Andreas Buller: Đạo đức và ngôn ngữ của chủ nghĩa toàn trị: Chủ nghĩa Bolshevich, Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Putin

Đó là tên cuốn sách mới xuất bản của nhà triết học Đức gốc Nga Andreas Buller. Tác giả so sánh ba hệ thống toàn trị này và tìm thấy chúng có không ít điểm chung. Theo đề nghị của trang mạng Nga “Холод” (nghĩa là “Lạnh”, holod.media) nhà báo Aleksei Slavin đã có cuộc trò chuyện với Andreas Buller. Nhan đề bài viết là “Пропаганда Третьего рейха и Путина использует одни и те же методы” (Sự tuyên truyền của Đế chế Thứ ba và của Putin dùng những phương pháp như nhau)

*

Aleksei Slavin: Trong cuốn sách của mình ông đã so sánh chế độ Putin với chủ nghĩa Bolshevich và chủ nghĩa Quốc xã. Cái gì đã thống nhất ba hệ thống này.

Andreas Buller: Chủ nghĩa Bolshevich, chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa Putin, cả ba đều là hệ thống toàn trị. Điểm tựa vào đạo đức nhóm là cái thống nhất chúng với nhau. Chẳng hạn, trong cuộc nội chiến diễn ra ở Nga đầu thế kỷ XX, những người thuộc về cùng một nền văn hoá và nói cùng bằng một thứ tiếng đã huỷ diệt những người cũng như thế, dựa trên các luận điểm của chủ nghĩa Marx. Đạo đức phổ quát đòi hỏi phải kính trọng mỗi con người và mỗi cuộc đời, thế nhưng trong các hệ thống đó người ta lại tìm cách huỷ diệt nó.

Thứ đạo đức giả hiệu của chủ nghĩa Quốc xã có nền tảng là sự phân biệt chủng tộc. Luận điểm cơ bản của nó coi chủng tộc Đức là duy nhất. Chỗ dựa của chủ nghĩa Bolshevich là ở tính giai cấp, các cuộc nội chiến được biện minh vì thế. Cơ sở của chủ nghĩa Putin là “các giá trị cổ truyền” và “lịch sử vĩ đại của dân tộc Nga”, nơi cũng không có chỗ cho đạo đức phổ quát.

Aleksei Slavin: Đỉnh điểm của chủ nghĩa Quốc Xã và chủ nghĩa Bolshevich đã lùi xa gần 70 năm, trong thời gian đó thế giới đã thay đổi rất nhiều. Vì sao sự phủ nhận đạo đức phổ quát lại có thể xảy ra ở Nga?

Andreas Buller: Đó là do sự tuyên truyền mà người ta đã nhắm đến trẻ con từ lúc còn rất nhỏ. Mới đây đã có những báo cáo cho thấy thực trạng việc phát triển tư duy độc lập và ý thức tự chủ của trẻ em – một phần lớn ngân sách của các trường học Nga trong năm nay được dành cho việc mua súng máy và lựu đạn, còn dành để mua các thiết bị cho các môn hoá học và vật lý thì ít hơn nhiều lần.

Trong nghiên cứu của mình tôi đã cho thấy rằng sự tuyên truyền của Đế chế Thứ ba và của Putin rất giống nhau, và để biện hộ cho sự chuyên chế, cho sự thiết lập quyền lực độc tài chúng đều sử dụng cùng những phương pháp như nhau.

Aleksei Slavin: Ông còn thấy ra những nét tương đồng nào khác?

Andreas Buller: Thứ nhất, biểu trưng. Hitler dùng chữ Vạn (chữ thập ngoặc), còn chính quyền Nga hiện nay dùng ký hiệu Z. Nó làm nhiều người nhớ lại những thảm hoạ kinh hoàng mà nước Đức phát xít đã gây ra, trong đó có phần đã nằm lại thế kỷ XX, nhưng không may là có những phần vẫn còn truyền sang thế kỷ hiện nay.

Thứ hai, sự khẳng định việc đất nước đang bị kẻ thù vây bủa: ở Nga, cũng như ở Đức, bắt đầu lan rộng xu hướng lên án “bọn đế quốc” Mỹ và Anh.

Thứ ba, sự bất khả xâm phạm của nhân vật đứng đầu. Tuyên truyền có thể nói gì cũng được, nhưng không bao giờ được gọi Putin là “bố già boongke” và không được chỉ ra các sai lầm của ông ta.

Aleksei Slavin: Tuy nhiên chúng ta đang sống trong thời đại ai cũng có thể tiếp cận được thông tin. Tại sao mọi người vẫn bị ảnh hưởng của tuyên truyền?

Andreas Buller: Sự thay đổi ý thức diễn ra đều đều và chậm chạp, những quan điểm lựa chọn thực tế là không được phổ biến, một bộ phận các phương tiện truyền thông đại chúng bị nhà nước kiểm soát. Tôi nghĩ nếu như nước Nga chỉ trong một đêm mà ở vào điểm như bây giờ thì mọi người chắc chắn sẽ bị sốc nặng. Nhà ngữ văn Đức Viktor Klemperer nghiên cứu về chủ nghĩa phát xít có viết rằng từ ngữ đang trở thành thuốc độc mà mọi người không nhận thấy. Sau một thời gian cơ thể của họ sẽ bị nhiễm độc.

Aleksei Slavin: Trong nghiên cứu của mình về chủ nghĩa Quốc xã ông nói rằng chủ nghĩa toàn trị được thiết lập thông qua sự nhất thể hoá ngôn ngữ. Ông có thấy xu hướng đó ở nước Nga bây giờ?

Andreas Buller: Có thấy, trường học, báo chí, truyền hình, các phát biểu chính thức – tất cả xã hội bắt đầu dùng một hệ tu từ “đúng mực” duy nhất. Klemperer gọi hiện tượng này một cách hình ảnh là “gleichzeitige Betätigung” – “thao tác đồng thời”. Điều này gợi nhớ đến một cánh đồng hoa dại trước đây có hàng trăm hàng nghìn loại hoa mọc, giờ thay cho sự đa dạng đó chỉ còn độc một loại hoa.

Aleksei Slavin: Mặc dù thế, hồi mùa hè Evgenyi Prigozin đã suýt thực hiện được một cuộc đảo chính quân sự. Tại sao ở Nga xung đột bên trong hệ thống lại có thể xảy ra?

Andreas Buller: Sự xuất hiện lực lượng đối trọng ở bên trong hệ thống là tất yếu một khi không có các phương án lựa chọn thay thế. Ngay ở Đức chẳng hạn cũng đã có Phong trào Kháng chiến tìm cách tiếp xúc với phe đối lập.

Không thể loại bỏ hoàn toàn phe đối lập ra khỏi đất nước. Còn xung đột sẽ nảy sinh vào lúc mọi người bắt đầu nghi ngờ sự đúng đắn trong các quyết định của người đứng đầu: số nạn nhân lớn, thiếu vũ khí, thất bại, và không có khả năng giữ được lãnh thổ. Prigozin đã tìm ra thủ phạm – Bộ Quốc Phòng.

Aleksei Slavin: Trong chương về chủ nghĩa Putin ông viết rằng sau khi bắt đầu cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Ucraina chính quyền Nga “đã vứt bỏ tấm mặt nạ dân chủ”. Điều đó nghĩa là gì?

Andreas Buller: Nhiều người Nga có một thứ giống như là niềm tin vào nhà nước, bởi vì không thể không nhìn thấy và phủ nhận một số thực tế. Tôi không biết làm sao có thể tha thứ cho sự dối trá của Putin. Thí dụ, ông ta nói rằng sẽ không bao giờ gia hạn độ tuổi về hưu, hoặc sau hai ngày phát động chiến tranh ông ta nói sẵn sàng tiến hành đàm phán. Sự dối trá như thế đã kéo dài suốt 20 năm.

Tôi viết rằng mục đích của tuyên truyền không chỉ là để lừa dối con người, mà còn để phá huỷ nền tảng đạo đức của nó. Con người cần phải tuân theo chỉ các quyền lợi dân tộc hoặc phải thừa nhận chỉ các luận điểm của điện Kremlin. Mọi người thậm chí không nghĩ đến việc cái người lập ra đạo đức ở nước Nga là người không bao giờ nghiên cứu khái niệm này và không có chút ý niệm nào về triết học thực tế.

Thí dụ, Putin lên án thiểu số tình dục (ý nói những người đồng tính). Ông ta cho rằng đàn ông ra trận bắn giết nhau là đúng đắn, còn họ yêu nhau là sai trái.

Aleksei Slavin: Tuy nhiên ở Nga có Aleksandr Dugin, người biện luận cho chiến tranh dưới góc độ triết học đạo đức. Ông ấy nói rằng đất nước tiến hành chiến tranh vì sự sống còn của mình và chiến đấu chống lại chủ nghĩa toàn cầu hoá.

Andreas Buller: Trong nghiên cứu của mình tôi đã chỉ ra rằng triết học đó ở Nga đã bị công cụ hoá trong tay chính quyền. Triết học, và nói thêm là cả tôn giáo, từ lâu đã bị trở thành công cụ. Những suy nghĩ của Dugin là một thứ rác rưởi triết học. Triết học cần phải độc lập, hướng đến những vấn đề cấp bách, có quyền tự do nói về mọi điều, tự do cập nhật với mọi người.

Thứ triết học phục vụ chế độ Putin không thể cho phép mình bàn luận thẳng thắn về quyền lực chính trị ở điện Kremlin, không thể nói về các hoạt động của Putin, cũng như nói về sự vô đạo đức trong các quyết định của ông ta.

Những người đang nắm quyền không nhìn thấy viễn cảnh. Một mặt, họ nói rằng chúng ta không cần đạo đức và lương tâm phương Tây, mặt khác họ lại dựa vào những phạm trù đạo đức, sử dụng chúng, khi muốn “khôi phục công lý” và bù đắp tổn thất cho việc họ thường xuyên bị xúc phạm. Rốt cuộc vậy là có thể tiến hành một cuộc chiến tranh khi có thể biện minh nó bằng sự tức giận.

Aleksei Slavin: Các nhà nước hiện đại có thể tồn tại mà không cần đến tuyên truyền không?

Andreas Buller: Có thể. Tôi cho rằng Đức là nước không có tuyên truyền. Trên báo chí Đức chỉ có hai loại bài: một chỉ có các sự kiện khô khan, còn một là những bài bình luận với các ý kiến khác nhau. Báo chí như thế thì khó mà tuyên truyền.

Ở Nga bộ máy tuyên truyền toàn thể đã huỷ hoại con người với tư cách cá nhân. Sự ủng hộ và niềm tin đối với Putin, sự lan tràn các tin giả đã cản trở việc con người có được một quan điểm có sức nặng. Dân chúng càng hèn kém thì càng dễ thao túng họ về mặt trí tuệ.

Aleksei Slavin: Nhà sử học Đức Christian Hardinghaus nói rằng việc so sánh Putin với Hitler cũng là một kiểu tuyên truyền. Dù Putin có khủng khiếp thế nào thì Hitler vẫn còn tồi tệ hơn. Ông nói gì về điều này?

Andreas Buller: Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Các nhà sử học có nghĩa vụ phải so sánh, không thể cấm việc này trong khoa học tự do. Lờ đi tức là đi theo đường lối của Putin. Còn qua so sánh nhà nghiên cứu sẽ đi đến các kết luận của mình.

Có thể so sánh các hệ thống chính trị, kinh tế, đạo đức, bởi vì giữa chúng có những sự đối chiếu. Có thể so sánh tuyệt đối mọi thứ, và tôi thử so sánh ba chế độ này chính ở lĩnh vực đạo đức. Tất nhiên, tôi có thể chỉ ra cả đống những sự khác biệt. Hitler hoàn toàn là một kẻ phân biệt chủng tộc, nhưng tôi không thể nói như thế về Putin. Tuy nhiên ông ta cũng sử dụng đúng y những yếu tố tuyên truyền như vậy, bởi vì đối với các nhà nước toàn trị muốn bắt ý chí của mọi người phụ thuộc vào mình thì không có phương pháp nào khác.

Hitler khẳng định rằng không bao giờ để ai được suy nghĩ khi thi hành mệnh lệnh. Các hệ thống toàn trị khác cũng hướng đến điều như thế.

Quyền lực ở nước Nga nằm ở một người: ông ta quyết định cuộc sống của nó, viết lại hiến pháp, phát động chiến tranh, ông ta có một bộ máy hùng hậu, san phẳng những sự chống đối, đó là tuyên truyền. Con người đó thực tế có quyền lực vô hạn.

Aleksei Slavin: Ở nước Nga nhiều người thừa nhận chiến tranh là sai lầm, nhưng lại cho rằng trong bất cứ hoàn nào cũng phải “đứng bên cạnh đất nước mình”. Ông bình luận thế nào về quan điểm đó từ góc nhìn đạo đức?

Andreas Buller: Đó là những người tự bịt mắt mình và không muốn cảm thấy mình là người có tội lỗi. Chính vì thế điều quan trọng là phải nói về đạo đức và luân lý. Chà đạp chúng thì có thể làm gì với mọi người cũng được – khi đó ranh giới giữa con người và con vật sẽ bị xoá nhoà. Con người là một sinh vật đáng sợ, bởi vì nó có thể giết nhau khi không cần thiết phải thế. Chỉ có đạo đức mới có thể ngăn cản được điều đó.

Aleksei Slavin: Nhưng nhiều người không hề biết việc quân đội đang thực hiện các tội ác chiến tranh. Ông nghĩ sao, liệu nhân dân có phải cùng gánh trách nhiệm về các hành động của chính quyền nếu như nhân dân thường xuyên bị lừa dối? Hay họ chỉ là nạn nhân của chế độ toàn trị?

Andreas Buller: Tôi không loại trừ là có những người thành thật cho rằng nước Nga chỉ ra đòn vào các mục tiêu chiến lược quan trọng, rằng chiến tranh là cần thiết, rằng dân Ucraina đã phạm tội ác. Tôi không có quyền buộc tội thẳng cho họ. Còn như những người tự giác ủng hộ Putin thì lại chuyện khác.

Ở đây chúng ta lại buộc phải đối chiếu với nước Đức Quốc xã. Xã hội Đức không cảm thấy mình tội lỗi – cảm giác tội lỗi chỉ đến sau chiến tranh. Nếu mọi người hân hoan ủng hộ các tội ác của Hitler thì họ cũng liên quan đến điều này. Đó là trách nhiệm cần phải chia cho tất cả mọi người. Một mình Hitler không thể thực hiện được từng ấy tội ác – ông ta phải cần có được sự ủng hộ của xã hội. Những người vui mừng trước các vụ ném bom những thành phố chỉ có phụ nữ và trẻ em ở Ucraina, những người giúp đỡ và ủng hộ cho chiến dịch tuyên truyền – đó cũng là những tên tội phạm. Đối với tôi đó là những kẻ sa đoạ về mặt đạo đức.

Aleksei Slavin: Theo ông, liệu xã hội Nga khi chế độ Putin chấm dứt có đi theo con đường phát triển của xã hội Đức và hoàn toàn suy xét lại mình?

Andreas Buller: Tôi nghĩ điều đó là không thể tránh khỏi. Lịch sử Nga đầy rẫy những bi kịch, đất nước không chỉ là kẻ đi xâm lược mà còn là nạn nhân. Rất cần có sức mạnh của sự tự quyết, phản tư. Chừng nào mong muốn thắng lợi còn ngự trị, chừng đó người dân chưa thể soát xét lại thái độ của mình. Nhưng chúng ta có thể quan sát thấy những sự hoài nghi đang tăng lên, và sớm hay muộn rồi cũng sẽ đến ngày phải đối mặt với tất cả những chuyện này.

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga.