Nguyên Việt: Trận Đồ Thông Tin: Trò Chơi Thao Túng Và Sự Thật Bị Vùi Lấp

Hình minh họa: geralt

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên tràn ngập thông tin, nơi chỉ cần một cú nhấp chuột, hàng triệu bài viết, video và ý kiến có thể xuất hiện trước mắt. Thế nhưng, chưa bao giờ con người lại hoang mang, mơ hồ và lạc lối đến thế trong chính cái thế giới mà chúng ta tưởng như có thể nắm bắt được mọi thứ. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó, thậm chí còn đang trở thành một thí nghiệm xã hội đặc biệt, nơi báo chí chính thống đang dần mất niềm tin, nơi có nhiều kênh YouTube tùy tiện, vô nghĩa lên ngôi, và nơi tiếng nói phản biện bị bóp nghẹt không thương tiếc. Một bức tranh đầy nghịch lý, nhưng cũng quá dễ hiểu nếu nhìn sâu vào bản chất của vấn đề.

Khi truyền thông chính thống mất đi uy tín, khi những dòng tin tức chỉ còn là những mệnh lệnh định hướng hơn là sự phản ánh thực tại, chúng ta buộc phải tìm đến những nguồn thông tin khác. Thế nhưng, trong lúc khát khao sự thật, có phải chúng ta vô tình rơi vào những cái bẫy tinh vi hơn, nơi sự thật bị bóp méo, nơi những nội dung giật gân, phản cảm trở thành thứ được tiêu thụ nhiều nhất? Không phải vì chúng ta thực sự muốn những thứ ấy, mà bởi vì chúng được bày ra trước mắt, lôi kéo vào vòng xoáy vô nghĩa đến mức không còn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng chúng ta đang bị thao túng. Và khi dư luận chỉ còn quan tâm đến những câu chuyện giật gân, những màn bóc phốt vô nghĩa, những drama đầy toan tính, thì đó cũng là lúc những điều quan trọng nhất của đất nước bị lãng quên.

Hình minh họa: pixabay

Một xã hội không thể phát triển nếu chúng ta chỉ còn biết cãi nhau về những thứ nhỏ nhặt, trong khi những vấn đề cốt lõi thì bị vùi lấp dưới những trận chiến ảo trên mạng. Khi chúng ta lao vào các cuộc tranh cãi vô nghĩa, liệu chúng ta có còn thời gian để tự hỏi: Tại sao giá cả tăng chóng mặt? Tại sao tham nhũng vẫn hoành hành? Tại sao những người lên tiếng cho sự thật lại bị bịt miệng? Những câu hỏi này không khó để trả lời, nhưng muốn trả lời thì trước hết phải có người đặt câu hỏi. Và khi xã hội đã bị dẫn dắt để không còn ai đặt những câu hỏi ấy, thì mọi thứ sẽ tiếp tục diễn ra như một vòng lặp không hồi kết.

Chúng ta thường nghĩ rằng kiểm duyệt thông tin là một hành động thẳng tay, nhưng thực tế, kiểm duyệt tinh vi hơn thế rất nhiều. Không cần phải cấm đoán mọi thứ, chỉ cần làm cho chúng ta mất đi sự chú ý đến những điều quan trọng. Đơn giản như việc lấp đầy mạng xã hội bằng những thứ vô nghĩa, bằng những trò tiêu khiển rẻ tiền, bằng những cuộc cãi vã không đầu không cuối, bằng những kênh YouTube với nội dung câu view nhảm nhí, bằng những luồng thông tin đầy định hướng được cài cắm khéo léo. Khi đó, việc kiểm soát thông tin trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, vì đơn giản là chẳng còn mấy ai quan tâm đến sự thật nữa.

Chúng ta có đang bị dẫn dắt vào một mê cung mà chính mình cũng không nhận ra không? Khi chúng ta dành hàng giờ để xem một video nhảm nhí, liệu chúng ta có nhận ra rằng mình đang lãng phí khoảng thời gian quý giá có thể dùng để học hỏi, suy ngẫm, hay làm điều gì đó thực sự có ý nghĩa không? Khi chúng ta chia sẻ những tin tức chưa được kiểm chứng, có phải chúng ta đang tiếp tay cho một nền văn hóa của sự dối trá không? Khi chúng ta hùa theo những cuộc tấn công vào những người dám nói lên sự thật, chúng ta có hiểu rằng mình đang gián tiếp làm cho xã hội này ngày càng khó tìm được tiếng nói trung thực không?

Không ai có thể ban phát nhân quyền, sâu xa hơn là nhân phẩm cho ai cả. Nhân phẩm là thứ mỗi người phải tự giữ lấy, tự bảo vệ, tự khẳng định. Một xã hội có nhân phẩm không thể là một xã hội nơi sự thật bị chà đạp, nơi sự chính trực bị xem thường, nơi lương tri bị bán rẻ chỉ vì một chút danh vọng ảo trên mạng. Một quốc gia có nhân phẩm không thể là một quốc gia mà những tiếng nói chân thành bị dập tắt, nơi những người lên tiếng vì công bằng bị xem là nguy hiểm, nơi chúng ta bị dẫn dắt để tin vào những điều vô nghĩa hơn là những điều quan trọng.

Tự do không phải là một món quà được ban tặng, mà là một điều phải giành lấy. Một xã hội không thể mong có tự do nếu chính chúng ta không dám đòi hỏi, không dám lên tiếng, không dám đấu tranh cho nó. Một xã hội không thể mong có sự thật nếu chính chúng ta sẵn sàng tiêu thụ những lời dối trá mà không thèm kiểm chứng. Một xã hội không thể mong có tương lai nếu chính chúng ta không biết đặt câu hỏi về hiện tại.

Những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường mà người lớn đã chấp nhận sự giả dối sẽ tiếp tục sống trong sự giả dối ấy, và rồi sẽ không ai còn nhớ rằng đã từng có một thời, người ta từng biết đến một thứ gọi là sự thật. Chúng ta có thể chấp nhận để thế hệ con cháu mình lớn lên trong một thế giới như thế không? Chúng ta có thể chấp nhận để chúng sống trong một xã hội mà tự do chỉ là một khái niệm xa vời, nơi nhân phẩm chỉ là một thứ được ban phát tùy theo ý muốn của một số người, nơi con người không còn có thể suy nghĩ độc lập và tự do nữa không?

Không ai có thể trả lời câu hỏi này thay chúng ta. Không ai có thể làm thay chúng ta điều này. Chúng ta có thể chọn tiếp tục sống như bây giờ, tiếp tục bị dẫn dắt bởi những luồng thông tin mà chúng ta không kiểm chứng, tiếp tục để mình bị cuốn vào những trào lưu vô nghĩa, tiếp tục im lặng khi thấy sự thật bị chà đạp. Hoặc chúng ta có thể chọn khác đi, có thể bắt đầu đặt câu hỏi, có thể bắt đầu tìm hiểu, có thể bắt đầu suy nghĩ, có thể bắt đầu cất lên tiếng nói của mình.

Một Việt Nam có nhân quyền, có tự do, có phẩm giá không phải là điều không thể, nhưng nó chỉ có thể trở thành hiện thực nếu mỗi người trong chúng ta dám chọn nó. Nếu chúng ta không chấp nhận để mình trở thành một phần của sự dối trá. Nếu chúng ta không để mình bị cuốn vào những điều vô nghĩa mà quên đi những điều quan trọng. Nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đòi hỏi sự thật, dám sống vì sự thật.

Tự do không tự đến. Nhân phẩm không phải thứ được ban phát. Chúng ta phải tự chọn. Và quan trọng nhất: chúng ta phải chọn ngay từ bây giờ.

Nguyên Việt

19.02.2025