Đặng Tiến (Thái Nguyên): Mẹ
Nói về Mẹ thì bao giờ cho hết… Nhà mình ở Phú Thọ nên gọi mẹ là “bầm”. Tiếng gọi ấy mình không bao giờ thay được. Khi đã trưởng thành, có con mình cũng không gọi là “bà” theo kiểu người Việt được.
Tiếng “bầm” theo mình suốt đời. Khi mẹ mình qua đời chị em chúng mình nhất loạt kêu khóc “bầm ơi!”.
Tuy vậy trong bài viết này mình gọi là “mẹ” như cách gọi phổ biến của người Việt, để mọi người cùng chia sẻ, cảm thông.
*
Mẹ mình có thể là ví dụ điển hình cho cái thân phận của người dân Việt chăng? Bà ngoại mình mất khi Mẹ mới lên ba, anh trai của Mẹ lên 7. Ông ngoại hình như có vướng vào một vụ cờ bạc gì đấy nên phải bán cả cửa nhà gá nợ. Bác trai và Mẹ được bên ngoại mang về nuôi nấng dạy dỗ. Bác trai ở với ông cậu, mẹ mình ở với bà dì. Có lẽ ông cậu bà dì cũng thương các cháu côi cút nhưng vì đằng ngoại cho nên mọi bề đều vướng… Vì thế Mẹ cũng như bao người đàn bà Việt thời trước 1945 mù chữ, thất học. Nhưng chính cuộc sống đã hình thành nên ở Mẹ những phẩm chất của một con người tử tế.
Mẹ kể, chiến tranh Pháp – Việt bùng nổ, nhà mình lúc đó cứ ngược sông Lô tản cư lên mạn Đoan Hùng (Phú Thọ), Yên Sơn (Tuyên Quang) rồi nhờ những người dân nơi ấy mà sống cho hết chín năm kháng chiến, rồi mới quay về Bạch Hạc. Chính nhờ có chín năm như thế mà qua Mẹ mình biết chợ Xoan, chợ Hiên, bến Then, Đầu Lô, Tây Cốc, Bạch Ngọc, Mĩ Lâm…Mẹ vẫn thường kể nhiều về những người thiểu số được gọi chung là người Trại thật thà chất phác đã giúp gia đình sống suốt chín năm sống trong cảnh chiến tranh ấy…
Chuyện Mẹ kể thì nhiều lắm, nhiều đến mức sau này khi có dịp đến Đoan Hùng – Sơn Dương – Yên Sơn mình cứ như được trở về với vùng đất thân quen, mình nói “vanh vách” những địa danh cứ như đã từng được sống ở đó từ lâu, rất lâu rồi khiến cho anh chị em học viên, sinh viên cứ mắt tròn mắt dẹt về sự thành thạo của mình. Tất cả đều bắt đầu từ Mẹ. Chuyện thì có nhiều nhưng mình nhớ nhất là chuyện về gia đình ông Chính Ngữ. Lạy trời mình chưa một lần đến nhà ông, mặc dù cũng có lúc muốn đến.
Ông Chính Ngữ như Mẹ kể là một người khá giả ở xã Đại Minh huyện Đoan Hùng, năm bố mẹ mình cùng bà nội và gia đình bác trai tản cư lên đây nhờ ông Chính Ngữ rất nhiều. Cứ như Mẹ kể thì ông Chính Ngữ đã nhường hẳn một ngôi nhà cho bà nội cùng gia đình bác trai gồm 5 người cư trú suốt từ năm 1946 đến năm 1954. Còn gia đình mình lúc mới lên mới chỉ có anh cả (sinh năm 47) thì được ông Chính Ngữ cho mượn một quả đồi vừa làm nhà ở vừa có đất trồng sắn, hoa màu… Và trên mảnh đất ấy, bố mẹ sinh thêm 7 người con nữa. Ông cho mượn đất, mượn trâu bò, mượn giống má…Tình đồng bào khác gì tình ruột thịt, suốt gần mười năm trời. Ơn ấy bao giờ trả hết. Thế nhưng con tạo vần xoay thế nào mà ông Chính Ngữ bị quy là địa chủ. Mãi gần đây mọi người mới truyền nhau đọc tiểu thuyết của Tô Hoài viết về cái cuộc cải cách ruộng đất kinh hoàng ngày ấy, chứ mình thì đã được nghe mẹ kể từ lâu, rất lâu rồi.
Mẹ kể, vào một ngày nào đó bất ngờ mấy ông đội, bà đội về. Và bất ngờ người ta kết tội ông Chính Ngữ. Họp. Bàn. Thì thọt. Đấu tố. Rầm rĩ. Ông Chính Ngữ bỗng trở thành kẻ thù. Mẹ kể, không biết người ta làm cách nào để lôi kéo vợ chồng bác trai vào cuộc đấu tố kinh hoàng ấy.
Mẹ kể rất rõ thế này “Năm mới lên nhà bác có một cái đồng hồ Col của Pháp. Ông Chính Ngữ nhà thì đẹp và cái đồng hồ kia đặt ở nhà ông thì hợp lắm. Bác thì đang cần ruộng, cần trâu để cày cấy nên ngỏ ý bán chiếc đồng hồ cho ông. Thuận mua vừa bán sòng phẳng. Chỗ nào giúp là giúp, chỗ nào mua là mua đâu vào đấy rõ ràng. Ấy thế mà chiếc đồng hồ lại trở thành bằng chứng cho sự lợi dụng, chiếm đoạt”. Và chính vì chiếc đồng hồ mà bố mẹ mình giận bác trai bác dâu rất lâu, lâu lắm…Mình nhớ, mãi đến khi bác ốm rất nặng bố mình mới thực sự làm lành với bác, đến ở với anh đôi tháng, để chuyện trò cho thấu nhẽ ở đời. Trở lại chuyện ông Chính Ngữ. Mẹ bảo dứt khoát không a dua theo thói đời. Mẹ bảo không thể lấy ơn làm oán. Mẹ bảo ăn không nói có, ngậm máu phun người chết bị đày xuống ngục a tỳ, nếu có được hóa kiếp cũng chỉ trở thành súc sinh ăn toàn đồ nhơ bẩn. Mẹ bảo, không có ông Chính Ngữ thì đất cũng chẳng có mà ăn… Vì thế mặc ai nói đông nói tây dứt khoát Mẹ và Bố không đấu không tố. Mẹ kể Mẹ trả lời mấy ông đội bà đội rằng có đem bỏ mẹ vào rọ trôi sông thì cũng không thế tố điêu cho ân nhân của mình… Sau này sửa sai, ông Chính Ngữ được giảm từ địa chủ xuống trung nông lớp trên. Tài sản của ông hầu như bị tước đoạt hết. Ông nói với Bố Mẹ rằng: Tài sản mất đi có thể làm lại, nhưng tình người mất đi là mất vĩnh viễn. May làm sao còn có ông bà là những người tử tế. Chứ không thì tôi đã cắn lưỡi, thắt cổ chết từ lâu rồi…Mình chưa hề đến Đại Minh để tạ ơn gia đình ông Chính Ngữ. Có lẽ ông cũng không cần. Chuyện ông Chính Ngữ Mẹ vẫn kể cho các con tận đến những năm đầu thế kỉ XXI trước khi bà chìm vào trạng thái u minh sau cơn tai biến.
Đấy là chuyện Mẹ kể. Còn chuyện mình được biết ít nhiều hằn sâu trong kí ức tuổi thơ.
Chuyện thứ nhất: Những bắp ngô còi
Nhà mình dời Việt Bắc về cư trú ở Bạch Hạc Việt Trì, làm ruộng. Cũng như bao vùng quê khác ở miền Bắc, chỗ mình cũng hình thành nên Hợp tác. Mình nhớ hồi ấy cái khu làm ruộng của thị trấn Bạch Hạc thành lập một hợp tác xã nông nghiệp mang tên là Thượng Phong. Cái tên mang mùi vị của Đại Phong, hơi hướng Tàu Cộng.
Làm hợp tác nó như thế nào thì mọi người biết quá rồi, mình không kể lại nữa. Chỉ biết một điều bao nhiêu năm làm xã viên hợp tác là bấy nhiêu năm đói kém triền miên. Đói như không thể đói hơn. Nghèo như không thể nghèo hơn. Nhưng mình nhớ dù nghèo đến mấy Mẹ vẫn cố gắng sống tử tế. Cái câu thành ngữ « đói cho sạch rách cho thơm » với người khác thì có thể chỉ là một ý niệm, còn với mình thì nó hiện thành Mẹ.
Có thể kể nhiều chuyện nhưng mình chỉ dẫn một ví dụ. Hợp tác lúc ấy có trồng khá nhiều ngô. Ngô được thu bằng tay mang về sân kho hợp tác rồi chia cho xã viên theo tỉ lệ công điểm của mỗi nhà. Đi làm hồi ấy theo kẻng. Kẻng bắt đầu. Kẻng giải lao giữa giờ. Kẻng kết thúc buổi làm. Mỗi khi đi bẻ ngô mình nhớ bao giờ Mẹ cũng mang theo một cái túi vải nho nhỏ được khâu bằng mảnh áo cũ. Giờ giải lao Mẹ nhặt những bắp ngô còi, mỗi bắp có chừng chục hạt, đôi chục hạt. Những bắp như thế thì bỏ trên cây không thu về sân kho hợp tác. Bắp ngô ấy thì còi nhưng hạt thì lại khá to, nó tròn đều chứ không dẹp như những hạt trên bắp ngô bình thường. Mẹ bảo của giời nhưng cũng là của ăn được không được bỏ, phải tội. Mỗi buổi đi làm như thế Mẹ cũng nhặt nhạnh được chừng nửa kí ngô tươi từ những bắp ngô còi cọc ấy.
Chuyện như vậy cũng chưa chắc đã là đáng kể lại, nghèo đói quá mà! Cái chuyện đáng kể xung quanh những bắp ngô còi lại là thế này. Ông đội trưởng sản xuất thời cải cách ruộng đất là một ông đội thuộc thành phần cốt cán nên tự nhiên cứ mâu thuẫn với Mẹ. Vì thế ông ấy trả thù bằng cách vu oan cho Mẹ ăn cắp ngô của Hợp tác. Và Mẹ đã biết tự bảo vệ mình như thế này. Khi bị vu oan, Mẹ không nói gì. Chờ cho hết buổi làm Mẹ dứt khoát lôi bằng được ông đội trưởng đến nhà ông chủ nhiệm Hợp tác. Mẹ lấy cái túi ngô con con kia ra và đổ ra một cái mẹt rồi yêu cầu ông Chủ nhiệm Hợp tác mở mắt cho to mà nhận dạng những hạt ngô mà bất kì ai có kinh nghiệm làm ruộng đều biết nó được tách ra từ những bắp ngô còi. Trước cái vật chứng sờ sờ như thế ông Chủ nhiệm phải thừa nhận. Còn ông đội trưởng thì cứng họng. Xong đâu đó, Mẹ bắt đầu cái công việc mà người đàn bà nhà quê buộc phải làm để tự bảo vệ mình. Mình kể ra chuyện này không phải để cổ vũ hay ngợi ca Mẹ cũng như cái cách tự bảo vệ của những người đàn bà khi bị đẩy đến bước đường cùng. Mẹ chửi. Tiếng chửi, lời nguyền rủa, cũng là một thứ khí giới chứ sao? Ông đội trưởng kia đã nhận đủ tất cả những lời nguyền rủa cay độc nhất, nặng nề nhất từ Mẹ. Mình không tiện dẫn ra đây những lời ngoa nguyền chửi rủa thành bài thành bản, thành nhịp điệu…
Sau này đọc «Đaghextan của tôi» thấy Raxun Gamzatop cũng có nói đến những lời chửi rủa như một thứ vũ khí của những người đàn bà yếu đuối quê ông thì mình bật cười vì đã từng chứng kiến Mẹ đã sử dụng cái khí giới như vậy như thế nào. Mãi sau này Mẹ vẫn nói không thể để yên cho những kẻ quen ăn không nói có, ngậm máu phun người.
Chuyện thứ hai: Vun trồng cây đức để giành cho con
Từ đầu năm 1975, Bố mình bắt đầu ốm, thường xuyên ốm. Mình nhớ, lần đổi tiền năm ấy nhà mình đâu chỉ có vài chục nghìn tiển mới. Tiền thuốc cho Bố còn chưa đủ. Anh cả thì đã chết. Chị gái đi dạy học. Anh trai ra quân và tiếp tục học ở Hà Nội. Một chị nữa đành đi học 10+2 vì nhà nghèo quá. Còn mình, một chị gái và một em trai vẫn còn đi học. Bố ốm, việc kiếm sống một mình Mẹ gánh vác. Và đôi quang gánh trên vai Mẹ đi chợ. Thôi thì đủ thứ mớ rau, mớ cá, đấu gạo, đấu cám, túi sắn túi ngô, quả cam quả bưởi… Buôn đầu chợ bán cuối chợ. Tích lẻ thành chẵn. Cốt sao có được lưng bơ gạo nửa đấu ngô cho con ăn. Những năm tháng ấy thì mình cũng lơn lớn rồi nên nhớ nhiều chuyện về Mẹ lắm. Kể bao giờ cho hết? Chẳng bao giờ. Vì thế chỉ kể đôi ba.
Mẹ đi chợ về hầu như bao giờ cũng thấy trong đôi quang gánh khi thì mảnh thủy tinh vỡ, khi thì mảnh sành mảnh vại, khi thì là cái bát vỡ, cái đinh nhọn hay mảnh gạch vỡ sắc nhọn… Mẹ đem những thứ của nợ ấy vứt vào một nơi khuất nẻo nhất trong làng (xó vườn, bờ tre, bụi rậm nơi không mấy ai lai vãng). Mẹ bảo làm như thế để cho người đi đường không đá chân vào, không giẫm chân vào…Thỉnh thoảng cũng có những viên gạch lành thì Mẹ mang về quây gốc chuối hay kê chuồng lợn, chuồng gà. Suốt bao năm mình vẫn thấy Mẹ làm việc ấy, lặng lẽ, thản nhiên cứ như Mẹ sinh ra là để làm việc ấy.
Nhà mình hồi ấy vẫn có mảnh đất 5%. Mình nhớ vào vụ hè thu thì hay trồng khoai sọ. Cuối năm tháng mười âm lịch khoai được rỡ thì Mẹ lại mang khoai đổi lấy mì, lấy gạo cho nuôi con. Rồi khoai thì mất còn gạo chẳng thấy đâu. Mẹ đi chợ mua gạo về để đổi lấy mì sợi. Cũng tương tự gạo thì mất mì chẳng thấy đâu. Những người đổi gạo, đổi mì là những người lao động phi nông nghiệp trên phố. Nghe thì oai thế thôi chứ họ cũng toàn là những người nghèo. Họ cứ lần lữa mãi lần lữa mãi… Có năm sát Tết âm lịch mới trả được.
Mình nhớ trong số những người nợ Mẹ có một người tên là Tơ. Nhà bác ấy cũng rất nghèo. Mấy năm trời chuyên mua chịu gạo. Lúc trả lúc không. Cuối cùng thì nợ đến gần một tạ gạo. Nói như bây giờ là mất khả năng thanh toán. Gần tạ gạo bây giờ thì không to lắm, nhưng hồi ấy…thật là một tài sản lớn. Mình nhớ, Tết năm 1977 nhà bác Tơ đến nhà mình khất nợ buồn xo buồn xúi như thế nào. Mẹ đồng ý và lại còn cho vay thêm mấy cân gạo tẻ, đôi cân gạo nếp. Mấy chị em mình cự nự vì nhà đâu có dư thừa gì cho cam. Mẹ bảo, «Ngày xưa bố mẹ không có ông Chính Ngữ cưu mang thì liệu có còn sống đến bây giờ không? Chả ai muốn nợ nần. Có, người ta sẽ trả ». Chị mình bảo « Thế người ta không trả thì bầm làm thế nào?». Mẹ thản nhiên « Thì thôi! Nhà mình có bao giờ trả được cho ông Chính Ngữ hết được đâu». Mình không nhớ bác Tơ có trả được cho Mẹ số gạo ấy không? Nhưng không thấy Mẹ hay em Tuấn nhắc đến bao giờ.
Hồi mẹ mất, bác Tơ có xuống viếng. Bác bỏ dép ngoài cửa, đặt lễ rồi quỳ xuống làm lễ Mẹ như đối với người bà con ruột thịt. Làm lễ xong bác vừa khóc vừa nói với chị cả «Tết năm ấy không có bà cho vay, nhà tôi cũng chẳng biết lấy gì mà ăn».
Cách đây mấy năm vào một buổi chiều vợ con đi làm đi học, mình xoay trần vệ sinh nhà cửa. Bật vô tuyến đúng lúc Nghệ sĩ Ưu tú Đình Cương vừa đàn vừa hát «Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa» theo điệu hát văn đồng bằng Bắc Bộ. Giọng Đình Cương trầm ấm làm sao, từng lời thơ Nguyễn Duy được vang lên theo điệu hát thân thương. « Bần thần hương huệ thơm đêm. Khói nhang vẽ nẻo đường lên Niết Bàn. Chân nhang lấm láp tro tàn. Xăm xăm bóng mẹ trần gian thưở nào. Mẹ ta không có yếm đào. Nón mê thay nón quai thao đội đầu…. Bao giờ cho đến tháng năm. Mẹ ta dải chiếu ta nằm đếm sao… ». Mình nghe mà nước mắt cứ dòng dòng chảy.
Nhớ Mẹ ta xưa.
Mẹ ơi.
Ông bà ta bảo “Phúc đức tại mẫu” là như vậy chăng?
Có thể là như thế.
Đặng Tiến (Thái Nguyên)