Trung-Việt chiến tranh mật lục, Trần Lệ Bình trích dịch

17/2/1979. Đó là ngày nhà cầm quyền Trung Quốc xua 60 vạn quân tràn vào 6 tỉnh biên giới của Việt Nam, mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài suốt 10 năm.

Không phải người Trung Quốc  nào cũng đều ủng hộ cuộc chiến đó.

Mặc dù chính quyền Trung Quốc bằng mọi cách bưng bít sự thật, nhưng vẫn còn những người dân Trung Quốc yêu hòa bình trọng chính nghĩa đã kêu gọi rằng:

“Lịch sử ghi nhớ ngày này.
Nhân loại ghi nhớ ngày này.
Hòa bình và chiến tranh khắc ghi ngày này.”

Đó là nguyên văn tôi trích từ cuốn sách do ba tác giả Trung Quốc, từng làm phóng viên chiến trường viết với tiêu đề: Trung Việt chiến tranh mật lục. 中越战争秘录

Bìa sách Trung Việt chiến tranh mật lục.
Giữa trang có mấy dòng chữ:
Lịch sử ghi nhớ ngày này.
Nhân loại ghi nhớ ngày này.
Hòa bình và chiến tranh khắc ghi ngày này.

Đó là cuốn sách bị cấm lưu hành công khai tại Trung Quốc, vì đã ghi lại một khía cạnh rất nhỏ về sự thật đẫm máu đã xẩy ra tại chiến trường.  Nhưng nó vẫn được chuyền tay nhau qua không biết bao nhiêu người. Một trong những cuốn đó khi tình cờ đến tay tôi, bìa chính của sách đã nát, và một người nào đó đã dán lại bằng giấy khác và ghim lại những trang đã bị rơi. Tôi đã đọc nó với nước mắt và nỗi đau.

Sau năm 1975, khi cuộc chiến với Mỹ kết thúc, đã có rất nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh được người Mỹ làm ra để nói về cuộc chiến đó.  Thế nhưng cho đến nay, đã 46 năm trôi qua, mặc dù tôi cố gắng tìm kiếm, nhưng không thể tìm thấy thêm một cuốn sách nào khác từ phía Trung Quốc nói về cuộc chiến này.

Nên tôi muốn đưa lại phần tôi đã chuyển dịch từ cuốn sách đó cách đây hai năm. Mong bạn đọc lưu ý, đó là câu chuyện do phóng viên Trung Quốc tự kể lại với sự dè dặt dưới sự kiểm duyệt của chính quyền.

*****

Đoạn mở đầu phần 2 với tiêu đề: Ngày 17 tháng 2 là ngày máu và lửa. Viết rằng:

“Có khi là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Từ năm 1919 sau khi Trung Quốc bước vào lịch sử hiện đại, những năm có con số 9 ở cuối đều gặp sự kiện lớn. Càng về sau càng rõ hơn:  nước cộng hoà nhân dân xã hội chủ nghĩa non trẻ của chúng ta ra đời 1949; 1959 xẩy ra cuộc bạo loạn Tây Tạng; 1969 cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng Trung-Xô xuýt dẫn tới cuộc chiến đại quy mô. Thế thì công nguyên một nghìn chín chăm bẩy mươi chín sẽ ra sao?

Mỗi ngày trong sự luân hoàn của năm tháng, tất cả chúng đều được chồng lên một gánh nặng lịch sử không thể xóa nhòa bởi những vòng tuần hoàn tàn nhẫn. Đưa ngày ghi trên tiêu đề của phần này phản chiếu vào lịch sử, không thể nghi ngờ rằng, nếu không phải một ngày bình thường nhất, không đáng để ý nhất, không đáng để hồi tưởng nhất, không đáng để kỷ niệm nhất, chí ít cũng phải là một ngày như vậy. Thế nhưng, ngày 17 tháng 2 đó lại gặp vào năm có chữ cuối số là số 九 chín, 1979, thế là đã bùng lên ngọn lửa chấn động thế giới, thiêu rụi tận gốc chiếc ngòi nổ.”

Tôi xin trích nguyên văn phần 2, chương 8 của cuốn sách đó, và chuyển dịch sang tiếng Việt để cùng chia sẻ với bạn đọc.

*****                              

8. “Đại phật” và lính nữ Việt Nam

“Đại phật” là đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc với hơn 20 năm tuổi đảng, hết lòng trung thành với đảng, với tổ quốc và nhân dân. Dẫn lời chính bản thân ông nói:

“Từ thời cổ tới nay, trong quân đội không có nói đùa, một lời của người lính nặng ngàn cân. Có tôi ở biên cương phía nam, xin tổ quốc hãy yên tâm.” Cần phải giải thích thêm, “đại phật” chỉ là người phàm, là một quân nhân bình thường, với 27 năm tuổi quân. Ông có một gia đình mỹ mãn, vợ làm bác sĩ Bệnh viện đường sắt Thiên Tân, con gái học sơ trung và con trai học cao trung. Cậu con trai là niềm tự hào của ông. Sáu môn học con trai thi đạt 600 điểm (như sáu cái điểm 10 của Việt Nam ),và đi thi toán, vật lý và địa lý đều đoạt giải của thành phố Thiên Tân. Khi kể về lá thư của con trai, hai mắt ông sáng rực. Con ông viết: “Bố ơi, bố ra mặt trận rất có lợi, béo thế sẽ giảm gầy được một chút. Ra trận được ăn đồ hộp, rất ngon. Ra trận còn có thể được lập công.”

Trong con mắt của thế hệ trẻ, chiến đấu ngoài chiến trường tràn đầy ý thơ và đẹp như tranh, chiến trường là nơi luyện sức khỏe, là nhà ăn tập thể lớn và vui, là nơi được phong danh thánh. Nếu “đại phật” có thể kể với con trai mình rằng chiến tranh đúng là đẹp như vậy, thì chúng tôi cũng sẽ tán thưởng trăm phần trăm.

Thế hệ con em chúng ta nghe được lời kể từ miệng chúng ta sẽ là lời ca điệu múa, bướm ở núi Lão Sơn (cao điểm 1509 Thanh Thủy, Hà Giang Việt Nam) đẹp vô cùng, mía Lão Sơn ngọt biết bao, tiếng pháo Lão Sơn vang như bản nhạc đẹp, tiếng suối Lão Sơn nghe róc rách. Nhưng không một lời nào nói tới những chân tay gãy trơ xương, mùi hôi thối của xác người bị cháy thiêu, những xác chết được lôi từ trong hang động ra.

Cần gì phải gửi cho những đứa trẻ những cơn ác mộng của sự kinh hoàng.

Ngày 20-1-1987. “đại phật” lên quan sát trận địa ở phía đông đỉnh núi. “Xút……” một phát súng cối bay vụt tới. Ông cao 1 mét 80, nặng 90 ký, nom y hệt ông phật sống hay ông pháp sư. Kẻ địch thấy ông như một sĩ quan. Bản thân ông cũng đúng là một sĩ quan thật, 44 tuổi, trung đoàn trưởng lớn tuổi nhất của cả tập đoàn quân. Ông không kể lúc đó ông có nằm sụp xuống hay không. Chúng tôi cho rằng, đã gọi ông là đại phật thần bí, thì lính cũng cần ông phải nằm xuống ngay, và cũng có thể hiểu được là ông phải nhanh nằm sụp xuống.

Trước khi xuất trận, với giọng nói vang như tiếng chuông đồng, ông nói với vợ con người lính rằng: “Thưa các thân quyến, tôi sẽ đi cùng và về cùng với cả trung đoàn. Tôi đã làm lính hơn 20 năm, mọi người có tin tôi không? Tôi xin đảm bảo chúng ta sẽ cùng đi và cùng về, các bà đã trao người chồng cho tôi, tôi sẽ mang lại người chồng đó cho các bà.”

Ông đã từng lên tiền tuyến hơn sáu chục lần, đây là lần đầu nguy hiểm nhất. Đạn pháo rơi cách ông khỏang sáu bảy mét, và nổ khiến ông bùn đất dính đầy mình. Lính cận vệ của ông hét lên: “Nguy hiểm!” và lao lên kéo ông chạy thoát. Hai lính pháo binh khác cũng xác nhận, một loạt đạn pháo của quân Việt đã lên nòng, và bắn tới tấp tiếp theo sau. Vừa chui vào hầm trú ẩn, thì nơi ông từng đứng đã phủ đầy đạn pháo, xuýt nữa thì ông đã không thể về cùng với lính trung đòan của mình.

Lời hứa cùng đi cùng về của ông khiến các binh sĩ rất vui lòng, và cũng đã thành hiện thực. Ông ta thật giỏi và số thật may. Ông yêu lính như yêu con, đó là thật. Một anh lính đánh máy chữ người Bắc Kinh, 22 tuổi, bằng nửa tuổi ông, được ông suốt ngày gọi là con nuôi, và thân thiết vô cùng. Khi bước vào chiến trận ông đã tổ chức hoạt động “Tháng tôn trọng cán bộ yêu binh sĩ”. Ông yêu cầu: “Trung đoàn trưởng quản lý cả trung đoàn, cả trung đoàn quản lý trung đoàn trưởng.” Ông đặt mình vào vị trí của người lính thường.

Tháng 5 năm 87, một chốt quan sát trên tuyến đầu bị đạn pháo địch phong tỏa, không thể tiếp tế được. Ông gọi điện cho tiểu đoàn trưởng: “Hãy chuẩn bị sẵn những gì tốt nhất, nhất định phải cung cấp đầy đủ cho chốt trên đó.” Tiểu đoàn trưởng nói: “Pháo bắn mạnh quá không thể lên được.” Không lên được cũng phải lên, xem chừng mệnh lệnh này khó mà đưa ra. Vì cứu vài người rồi lại phải thí mạng vài người nữa, thì có bõ không? Ông nhìn anh sĩ quan tác chiến đứng cạnh, và quyết định cử anh này lên. Ông đưa hết ba bao thuốc lá của mình: “Đưa lên cho anh em hút.” Anh sĩ quan tác chiến vác ba lô nặng trên vai, vừa chạy vừa tránh đạn, cuối cùng cũng an toàn lên tới chốt. Sau ba ngày ba đêm, khi nhận được điện từ trên chốt gọi xuống: “Trung đoàn trưởng ơi…” ông trung đoàn trưởng hơn 40 đã nước mắt ràn rụa.

Một hôm sau cơn mưa, “ đại phật” lên thị sát một đơn vị chuyên thực hiện nhiệm vụ bắn tỉa. Trời nóng như lửa thiêu, ông chỉ mặc mỗi chiếc quần xà lỏn, mình trần bóng lộn bởi mồ hôi, nom ông như bức tượng phật. Tên “đại phật” từ đó mà ra. Ông cầm chiếc ống nhòm từ từ quan sát trận điạ của đối phương. Ông muốn lính phải nhắm đúng mục tiêu cần thiết để bắn. Ông cho rằng đạn pháo là mồ hôi của công nhân và nông dân, ta không thể phí phạm. Một tháng lương của ông chưa đủ cho nửa viên đạn.

Qua ống nhòm ông theo dõi một lính Việt Nam đang đứng trước cửa một hầm công sự. Theo dõi suốt 30 phút, ông xác định rằng trong đó có ba lính Việt Nam. Ông nói:

“Ba tay này nhận án tử hình đây.” Nhìn đồng hồ đeo tay: ba giờ chiều, ông bèn phán: “Hoãn thi hành án cho họ thêm 24 giờ”. Cùng giờ hôm sau, ông ra lệnh, ba phát đạn pháo đã phá sập hầm công sự, cả ba lính Việt không ai chạy thoát. Tham mưu trưởng mừng reo lên: “Ba tay đó đã đi gặp cụ Các Mác để mách về chúng ta đây!”

Sau nhiều trận bắn phá, diệt cả xe vận tải quân sự và thuyền bè đi trên sông, ông rất vui với những chiến công đã đạt được. Có một vụ pháo kích mà trung đoàn trưởng đã lộ sự thần bí của một ông phật, nhiều tình tiết có người không muốn nhắc tới. Nhưng chúng tôi lại rất muốn nhắc tới nó.

Trước trạm quan sát khoảng hơn ngàn mét, trên bãi đất đỏ có một hồ nước xanh long lanh. Quân Việt Nam thường ra đó lấy nước, gặp ngày đẹp trời, họ kéo nhau cả đám ra tắm giặt ở đó. Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là mục tiêu lý tưởng cho sự bắn tỉa. Vì đây là lần đầu, phải thận trọng và phải đạt kết qủa tốt đẹp. Trung đoàn trưởng đích thân sắp xếp mọi sự chuẩn bị, súng cũng đã đưa đi nơi khác bắn thử để kiểm tra tính chính xác.

Tám giờ sáng hôm đó, xuất hiện ba quân Việt, một đại đội trưởng có nhiệm vụ bắn đã muốn nổ súng. Nhưng trung đòan trưởng nói: “Theo phương châm đã định, một người không bắn, hai không bắn, ba không bắn, bốn cũng không, năm cũng không, dứt khoát phải đủ con số sáu ta mới bắn.” Mọi người tiếc vì đã để ba lính Việt số hên được thoát chết. Sau đó thêm hai lính Việt xuống xách nước cũng sống sót.

Chúng tôi hỏi trung đoàn trưởng: “Tại sao phải đủ con số sáu mới bắn?” Ông trả lời: “ Số sáu là con số tương đối lý tưởng.” Mọi người lại hỏi: “Tại sao số năm lại không lý tưởng?”. Ông không trả lời. Mọi người cho rằng chắc vì năm là một nửa và sáu là qúa bán…

Chờ bốn tiếng đồng hồ sau, 12 giờ 12, “ Một, hai, ba, bốn, năm, saú!” lạy trời lạy đất, con số lý tưởng đã tới. Đại đội trưởng sướng rên hỏi: “Bắn nhớ?” Trung đoàn trưởng hạ lệnh: “Bắn!” Sáu lính Việt vừa tới bờ nước, thì một loạt đạn pháo cũng ụp tới. Nước bắn tung téo, hồ nước xanh long lanh đỏ như máu. Saú lính Việt bốn nằm chết ngay bên bờ, một mất tung tích, còn một cố lê một chân chạy thoát ra xa.

Lính của trung đoàn trưởng nhảy cỡn lên, reo hò vui mừng vì đã bắn trúng đích. Ông ra lệnh: “Hãy quan sát thật kỹ, thế nào cũng có người ra cứu thương, nếu đủ sáu là ta lại bắn.”

12 giờ 29, có ba người Việt vác cáng ra nhặt xác, lính của ông không nhịn được để chờ lệnh, phun luôn một loạt đạn, tòan bộ diệt vong, không ai trốn thoát. Sau đó lính Việt không ai dám ló mặt ra ngoài, lâu lâu họ quăng cái móc ra để kéo xác người chết, gần đến nơi chạy thật nhanh ra buộc giây vào xác để kéo hẳn vào trong hầm công sự. Cứ như vậy, đến gần tối những xác chết mới chuyển hết.

Bộ chính trị tập đoàn quân gửi điện chúc mừng. Nhân viên y tế liên quân khu gọi điện tới tấp để chúc mừng. Lãnh đạo cấp cao nói đùa với nhau rằng: “Lính của ta đúng là đao phủ”.

Chúng tôi cố tình hỏi “đại phật”: “ Nghe nói những lính Việt bị tiêu diệt là đàn bà?” Ông nhắm mắt lim dim, đoán chúng tôi hỏi với dụng ý gì. Qua ống nhòm phóng đại tới 40 lần, khoảng cách một ngàn mét chỉ còn là 25 mét, ai cũng có thể nhìn rất rõ. Lính nữ nằm bên bờ hồ nước, trên đất vũng máu, tóc dài phủ ngang lưng, phủ trên khuân mặt xinh xắn. Kẻ thù, phụ nữ, về mặt tình cảm không ai muốn hai nghĩa đó phủ lên nhau.

Những người lính, dân quân tự vệ trong cuộc chiến biên giới 1979. Ảnh tư liệu.

Không biết bắt đầu từ bao giờ, ở tiền tuyến có luật bất thành văn, là không giết lính nữ, không giết dân công, không giết dân thường. Không giết dân thường là lẽ đương nhiên, nhưng khi giao chiến thì dân công và lính nữ thuộc về phía kẻ thù, theo khái niệm yêu và ghét của chúng ta, khoan dung với kẻ thù là tàn nhẫn với chính mình. Miễn sao giết được quân nhân, là cấp trên khen thưởng. Nhưng việc giết lính nữ thì không hoàn toàn được dư luận khen.

“Không có việc làm nữa hay sao mà lại đi giết lính đàn bà, thật chẳng ra gì.” Những lời bàn tán như vậy đã đến tai trung đoàn trưởng. Ông nói với chúng tôi rằng: “Ở đây, bất kể nam hay nữ, miễn là địch, là ta đánh.” Sau đó ông lẩm bẩm: “Lính nữ, toàn là vợ góa trong chiến tranh. Lính gì mà mang cả con lên chiến trường…”

Chúng tôi hỏi tiếp: “Nghe nói chân cẳng của những lính nữ đó bị bắn treo cả lên cây?” Ông tránh không trả lời câu hỏi, và lảng đi nói rằng: “Sau trận đó, phía bên kia bắn phát đạn truyền đơn sang, mấy tờ giấy trong đó nói rằng, chúng mày tàn nhẫn quá, những người phụ nữ bị chúng mày giết toàn là vợ góa.”

Chúng tôi hỏi: “Thế trung đoàn trưởng nghĩ sao?”

Ông dằn mặt: “Kệ mẹ nó, đánh là đánh!”

Và tiếp theo, ông mỉm cười bổ sung thêm: “Chỉ một lần đó thôi…”

Phật ta thật từ bi.

Trung-Việt chiến tranh mật lục, Trần Lệ Bình trích dịch