Nguyễn Công Khanh: Tiếng Chuông Nhà Thờ Rung..
Có lẽ trong 50 năm qua ở Mỹ tôi chưa được nghe lại tiếng chuông nhà thờ.
Gia đình tôi theo Phật giáo.
Năm 1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, chính phủ và bộ đội Việt Minh rút khỏi thành phố lủi vào rừng sâu ẩn náu, bảo tồn lực lượng, trường kỳ kháng chiến, chờ thời để lại cho thanh niên Tự Vệ thành phố ở lại cầm chân ngăn cản bước tiến của địch và phá hủy các công thự.
Họ nội tôi ở vùng quê theo Việt Minh , bố tôi bỏ Hà nội đem gia đình theo họ vào vùng kháng chiến. Họ ngoại tôi ở Hà nội theo phe Quốc Gia, làm công chức như Kho Bạc, Hỏa xa…Ông cậu, em của mẹ tôi làm Phủ Toàn Quyền theo Việt Quốc bị Việt Minh bắt cùng nhiều người ngay ngày họ cướp chính quyền. Hai đảng thương lượng, được thả và rút lên chiến khu Yên Báy, nhưng chỉ ít tháng sau bị Việt Minh bao vây tàn sát không còn một ai. Họ ngoại tôi chỉ chạy loanh quanh và trở về Hà nội rất sớm.
Tôi còn nhớ khi chạy loạn, gia đình tôi luôn đến các làng đạo lánh nạn, vì tin rằng quân Pháp sẽ không đến bắn phá, đốt nhà hay bắt bớ. Yên ổn cũng được ít lâu, bố tôi mang tôi đến nhà thờ để xin học. Không lớp nào hợp với tôi, mẹ tôi nói cứ để nó học cho khỏi quên mặt chữ. Tôi 10 tuổi đang học lớp Moyen 1 tại trường Piere Pasquier, ở phố Sinh Từ. Tôi đã học qua lớp Enfantin, Preparatoire, nếu tôi nghĩ không lầm tôi sẽ phải học qua lớp Moyen 2 và lớp Supérieur để thi bằng Certificat, tức là bằng Tiểu Học. Thời đó, người lớn có bằng đó, nói được ít nhiều tiếng Pháp là có thể đi xin việc được rồi.
Những ngày ở nhà thờ, tôi học thuộc lòng hai bài kinh căn bản là “Kinh Lạy Cha” và “Kinh Kính Mừng”, đến nay tôi vẫn còn có thể đọc lại được. Tôi được Cha xứ tin cậy giao cho việc kéo chuông với một đứa trẻ khác. Tôi nhìn lên gác chuông vút trên cao, một sợi thừng đan bằng chão thả dòng xuống kéo kê trên mặt đất. Thật ra là chúng tôi chỉ nắm lấy dây đánh đu từ góc này sang góc khác theo nhịp chuông.
Đó là tiếng chuông nhà thờ đầu đời mà tôi nghe được và kéo chung với một đứa trẻ khác. Tiếng chuông nghe rộn rã, gọn gàng cuốn lên cao tỏa ra khắp làng và cánh đồng xa tưởng như trong một thuở thanh bình nào đó.
Quân Pháp mở rộng vùng kiểm soát, đánh tới làng, bố tôi lại đem gia đình chạy sang một làng đạo khác, thay vì chạy ngược lại và nói được tiếng Pháp thì họ sẽ chỉ dẫn đường về Hà nội, vì lúc đó chính phủ Quốc Gia đã thành lập và cố chiêu dụ dân chúng. Tôi vẫn được đến nhà thờ học kinh và thỉnh thoảng được kéo những hồi chuông như trước. Nhưng càng chạy xa, càng ở lâu thì càng túng quẫn. Có bao nhiêu thứ có thể bán được đều bán hết.
Sau cùng kiệt quệ, họ giới thiệu đến một trại tạm cư dành cho dân tản cư từ thành phố đến đó học việc để tìm việc làm. Bố tôi được làm trên văn phòng và họ dậy tôi nhiều nghề từ kéo sợi, làm nón và sau này làm tại xưởng bút chì, làm mực và giấy carbon cho máy chữ… Ở trại gặp được nhiều người cùng cảnh ngộ, mấy cô tiểu thư Hà thành, áo lụa bạc mầu lem luốc, “Như cánh hoa trong thời loạn ly”. Có hai anh thương binh, nguyên là thanh niên Tự Vệ Thành mỗi anh mất một chân, một anh mất chân phải, một anh mất chân trái, lội bộ từ Việt Bắc về đồng bằng. Đường thì xa, hai anh còn một trái lựu đạn bảo nhau cùng mở cho rồi đời, nhưng trái lựu đạn không nổ. Hai anh gài lại và đi tiếp.
Từ ngày có hai anh trại vui hẳn lên. Hai anh thường hay tụ họp chúng tôi bầy ra các trò chơi. Một anh có tài làm ra những câu nhạc “chế” hát mỉa, như câu “Hi sinh đời cho núi sông…” thành “Hi sinh đùi cho núi sông...”, câu “Sống tranh đấu mà không sờn gian khổ…” thành “Sống ăn sắn mà không thèm ăn phở, chết trong nhà mà không chết ở ngoài sân…”. Bọn cán bộ trại tức lắm mà không làm gì được anh.
Một hôm hai anh bảo chúng tôi mang rổ ra sông mang cá về. Ra đến nơi, một anh rút kíp trái lựu đạn, đã một lần hoãn mạng chết cho hai anh. Lúng túng thế nào vì chiếc nạng, anh trượt chân ngã và trái lựu đạn bị tung lên cao và lần này thì nó nổ, nhưng không ai bị thương tích.
Quân Pháp lại đánh đến, đốt phá tan tành trại, mẹ tôi nhân dịp này mang mấy đứa em tôi theo một số người trở về Hà nội. Tôi và bố tôi vì đi làm xa nên không thể về cùng. Sau đó mẹ tôi cho người ra đón tôi, và chính mẹ tôi tự mình ra đón bố tôi về.
Tôi mất bốn năm học, phải học tư tại một trường đạo lớn có tên là Dũng Lạc, cạnh nhà thờ lớn. Hàng ngày tôi lại được nghe tiếng chuông, hình như chuông nhà thờ rung mỗi giờ báo cho mọi biết mấy giờ trong ngày tùy theo số tiếng chuông. Đêm Giáng Sinh tôi đạp xe đến nhà thờ, đêm đông lạnh lẽo vắng người, tôi đứng yên lặng nghe tiếng nhạc ống, những bài thánh ca bằng tiếng La tinh và những hồi chuông rộn rã quyện lên không trung, thấy một điều gì linh thiêng khôn tả. Tôi đỗ xong bằng Tiểu Học và may mắn vào được trường Chu Văn An.
Hà nội những năm đó được bảo vệ khá an ninh, chiến tranh thì ở mãi núi rừng xa. Tôi và các bạn thường hay đạp xe lang thang trong thành phố và các vùng quê xa. Tôi có cảm tưởng như sống lại được cả một thời lãng mạn tiền chiến. Tôi đọc gần như hầu hết các tác phẩm của Tự lực Văn Đoàn, của các nhà văn cùng thời của một tiệm cho thuê sách ở góc chợ Đồng Xuân. Tôi đã chơi đàn và chép lại hàng trăm bài nhạc ướt át ủy mị như “Dư Âm”, Trăng Mờ Bên Suối”, “Về Bến Sông Tương”…mà sau này họ gọi là Nhạc Vàng, vào năm, sáu quyển dầy cộm. Một người bạn tôi, có công ngồi chép lại không biết bao nhiêu bài thơ mới. Nhưng rồi chúng tôi cũng phải bỏ Hà Nội, bỏ những ngày vui theo một triệu người di cư vào Nam, để lại một thành phố trống rỗng. Riêng tôi, tôi rời Hà nội gần giống như bài “Nỗi Lòng” của nhạc sĩ Anh Bằng: “ Tôi xa Hà Nội năm tôi mười tám khi vừa biết yêu…”. Tôi cũng có một cô hàng xóm, gặp nhau thường nói những chuyện bâng quơ. Cô vào Nam trước, gửi cho tôi một tấm hình và một lá thư hẹn tôi ở Saigon. Chúng tôi gặp lại nhau, nhưng mối tình học trò đó như bong bóng mùa mưa tan lúc nào không hay.
Vào Saigon, tôi cùng mọi người sống những năm mở đầu của thời Cộng Hòa, an bình, hưng thịnh và phấn khởi. Một người cha đi làm có thể nuôi một gia đình sung túc, bệnh viện miễn phí, giáo dục từ Tiểu học đến Đại học đều miễn phí, một số trường Đại học lại cấp học bổng cho sinh viên hàng tháng cho đến khi ra trường. Tôi thi vào được Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, mỗi tháng được 2,000 đồng như lương một công chức. Trường tọa lạc cạnh Bộ Ngoại Giao trước Phủ Tổng Thống và ngay sau nhà Thờ Đức Bà chỉ cách một công viên. Với số tiền đó, không bao lâu tôi mua được một xe Vespa, cùng bạn bè sống đúng mốt như các thanh niên hồi đó. Nhắc lại để các bạn cùng nhớ, may áo Adam trước cửa Tòa Đô Chánh, mặc quần Chiến Lê Văn Duyệt, đi giầy Gia bên Khánh Hội và đồ bộ Tân Tân trên đường Tự Do… Hàng ngày sau buổi học, các bạn thường rủ nhau ra các quán trên đường Tự Do như La Pagode, Givral, Broda uống cà phê nhìn đường phố hay Pole Nord ở cuối đường cạnh Hotel Majestic để chơi Tilt. Thành thử một ngày có thể tôi đã lái xe qua nhà thờ đến hai, ba lần. Đêm Giáng Sinh, chúng tôi cùng hẹn nhau ở đó trước giờ đi “Bal” khiêu vũ. Tôi được nghe lại nhạc thánh ca và nhìn lên gác chuông vút trên cao. Giáng Sinh ở Saigon không như ở Hà Nội xưa, vui và sống động hơn, ban đêm trời mát, đông người vì không ai nghĩ đến mình có đạo hay không.
Cuối năm 1961 tôi ra trường, tưởng rằng sẽ được kéo cái cuộc đời ở Saigon như các khóa trước, Tổng Thống Diệm đã thay đổi chính sách đưa nửa khóa của chúng tôi vào ngành Trung Ương Tỉnh Báo và nửa khoá còn lại gửi ra quân trường Đồng Đế theo học một khoá Chuẩn Úy Hiện Dịch trong đó tôi. Mọi người cho đó là một lò luyện thép, tướng Đỗ Cao Trí, chỉ huy trưởng nói: “Một người lính bộ binh giỏi là một người đi bộ giỏi”. Thành thử chúng tôi đi bộ mút mùa, hàng tuần di hành 60 cây số theo tốc độ, vai đeo sac nặng chĩu và hai tay mang khẩu Garant nặng như cái cùm. Đèo Rù Rì, Núi “Cô Gái nằm”, những cánh rừng Diên Khánh đi đến mòn chân. Có những đêm không được nghỉ lại phải đi gác tại các trọng điểm trong vùng. Một lần toán gác của tôi ở phía biển cạnh khu xóm Ba Làng. Ba Làng được biết đến là cả làng này vượt biển lánh nạn Cộng sản bằng thuyền và mảng trôi vào Nam sau thời hạn di chuyển khi đất nước chia đôi. Tối đó chúng tôi lén vào xóm nhờ một bà nấu cháo gà và mua mấy chai bia ngồi nhậu với cánh và cổ gà.
Sau khi mãn khóa, tôi cầm sự vụ lệnh mới biết nhiệm sở của mình là đảo Phú Quốc. Khi tôi đến đó, tất cả các đường bộ đều bị cắt đứt, chỉ còn lại 5 ấp nằm sát ven biển, 4 ấp đã có hàng rào chiến lược. Di chuyển liên lạc đều phải dùng thuyền hay nhờ hải thuyền. Tối nào nằm trong quận cũng nghe súng bắn lẻ từ phía bên kia sông Dương Đông của du kích bắn sang, và hàng tràng súng của dân vệ bên này bắn lại. Nghe riết rồi thành quen, cứ sau hai hồi súng đó là mọi người có thể ngủ yên cho đến sáng.
Không hiểu sao tôi đã ở lại đảo gần ba năm mà không xin đổi, thay vì các công chức bị đổi ra đó, họ tính từng ngày để trở lại đất liền. Có thể tôi đã lãng mạn hóa, đã huyền thoại hóa những ngày trên đảo. Tôi tưởng tượng như mình là một Gaugin trong các rừng dừa, ở đó có những chàng trai đánh trống bập bùng, những cô gái mình trần đang múa, cầm những vòng hoa đón khách lạ. Tưởng mình như một Gary Cooper trong phim “Retour au Paradis” hay Marlon Brando trong “Mutinity on Bounty”… Một lần trong những ngày bão biển, không biết làm gì tôi vào trong kho lục tìm được cuốn Địa Phương Chí. Tôi mải mê đọc, có những phần lịch sử của hòn đảo mà nhiều người chưa biết, bao nhiêu huyền thoại được viết lại. Nhất là có một đoạn nói về bà Kim Giao mang 50 con trâu ra đảo lánh nạn Tây Sơn, sau này bị thất bại, bà mất và những con trâu đó thành những con trâu rừng lang thang trên đảo. Tôi cố đi tìm đàn trâu đó tưởng như mình đang đi tìm một thiên đường lỡ dở. Tôi dò hỏi dân thì được biết đàn trâu còn lại hai con, năm trước một con bị bắn chết còn lại một con…
Một sự ngẫu nhiên, trong 5 ấp kể trên, có một ấp ở cuối đảo là An Thới lại là nơi định cư chính của dân vượt biển Ba Làng. Họ xây được một nhà thờ khá lớn và có hai linh mục. Ấp có một một trung đội dân vệ, trang bị vũ khí sơ sài, nhưng du kích cũng chưa bao giờ đến trêu trọc. Tôi cũng thường hay xuống đó và quen thân với vị linh mục trẻ có tên là Hoàng văn Cung và ông trưởng ấp Niềm. Thỉnh thoảng cha Cung lên Dương Đông làm lễ, tôi cũng đến dự, như thường lệ tôi vẫn dự các ngày lễ lớn tại chùa Phật Giáo, thánh thất Cao Đài hay Hòa Hảo…
Nơi làm lễ là một nhà thờ cổ nhỏ được xây từ thế kỷ trước, mái không còn nữa, chỉ còn trơ 4 bức tường gạch và sàn trơ mầu gạch cũ. Tôi theo mọi người đọc kinh, vẫn những bài kinh cũ mà tôi đã thuộc lòng. Lời kinh và tiếng giảng của cha lẫn trong gió biển. Tôi cũng còn nhớ hai ngôi mộ cổ của hai nhà truyền đạo được xây cũng từ thế kỷ trước có tên lạ hoắc tại gần Dinh Cậu, cạnh Ty Khí Tượng mà mỗi chiều khi tắm biển xong tôi vẫn ngồi nghỉ trên đó. 45 năm sau tôi trở lại Phú Quốc thì ngôi nhà thờ cổ hai ngôi mộ không còn nữa.
Trong thời gian ở đó, tôi đã đến các ấp nhiều lần để củng cố ấp, lập hương ước và thực hiện các chương trình của chính phủ. Tôi lại được giao cho viết dự thảo thành lập tỉnh Phú Quốc. Chuyến đến thăm ấp Hàm Ninh lần cuối, vì biển động tôi đã ở đó một tuần và bỗng nhiên tìm thấy một cái sọ trâu khô trắng nằm ỏ hàng rào, tôi ra bới lên và mang vào nhà hỏi thì họ nói con trâu này vừa bị Thiếu úy đồn trưởng bắn chết. Tôi vội chạy lên đồn thì lính cho biết Thiếu uý lần vừa rồi đi săn đã bị ngã gẫy xương và được đưa về bệnh viện tỉnh tuần trước rồi. Tôi trở lại chỗ sọ con trâu, ôm nó lên tưởng như thiên đường của mình đang đi tìm đã mất thật rồi.
Về quận, tôi nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển về tỉnh nhường chỗ cho người khác tiếp tục dự án thành tỉnh. Tỉnh trưởng an ủi tôi: “Anh nên về, ở đó lâu họ sẽ quên anh”.
Vốn quen sống giữa trời cao biển rộng, chán ngán những ngày dài tù túng của một đời công chức tỉnh lị, tôi thường lấy cớ đi ra ngoài công tác. Có lần tôi theo một phái đoàn đi thăm khu định cư Cai Sắn của dân Công Giáo. Đây là một khu định cư khá lớn trong đồng bằng Cửu Long, dọc theo quốc lộ 4, nằm giữa Ngã Ba Lộ Tẻ phía Bắc và phi trường Rạch Sỏi phía Nam, gổm 8 kinh, kinh nào cũng có nhà thờ riêng, ruộng thẳng cánh cò bay. Trong các kinh còn có những con lạch nhỏ ngang dọc di chuyển bằng ghe thuyền rất thuận tiện.
Hôm đó phái đoàn đi thăm nhiều kinh, kinh cuối cùng là kinh số 8. Khi ghe cặp bến mọi người lên bờ, bỡ ngỡ không thấy dân ra đón như các kinh khác. Thì ra giáo dân ở kinh này đã rời dần về các vùng vui và yên ổn hơn. Mọi người đi vào nhà thờ, gặp một ông bõ già và một lúc sau mới thấy một linh mục gầy còm khoác áo choàng ra đón. Trong lúc mọi người vây quanh linh mục hỏi han, tôi chợt nhận ra linh mục là một người rất quen và khi linh mục nhìn tôi, tôi cũng thấy có cảm tưởng như thế, nhưng chúng tôi còn e dè chưa có dịp nói chuyện. Lúc sau phái đoàn đem quà ra tặng và vội vã rời khỏi nhà thờ vì trời đã về chiều và vùng này đã có những tin bất an. Tôi cố tình đi lùi lại gần linh mục và bắt chuyện, chúng tôi nhận ra nhau, thì ra khi vào Saigon, tôi học nhẩy một lớp, không dám ở lại Chu Văn An và phải sang học trường Hồ Ngọc Cẩn, một trường đạo ở Bùi Chu Phát Diệm dọn vào. Tôi còn nhớ rõ, hồi đó hắn nhỏ con, gầy gò, nhưng tính ương ngạnh nên hay bị các học trò khác gây gổ. Không hiểu vì một cớ gì tôi lại hay bênh vực hắn nên thành một người bạn và thường hay đi với nhau. Tôi đỗ Tú Tài 1 xong và trở lại trường Chu Văn An, sau đó tôi không gặp được hắn nữa.
Chúng tôi định đứng nói chuyện lâu hơn, nhưng bị mấy người dưới ghe to tiếng gọi. Chúng tôi chia tay, tôi nghe thấy người bạn trong bộ áo choàng linh mục bên cạnh bình thản nói với tôi: “Nếu mày còn ở vùng này, nhớ đến thăm tao”. Tôi bỗng thấy cả một thời trung học quay trở lại, tôi rưng rưng ôm lấy hắn và buột miệng: “Cha ơi là Cha”. Lúc ghe đã xa bờ, tôi cố nhìn lại, thấy hắn trong chiếc áo choàng đen vẫn còn đứng như in hình trong bóng trời chiều cho đến khi chiếc ghe rẽ quặt sang một hướng khác.
Tôi đã không làm tròn lời hẹn của người bạn, vì chỉ mấy tuần sau tôi nhận được giấy động viên và phải rời Rạch Giá về Saigon trình diện nhập ngũ…
*
Hôm nay cận ngày Giáng Sinh, trong vùng Tây Bắc, mấy tuần nay mưa lạnh rơi sụt sùi, đang mong ngày có tuyết, ngồi bên lò sưởi nhớ lại những tiếng chuông xưa, những ngôi tháp nhà thờ cổ, những làng đạo mà mình đã đi qua và những mảnh vụn của cuộc đời cũng theo đó mà cuốn về. Lòng thấy nao nao, những dấu vết ngày xưa chắc đã bị xóa nhòa từ lâu, nay chỉ còn trên mấy trang giấy. . .
Nguyễn Công Khanh