Thái Hạo: Khi con người không tự gánh vác trách nhiệm đời mình, họ tự mình dựng lên một thần tượng…*
![](https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2025/02/Tren-duong-di-sang-An.-Ngay-1.2.2025-1024x608.jpg)
1.
Muốn hiểu hiện tại, hãy xem lại lúc bắt đầu. Ông Minh Tuệ đã đi bộ như thế 6 năm ròng trước khi bị truyền thông mạng xã hội phát hiện và cho lên sóng. Đoàn người rùng rùng kéo theo, đến Nghệ An thì hầu như vỡ trận. Người ta chen lấn nhau, xô đẩy nhau để được nhìn thấy ông, để được chạm vào người ông, để được cúng dường cho ông. Đồ ăn bày la liệt trước mặt ông như nhà có đám giỗ. Khi ông bị đưa về Gia Lai và phải “ẩn tu” trong lán rẫy, khách sạn ở vùng lân cận cháy phòng, nhiều người bất chấp gian khổ vượt núi băng rừng để “đột kích” vào nơi ông ở, nhiều người khác đến lạy lục và bốc những nắm đất xung quanh để mang về thờ.
Trong khi làm tất cả những việc đó, họ vẫn dứt khoát không tin ông. Ông nói ông chỉ là một người bình thường đang đi tập học theo lời Phật dạy, ông chưa chứng đạo, không có thần thông hay phép màu, ông “chưa có cái gì hết”. Nhưng vô phương, người ta vẫn nghĩ rằng ông nói dối để “che giấu thân phận thánh nhân”, chứ ông không thể là người phàm được. Khi chứng kiến cảnh người ta vây kín một cái toilet nơi ông đang đi vệ sinh, tôi đã ngao ngán mà thốt lên “Họ chỉ chuyển sự mê tín từ Chân Quang sang Minh Tuệ mà thôi”. Đó hoàn toàn không phải là lòng tín mộ lành mạnh, càng không phải là bởi tình yêu với chân thiện mỹ hay các giá trị cao cả như từ bi, bác ái. Họ chỉ đang tìm kiếm một bậc thánh, tìm kiếm những đấng có năng lực thần bí, vi diệu.
Và đến hôm nay, cái đấng bậc mà họ tự dựng lên ấy đã sụp đổ tan tành, vì họ đã thực sự thấy ông chẳng có phép lạ nào hết. Ông cũng loay hoay trước các sự vụ rối rắm, ông cũng bối rối trước các câu hỏi cắc cớ, ông cũng bị chôn chân khi không có hộ chiếu trong tay… Và chắc chắn rồi, ông sẽ bị “bế” về cửa khẩu như thường nếu hết hạn visa mà chưa qua được đất Thái. Ông cũng có thể sẽ bị chính quyền sở tại xử phạt vì vô tình vi phạm một điều luật nào đó trên đất lạ. Tất cả những điều ấy sẽ giúp “phơi bày chân tướng” của ông một cách trung thực – cái chân tướng mà ông đã năm lần bảy lượt tự thú nhưng đã không một ai muốn tin.
Thực ra họ không thất vọng về Minh Tuệ đâu, họ chỉ thất vọng về chính mình thôi – thất vọng với cái ước vọng của chính họ. Khi con người không tự gánh vác trách nhiệm đời mình, họ tự mình dựng lên một thần tượng, và thần tượng ấy sụp đổ, họ đau đớn, họ nguyền rủa.
Sự thiếu vắng niềm tin, sự thiếu vắng các giá trị và chuẩn mực trong một xã hội đã đẩy con người đến những cuộc tìm kiếm muôn phương. Không thể tự mình hay cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, gặp Minh Tuệ, họ gặp được một nơi mà họ nghĩ rằng sẽ xoa dịu tâm hồn họ, sẽ giúp họ nương náu và tự tin để đi hết cái đời sống đầy bất trắc này. Nhưng đau đớn thay, Minh Tuệ đã “hiện nguyên hình” là một người thường. Minh Tuệ không có phép màu, Minh Tuệ không phải là một vị thánh. Minh Tuệ chỉ là một kẻ kiên cường và lì lợm đi tìm sự thật, một chiến binh tả tơi, cô độc đi trong một niềm tin sắt đá rằng, phía trước là chân lý…
Nghị lực không thôi, chưa đủ; ý chí không thôi, chưa đủ; lòng kiên gan và bền chí không thôi, chưa đủ. Chưa đủ, không thể đủ được cho cái ước vọng của nhân quần. Họ quay ra trách ông, rằng tại sao ông lại không phải là một vị thánh, tại sao ông không có thần thông, tại sao ông không phải là một đấng siêu nhiên. Ông quá thường, tôi đã lầm tin ông! Bây giờ tôi phải đi tìm một thần tượng khác. Và đây rồi, một người hùng! Không có thánh nhân thì người hùng cũng tốt. Và thế là người hùng ra đời.
Nhưng người hùng chớ vội mừng, rồi không lâu nữa đâu tượng người hùng sẽ đổ xuống như cái cách mà tượng thánh đã đổ xuống.
2.
Quan sát xã hội ta sẽ luôn thấy những sự kỳ vọng và thất vọng như thế. Những người cả đời không bao giờ lên tiếng trước bất công, dù họ luôn khao khát công bằng, và thế là những “nhà” này “nhà” kia ra đời. Họ tôn những người ấy lên, họ đặt vào giữa trái tim mình, không ít người còn muốn đặt lên bàn thờ. Và các nhà kia cứ ở yên đó, các vị không được tầm thường đi, các vị phải là những hình mẫu, các vị không bao giờ được có tì vết hay lầm lỗi nào.
Nhưng đó chỉ là cái ước vọng của họ, là thần tượng mà họ khao khát, là nơi họ gửi gắm những mơ ước và nguyện cầu mà chính họ đã không tự gánh lấy. Tiếc thay, nó không có trong đời thật. Trong tình cảnh đó, bạn cứ làm một nghìn việc tốt đi, nhưng chỉ cần bạn lỡ lời hay vụng về một lần thôi, bạn sẽ bị chính những “tín đồ” của bạn ném đá đến chết. Họ ném đá trong dỗi hờn, đau đớn.
Có lẽ ông Minh Tuệ sẽ không thấy khổ não gì trước sự quay xe ấy, mà ngược lại, chắc ông sẽ được giải thoát từ đây. Cái điều ông gắng sức thề bồi ngày trước nhưng nhân tình đã dứt khoát không chịu tin, nay thì họ tin rồi. Và từ đây ông sẽ được thảnh thơi chăng? Thảnh thời để làm một “công dân đi tập học theo lời Phật dạy”, thảnh thơi bước, thảnh thơi ăn, thảnh thơi đái ỉa…
Nhưng với chúng ta, những người đi một con đường khác, con đường xây dựng hạnh phúc thế gian, để “biến cuộc đời thành nơi để sống chứ không phải nơi để trốn chạy”, thì đây là một bài học (dù đã rất cũ rồi). Rằng, đừng để ai đưa mình lên cao, cũng đừng nhầm tưởng rằng mình đang ở trên cao; đừng vui mừng trước những lời khen tặng tung hô, cũng đừng buồn bã bi quan vì lòng người bất trắc. Ta cứ làm điều mà ta tin là đúng, bất kể có ai khen ngợi hay chê trách. Dù bên cạnh là vạn người vỗ tay hay chỉ một mình, cũng không vì thế mà sung sướng hay cô đơn.
Khen cũng tốt, không khen cũng tốt, không làm vì lời tán dương, không từ bỏ vì lời hủy nhục. Nếu làm điều gì đó chỉ vì được tung hô thì người ta sẽ từ bỏ nó khi xung quanh chỉ còn những lời xì xào. Có thể vui vì được đồng hành, nhưng cô độc cũng không lấy làm oán thán. Chỉ có như thế người ta mới có thể tiếp tục bước đi mà không thành con rối cho cuộc đời giật dây…
*Tựa do DĐTK đặt