Song Chi: Cái Ác tràn lan trong xã hội, vì sao?

Hình minh họa: pixabay

Những vụ án giết người thân chỉ vì những lý do vớ vẩn đến khó tin

Mấy năm gần đây có khá nhiều vụ án giết hại người thân trong gia đình khiến người ta phải lạnh người: Như vụ “Hành hạ cha đến chết, nghịch tử lĩnh án tử”, báo Dân Trí đưa tin bị cáo là người có ăn có học, du học ở Singapore về, sống cùng với cha tại quận Phú Nhuận, Sài Gòn, vì mâu thuẫn chuyện giấy tờ nhà mà anh ta tức giận nhốt người cha lại, hành hạ tra tấn trong 10 ngày khiến nạn nhân tử vong. Vụ việc xảy ra vào tháng 6/2022.

Bắc Ninh, tháng 7.2023: “Người vợ dùng búa truy sát chồng lẫn bố chồng” vì cho rằng chồng giấu tiền để chơi cờ bạc trên mạng, còn bố chồng thì “can thiệp vào chuyện hai vợ chồng cãi nhau” nên thù tức (báo Tuổi Trẻ). Nghệ An, tháng 1.2024: “Qua nhà bố mẹ vợ ‘nói chuyện’, con rể đâm chết 2 người, 1 người bị thương” (báo Tuổi Trẻ), lý do qua nhà bố mẹ vợ là để cãi nhau với vợ, đâm vợ, khi bố mẹ vợ ngăn cản thì đâm luôn, sau đó thủ phạm cũng tự treo cổ “trong rừng thông cách nơi gây án khoảng 5km”. Gia Lai, tháng 10/2024: “Vụ thi thể trong vườn điều: Bắt nghịch tử sát hại mẹ” (VietnamNet) chỉ vì nghiện game online, xin tiền mẹ đi chơi nhưng mẹ mắng, không cho. Quảng Nam, tháng 1/2025: “Con trai 30 tuổi đâm chết mẹ vì… không chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình” (báo Tuổi Trẻ) trong đó thủ phạm 30 tuổi, vì “Bực tức việc mẹ ngủ, không chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình, Khanh dùng dao đâm chết mẹ rồi chờ trời tối kéo thi thể ném xuống sông phi tang” v.v…

Thương tâm hơn nữa, Hà Nội, tháng 1/2025, một người đàn ông đã giết 4 người thân: con gái (19 tuổi), con trai (17 tuổi), vợ và người mẹ già bị bệnh lâu ngày nằm một chỗ trên giường. Mà nguyên nhân là gì? “Nghi phạm giết mẹ, vợ, 2 con khai động cơ giết người là do quá nghèo”, Báo Mới.

Nhiều người cảm thấy xót xa, cay đắng trước lời khai này, nhưng cũng có những người khác cho rằng có những người hoàn cảnh còn bế tắc hơn như không nhà cửa, tật nguyền, tâm thần…so với gia đình thủ phạm/nạn nhân (hai vợ chồng làm nghề tự do, ở trong ngôi nhà cấp 4); hơn nữa, không thể có một lý do biện minh nào cho việc xuống tay tàn nhẫn tước đoạt mạng sống cùng lúc mấy người thân ruột thịt như thế!

Chưa kể, những vụ giết vợ/chồng, người tình, hay hành hạ con riêng của vợ/chồng…tới chết vì lý do cụ thể hơn như ghen tuông, ghen ghét, hoặc vì tranh giành tài sản, đất đai giữa người ruột thịt với nhau v. v… thì rất nhiều.

Câu hỏi là tại sao?

Thật ra từ lâu nay các nhà báo, các nhà tâm lý học, xã hội học chuyên nghiệp cho tới dư luận trên mạng xã hội cũng đã đề cập đến chuyện xã hội Việt Nam bây giờ sao nhiều người hung dữ, tàn ác quá; hoặc cái xấu cái ác, sự không tử tế sao ngày càng nhiều, tràn lan như cỏ dại, còn cái tốt, cái thiện, điều tử tế ngày càng hiếm hoi…

Thật kinh khủng khi người ta có thể hành hung nhau chỉ vì những lý do rất vụn vặt, như va chạm giao thông chẳng hạn: Sài Gòn, tháng 1/2025: “Lĩnh án vì đánh cô gái sau va chạm giao thông” (báo Bắc Giang); thậm chí tước đoạt mạng sống của người khác: Huế, tháng 2/2014 “Đâm chết người sau va chạm giao thông suýt ngã” (VnExpress), Cà Mau, tháng 2/2024: “Giết người sau cãi nhau do va chạm giao thông” (Tiền Phong), Bình Dương, tháng 1/2025: “Khởi tố đối tượng đánh chết người sau va chạm giao thông ở Bình Dương” (Sức Khỏe & Đời Sống)…

Hoặc từ những mâu thuẫn không đáng, những cơn tức giận tức thời: Đà Nẵng, tháng 1/2025: “Ba người đánh nam shipper tử vong từ mâu thuẫn nợ tiền hàng” (VnExpress); hậu quả có khi thật nghiêm trọng như vụ việc xảy ra ở Hà Nội, tháng 12/2024: “Lời khai của nghi phạm đốt quán cà phê khiến 11 người chết” (Tuổi Trẻ) v.v…

Không có tuần nào mà báo chí không đưa tin về những vụ án mạng thương tâm xảy ra ở nơi này nơi khác.

Câu hỏi là tại sao?

Có phải chỉ vì nghèo túng, ít học, thiếu hiểu biết?

Nhiều câu trả lời cũng đã được đưa ra. Do hoàn cảnh: nghèo túng, nợ nần dẫn đến bế tắc. Hoặc ít học, thiếu hiểu biết. Nhưng thật ra có khá nhiều vụ giết người thân lại là những người có ăn có học như trường hợp hành hạ cha đến chết kể trên. Hay một bác sĩ khoa ngoại tổng quát của một bệnh viện lớn ở Đồng Nai, đã sát hại, phân xác phi tang và cướp tài sản người tình vào khoảng tháng 4/2024, chỉ vỉ chị này có thai và muốn công khai quan hệ giữa hai người trong khi cả hai đều đã có gia đình riêng (“Truy tố 3 tội danh với bác sĩ sát hại, phân xác người tình ở Đồng Nai”, báo Tuổi Trẻ). Hay vụ bé gái 8 tuổi bị “dì ghẻ” bạo hành đến chết gây xôn xao dư luận năm 2022, trong đó người dì ghẻ ác tâm đã đành nhưng người cha từng chứng kiến con bị đánh một thời gian dài trước đó mà không có hành động ngăn cản quyết liệt nào, thậm chí có khi còn la mắng, đánh con thêm; cả người cha và “dì ghẻ” này đều thuộc tầng lớp trung lưu, có ăn có học, người cha làm Giám đốc Marketing tại một Công ty, người dì ghẻ thì luôn thể hiện lối sống sang chảnh, hiện đại…

Có người sẽ bảo: Quốc gia nào mà chẳng có án mạng, xã hội nào mà không có người này người kia… Thậm chí ở Mỹ, ở các nước dân chủ văn minh phương Tây vẫn có những kẻ giết người hàng loạt, những kẻ tâm thần, bệnh hoạn, biến thái các kiểu, thích hành hạ nạn nhân của mình theo những cách “sáng tạo” nhất, thậm chí còn ăn thịt nạn nhân sau khi giết chết…
Có thể Việt Nam chưa có những trường hợp kiểu như vậy. Nhưng đó là những kẻ bệnh hoạn, bất bình thường. Điều đáng nói ở Việt Nam là sự vô cảm, độc ác có thể xảy ra ở những người bình thường nhất, trong những hành vi đời thường nhất.

Những nét chung từ những vụ án hình sự bạo hành, giết người ở Việt Nam:

1. Có những vụ án xảy ra do mâu thuẫn tích tụ lâu dài và tạm gọi là có lý do cụ thể, nhưng nhiều hơn là những vụ án xảy ra từ những nguyên nhân rất vớ vẩn, những cơn tức giận bộc phát như vừa nêu trên. Điều này nói lên điều gì:

– Thủ phạm không có khả năng kiềm chế sự nóng giận, những cảm xúc tiêu cực trong người, do không được giáo dục, hướng dẫn, rèn luyện về những điều như vậy.

– Hành động bộc phát tức thời có thể do sự dồn nén, bức bối lâu ngày từ hoàn cảnh sống, những bất bình trong xã hội v.v…

2. Kẻ phạm tội có thể là bất cứ ai, thuộc những thành phần rất khác nhau trong xã hội, mới trước đó là những con người rất bình thường; tội ác xảy ra trong bất cứ môi trường nào, kể cả những môi trường lẽ ra phải tử tế, an toàn như nhà trẻ, trường mầm non, trường trung học, bệnh viện…với những con người lẽ ra phải là những người đáng tin cậy nhất trong xã hội như người giữ trẻ, thầy cô giáo, học sinh, bác sĩ…

Chúng ta cứ thử tìm trên google cũng cụm từ như “người giữ trẻ, giáo viên mầm non bạo hành trẻ” cho tới “thầy giáo xâm hại học sinh”…sẽ có hàng loạt kết quả. Không chỉ thầy giáo mà cả…Hiệu trưởng.

Cũng không cỏn hiếm hoi gì những câu chuyện thầy đánh trò, trò đánh thầy, học trò đánh lẫn nhau, cả nam sinh lẫn nữ sinh! Rất nhiều video clip quay cảnh các nữ sinh đánh nhau, lột quần áo nhau, mắng chửi nhau như hàng tôm hàng cá…khiến ai xem được cũng phải lằc đầu ngao ngán!

Song môi trường giáo dục không chỉ không còn an toàn đối với trẻ em, học sinh mà ngay cả với các thầy cô! Thầy đánh trò, và trò cũng đánh thầy. Rồi thì phụ huynh bênh con vào tận trường đánh, làm nhục giáo viên.

Môi trường y tế, không khác gì, cũng không còn an toàn, cho bệnh nhân lẫn thầy thuốc, các nhân viên cán sự y tế. Về phía bệnh nhân, là phải có tiền để đi bệnh viện lớn, phòng khám ngoài giờ, bệnh viện quốc tế…tại các thành phố lớn, và có tiền nhét vào các phong bì cho y tá, bác sĩ…để được điều trị, chăm sóc tốt hơn. Tất nhiên, không phải y bác sĩ nào cũng thế nhưng nạn “phong bì” hay sự chênh lệch không hề nhỏ giữa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị điều trị, chất lượng y bác sĩ giữa các bệnh viện khác nhau, giữa thành phố lớn với tỉnh lẻ, vùng quê, là thực tế.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã có tiền, sức khỏe, sinh mạng của sản phụ, trẻ sơ sinh, bệnh nhân…cũng gặp vô số rủi ro do thái độ làm việc quan liêu, cẩu thả, tắc trách hoặc tay nghề chuyên môn yếu kém của một số y bác sĩ, nhân viên y tế. Những năm qua ngành Y ở Việt Nam đã có vô số vụ tai tiếng vể y đức lẫn nghiệp vụ chuyên môn.

Ngược lại, chính người thầy thuốc, các nhân viên ngành Y cũng không còn được an toàn. Một số người nhà bệnh nhân do tức giận trước thái độ, cách hành xử quan liêu của một số y bác sĩ, nhân viên y tế hoặc thân nhân bị tử vong tại bệnh viện, đã có những hành động quá khích, không thể chấp nhận như đập phá bệnh viện, hành hung y bác sĩ…Những câu chuyện như vậy cũng trở thành “chuyện thường xảy ra” giống như chuyện phụ huynh hành hung thầy cô ngay tại trường!

Phải nhìn thẳng vào những nguyên nhân sâu xa hơn

Trong nhiều quốc gia, có những “bức tường thành vô hình” giúp ngăn chặn tội ác phát triển, đó là: có một nền giáo dục tốt, nhân bản, không chỉ đào tạo con người về mặt kiến thức mà quan trọng hơn là dạy làm người, làm công dân tốt cho xã hội, hoặc có một nền pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh, công bằng, hoặc tôn giáo phát triển lành mạnh và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần con người, hoặc có cả 3 yếu tố trên.

Còn ở Việt Nam, dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị, chúng ta thấy cả ba yếu tố này đều không có.

Nền giáo dục XHCN bao lâu nay chỉ nhồi nhét một mớ kiến thức cho học sinh để đi thi, lấy bằng, ra tìm một chỗ đứng trong xã hội, mà không dạy cho học sinh những điều tử tế, nhân văn ngay từ bé, trong những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày. Bản thân nhiều thầy cô ngày nay cũng không còn là tấm gương từ kiến thức cho tới tư cách để học sinh nhìn vào, kính trọng và noi theo.

Xã hội Việt Nam ngày hôm nay tràn đầy những bất công, phi lý, người sống tốt thì thiệt thòi, kẻ cơ hội, bất tài thì luồn sâu leo cao, ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ hưởng bổng lộc. Các giá trị sống, những chuẩn mực đều bị đảo lộn.

Tất cả những sự trái tai gai mắt đó ngày ngày đập vào mắt người dân khiến họ đâm ra bức bối, cộng thêm những khó khăn của đời sống cơm áo gạo tiền, dồn nén trong mỗi con người những ấm ức, căm giận. Nếu là người có đầu óc suy nghĩ, thì có thể tự hóa giải mình, nhưng nếu thiếu suy nghĩ, thì chỉ nhân một cơ hội nào đó hoặc một cơn cớ rất nhỏ nào đó, cơn tức giận âm ỉ bên trong bỗng bộc phát, người ta có thể phạm những tội ác nghiêm trọng dù trước đó họ hoàn toàn là những con người bình thường, đầu óc bình thường, chưa có tiền án tiền sự.

Thêm vào đó, luật pháp thì không đứng về phía người dân thấp cổ bé miệng, nên cuối cùng nhiều người cũng không thực sự tôn trọng pháp luật và “tự làm luật” (mà có một thời báo chí gọi là “tự xử”). Như chuyện một số phụ huynh, người nhà bệnh nhân đã cho phép mình “tự làm luật” là đến trường hành hung thầy cô, hành hung y bác sĩ…như vừa kể. Hay chuyện tài xế bị đám cảnh sát giao thông “làm luật” tức là bắt chi tiền, hoặc phải nộp thuế phí quá nhiều, quá vô lý cho nhiều trạm BOT nên nổi sùng, “tự làm luật” lại với công an giao thông bằng cách tông thẳng vào công an, kéo viên công an đang đu bám trên xe mà chạy một quãng dài bất chấp sự nguy hiểm cho tính mạng của viên công an này…Hoặc nghiêm trọng hơn, dùng súng chống lại lực lượng cưỡng chế đất, cơ quan công lực, cán bộ… như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, vụ  Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, 2013, vụ tấn công 2 trụ sở Ủy ban nhân dân xã tại Đắk Lắk năm 2023…

Dân ác với dân nhưng quan còn ác với dân gấp nhiều lần. Ác từ những luật lệ, nghị định vô lý, hà khắc, được tạo ra bởi những đầu óc duy lý, chỉ biết hành dân. Ác từ tệ tham nhũng, “ăn của dân không chừa một thứ gì” (nguyên câu của bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “Người ta ăn của dân không từ cái gì nữa, từ liều vacxin con con đến tiền chữa bệnh bảo hiểm”), dẫn đến tình trạng là làm cái gì cũng phải có tiền “bôi trơn”, hối lộ mới xong việc. Và nói một cách ngắn gọn, ác do cái mô hình thể chế độc tài toàn trị quen coi dân như rác, người dân chỉ có mỗi một nghĩa vụ là đóng thuế nuôi bộ máy chính quyền còn ngoài ra không có một quyền hành gì. Nhân quyền bị chà đạp.

Ở Việt Nam lại chưa chú ý đủ đến những dấu hiệu bất ổn, những căn bệnh về tâm lý của con người để có biện pháp giúp đỡ họ vượt qua trước khi có thể làm hại mình hoặc làm hại người khác như trong các xã hội dân chủ phương Tây, có bất cứ chuyện gì người ta cũng có thể tìm đến bác sĩ tâm lý, chuyên viên tư vấn, nhân viên xã hội… để tìm sự giúp đỡ.

Cuối cùng, là vấn đề tôn giáo, niềm tin. Khi đạo đức xã hội suy tàn, khi giáo dục và luật pháp không làm tròn được trách nhiệm của mình, con người có xu hướng tìm đến tôn giáo như một “nơi chốn bình yên” cho tâm hồn đồng thời để tìm lại niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Nhưng ở Việt Nam tôn giáo chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, nên không thể phát triển một cách tự do, lành mạnh, trong đó Phật giáo là tôn giáo có số lượng quần chúng Phật tử đồng đảo nhất, đã bị chính trị hóa, thương mại hóa nặng nề, với vô số hiện tượng tha hóa, biến tướng, vô số bậc tu hành thiếu phẩm chất, trí huệ khiến quần chúng càng thất vọng, hoặc trở nên mê muội, tin theo những bậc “xàm tăng” này. Cái xấu, cái ác vì vậy càng không được ngăn chặn.

Báo chí dư luận từ nhiều năm nay đã lên tiếng về tình trạng bạo lực, cái ác lan tràn trong xã hội.

Tuy nhiên, trong tất cả mọi hiện tượng, đều phải tìm hiểu nguyên nhân tận gốc rễ là gì để có hướng giải quyết từ gốc. Mặt khác, làm bất cứ cái gì nếu đặt người dân/Con Người lên trên hết thì sẽ giảm thiểu được rất nhiều nỗi đau khổ, uất ức, phẫn nộ của người dân từ đó tránh được nhiều bi kịch. Nhưng nhà nước cộng sản Việt Nam thì chưa bao giờ làm được, cả hai điều này.

Song Chi.