: Deffinitions, Anxioms and the Originators. TCML.)
Vincent B. Leitch trong Deconstructive Criticism: An Advanced Introduction khẳng định: Mỗi từ ngữ là mỗi liên văn tự. (trang 59). Khái niệm này được giải thích qua một số quan điểm:
– Từ ngữ hoặc văn bản mang ý nghĩa không đến từ tác giả mà do liên hệ hỗ tương với những từ ngữ hoặc văn bản khác. Ý nghĩa trở thành điều gì hiện diện trong hệ thống lưới liên kết của văn bản và văn tự. Vì vậy một từ ngữ hoặc một văn bản tạo ra ý nghĩa là kế thừa và vay mượn từ hệ thống lưới. Tuy nhiên, ý nghĩa này không xác định bởi nó bao hàm luôn cả những khoảng trống giữa những văn tự và văn bản, vì vậy, ý nghĩa mang tính chuyển động khó nắm bắt. Bản tính đặc thù này cũng là một then chốt để sáng tạo tứ văn thơ qua ngôn ngữ và những khoảng trống giữa cú pháp.
– Phân tích phê bình liên văn bản đòi hỏi phải truy lục sự lập lại, sự tái dụng của liên văn để có thể tiếp cận việc giải thích ý nghĩa.
– Liên văn bản là một nỗ lực tìm hiểu văn học và văn hóa qua ngôn ngữ. (Graham Allen, Intertextuality, trang 7.)
Lý thuyết Cấu Trúc Luận, Giải Cấu Trúc và Hậu Hiện Đại đã thay đổi khái niệm của chữ nghĩa và văn bản. Tuy cùng công nhận sự tương quan văn bản theo lịch sử và theo thời đại nhưng chia ra nhiều chi nhánh: Umberto Eco, Jacques Derrida, Harold Bloom, Michael Riffaterre, Gérard Genette… mỗi người có mỗi lý thuyết khác nhau, gây phức tạp cho khái niệm Liên Văn bản nguyên thủy.
Bất kỳ bài thơ bài văn nào đều có kế thừa và vay mượn, việc này hiển nhiên. Như vậy đọc một văn bản văn chương, ví dụ như bài thơ là liên hệ đến những bài thơ khác (không nhất thiết cùng ngôn ngữ) và có thể so sánh, đối nghịch để tìm hiểu ý nghĩa. T.S. Eliot nhận định: “Không có nhà thơ, không có nghệ sĩ của bất kỳ nghệ thuật nào hoàn toàn tạo ra ý nghĩa một mình. Ý nghĩa đó được đánh giá qua mối liên hệ với những nhà thơ khác và nghệ sĩ khác đã chết. Không thể xem trọng tác giả một mình, phải đặt tác giả giữa những người chết để so sánh và đối chiếu […]” (Tradition and the Individual Talent, 2015.TCML.)
Tranh luận ngược lại đặt câu hỏi: Có thể nào đọc thơ (văn bản văn chương) ở mức độ nào đó về bản thân của thơ? Câu trả lời dẫn đến khái niệm: “Tính Tự Phản Xạ” (self reflexivity.) Có nghĩa là người đọc có thể đòi hỏi một văn bản làm thế nào nó ngấm ngầm nói về ý nghĩa liên quan đến cách thức nó tạo ra ý nghĩa. Quan điểm Truyện Tự Thức phát xuất từ khái niệm này.
Tìm hiểu văn thơ qua Tính Tự Phản Xạ có vai trò quan trọng trong phê bình văn học, cần khảo sát chi tiết và thực hành.
Thuyết Tiếp Cận Liên Văn bản (Quasi-Intertextuality) của T.S. Eliot tuy là một nguồn khởi xuất nhưng nhắm vào văn học và văn hóa, trong khi thuyết Ký Hiệu Học (Semiotics) của Ferdinand de Saussure thành lập khái niệm Liên Văn Bản theo một hệ thống ngữ pháp dựa trên khoa học. Ông lập luận, ngôn ngữ (viết) là một hệ thống ký hiệu về liên hệ, một loại mạng lưới tổng hợp của ký hiệu. Ý nghĩa của mỗi ký hiệu tùy thuộc vào sự liên hệ với những ký hiệu khác trong hệ thống. Bản thân của ký hiệu không có ý nghĩa, chỉ tạo ra ý nghĩa khi nó liên hệ với lưới ký hiệu. Tuy nhiên mỗi ký hiệu dị biệt về hình ảnh, âm sắc và hình thể đại diện, ông xác nhận: “Trong ngôn ngữ chỉ có sự khác biệt” In language, there are only differences. Ý ông muốn đến ý nghĩa của “cái được đại diện” (signified). Vì vậy kết quả của mỗi văn bản sẽ khác nhau.
Từ Ký Hiệu Học, tư tưởng của Saussure trở thành nền tảng cho Cấu Trúc Luận.
- Tính chất văn chương: Hư cấu và mỹ thuật.
Văn chương hướng về tưởng tượng hơn mô tả, sáng tác hư cấu từ thực tế hơn tường thuật câu truyện. Dĩ nhiên ngôn ngữ văn chương đóng vai trò chủ yếu nhưng không đòi hỏi những điều kiện một cách ráo riết như thơ. Ngôn ngữ thơ dùng để truyền đạt và tự giải thích bản thân, trong khi ngôn ngữ truyện trình bày và giải thích những gì liên quan giữa nhân vật, người kể và tác giả.
Văn xuôi cũng sử dụng hai mô hình diễn đạt. Mô hình văn chương cưu mang nhiều tưởng tượng và sự liên hệ giữa mô hình thường và mô hình văn chương là hư cấu nhiều hơn ghi nhận. Một trong vài bí quyết của sáng tác truyện thời đại là để cho người đọc luôn luôn ngẫm nghĩ: Tại sao gọi là truyện? Văn bản này có phải là truyện? Hay là những gì người đọc biết về truyện đã thay đổi? Sự thắc mắc này có thể xuất hiện rõ ràng thúc giục câu trả lời hoặc mơ hồ trong tâm trí để thỉnh thoảng nghĩ đến. Nói theo ý thức sáng tác, một trong những nhiệm vụ của tác giả là đánh thức người đọc ra khỏi thói quen của đọc và những định nghĩa văn học đã xác định. Người đọc cần theo dõi sự biến hóa của văn chương, mới có khả năng thưởng thức cập nhật.
Sự thay đổi liên tục hình thái và phẩm chất của văn bản văn chương là chuyện đương nhiên từ bản chất biến số. Sự thay đổi dựa lên một số yếu tố chính: Xã hội, chính trị, triết học, nội tâm… đối với văn chương yếu tố quan trọng là sự biến chuyển của ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ, bao gồm thẩm mỹ trình bày (hình thức) và thẩm mỹ tư tưởng (nội dung).
Khi bàn đến thẩm mỹ là nhìn sự “đẹp” từ tổng thể cho đến chi tiết. Mục đích khi tạo sinh thẩm mỹ là tiếp cận sự đẹp toàn thể, tuy nhiên ý định đó lý tưởng và hoàn toàn sẽ không xảy ra với con người, ngay cả sản phẩm của tạo hóa cũng không hoàn chỉnh.
Như vậy, có thể những khiếm khuyết, những chi tiết “không đẹp” là điều kiện tất có trong thẩm mỹ. Nếu vậy, những chi tiết “xấu” có hữu lý khi đính kèm với đẹp? Quan điểm này gây những tranh cãi liên quan từ quan sát thực tế cho đến lý luận nhị nguyên. Chủ nghĩa Hậu Nhân Bản suy đoán khi con người hôm nay trở thành posthuman (con người hậu thế) mới có khả năng sinh tạo sự đẹp ở cấp độ hoàn mỹ trong thời điểm thực hiện.
Sự đẹp trong văn chương thể hiện từ chân dung đến tinh thần, từ ngôn từ cú pháp cho đến ý nghĩa, từ ý thức đến vô thức. Đẹp không chỉ ở ngôn ngữ trình đạt như một số nhà văn cổ động và thực hành. Đúng ra, tư tưởng đẹp và văn pháp đẹp đều cần thiết và mang tính giá trị toàn khối. Đẹp không chỉ một vẻ, một kiểu. Núi đẹp, sông đẹp, biển đẹp, người đẹp, hoa đẹp, bướm đẹp, chó đẹp, chuột đẹp… ý đẹp, tình đẹp, hòa bình đẹp, chiến tranh đẹp, đẹp đẹp, xấu đẹp….Mỗi người mỗi vẻ tuy mười phân không vẹn mười.
Quan điểm thực tế cho thấy thẩm mỹ không nhất thiết phải hoàn mỹ, chính những gì thiếu sót là động cơ khiến nghệ sĩ truy lùng, thử nghiệm và chứng minh dù cá nhân của họ biết rõ không bao giờ đạt được hoàn mỹ.
Chính sự thiếu sót sinh ra phê bình. Phê bình không thể hoàn mỹ do đó sinh ra phê bình về phê bình. Phê bình về phê bình về phê bình cứ như vậy tiếp diễn dọc theo thời gian đuổi rượt tiêu chuẩn hoàn mỹ trong tưởng tượng.
Con đường duy nhất để đeo đuổi tưởng tượng là hư cấu. Bản tính văn chương là hư cấu biểu hiện thẩm mỹ.
Thẩm mỹ văn chương không thể chỉ bàn thảo vài trang vì sự đa dạng phức tạp và lịch sử tư tưởng xoay quanh sự đẹp. Nó vừa tổng thể vừa chi tiết, vừa biến đổi vừa sâu sắc, vừa cá nhân vừa xã hội.
Sự đẹp vô hình, chỉ thể hiện qua vật lý. Trong văn thơ, đẹp xuất hiện qua ngôn ngữ. Nếu tứ văn thơ là căn phòng, ngôn ngữ là những cánh cửa mở ra để người đọc nhìn vào. Mỗi cánh cửa là mỗi trang hoàng gợi ý, điềm chỉ những gì ẩn sau cánh cửa. Như vậy, chẳng những căn phòng cần đẹp, những gì chứa trong phòng phải đẹp và những cánh cửa tuy khép hờ, đóng chặt, phải đẹp. Những căn phòng lớn nhỏ như vậy nối nhau, chồng chất lên nhau, tạo thành văn bản văn chương.
Ví dụ 1:
- Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
- Có kịp đêm nay về hẹn hò?
Câu (1) trong mô hình diễn đạt bình thường. Cụm từ “bến sông trăng” làm tăng thêm văn vẻ. Câu (2) mô tả tình tứ, một cảm xúc thương nhớ bâng quơ. Nét đẹp thể hiện qua hai câu thơ là chất đẹp cảnh trí và lãng mạn. Trong khi Hàn Mặc Tử viết câu thơ (2) Có chở trăng về kịp tối nay? Chuyển từ mô hình thường sang mô hình văn chương với ẩn dụ “trăng về”. Không nhắc hẹn hò mà hẹn hò. Hẹn hò với trăng và trăng là ai? Nét đẹp cao kỳ hơn, thâm trầm hơn.
Ví dụ 2:
En Ti La Tierra của Pablo Neruda
(Mặt Đất Trong Em.)
(1) Pequeña
(Nhỏ bé)
rosa,
(màu hồng,) rosa pequeña, (hoa hồng nhỏ,) a veces,
(đôi khi)
diminuta y desnuda, (rất nhỏ và trần trụi,) parece
(dường như)
que una mano mia (trong bàn tay tôi) cabes,
(vừa vặn,)
que asi viy a cerrarte
(đó là cách tôi nắm chặt em)
y llevarte a mi boca,
(và đưa lên môi,)
(2) pero (nhưng) de pronto
(bỗng dưng)
mis pies tocan tus pies y mi boca tus labios: (chân tôi chạm chân em và môi tôi chạm môi em:) has crecido,
(em đã mọc lên,)
suben tus hombros como dos colinas, (đôi vai nhô cao như hai ngọn đồi,) tus pechos se pasean por mi pecho,
(đôi vú đi động trên ngực tôi,)
mi brazo alcanza apenas a rodear la delgada
(cánh tay tôi ôm vừa trọn )
linea de luna nueva que tiene tu cintura:(đường trăng lạ mỏng manh vòng eo em:)
en el amor como agua de mar te has desatado: (trong tình ái như nước biển em buông lơi:) mido apenas los ojos mas extensos del cielo
(Tôi chỉ ước đoán qua đôi mắt lớn xanh màu trời )
y me inclino a tu boca para besar la tierra
(và tôi nghiêng xuống môi em hôn mặt đất.)
Dịch liên bản với In You The Earth của Thayne Tuason.
Trần Thế Trong Em.
(1) Nhỏ bé hồng hồng, hoa bé nhỏ, lắm khi
mong manh không che đậy, dường như
vừa vặn trong lòng tay tôi nâng niu siết chặt rồi đưa lên bờ môi,
(2) nhưng
bất ngờ
bàn chân tôi chạm chân em cho môi chạm vào môi
em đã khôn lớn
vai nhô cao hình ngọn đồi
đôi vú bồng bềnh trên ngực tôi gần trọn vòng tay ôm ẻo lả
đường trăng lạ lẫm quanh lưng eo em chìm tình ái lả lơi như sóng biển
tôi suốt nhìn đôi mắt lớn màu trời rồi cúi xuống môi em hôn trần thế.
Tứ thơ (1) mô tả một hoa hồng nhỏ với ngụ ý về cô gái chưa đến tuổi dậy thì. Tứ thơ (2) chuyển ẩn dụ hoa hồng nhỏ sang cô thiếu nữ trưởng thành đang ngã vào vòng tay tình tự. Từ cảm xúc dễ thương biến sang gay cấn. Gợi ý một câu truyện tình bất ngờ khi chàng trai lớn tuổi gặp lại cô bé ngây thơ ngày xưa. Nét đẹp lãng mạn tổng thể và những nét đẹp của hai tứ thơ thể hiện qua những chi tiết súc tích: nhưng / không ngờ / bàn chân tôi chạm bàn chân em cho môi chạm vào môi, chỉ bấy nhiêu chữ mà gợi lên nhiều chi tiết. Đường trăng mới lạ mỏng manh vòng lưng eo, một tứ thơ biểu tượng tài tình. Thẩm mỹ qua khả năng ngôn ngữ có thể tạo ra cảm xúc đẹp và ý tưởng đẹp về những điều gì rất bình thường. “La tiera”, mặt đất, một đại diện cho ý nghĩa “trần thế” để tứ thơ tổng thể từ hoa hồng nhỏ trở thành thiếu nữ rồi trở thành một cõi đời yêu đương.
Ngu Yên