Cù Huy Hà Vũ: Sách về Bà Ngô Đình Thị Hiệp hư cấu chuyện Vua Hàm Nghi làm mất ấn của Vua Minh Mạng

Ngày 18/11/2023, Đài Á châu tự do (RFA) đăng bài “Tiếng nói góp phần mang ấn vàng “Hoàng Đế Chi Bảo” về lại Việt Nam” của tôi sau khi quốc bảo này được đưa từ Pháp trở về Việt Nam vào ngày 18/11/2023, đã có kiến cho rằng ấn này là ấn giả khi dẫn ra một chi tiết trong cuốn sách “A Lifetime In The Eye Of The Storm” (Một cuộc đời trong mắt bão) của André Nguyễn Văn Châu, xuất bản năm 2005, tái bản năm 2015 (chưa được dịch ra tiếng Việt).

Chi tiết này là lời nói của Vua Thành Thái sau khi vị này bị ép ký vào chiếu thoái vị của triều thần dưới sức ép của Khâm sứ Pháp Fernand Lévecque. Vị Hoàng đế thứ 10 Nhà Nguyễn nói như sau:

“Ấn Hoàng Đế cất tại Nội các của Trẫm. Chiếu thoái vị phải được đóng ấn này. Nhưng ấn của Trẫm, biểu trưng cho sự liên tục của Triều Nguyễn, lại là ấn giả. Chiếc ấn thật, do Hoàng đế Minh Mạng truyền lại, đã bị một trong những Hoàng Đế tiền nhiệm dũng cảm của ta, Hoàng đế Hàm Nghi lấy đi, như các Khanh có thể đã biết, sau khi Ngài thất bại trong cuộc nổi dậy chống lại người Pháp. Người Pháp cuối cùng đã bắt giữ Ngài, nhưng ấn Hoàng Đế đã mất trong rừng sâu và không bao giờ tìm lại được. Này các Khanh, sự liên tục Triều Nguyễn ngày nay chỉ là một ngôn từ trống rỗng. Cầu Trời phù hộ các Khanh trong những ngày sắp tới!” (CHHV dịch, chương III, A Lifetime In The Eye Of The Storm, Erin Go Bragh Publishing, 2015).

Trước khi đi vào xem xét tính xác thực của “lời nói” của Vua Thành Thái trong sách, cần nói đôi chút về xuất xứ của cuộc nổi dậy chống Pháp của Vua Hàm Nghi cũng như về tác giả và bản thân cuốn sách.

Phụ chánh đại thần kiêm Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết là người chủ trương chống Pháp, giành lại độc lập quốc gia. Ngày 21 tháng 5 năm 1885, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp chỉ thị cho Lemaitre- Khâm sứ Pháp ở Huế: “Không thể không trừng phạt hành vi của viên Thượng thư Bộ Binh nước Nam. Ông cho triều đình nước ấy biết rằng chúng ta không chịu để cho ông Thuyết ở chức Phụ chánh lâu hơn nữa. Ông phải đòi người ta bãi chức ông ấy và đưa đi xa…” 

Ngày 2 tháng 7 năm 1885, Tướng De Courcy, được bổ làm Toàn quyền chính trị và quân sự tại Bắc và Trung Kỳ vào cuối tháng 5, đến Huế cùng đạo quân gồm 19 sĩ quan và 1024 binh lính với âm mưu bắt Tôn Thất Thuyết và buộc Triều đình Huế tuân thủ hoàn toàn sự bảo hộ của Pháp.

Trước tình thế đó, vị Thượng thư Bộ Binh kiêm phụ chánh đại thần đã chủ động điều quân tấn công quân Pháp ở Tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá vào 1 giờ sáng ngày 5/7/1985. Tuy nhiên, do quân Triều đình thiếu thông tin liên lạc, nhất là khi phải đột kích trong đêm tối, hơn nữa vũ khí yếu kém, không có sức công phá lớn và không thể bắn được tầm xa nên quân Pháp đã lật ngược được thế cờ, phản công và đánh chiếm được Kinh thành vào 9 giờ sáng. Tôn Thất Thuyết buộc phải đưa vua Hàm Nghi rút gấp ra khỏi Kinh thành để tiến hành kháng chiến. 

Sau khi không thuyết phục được vua Hàm Nghi từ bỏ kháng chiến, ngày 19/9/1985, Pháp đưa hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, còn gọi là Chánh Mông, anh trai của vua Hàm Nghi và là con nuôi của vua Tự Đức, lên ngôi vua, lấy hiệu là Đồng Khánh.

Về tác giả cuốn sách, André Nguyễn Văn Châu là cựu chủng sinh Huế, Tiến sĩ Khoa học Nhân văn (Docteur en Sciences humaines) tại Đại học Sorbonne, Pháp, nguyên Giáo sư Đại học Văn khoa Huế và Sàigòn trước năm 1975. 

Cuốn sách của ông kể về cuộc đời của bà Ngô Đình Thị Hiệp, con gái phụ đạo đại thần Ngô Đình Khả, người nổi tiếng đã giúp Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo và sau này phản đối việc truất ngôi và lưu đày Vua Thành Thái. Bà là thứ 5 trong số 9 người con của ông Khả và là em liền kề của Ngô Đình Diệm, người sẽ là Tổng thống Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa (1955 -1963). Bà còn là mẹ của Hồng y Nguyễn Văn Thuận.

Về “A Lifetime In The Eye Of The Storm”, cần khẳng định ngay rằng đó không phải là một cuốn hổi ký (memoir) hay tự truyện (autobiography) của bà Ngô Đình Thị Hiệp bởi tác giả cuốn sách là André Nguyễn Văn Châu (in ngay trên bìa sách). 

Thực vậy, thuật ngữ “hồi ký” hay “tự truyện” được sử dụng khi một người viết về bản thân và đứng tên tác giả trên bìa sách hay trong thông tin về tác phẩm. Lấy ví dụ Con Rồng Việt Nam (Le Dragon d’ Annam) của Bảo Đại. Cho dù được người khác chấp bút hay viết theo lời kể của Bảo Đại, cuốn sách này được coi là hồi ký của ông vì Bảo Đại đứng tên tác giả cuốn sách. Việc không có bất cứ kênh nào bán hay giới thiệu cuốn sách này, như Amazon, Barnes & Noble, AbeBooks, Browse about Books, quảng cáo nó như một cuốn hổi ký hay tự truyện của bà Hiệp cũng đã đủ cho thấy bản chất vấn đề. 

Ngoài ra, một số chi tiết khác liên quan đến cuốn sách cũng cho thấy đây không phải là hồi ký hay tự truyện của bà Ngô Đình Thị Hiệp.

Trước hết, “lời nói” của Vua Thành Thái liên quan đến ấn của Vua Minh Mạng đã không được mô tả như là điều bà Hiệp nghe trực tiếp từ thân phụ bà, đại thần Ngô Đình Khả, người đã không có mặt khi Vua Thành Thái ký Chiếu thoái vị, hoặc từ ai khác. Như vậy, đó thuần túy là lời kể của ông André Nguyễn Văn Châu.

Tiếp theo, không một lời giới thiệu nào trên các kênh bán hay giới thiệu “A Lifetime In The Eye Of The Storm” chỉ ra rằng đó là một hồi ký hay tự truyện của bà Ngô Đình Thị Hiệp. Việc những lời giới thiệu giống hệt nhau cả về nội dung lẫn số từ (124) cho thấy nó được soạn ra bởi tác giả cuốn sách. Nghĩa là chính André Nguyễn Văn Châu cũng xác nhận rằng cuốn sách của ông không phải là hồi ký hay tự truyện của bà Hiệp. 

Cuối cùng, “A Lifetime In The Eye Of The Storm” được tái bản 10 năm sau khi ra mắt bạn đọc vào năm 2005 nhưng không hề được xuất bản bằng tiếng Việt. Điều này là rất bất thường vì cả tác giả lẫn bà Hiệp đều là người Việt cũng như toàn bộ câu chuyện xảy ra ở Việt Nam. Không những thế, ông Châu từng là Giáo sư Đại học Văn khoa Huế và Sàigòn. Do đó, lý do ông Châu lẩn tránh độc giả người Việt chỉ có thể là ông biết rõ sách của ông không phải là hồi ký hay tự truyện của bà Hiệp nhưng lại muốn người đọc hiểu như vậy, điều may ra thực hiện được với người nước ngoài. Kiểu “lập lờ đánh lận con đen” như dân gian vẫn nói.

Bất luận thế nào, do không phải là hồi ký hay tự truyện, A Lifetime In The Eye Of The Storm chỉ có thể là một tác phẩm hư cấu, tiểu thuyết hay cái gì đó tương tự. Mà đã là một tác phẩm hư cấu thì các chi tiết trong đó có thể phản ánh những sự việc có thật cũng có thể không. Nói cách khác, tính chân thực và độ tin cậy của thông tin trong một tác phẩm hư cấu không tránh khỏi bị đặt thành vấn đề. Mặc dù vậy, tác phẩm hư cấu vẫn có thể có giá trị trong nghiên cứu lịch sử. Một số chi tiết của tác phẩm có thể củng cố một sự thật đã được biết đến hoặc cung cấp đầu mối để tìm ra một sự thật chưa được biết đến. 

Vậy chuyện ấn của Vua Minh Mạng bị Vua Hàm Nghi mang đi và đánh mất được nói đến trong tác phẩm André Nguyễn Văn Châu liệu có phản ánh một sự việc thật?

Thời Vua Minh Mạng, đã có 14 chiếc ấn được đúc. Trong số đó, Hoàng Đế Chi Bảo (皇帝之寶) là ấn quan trọng nhất.

Tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), nhà vua quy định khi “gặp khánh tiết gia ân, các việc long trọng như cáo, dụ thân huân, tuần xem địa phương cùng là ban sắc thư cho ngoại quốc thì đóng ấn Hoàng Đế Chi Bảo.”

Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), nhà vua chuẩn y lời bàn nghị của Bộ Lễ về nghi tiết, theo đó “phàm khi vua đi chơi, nếu theo lệ, phải đem theo ấn Hoàng Đế Chi Bảo.”

Mùa hạ năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), ấn Hoàng Đế Chi Tỉ khắc xong. Vì vậy, việc sử dụng ấn Hoàng Đế Chi Bảo được quy định lại. Đại Nam Thực Lục (chính biên) chép: “Trước đây, phàm gặp việc cho đại xá, hoặc đàm ân, cáo dụ các bậc thân huân, huấn dụ quan lại khi đi tuần thú xem xét địa phương, ban sắc thư cho ngoại quốc, đều đóng ấn Hoàng Đế Chi Bảo; đến đây mới đổi: phàm gặp khi đổi niên hiệu, ban đại xá, đại khánh đàm ân, thì đóng ấn ngọc tỉ, còn các việc từ cáo dụ thân huân trở xuống vẫn đóng ấn kim bảo.”

Việc Vua Bảo Đại chọn ấn Hoàng Đế Chi Bảo làm biểu tượng vương quyền Nhà Nguyễn để trao cho đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Bộ trưởng Trần Huy Liệu và Bộ trưởng Cù Huy Cận, phụ thân của người viết bài này, tại lễ thoái vị của ông vào ngày 30/8/1945 cũng xác nhận vị trí số 1 của ấn này trong các ấn tỷ của Nhà Nguyễn. Điều này có nghĩa vua đi đâu thì ấn Hoàng Đế Chi Bảo phải được mang theo đấy.

Thế nhưng với những gì mà sử liệu cho thấy, những chiếc ấn mà vua Hàm Nghi, hay đúng hơn, Binh Bộ thượng thư kiêm Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, mang theo khi rời Kinh thành Huế ngày 6/5/1885 là Ngự Tiền Chi Bảo (御前之寶) và Văn Lý Mật Sát (文理密察), cả hai được đúc thời vua Gia Long. Đại Nam thực lục (chính biên) chép: “trong lúc gấp gáp (Vua Hàm Nghi) chỉ kịp mang theo Ngự Tiền Chi Bảo, Văn Lý Mật Sát và 2 quả ấn kiềm.”

Sau đây là lai lịch của các ấn Ngự Tiền Chi Bảo và Văn Lý Mật Sát.

Đại Nam thực lục (chính biên) ghi chép: “Đinh Sửu, Gia Long năm thứ 16 (1817), tháng 12, đúc ấn Ngự Tiền Chi Bảo (dùng vàng 10 tuổi để làm)”. Bản chiếu ngày 23 tháng Chạp năm Gia Long 16 (1817) của nhà Vua ban cho văn võ bách quan tại Kinh rằng: “Nay chế định Ngự Tiền Chi Bảo và sẽ khai bảo từ tháng Giêng sang năm.” Chiếc ấn này hình bầu dục, kích thước 2,5 cm x 3,0 cm, viền ngoài 0,4 cm.

Năm Tự Đức 13 (1860), vua quy định Ngự Tiền Chi Bảo được đóng trên “các dụ, chỉ về việc thường”.

Ấn Ngự tiền Chi Bảo 御前之寶, đúc năm Gia Long 16 (1817) đóng trên bản phụng thượng dụ ngày mồng 9 tháng Giêng năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) của Bộ Lại về việc phái cử quan viên. Nguồn ảnh: TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

Về ấn Văn Lý Mật Sát, Triều Nguyễn có hai chiếc. Một chiếc đúc bằng bạc dưới đời Vua Gia Long; một chiếc đúc bằng vàng dưới dưới thời Vua Đồng Khánh.

Văn Lý Mật Sát đúc thời Hoàng đế Gia Long. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Trong Châu bản triều Nguyễn, ấn Văn Lý Mật Sát được đóng lên chỗ quan trọng và giáp trang của bản chiếu ngày 11 tháng Giêng năm Gia Long thứ 4 (1805) của Hoàng đế về việc giảm tô thuế cho dân các năm bị hạn hán, lụt lội, mất mùa. Như vậy, thời gian đúc ấn Văn Lý Mật Sát muộn nhất vào năm Gia Long thứ 3 (1804).

Vị trí đóng ấn “Văn Lý Mật Sát” trên trên các bản dụ, chỉ, chương sớ, sổ sách thuộc về thường sự. Kim bảo Văn lý mật sát có chức năng như loại Kiềm bảo. Một bản kê vào năm Tự Đức 13 (1860) đã ghi chép cụ thể về việc sử dụng ấn này: “các dụ chỉ và mọi chương sớ khi có tẩy xoá bổ sung và chỗ giáp lai.”

Thế nhưng, hai ấn này đã được vua Đồng Khánh cho đúc lại sau một biến cố lịch sử. 

Phụ chánh đại thần kiêm Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết chủ trương chống Pháp, giành lại độc lập quốc gia. Ngày 21 tháng 5 năm 1885, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp chỉ thị cho Lemaitre- Khâm sứ Pháp ở Huế: “Không thể không trừng phạt hành vi của viên Thượng thư Bộ Binh nước Nam. Ông cho triều đình nước ấy biết rằng chúng ta không chịu để cho ông Thuyết ở chức Phụ chánh lâu hơn nữa. Ông phải đòi người ta bãi chức ông ấy và đưa đi xa…” 

Ngày 2 tháng 7 năm 1885, Tướng De Courcy, được bổ làm Toàn quyền chính trị và quân sự tại Bắc và Trung Kỳ vào cuối tháng 5, đến Huế cùng đạo quân gồm 19 sĩ quan và 1024 binh lính với âm mưu bắt Tôn Thất Thuyết và buộc Triều đình Huế tuân thủ hoàn toàn sự bảo hộ của Pháp.

Trước tình thế đó, vị Thượng thư Bộ Binh kiêm phụ chánh đại thần đã chủ động điều quân tấn công quân Pháp ở Tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá vào 1 giờ sáng ngày 5/7/1985. Tuy nhiên, do quân Triều đình thiếu thông tin liên lạc, nhất là khi phải đột kích trong đêm tối, hơn nữa vũ khí yếu kém, không có sức công phá lớn và không thể bắn được tầm xa nên quân Pháp đã lật ngược được thế cờ, phản công và đánh chiếm được Kinh thành vào 9 giờ sáng. Châu bản Triều Nguyễn cho biết “trong lúc gấp gáp chỉ kịp mang theo ấn Ngự Tiền Chi Bảo, Văn Lý Mật Sát và 2 quả ấn kiềm.”

Sau khi không thuyết phục được vua Hàm Nghi từ bỏ kháng chiến, ngày 19/9/1985, Pháp đưa hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, còn gọi là Chánh Mông, anh trai của vua Hàm Nghi và là con nuôi của vua Tự Đức, lên ngôi vua, lấy hiệu là Đồng Khánh. 

Phụng thượng dụ ngày 12 tháng Tư năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) của Nguyễn Phúc Dĩnh ghi: “Ấn Ngự Tiền Chi Bảo đã được sắc chuẩn dùng vàng để đúc… Ngày trước do có chiến sự, nghịch thần Lê Thuyết đã tự tiện đem theo ấn Ngự Tiền Chi Bảo. Các khoản đó đã lệnh cho thần Bộ Lễ hội đồng thay đổi mẫu mới. Bản ấn Ngự Tiền Chi Bảo hình bát giác, dài 8 phân 5 ly, rộng 7 phân 5 ly (3,6 cm x 3,3 cm), đã chế tạo xong. Chuẩn cho giờ Bính Thân ngày mai là giờ tốt giao cho Nội các bắt đầu sử dụng.”

Bản tấu ngày 19 tháng Tư năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) của Bộ Lễ cũng ghi: “Ngày 15 tháng trước được phê chuẩn 2 bảo ấn là Ngự Tiền Chi bảo và Văn lý Mật Sát thay thế dùng đúc bằng vàng. Thần Bộ đã hội đồng sức thợ đúc bảo ấn đã xong phụng đem tiến vào Nội các. Xin chọn ngày tốt rồi tư cho Nội các tâu xin chờ chỉ sử dụng. Phụng chi số vàng 8 tuổi là 10 lạng 6 tiền, 5 ly xin do phủ Nội vụ theo thực hiện tập hợp cho thanh toán”.

Vẫn theo châu bản Triều Nguyễn, các ấn Hoàng đế (kim ngọc bảo tỷ) đều được cất ở tòa Đông các, sau nhà Tả vu của điện Cần chánh (nơi vua thiết triều) trong Cấm thành. Dấu Ngự tiền chi bảo và Văn lý mật sát cùng trữ vào một hòm. Mỗi khi Nội các dùng đến ấn nào thì do Cung giám phụng đưa các bửu tỷ ấy ra. Mỗi lần đóng Ngự Tiền Chi Bửu, Văn Lý Mật Sát Bửu và Sắc Mệnh Chi Bửu, quan Nội các hiệp đồng với Bộ quan đang trực, thiết án giữa Tả Vu của Điện Cần Chánh để hầu bửu. 

Ngự Tiền Chi Bảo, đúc năm Đồng Khánh nguyên niên (1886). Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Văn Lý Mật Sát, đúc năm Đồng Khánh nguyên niên (1886). Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Thế nhưng, như chúng đã thấy, Bảo tàng lịch sử quốc gia còn lưu giữ ấn Văn Lý Mật Sát bằng bạc đúc thời vua Gia Long. Điều này có nghĩa chỉ ấn Ngự Tiền Chi Bảo là bị mất trong quá trình vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết tiến hành kháng chiến chống Pháp.

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: tại sao Tôn Thất Thuyết không mang theo ấn quan trọng nhất của Triều Nguyễn là Hoàng Đế Chi Bảo mà lại là Ngự Tiền Chi Bảo và Văn Lý Mật Sát, vốn cùng được cất giữ tại Nội các cùng các ấn tín và quốc bảo khác? 

Có thể phỏng đoán rằng Tôn Thất Thuyết chủ quan, đã không tính đến khả năng bị thất bại nên khi phải rút khỏi kinh thành một cách gấp gáp, ông đã không kịp vào Nội các để lấy mang theo các quốc bảo. Việc viên Binh Bộ thượng thư kiêm Phụ chính đại thần chủ chiến này chỉ mang theo được Ngự Tiền Chi Bảo và Văn Lý Mật Sát cho phép phỏng đoán tiếp là hai ấn này luôn được ông giữ bên mình để tiện cho việc nhân danh vua Hàm Nghi ra các “dụ, chỉ về việc thường”. 

Thực tế cho thấy Tôn Thất Thuyết là người quyết định việc triều chính kể từ khi ông phế bỏ rồi bức từ vua Hiệp Hòa vào cuối tháng 11/1983. Hơn thế nữa, giai đoạn này chiến tranh với Pháp có thể nổ ra bất cứ lúc nào nên không còn có thời gian để tổ chức “hầu bửu” (nghi lễ đóng ấn vào các dụ, chỉ). Vậy, để các dụ, chỉ có hiệu lực ngay lập tức nhằm đáp ứng tình hình khẩn trương thì các văn bản này phải được đóng ấn ngay lập tức. 

Ngoài ra, câu “ấn của Trẫm, biểu trưng cho sự liên tục của Triều Nguyễn, lại là ấn giả” lại là “gậy ông đập lưng ông”

Thực vậy, khi một ấn bị mất thì việc đúc ấn khác để thay thế là chuyện đương nhiên. Do đó không thể gọi ấn được đúc thay thế ấn bị mất là ấn giả (fake). Thời nay cũng vậy, một khi con dấu của một cơ quan, tổ chức bị mất thì cơ quan, tổ chức đó có quyền làm lại con dấu và mẫu con dấu đó phải được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Cuối cùng, mọi câu chuyện về vua Thành Thái mà André Nguyễn Văn Châu nói là viết lại theo lời kể của bà Ngô Đình Thị Hiệp là không có lý. Thực vậy, bà Hiệp sinh năm 1903 nên chỉ mới 4 tuổi khi vua Thành Thái bị ép thoái vị vào năm 1907. Chắc chắn rằng ở độ tuổi con nít đó, bà Hiệp không thể nhớ hết các chi tiết của cuộc sống bản thân, nói gì đến chuyện biết, càng không thể có chuyện hiểu được các sự việc, sự kiện mang tính chính trị.

Tóm lại, A Lifetime In The Eye Of The Storm André Nguyễn Văn Châu đã bịa chuyện “ấn truyền từ Hoàng đế Minh Mạng” bị vua Hàm Nghi mang theo và làm mất. Điều này cũng có nghĩa ấn vàng Hoàng Đế Chi Bảo được đưa từ Pháp về Việt Nam ngày 18/11/2023 là ấn thật và là duy nhất.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngự tiền chi bảo – con dấu vàng đặc biệt của Hoàng đế nhà Nguyễn, Trung tâm lưu trữ quốc gia I, 19/09/2021
  2. Văn lý mật sát – dấu kiềm của Văn phòng Hoàng đế, Trung tâm lưu trữ quốc gia I, 10/09/2021
  3. Trở Lại Câu Chuyện Chiếu Cần Vương Và Bản Dụ Cần Vương Duy Nhất Trong Châu Bản Triều Nguyễn (Kỳ 2), Trung tâm lưu trữ quốc gia I, 07/07/2023
  4. Bửu tỷ triều Nguyễn, Wikipedia
  5. Vai trò lịch sử của kim ấn Hoàng đế chi bảo và niềm vui châu về Hợp Phố, Trung tâm lưu trữ quốc gia I, 04/12/2023