Quốc Anh: Họ đã sửa đổi lịch sử như thế nào?*
Bài 1: Họ “thật thà”như thế đấy
Trong sử liệu có ghi, vua Bảo Đại sau khi thoái vị trở thành công dân Vĩnh Thụy, có được gắn huy hiệu công dân của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Vậy ai là người gắn huy hiệu cho vua Bảo Đại?
Cho đến nay, có 3 nguồn tư liệu cho thấy có 3 người gắn huy hiệu cho vua Bảo Đại, tức công dân Vĩnh Thụy ngay sau lễ thoái vị ngày 30.8.1945.
Trong hồi ký in trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 18 (tháng 9.1960), ông Trần Huy Liệu viết: “Quay lại Vĩnh Thụy (Bảo Đại) tôi gắn cho hắn một cái huy hiệu của người công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa”.
Năm 1983, trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, ông Phạm Khắc Hòe, nguyên là Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của vua Bảo Đại, viết: “Ông Nguyễn Lương Bằng cài huy hiệu lên ngực Bảo Đại, từ nay trở thành người công dân Vĩnh Thụy”.
Ông Cù Huy Cận viết trong Hồi ký song đôi (NXB Hội Nhà văn, tập 2, 2012): “Sau khi trao đổi ý kiến với anh Liệu, anh Bằng, tôi lấy một huy hiệu cờ đỏ sao vàng (mà UBND cách mạng Huế đã gài vào áo chúng tôi) gài cho vua Bảo Đại…”.
Một chiếc huy hiệu mà có ba người gắn, biết tin vào sử liệu nào?
Trần Huy Liệu lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong chính phủ lâm thời của Việt Minh làm trưởng đoàn, đại diện cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Nguyễn Lương Bằng đại diện cho Mặt trận Việt Minh.
Cù Huy Cận là thành viên.
Trần Huy Liệu gắn huy hiệu cho Bảo Đại là đúng? Vì hồi ký của ông viết từ năm 1960 khi hai ông Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận còn sống không thể nói dối được?
Còn ông Phạm Khắc Hoè năm 1983 mới đưa ra thông tin thì ông Trần Huy Liệu đã chết (1969) và ông Nguyễn Lương Bằng sau này làm phó Chủ tịch nước.
Ông Phạm Khắc Hoè là người khó tin, từng là Thượng thư trong triều của vua Bảo Đại, sau này lại cộng tác và làm việc cho chính phủ Hồ Chí Minh.
Phạm Khắc Hoè muốn “ghi điểm” với chế độ và lãnh đạo?
Nên viết càn như thế?
Cù Huy Cận đến năm 2012 mới ra hồi ký bảo mình là người gắn huy hiệu cho Bảo Đại khi các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Khắc Hoè đã chết, còn ai dám bác bỏ nữa.
Vua Bảo Đại và những người khác lúc ấy chẳng biết ba ông này là ai, những người biết chẳng để lại sử sách gì này đã chết thì biết đâu mà lần?
May còn cụ Tôn Thất Tương người viết gia phả cho dòng họ nhà vua, và chứng kiến buổi thoái vị trao ấn kiếm của Bảo Đại thì ông Phạm Khắc Hoè viết sai sự thật trong hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu” Bảo Đại không hề tự tay dâng ấn kiếm mà người khác, sau khi Bảo Đại sờ vào làm phép nghi lễ, và người cài huy hiệu cho Bảo Đại là Cù Huy Cận.
Nếu đúng thế Cù Huy Cận cũng chỉ là kẻ ngậm miệng ăn tiền, không dám nói lên sự thật, không dám phản bác khi mấy người kia còn sống.
Chỉ có cái chuyện gắn huy hiệu cho Bảo Đại mà họ tranh giành nhau, bóp méo lịch sử thì những việc khác, sự kiện khác biết tin thế nào?
THÊM THÔNG TIN VỀ TRẦN HUY LIỆU.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Xưa và Nay số ra tháng 10 (năm 2009), giáo sư sử học Phan Huy Lê nói rằng ông đã được ông Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện sử học và cũng là Bộ trưởng Tuyên truyền hồi thập niên 1940 kể cho nghe nhân vật Lê Văn Tám là do ông Liệu dựng lên để cổ vũ tinh thần chiến đấu của người Việt. Ông Phan Huy Lê cũng nói rằng ông Trần Huy Liệu đã nói với ông và hai người khác trong một cuộc gặp: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.
Chứng tỏ ông Trần Huy Liệu khi sống chẳng có chút thật thà, đáng tin cậy nào.
***
Họ bịp bợm như thế đấy
Xin nói thêm về sự bịa đặt của Phạm Khắc Hoè trong cuốn “Kể chuyện vua quan triều Nguyễn”.
Phạm Khắc Hoè viết:
… Một hôm quan đầu tỉnh Quảng Yên cho mang về Kinh một khói đá màu đen, kèm theo một tờ trình nói rằng: “Bọn thổ dân trong khi đào một cái mương sâu, thấy có rất nhiều lớp đá màu đen, đua nhau đào lấy, đem về đẽo làm vua bếp để thổi nấu, thì thấy phát lửa cháy thành ngọn rất đượm. Nhiều người cho rằng đó là một thứ đá kỳ quái, có thể báo điềm gì chăng, nên phải lập tức đệ trình cấp trên xét”.
Vua Tự Đức liền cho họp triều thần hỏi ý kiến thì có mấy vị đại thần tâu đó là quái vật xin cho làm lễ nhương từ để ngăn trước tai họa cho đất nước.
Hôm đó Vũ Duy Thanh ốm không vào họp được, sau nghe chuyện vội vào chầu, xin cho xem viên đá. Vừa trông thấy đá, ông tâu lên rằng: đá này chỉ là một vật tầm thường, không phải yêu quái gì cả (…). Mỗi cuộc bể dâu, cỏ cây bị vùi theo vạn vật, rồi đời nọ qua đời kia kết lại như thế. Chẳng những đá ấy không phải là quái vật cần trừ đi mà còn là một vật hữu ích, nên tìm cách lợi dụng. Đốt cháy được là có thể dùng thay than củi. Nếu miền ấy có nhiều thứ đá này, xin kíp phái quan đến tận nơi xem xét chớ nên bỏ”.
Đây là câu chuyện bịa đặt của Phạm Khắc Hoè, vì mục đích của ông ta nhằm bôi nhọ sự ngu dốt của một ông vua phong kiến. Bởi vì dưới con mắt của chế độ mới các triều đại phong kiến toàn những thứ tàn ác, thối nát… cần phải đào tận gốc, chốc tận rễ.
Sử Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu chép:
“Năm Kỷ Hợi XX (1839) …Tổng đốc An Hải là Tôn Thất Bật dâng sớ xin thuê dân đào lấy mỏ than (núi Đông Triều và An Lăng có mỏ than, khi trước bộ tư lấy 100 000 cân chở về Kinh). Trong sớ nói: “thiên tai mới rồi, dân không lấy gì mà ăn, đều muốn tới làm công kiếm tiền nuôi miệng”. Ngài cho.” (Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, sđd, tr 307)
Sách Đại Nam thực lục ghi cụ thể như sau:
“Kỷ Hợi, Minh Mệnh năm thứ 20 (1839), mùa Đông, tháng 12 (…) Tổng Đốc Hải Yên là Tôn Thất Bật dâng sớ xin thuê mướn dân đào lấy than mỏ (núi An Lãnh ở Đông Triều sản than mỏ. Trước đây, bộ tư đào lấy 10 vạn cân, đến kỳ tải, đưa nộp về Kinh). Vua phê bảo:
“Nhân dân hạt ngươi vừa mới được hồi lại yên vui, sao nỡ đem việc không cần kíp làm mệt nhọc người dân, chầm chậm lại cũng chưa muộn gì”. Tôn Thất Bật tâu nói:
dân hạt ấy sau khi xảy ra, gặp tai hại riêng, lại bị luôn vụ mùa tổn thất, đời sống có điều khó khăn, chúng đều tình nguyện đi làm thuê, trông vào tiền công để nuôi thân. Vua bèn cho làm.”( Đại Nam thực lục T5, sđd, tr 623).
Qua đó ta thấy, mỏ than Đông Triều- Quảng Ninh đã được người Việt Nam khai thác từ rất sớm, cụ thể là dưới thời Vua Minh Mạng, bộ Hộ đã cho khai thác được 10 vạn cân, số than trên được chở về Kinh, chủ yếu để phục vụ cho việc luyện kim, đúc tiền, rèn vũ khí… Sau đó, đến năm Kỷ Hợi (1839), theo đề nghị của Tổng Đốc Hải -Yên (tức Hải Dương – Quảng Yên ) Tôn Thất Bật đã xin vua Minh Mạng cho phép được thuê “nhân công”để khai thác mỏ; ban đầu vua Minh Mạng không đồng tình vì sợ người dân đang khó khăn, nay lại thêm gian lao cực khổ trong việc khai thác than. Về sau, cũng quan Tổng đốc Tôn Thất Bật trình bày lại nguyện vọng, vua mới đồng ý.
Theo tài liệu của Sở Công Nghiệp Quảng Ninh Trang Thông tin Công nghiệp, ngày 10/11 /2008) cho biết dưới thời vua Tự Đức (1846-1884), công việc khai thác than đã được chú hơn, vua Tự Đức đã cho dịch một tài liệu về phương pháp khai thác, tài liệu có tên là “Khai môi yếu pháp” (Phương pháp khai thác than đá) để phổ biến cho những người làm mỏ. Trong thời gian này, đã tiến hành khai thác than ở vùng Mạo Khê- Đông Triều dưới hình thức trưng khai, sản xuất mang tính thủ công là chính. Mỏ than Mạo Khê được giao cho một nhà buôn người Hoa là Vạn Lợi (sau gọi là Văn Lợi) trưng khai.
Như thế ta thấy rằng, vào năm 1839 (hoặc trước đó nữa), tức là trước lúc Vũ Duy Thanh thi đổ Phó Bảng ít nhất 12 năm, triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840) đã biết được tầm quan trọng của than đá nên đã cho tiến hành tập trung dân để khai thác. Mặt khác, trước đó, sử không ghi năm nào nhưng cũng đã có khai thác: “khi trước bộ tư lấy 100 000 cân chở về Kinh”. Đến đời Tự Đức (1848-1883), nhà vua đã cho dịch tài liệu “Khai môn yếu pháp” để làm kim chỉ nam, phổ biến phương pháp khoa học cho người làm thợ mỏ biết.
Qua những dẫn chứng đó ta thấy rằng, việc khai thác khoáng sản nói chung và khai thác than đá nói riêng, đã được các vua nhà Nguyễn cho tiến hành từ sớm.
Vì thế câu chuyện Khối đá màu đen của ông Phạm Khắc Hòe kể lại nói rằng, mãi đến sau năm 1851, vua Tự Đức và triều thần vẫn không biết gì về than đá cả, cho than đá là quái vật (!) chỉ duy nhất một mình Vũ Duy Thanh biết, điều đó dứt khoát không thể xảy ra; nói cách khác, về mặt lịch sử, nó hoàn toàn bịa đặt…
*Tựa do DĐTK đặt.