Truyện ngắn Ngu Yên: Người Cha Ẩn Dụ

Lơ đãng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đễnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đễnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ.

Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.

Cha tôi, người khá phức tạp, thuộc nhóm tiên phong di tản năm 1975, rời Vũng Tàu, Việt Nam ngày 29 tháng Tư. Ông kinh doanh thành công một nửa, vì vậy tự hào một nửa và nửa kia mặc cảm. Ông làm chính trị không chức tước, có tài thuyết phục được một số người mến mộ, đôi lúc huênh hoang, thường bị mẹ tôi chỉnh sửa khi bà còn sống. Cái phức tạp tiềm ẩn bên trong, dường như bất kỳ điều gì, đều ông suy nghĩ chu đáo rồi thể hiện bằng ẩn dụ, những biểu tượng khôi hài, mỉa mai. Nghiệp dư của ông là nhà văn không đủ tài văn chương nhưng thừa tài lý luận.

Từ nhỏ, cha dạy tôi nhiều điều, hầu hết là những tượng trưng khó hiểu, nhưng lạ lùng vì những thứ tượng trưng đó rất dễ nhớ, khắc ghi vào tiềm thức. Khi lớn lên, tháo gỡ từng lớp một, dần dần tôi khám phá ra những gì ông muốn nói hoặc không muốn nói.

“Con sắp ra trường rồi, dự định cho tương lai chưa?”

“Chưa, nhưng có lẽ con sẽ mượn tiền chính phủ học tiếp hoặc đi tìm việc làm. Con đang phân vân.”

           –    “Phân vân lẽ tự nhiên, nhưng phân vân quá lâu việc bất thường.” Im lặng. Tôi chờ nghe ẩn dụ. Ông chìm vào suy tưởng. “Khi còn trẻ, phải học đạp thắng xe để tránh nguy cơ, bảo vệ bản thân, nhưng khi già dặn, đủ can đảm, phải tập đạp ga đi luôn, vượt qua hoặc đối đầu với khó khăn, xuyên nguy hiểm, đôi khi là cách hay nhất để làm người.” Sau khoảnh khắc im lặng, ông nói tiếp: “Chết chỉ một lần. Làm hay không làm đều hối tiếc.” Tôi cảm giác, câu nói sau dành riêng cho ông. Tâm sự luôn là ý nghĩ bị tình cảm gây rối rắm. Một thứ gì đó hiện diện trong cái muốn mà không dám làm.

“Nhưng thói quen, mọi người gặp nguy hiểm tự động sẽ đạp thắng.”

“Bất kỳ thói quen nào cũng có thể trở thành thói không quen. Phải ý thức phải tập luyện.” Tôi biết ông muốn nói gì. Ông đang trao lại cho tôi cái chân ga.

Giờ đây, đạp ga đi luôn. Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh choáng váng, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông. Bẻ bánh lái về phía mặt. Chiếc xe va vào thành cầu, bật ra, va vào, bật ra, va vào, bật ra, lồng lộn, chòng chành, kềm tay lái, đạp thắng, chiếc xe giật kinh phong, rồi phun khói, phun nước, nhưng gầm thét dừng lại nằm ngang. Tất cả các xe khác dạt ra xa. Một số đàn ông xuống xe chạy đến tiếp cứu. Tôi vẫn còn lơ mơ dù biết phần nào câu chuyện xảy ra, nhưng do cảm giác hơn là ý thức.

“Con có bao giờ có ý tưởng viết văn chẳng hạn như viết truyện, làm thơ, không?” Ông và tôi đi bộ dạo quanh khu nhà ở sau giờ cơm chiều. Ông đối xử với tôi như người trưởng thành từ lúc tôi còn học trung học đệ nhất cấp. Thường xuyên đặt nhiều câu hỏi bất ngờ, nhưng không phải ngẫu nhiên.

“Chưa bao giờ. Con không khiếu văn chương. Chỉ thích toán khoa học.”

“Viết văn, làm thơ không phải để trở thành văn sĩ, thi sĩ như nhiều người lầm tưởng. Con biết không?”

“Con học giỏi toán để làm kỹ sư hoặc nhà vật lý. Con giỏi khoa học để trở thành khoa học gia, bác học… Viết văn, làm thơ, không thành ai hết. Một người thường? Con không hiểu.”

“Ừ, khó hiểu. Nếu dễ thì những người viết văn, làm thơ đã hiểu. Giả dụ, kỹ sư, nhà toán học, khoa học gia … nghĩa là phần tri thức suy luận của con đã phát triển cao cấp, như vậy sẽ tạo ra hiện tượng mất thăng bằng giữa trí tuệ và tâm tình, giữa ý thức thức.’

“Ý của ba viết văn. làm thơ để bổ sung phần thiếu sót hoặc yếu kém của tâm tình?”

“Đúng. Con thấy ba viết văn rồi làm thơ nhưng đâu có ai gọi ba là văn sĩ hay thi sĩ. Một người bản lãnh cần phải chững chạc, nghĩa là càng giỏi càng phải thăng bằng.”

“Thăng bằng theo kiểu 50/50?”

“Không, thăng bằng không phải cân bằng. Tâm hoặc trí sẽ có một cái trồi cao hơn khi con học tập. Ý thức hoặc thức sẽ có một cái vượt lên khi con sử dụng. Nhưng bước đi, không thể cứ bước một chân rồi lết chân kia. Đó là sự trì trệ và thành lũy tự tôn. Một cái Tôi què quặc. Hết bước chân này, hãy bước chân kia. Tiếp tục đi tới. Không ai biết tài năng dừng lại nơi nào. Không ai biết năng lực con người sao sâu đến đâu. Nội tâm mỗi người một đại dương thu nhỏ bởi sự ngu dốt của cái Tôi. Con cứ nhớ như vậy.” Dù sao, tôi có tính nghệ sĩ vì thích lơ đễnh.

Trong cõi người ta thời nay, dễ chết nhất là tin người. Cha tôi thâm trầm, khôn ngoan nhưng rất dễ tin người, nhất là những người có đạo. Lạ hay quen, nếu là công giáo, cha tôi không chút nghi ngờ. Ông giao hết những công việc kinh doanh, kể cả những bí mật chính trị, tôi hỏi, tại sao?, ông nghiêm túc, họ là con Chúa.

Ông mướn anh tài xế công giáo, tên Thành, lái xe tải xăng cho công ty, phân phối xăng đến những làng xã ở xa và thâu tiền hàng tháng. Tôi bắt gặp anh này gian, đổ dầu lửa vào bồn để kiếm tiền riêng. Tôi kể lại, cha tôi không tin, dù tôi cũng công giáo. Có lẽ, ông biết, tôi, công giáo tệ. Tìm đủ mọi bằng chứng lẫn nhân chứng, trình bày chuyện gian của anh tài xế lần nữa, không bênh vực được, cha tôi nói, con nên học lòng tha thứ. Tôi trả lời, chiều nay lúc nó lái xe về, con sẽ bắt nó trả lại tiền gian lận.

Chờ đến tối, không thấy anh ta, người khác lái xe về. Mẹ tôi nói, cha cho tiền và chở anh tài xế ra bến xe đò, trở về quê. Tôi luôn khó chịu về tác dụng của từ bi bác ái, chỉ ích lợi cho một người, còn những người khác thiệt hại vì bán xăng pha dầu và những xe đổ xăng pha dầu càng tổn hại hơn. Cứu ít người để hại nhiều người, từ ái này không hợp lý, nhiều hại hơn lợi, từ ái trở thành không từ bi bác ái. Cha tôi nói, con lý luận kiểu trần gian. Thấy tôi vẫn bực bội, Cha nói: _ “Muốn làm việc tốt lớn, thường khi phải làm chuyện xấu nhỏ.” Không muốn tranh cãi nhưng tôi tự hỏi: Làm sao biết cái tốt nào lớn, cái xấu nào nhỏ? Đánh giá theo năng suất hay theo hậu quả? Kết cuộc, hầu hết các kinh doanh của ông sau cùng rơi vào tay các người quản lý. Ông lạc quan với mất và nghèo.

Một hôm, đi học về sớm, đói bụng, lục cơm nguội ăn với chuối chín. Cha tôi nói, để ông chiên cơm hột gà. Ông ăn rất mặn. Nêm nếm vừa miệng xong, khoái trá, đột nhiên, ông vội vã bỏ mấy nắm đường vào chảo, vì sực nhớ tôi không ăn mặn. Nếm quá ngọt, thêm nước mắm. Rồi quá mặn, thêm nhúm đường. Đĩa cơm đó có mùi vị kỳ hoặc, mặn chát và ngọt lịm cùng một lúc. Nhai cơm, nước miếng trở thành chất keo quái đản, nuốt xuống, ợ lên. Cha theo dõi tôi ăn. Ông đến sau lưng, đặt hai tay lên vai, cúi xuống nói rất nhẹ. Con, mình đi phố ăn xôi lạp xưởng. Bình thường ông luôn nói lớn tiếng.

Đêm cuối trước khi trở về ký túc xá đại học chuẩn bị ra trường. Chúng tôi đi dạo với nhau rất lâu. Đêm càng lúc càng đen. Khu nhà ở đã yên tĩnh sau 7 giờ tối, chỉ trừ tiếng cha tôi thỉnh thoảng ho nghẹt vì cố nín. Những nóc nhà cao thấp đen xám nổi lên không trung lờ mờ ánh sao, nóc nhà thờ cao nổi bật cây thập giá, tiếng dế tiếng côn trùng dọc theo bước chân, cảm giác thế giới xa lạ, chỉ sống sót hai người thân thuộc. Cha tôi càng già càng gù, khuôn mặt ông cúi nhiều hơn ngẩng lên, đen nhiều hơn sáng. Đêm nay chúng tôi ít trò chuyện, để nhiều thời giờ đi lặng lẽ bên nhau. Sự lặng lẽ chứa bình yên lẫn lộn với lo lắng tạo ra cảnh ngộ bất an, có điều gì vượt ra ngoài ngôn ngữ. Không hiểu cha đang nghĩ gì, bất chợt ông đưa tay vịn lên vai tôi.

Cử chỉ này khiến tôi nhớ lại ngày đưa linh cửu mẹ ra nghĩa trang, đứng trước huyệt mộ chưa lấp, cha lặng lẽ khá lâu, rồi vịn tay lên vai tôi, khá lâu. Vẫn không nói gì. Một hồi sau, ông đưa tôi ra về. Mãi lâu ngày, tôi mới tự giải thích, vịn vai, lặng lẽ trong chiều hoang vắng, cha tôi đã truyền cảm rằng, từ nay chỉ còn hai cha con mình.

Lúc đó, tôi mới lớn, thấp hơn ông nên vịn vai tôi là việc dễ dàng. Bây giờ tôi đã cao, ông lại thấp xuống, vịn lên vai là việc cố gắng. Những ngón tay như cố bấm vào vai, sợ làm tôi đau, lại thả lỏng, rồi muốn tuột khỏi, những ngón tay vội vã bấu trở lại. Có lẽ tôi đi quá nhanh, ông không theo kịp. Có lẽ ông níu tôi lại để nói điều gì nhưng đắn đo không nói. Có lẽ ông muốn giữa lại một sinh vật thân yêu sắp sửa ra đi. Tôi nghe được tiếng cha cố nén khi thở dài. Tiếng ho chận nghẹt. Rồi trời đất cảnh vật và chúng tôi đều im lặng. Đến một khúc quanh ngả tư gần nhà, những ngón tay từ từ thả ra, bàn tay rời khỏi vai, tôi vẫn bước đi, còn ông đứng lại. Ông nói:

_ “Mai con phải bay sớm. Mình nên quay về. Ba đã mua sẵn đồ ăn sáng. Mai hâm phở ăn, uống phê, rồi ba đưa con ra phi trường.”

“Không cần đâu ba, con đi uber.”

_ ”Ba muốn uống một ly bia với con trước khi đi ngủ.”

Uống hết ly bia, Cha tôi nói: _ “Hôm qua ba nhận được tin anh Thành đã qua đời lao lực sinh bệnh ho lao.” _ “Thành lái xe?” _ “Thành là một người tốt. Mồ côi cha mẹ, lớn khôn trên đường phố. Anh ta bị đuổi việc nhiều lần gian lận, trước khi đến làm cho công ty mình. Hầu hết tiền anh kiếm được tiền gian lận dùng để nuôi các trẻ mồ côi.” Ông dừng lấy hơi. “Muốn làm việc tốt không phải dễ. Đa số người ta không muốn làm việc tốt nếu không lợi. Nếu không quen làm việc tốt, sẽ luôn nghi ngờ việc tốt của người khác. Hơn nữa, họ công khai hoặc ngấm ngầm chống ai làm việc tốt. Việc tốt luôn bất lợi cho họ. Kể cả làm cho họ bị lu mờ. 

Tôi trở thành nhà văn có tên tuổi. Hôm nay, cầm cuốn sách mới in, tôi đi sâu vào nghĩa trang. Nơi cha tôi nằm im lặng. Đứng đó. Đêm xuống. Bất kỳ nơi nào có người chết, nơi đó dễ sợ. Nơi có nhiều người chết, càng vô số chuyện kinh dị. Tôi không sợ người chết bằng người sống. Lần cuối cùng ngồi cạnh giường bệnh với cha, ông nói:

_ “Chắc ba không qua khỏi, ai rồi cũng phải đến lúc này. Con phải dành nhiều thời giờ chăm sóc con cái. Hối tiếc hậu quả muộn màng của ngu dốt. Mẹ mất sớm, lẽ ra, ba phải chăm lo cho các con nhiều hơn.” Tôi hướng qua đề tài khác.

_ “Linh mục Phan sẽ đến ngày mai để làm phép thánh cho ba.”

_ “Không cần đâu, đêm trước ba ngủ đã gặp Chúa. Chúa đã cho ba biết Chúa giống ai.”

_ “Giống ai?” Tôi chăm chú. Ông nhìn lên cây thánh giá trên tường. Tôi biết ông đang tìm một ẩn dụ.

_ “Anh Thành tài xế.”

Ngu Yên

Truyện 2,385 chữ. Ngu Yên. 2022

  (Trong tuyển tập truyện Tác giả trở về, Ngu Yên, 2025)