Uyên Nguyên: Sự Lụi Tàn Của Những Biểu Tượng

Không phải bây giờ, mà từ lâu, người ta đã nói về sự sụp đổ của những thần tượng. Khi Nietzsche viết Buổi Hoàng Hôn Của Những Thần Tượng [1], ông vừa ám chỉ những hình mẫu siêu hình hay tôn giáo đã chi phối tư tưởng phương Tây hàng thế kỷ, đồng thời tiên đoán một thực tại không thể tránh khỏi: một ngày nào đó, tất cả những gì con người sùng bái, ngưỡng vọng và phụ thuộc vào sẽ không còn đứng vững. Cơn lốc của thời đại sẽ cuốn trôi những gì từng được coi là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chúng không biến mất vì sự tấn công của kẻ thù hay vì những yếu tố ngoại lai, mà chính bởi bản chất mục ruỗng từ bên trong. Khi những nền tảng vốn dĩ được xây dựng trên những lý tưởng hư cấu không còn đủ sức thuyết phục, khi con người dần tỉnh thức khỏi giấc mộng về những “vĩ nhân” và “cứu tinh,” thì sự sụp đổ không những là một khả năng mà là điều tất yếu.

Hình minh họa: Kai Pilger

Tâm thế thần tượng hóa không phải là một hiện tượng xa lạ hay chỉ xuất hiện ở một nền văn hóa nhất định. Nó là một trạng thái tâm lý tự nhiên của con người, xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm sự hướng dẫn, hình mẫu và niềm tin vào một điều gì đó cao hơn bản thân mình. Ngay từ thời cổ đại, xã hội đã luôn có những biểu tượng để con người quy chiếu: những vị thánh, những triết gia, những chiến binh, những nhà tiên tri. Họ trở thành chuẩn mực để nhân loại soi chiếu hành động, niềm tin và đạo đức. Nhưng nếu như trong quá khứ, thần tượng là những người có phẩm chất phi thường, những người vượt lên khỏi số phận để khắc ghi dấu ấn trong lịch sử, thì ngày nay, khái niệm ấy đã biến đổi một cách đáng sợ.

Trong thời đại hiện đại, thần tượng hóa đã trở thành một sản phẩm của truyền thông đại chúng và nền kinh tế tiêu dùng. Nó không còn là kết quả của sự tôn kính dành cho những giá trị thực sự, mà là sự thao túng của truyền thông và chính trị. Nhờ công nghệ, một con người có thể chỉ qua một đêm trở thành biểu tượng, nhưng cũng có thể ngay lập tức bị lật đổ. Những gì được thần thánh hóa hôm nay có thể trở thành trò cười vào ngày mai. Đây không phải chỉ là hiện tượng xảy ra với giới trẻ, mà còn lan rộng khắp các tầng lớp xã hội, từ những người bình dân cho đến tầng lớp trí thức, từ chính trị đến tôn giáo, từ giải trí đến học thuật. Thời đại ngày nay không còn cần đến những bậc minh triết, mà chỉ cần những hình tượng dễ chấp nhận, dễ tiêu thụ, dễ dập khuôn theo các công thức sẵn có.

Nhưng chính sự phổ biến của “cơn sốt thần tượng” cũng là dấu hiệu cho thấy nó đang đi đến hồi kết. Một hệ thống chỉ có thể duy trì sự sùng bái khi nó vẫn còn giữ được ảo tưởng về sự bất khả xâm phạm. Khi những người từng được coi là vĩ đại bị lộ ra những khiếm khuyết, khi những nhà lãnh đạo bị phơi bày sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động, khi những nhân vật được truyền thông tô vẽ bị phát hiện chỉ là những hình bóng rỗng tuếch, thì niềm tin của đám đông bắt đầu rạn nứt. Sự sụp đổ của một thần tượng là sự kết thúc của một cá nhân hay một biểu tượng, cùng lúc là sự phá hủy của cả một hệ thống niềm tin dựa trên sự lệ thuộc. Và khi không còn ai có thể đứng trên đỉnh cao của sự tôn thờ nữa, thì chủ nghĩa thần tượng cũng đến hồi cáo chung.

Điều đáng nói là sự sụp đổ này không xảy ra trong lĩnh vực giải trí hay văn hóa đại chúng, mà còn trong chính trị và xã hội. Từ lâu, con người đã đặt niềm tin vào những nhà lãnh đạo như thể họ là những bậc cứu tinh, những người có thể đưa xã hội đến một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng, không có một cá nhân nào, dù tài giỏi đến đâu, có thể thực sự đảm bảo sự vững bền của một xã hội nếu nó không được xây dựng trên nền tảng chắc chắn. Những chế độ sụp đổ, những phong trào chính trị bị lật đổ, những lời hứa vĩ đại trở thành ảo vọng—tất cả đều là biểu hiện sự thất bại của chủ nghĩa thần tượng lãnh đạo. Con người đã quá quen với việc đặt số phận của mình vào tay một nhóm nhỏ những kẻ “tài giỏi” hay “đỉnh cao trí tuệ,” để rồi nhận ra rằng họ cũng chỉ là những con người đầy tham vọng và thiếu sót.

Nhưng có lẽ, điều nguy hiểm hơn cả không phải là việc thần tượng sụp đổ, mà là sự trống rỗng mà nó để lại. Một khi niềm tin vào thần tượng biến mất, con người dễ rơi vào trạng thái mất phương hướng. Nếu trước đây họ đặt tất cả kỳ vọng vào một cá nhân, thì khi cá nhân đó không còn xứng đáng với sự sùng bái, họ sẽ đi tìm kiếm một hình mẫu khác để thay thế. Và cứ như thế, vòng luẩn quẩn tiếp tục: thần tượng cũ đổ xuống, thần tượng mới lại xuất hiện, để rồi cũng sẽ bị vùi dập theo cách tương tự. Thay vì nhận ra rằng chính bản thân họ mới là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, họ lại tiếp tục tìm kiếm một hình tượng bên ngoài để bám víu. Đây chính là điểm yếu cốt lõi của tâm lý thần tượng hóa: nó khiến con người mất đi khả năng tự lập tư duy, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Hình minh họa: Yummymoon

Thế nhưng, nếu nhìn theo một góc độ khác, sự sụp đổ của thần tượng cũng là một cơ hội. Khi không còn một ai để sùng bái, con người buộc phải đối diện với chính mình. Họ không còn có thể dựa vào ai khác để định nghĩa giá trị của mình, mà phải tự mình xây dựng hệ giá trị mới. Đây là thời điểm để những tư tưởng tự do được phát triển, để con người học cách đánh giá mọi thứ bằng lý trí thay vì cảm tính, để sự sáng tạo cá nhân không còn bị bó buộc bởi những khuôn mẫu áp đặt từ bên ngoài. Một xã hội thực sự trưởng thành không phải là một xã hội không có thần tượng, mà là một xã hội không cần thần tượng.

Nhìn về tương lai, có lẽ điều quan trọng nhất mà con người cần học được từ sự sụp đổ của những thần tượng chính là bài học về trách nhiệm cá nhân. Đã đến lúc xã hội không còn có thể đổ lỗi cho những lãnh đạo thất bại, những nghệ sĩ thoái hóa, những học giả giả tạo, hay bất kỳ ai khác ngoài chính mình. Nếu mỗi người đều hiểu rằng không có ai có thể dẫn dắt mình tốt hơn chính bản thân mình, thì khi ấy, chúng ta sẽ không còn cần đến thần tượng nữa. Và khi đó, sự sụp đổ của những thần tượng không còn là một bi kịch, mà là một sự giải thoát.Nhưng, bấy giờ sự giải thoát đó không phải là một trạng thái tĩnh. Nietzsche, trong Buổi Hoàng Hôn Của Những Thần Tượng, không đơn thuần chỉ báo hiệu sự sụp đổ của những hình mẫu mà còn đặt ra một thách thức lớn hơn: điều gì sẽ xảy ra khi những thần tượng không còn, khi những giá trị từng là trụ cột của xã hội bị đập nát? Ông vốn là người tiên đoán sự cáo chung của những hình mẫu cũ cùng lúc vạch ra một chân trời khác—nơi con người buộc phải tự mình đối diện với khoảng trống mà các thần tượng bỏ lại. Nếu không có thần tượng, thì ý nghĩa của cuộc sống sẽ được tìm ở đâu? Nếu không có những hệ giá trị áp đặt từ bên ngoài, thì đâu là chuẩn mực để con người hướng đến?

 Chân dung Friedrich Nietzsche, nhiếp ảnh gia Gustav Adolf Schultze, tháng 9 năm 1882

Nietzsche gọi đó là chủ nghĩa hư vô, một trạng thái nơi mọi giá trị truyền thống sụp đổ, nhưng con người vẫn chưa đủ mạnh để tự tạo ra những giá trị mới. Khi ông tuyên bố “Chúa đã chết,” đó không đơn thuần là một tuyên bố phản thần học, mà là một cảnh báo rằng con người – chính con người – đã giết chết những hệ giá trị cũ, và từ đây sẽ đối diện với thử thách lớn nhất: hoặc chìm vào hư vô bị động—trạng thái bám víu vào những thần tượng mới dù yếu kém hơn; hoặc bước vào hư vô chủ động, nơi con người chủ động phá hủy những giá trị lỗi thời để tự tạo dựng một ý nghĩa mới, cao hơn. Nietzsche không đưa ra một hệ giá trị cụ thể thay thế, mà chính mỗi cá nhân phải tự mình kiến tạo nó, như một nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm độc nhất của riêng mình.

Đồng thời, điều Nietzsche thực sự hướng đến không phải là sự sụp đổ thuần túy, mà chính là sự tái tạo. Ông không kêu gọi con người chìm đắm trong sự vỡ vụn của những giá trị cũ, mà ngược lại, phải vươn lên để tự mình trở thành biểu tượng—không còn là những kẻ phụ thuộc vào một hệ thống tư tưởng có sẵn, mà là những cá nhân mạnh mẽ, đủ sức định nghĩa lại cuộc sống theo cách riêng của mình. Đây là bản chất của Übermensch—Siêu nhân mà Nietzsche nhắc đến, không phải như một thực thể siêu phàm, mà là con người đã vượt lên khỏi những giới hạn của chính mình để tự xác lập giá trị.

Điều này cũng chính là thử thách mà xã hội hiện đại đang đối diện. Nếu những thần tượng của thế kỷ này đã sụp đổ, thì con người có thể bước tiếp hay không, hay sẽ lại tìm kiếm một sự thay thế khác để lấp đầy khoảng trống? Một nền văn hóa không còn thần tượng không nhất thiết dẫn đến hỗn loạn. Lịch sử cho thấy rằng, khi những thần tượng sụp đổ, có hai con đường: một là mất phương hướng, hai là tái định hình hệ giá trị. Nếu sự chuyển đổi diễn ra một cách chủ động và có nhận thức, đây có thể là cơ hội để một hệ giá trị mới hình thành, phản ánh sự đa dạng của thời đại hơn, thay vì rập khuôn theo những công thức cũ. Nếu không còn ai để dẫn dắt, thì mỗi người phải trở thành kẻ dẫn dắt chính mình. Nếu không còn một hệ thống niềm tin áp đặt, thì mỗi người phải có đủ dũng khí để xây dựng hệ giá trị riêng, thay vì tìm kiếm một cứu cánh bên ngoài.

Ở một góc độ nào đó, tư tưởng của Nietzsche có điểm tương đồng với triết lý Phật giáo, nhưng chúng không đồng nhất. Phật giáo từ lâu đã phủ nhận những giá trị cố định và những hệ thống thần quyền, nhưng con đường của Đức Phật là buông bỏ bám chấp để đạt đến giải thoát, trong khi Nietzsche khuyến khích con người tạo ra giá trị mới, không dựa vào bất kỳ hệ tư tưởng có sẵn nào. Đức Phật khẳng định: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” (Atta Dīpā Viharatha), nhấn mạnh vào sự giác ngộ cá nhân. Nietzsche, ở một chiều ngược lại, không tìm kiếm giải thoát khỏi thế gian mà thúc đẩy ý chí quyền lực (der Wille zur Macht) để con người trở thành Siêu nhân (Übermensch). Nếu Phật giáo hướng về sự từ bỏ bản ngã, thì Nietzsche khuyến khích sự khẳng định bản thân. Điểm giao nhau duy nhất giữa họ có lẽ là sự phủ nhận thần tượng áp đặt từ bên ngoài.

Nietzsche, trong bối cảnh Tây phương, đã đến gần với chân lý đó khi ông đập tan những huyễn tưởng về thần linh và những hệ thống giá trị áp đặt. Ông cũng đặt ra một con đường: con người không thể mãi mãi bám víu vào những thần tượng sụp đổ mà phải tự mình trở thành nguồn sáng. Dù khái niệm Siêu nhân của Nietzsche mang sắc thái cá nhân chủ nghĩa, nhưng về bản chất, nó cũng hướng đến một sự tự chủ nội tại, không lệ thuộc vào những hệ thống tín ngưỡng áp đặt.

Nếu Phật giáo gọi đó là tự chứng ngộ, thì Nietzsche gọi đó là tái tạo bản thân. Cả hai đều không chấp nhận một sự phụ thuộc vĩnh viễn vào các biểu tượng bên ngoài. Cả hai đều xem sự giải thoát không phải là sự vâng lời, mà là một hành trình tự thân, nơi con người phải tự vượt qua chính mình.

Và cũng giống như trong triết lý Phật giáo, nơi cái chết của bản ngã là cánh cửa mở ra sự giác ngộ, Nietzsche cũng nhấn mạnh rằng sự sụp đổ của những thần tượng không phải là một mất mát, mà là một thử thách để con người tự tái sinh. Chỉ khi không còn phụ thuộc vào những biểu tượng giả tạo, con người mới thực sự đạt được tự do.

Nhưng trong bối cảnh xã hội Việt Nam, nơi mà chủ nghĩa ý thức hệ và sự thần tượng hóa lãnh đạo đã định hình tâm thức tập thể trong nhiều thập kỷ, sự sụp đổ này vừa là một hiện tượng triết học, vừa là một sự thay đổi mang tính thời đại. Những thế hệ trước từng được nuôi dưỡng trong niềm tin tuyệt đối vào các biểu tượng, nhưng nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội và sự tiếp cận tri thức đa chiều, niềm tin đó đang rạn nứt. Điều này có thể thấy rõ qua những cuộc thảo luận công khai hơn về lịch sử, chính trị và những giá trị từng được xem là bất biến. Sự chuyển dịch từ tư duy tập thể phục tùng sang tư duy cá nhân tự chủ là dấu hiệu cho thấy sự tái định hình của xã hội Việt Nam, nơi con người không còn dễ dàng chấp nhận các biểu tượng áp đặt từ trên xuống nữa. Những gì từng là bất khả xâm phạm đang dần bị chất vấn, không chỉ bởi giới trẻ, mà bởi cả những tầng lớp lớn tuổi, những người từng coi các biểu tượng ấy là bất biến.

Sự sụp đổ của thần tượng tất nhiên đang dẫn đến một sự mất phương hướng cá nhân, đồng thời là sự lung lay của cả một trật tự. Khi những thần tượng cũ không còn đủ sức thuyết phục, xã hội sẽ tìm cách dựng lên những thần tượng mới. Nhưng chính sự vội vã ấy là biểu hiện rõ nhất của một thời đại bất ổn và chực chờ thay đổi tất yếu. Nó phản ánh sự khủng hoảng niềm tin, khi con người không còn bám víu vào những giá trị cũ nhưng cũng chưa đủ can đảm để tự mình định nghĩa giá trị mới. Và trong khoảng trống ấy, sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi.

Nietzsche không bao giờ đưa ra một công thức sẵn có cho điều này, vì bản chất của Siêu nhân là sự sáng tạo không ngừng. Nhưng ông đã để lại một nguyên tắc quan trọng: Hãy học cách yêu lấy số phận của mình (Amor Fati [2]), hãy dám sống như thể chính mình là mục tiêu cuối cùng của sự tồn tại. Khi thần tượng không còn, khi những hệ giá trị cũ sụp đổ, khi không còn ai để dựa dẫm, đó không phải là tận thế. Đó chính là khoảnh khắc mà một con người mới có thể được sinh ra. Một con người không cần phải chờ đợi ai ban phát chân lý cho mình nữa—mà tự mình trở thành kẻ sáng tạo ra chân lý. Và trên quy mô xã hội, đây cũng chính là khoảnh khắc để một dân tộc tự tái định nghĩa mình, không còn bị ràng buộc bởi những ảo tưởng quá khứ, mà vươn lên để tìm con đường riêng trong thời đại đầy biến động này.

Uyên Nguyên 

—————–

[1] Friedrich Nietzsche, Twilight of the Idols, or, How to Philosophize with a Hammer (Buổi Hoàng Hôn Của Những Thần Tượng, hoặc Cách Triết Lý Bằng Cây Búa), 1889. Bản dịch tiếng Anh phổ biến bởi Walter Kaufmann (Twilight of the Idols/The Anti-Christ, Penguin Classics) và R.J. Hollingdale. Có thể tham khảo bản miễn phí tại Project Gutenberg (www.gutenberg.org) và Internet Archive (www.archive.org).

[2] Amor Fati (tình yêu định mệnh) là một khái niệm triết học quan trọng trong tư tưởng của Friedrich Nietzsche, nhấn mạnh việc chấp nhận và yêu thương số phận của chính mình, bao gồm cả những đau khổ và thử thách. Nietzsche cho rằng thay vì trốn tránh hay hối tiếc, con người cần đón nhận tất cả những gì xảy ra như một phần tất yếu của cuộc đời, từ đó biến nó thành động lực để phát triển. Ông viết trong Ecce Homo:“My formula for greatness in a human being is Amor Fati: that one wants nothing to be different, not forward, not backward, not in all eternity.” Tư tưởng này có điểm tương đồng với triết lý tùy duyên trong Phật giáo, khi con người buông bỏ sự kháng cự đối với vô thường và đón nhận mọi sự vật như chúng vốn là.