Quốc Anh: Trung Quốc trong cách nhìn nhận của dịch giả Trần Đình Hiến (P1, 2, 3)

Dịch giả Trần Đình Hiến. Ảnh: Báo Dân trí.

PHẦN 1

Cụ Trần Đình Hiến sinh năm 1933 là người cùng xã, thỉnh thoảng ngày Tết, ngày nhà có việc cụ lại sang thăm chơi với bố tôi.

Cụ nho nhã, uyên bác và hóm hỉnh, nhưng ít ai biết cụ đã từng phải đi làm phu hồ kiếm sống.

Cụ đã từng làm ở Bộ ngoại giao, là tuỳ viên văn hoá của đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Cụ bị “tuột xích” đuổi ra khỏi ngành ngoại giao, theo cụ kể “Nó bảo tôi kiêu” nó ghét nó đì cho là chết”.

Sau khi cụ dịch một loạt các tác phẩm văn học của Trung Quốc như Báu vật của đời, Đàn hương hình… của Mạc Ngôn, tờ Thể thao & Văn hoá ví von “Ở Việt Nam có ba bồ chữ Trung Quốc thì Trần Đình Hiến gánh hai bồ bằng đòn gánh trên đôi vai của mình, còn một bồ cho những kẻ buôn thúng bán mẹt”

Bị đuổi việc, cụ về quê đi làm thợ hồ kiếm sống, lúc ấy như thế vừa khổ, vừa nhục. 

Nhục vì bị gọi là thằng “tuột xích”, trăm thứ đồn đại, nào vì cụ hủ hoá, phản động, bất mãn, kiêu căng… gặp ai cũng lảng tránh như cụ bị mắc bệnh hủi. Có kẻ độc mồm còn bảo, con cháu bọn địa chủ, cường hào toàn bọn phản động, cần tống cổ hết đi cải tạo.

Khổ vì lúc ấy thời bao cấp, “tuột xích” là bị cắt mọi chế độ không lương, không gạo… bị vứt ra lề xã hội không cơ quan, xí nghiệp nhà nước nào dám nhận vào làm. Chỉ còn cách về làng làm thợ hồ, tức là đánh vôi, đánh vữa, bốc gạch kiếm sống.

Năm 1979 khi ấy cụ 46 tuổi, Trung Quốc đánh Việt Nam ở Biên giới phía Bắc. 

Sau khi Trung Quốc rút, lãnh đạo Việt Nam ngỡ ngàng, không hiểu tại sao Trung Quốc lại trở mặt với ta nhanh thế, mới hôm qua là đồng chí anh em môi hở răng lạnh nay quật cho một đòn đau điếng.

Cũng phải thôi, lãnh đạo của ta toàn diện chân đất mắt toét, từ giai cấp bần, cố lên cầm quyền có học hành sử sách gì đâu mà biết về dã tâm của các triều đại Trung Quốc với Việt Nam. Họ chỉ thấy các đồng chí Trung Quốc tốt, từ năm 1947 đến năm 1975 Trung Quốc viện trợ vũ khí, hậu cần cho ta đánh Pháp, đánh Mỹ…

Để hiểu được Trung Quốc, lãnh đạo Việt Nam thành lập một Ban nghiên cứu về Trung Quốc, qua đó để có sách lược ứng xử.

Cán bộ, giáo sư, tiến sĩ, học giả ở Ban tuyên giáo, ở các viện nghiên cứu, các trường lý luận cao cấp thì có đầy, nhưng xem ra chỉ giỏi ăn theo nói leo, có danh mà không có thực… chẳng kẻ nào có đủ tầm, đủ tài để làm được việc này.

Chẳng biết có ai làm quân sư, họ mới móc ra cụ Hiến.

Khi xe ô tô về đến đầu làng, lái xe hỏi đường về nhà cụ, có người còn không dám chỉ đường vì sợ bị liên lụy, họ kháo nhau “Công An về bắt thằng Hiến”.

Cụ Hiến được đưa về Hà Nội, nhà nước mời cụ ra làm việc, với mục đích như đã viết ở trên. 

Cụ kể lúc ấy vừa mừng vừa sợ, mừng vì vẫn còn có ích cho xã hội, sợ vì họ lật mặt như bàn tay, cái chuyện chính trị chính em của giai cấp vô sản này nó phức tạp, nay là anh hùng, mai có khi nó dìm cho chết. Nay thanh trừng, mai xét lại, nay có công, mai lại có tội, ghê người lắm.

Mừng nhất là không phải lo cái đói, mừng thứ hai là cho gia đình họ tộc ngẩng mặt lên, không bị thiên hạ, lũ chân đất mắt toét nó sỉ nhục.

Cụ yêu cầu trả lại chế độ, phục hồi công việc như trước, và cấp nhà ở cho cụ yên tâm làm việc.

Nói về Trung Quốc, cụ cho rằng có mấy điểm cần phải biết:

– “Đừng bao giờ nghĩ đến việc cấm truyền bá văn hóa Trung Quốc bởi muốn làm bạn với người Tàu hay cạnh tranh với họ trước hết phải hiểu văn hóa nước họ đã”.

–  Người Việt ta nói đến Trung Quốc là nghĩ họ là những kẻ lật lọng, nói một đằng làm một nẻo từ đó sinh ra tâm lý ghét Tàu. Ta cho đó là bản chất xấu xa, lưu manh nhưng với họ lại là kế sách. Cứ đọc “binh pháp Tôn Tử và 36 kế sách” sẽ thấy. 

Ta đừng bị ám thị về chuyện này, sống với thằng hàng xóm nó mạnh, côn đồ như thế, ta cứ hục hặc ấm ức với nó là ta thua nó. Nó có kế sách, thì ta cũng phải có kế sách, nó mưu hèn, kế bẩn ta phải cao sang quảng đại, như kiều Singapore ứng xử với Trung Quốc. Ta phải hữu hảo, bang giao với các cường quốc lớn khác một cách thật lòng làm đối trọng.

–  Nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc, nói Trung Quốc là con hổ giấy cũng có lý của nó. Trong lịch sử, Trung Quốc chỉ bị các các nước lớn thôn tính, mất đất, chưa bao giờ đem quân ra nước ngoài mà chiến thắng.

Trung Quốc, mềm thì nắn, rắn thì buông, mang tiếng là thiên triều, nhưng đấy chỉ là thiên triều với các nước chư hầu trong thời kỳ Trung Quốc bị chia năm xẻ bảy, loạn xứ quân, không có quốc gia nào xung quanh Trung Quốc coi Trung Quốc là thiên triều. 

Bản chất lịch sử Trung Quốc là lịch sử nội trị, để thống nhất được đất nước vấn đề nội trị chính là điểm yếu cốt tử, khiến Trung Quốc không thể trở thành nước mạnh.

Nếu Trung Quốc đem quân đi chinh phạt nước ngoài, trong nước sẽ ắt có binh biến, phản loạn. Trung Quốc rất sợ một cuộc chiến tranh kéo dài ngoài biên giới. Cuộc chiến biên giới 1979 Trung Quốc đánh ta có hơn một tháng rồi vội vàng rút quân có một phần vì lý do nội bộ.

Trung Quốc gây sự với lân bang, là trong nội bộ có biến, lấy việc ngoại trị làm cớ dẹp nội trị.

Để thống nhất và nội trị được đất nước, Trung Quốc có hai thứ được coi là quốc sách:

–  Trung Quốc có QUỐC PHÁP, bất cứ kẻ nào dù là hoàng thân quốc thích, thậm chí cả vua cũng bị xử trảm. Thế nào là quốc pháp được cụ thể ghi trong luật có từ hàng nghìn năm trước và vẫn tồn tại cho đến bây giờ.

Vụ làm sữa kém chất lượng gây hại đến sức khỏe của người dân, chủ doanh nghiệp bị tử hình, đấy là quốc pháp.

Không giống như ở ta tội như thế này chỉ xử phạt hành chính, cùng lắm vài năm tù.

Thế nào là Quốc Pháp, đây là một đề tài rất hay, sẽ có dịp chia sẻ về vấn đề này.

–  Giữ gìn và đề cao văn hoá truyền thống đất nước, tuyên truyền văn hoá Trung Hoa, biến văn hoá Trung Hoa là một trong chiếc nôi văn hoá loài người. Còn văn hoá là còn dân tộc, riêng việc này Trung Quốc không nói một đàng, làm một nẻo, họ làm rất nghiêm túc làm đâu ra đấy.

Ta cần học họ hai thứ quốc sách này của Trung Quốc.

*

PHẦN 2

Trở về với công việc cụ vừa lo, vừa mừng, đòn chế độ mới hôm qua đâu có xa xôi gì.

Hiểu được Trung Quốc để có đối sách, cùng chung sống với họ, nhưng động chạm đến các vấn đề hiện tại trong quan hệ giữa hai nước cùng có Đảng cộng sản cầm quyền, cùng chí hướng xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, gọi nhau là đồng chí lôi thôi, rầy rà lắm, có khi mất mạng như bỡn.

Trong những bài viết, trong các cuộc nói chuyện trên nghị trường cụ có một nguyên tắc không đề cập đến mối quan hệ giữa hai đảng.

Theo cụ quan hệ giữa hai đảng chỉ có tính nhất thời, trước sau gì cũng tan vỡ theo tiến trình phát triển của thế giới dân chủ, văn minh. Điều muôn thủa vẫn là quan hệ hai nước, lợi ích quốc gia của mỗi một dân tộc. Điều ta cần hiểu Trung Quốc là hiểu được bản chất có tính lịch sử thông qua các triều đại cầm quyền.

Để làm được như vậy, không gì tốt hơn lấy lịch sử, văn học, văn hoá, tôn giáo, truyện xưa, tích cũ để khắc họa được cái bản chất, lấy chuyện của họ để nói về họ.

Về bản thân, cụ đặt mình vào địa vị như một nhà nghiên cứu về Trung Quốc, tránh bị khoác cái áo tuyên giáo, tuyên huấn … quan hệ Ta-Tàu lúc sóng gió không sao, nhưng lúc nồng ấm họ lại liệt vào phản động, chia rẽ tình hữu nghị thì hỏng một đời.

Cụ nói sử sách, các tác phẩm văn học của Trung Quốc chất thành núi, đọc hết đời này, đến đời khác cũng không hết. Nhưng Trung Quốc có mấy tác phẩm kinh điển không thể không nhắc đến, đó là Tam quốc chí, Thuỷ Hử, Tây Du ký. 

Ba tác phẩm này chính là công cụ tư tưởng để cai trị đất nước của các triều đại cầm quyền Trung Quốc xuyên xuất qua các thời đại.

Tam quốc chí tựu chung nói về “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”

Trong đó nhất thiên thời, nhì địa lợi, ba nhân hoà.

Nhà Hán với đại diện là Tào Tháo sau này thống nhất được thiên hạ vì Tào Tháo có thiên thời, được trời trợ giúp vì nhà Hán mới có tính chính danh, đại diện cho thiên triều, cho tầng lớp quý tộc, tinh hoa. Nhà Hán mới là thiên triều cai trị.

Nhà Đông Ngô với Tôn Quyền không thể là Trung Quốc, trong lịch sử chỉ là một nước chư hầu cho nhà Hán. Nước Ngô có địa lợi, đất đai phì nhiêu, mưa thuận gió hoà, nhưng vua Ngô không thể lấy được thiên hạ vì không có chân mệnh thiên tử, không đại diện cho Trung Quốc. Thiên triều chỉ có một thuộc về nhà Hán.

Nhà Thục, Lưu Bị dù tập hợp được gần hết anh hùng trong thiên hạ như Khổng Minh, Quan Công, Trương Phi, Quan Vân Trường… đại diện cho nhân hoà, nhưng kết cục đều chết một cách lãng xẹt. 

Lấy lòng người là một chuyện, nhưng lấy được thiên hạ là chuyện khác – Nhân tính không bằng trời tính. Ý nghĩa của thiên triều là như thế. Không ai, không có thế lực nào chống được thiên triều, đó là ý trời.

Thuỷ Hử còn cụ thể rõ nét hơn. 108 anh hùng hảo Hán võ nghệ vô song tập hợp với nhau để chống triều đình, cuối cùng cũng chỉ là lũ ô hợp chết thảm. Chống lại triều đình là chết.

Tây Du ký là liều thuốc ru ngủ giai cấp cần lao, cho tầng lớp dân nghèo. Mọi thứ đói nghèo, tai ương, thảm họa chỉ là thử thách do Phật đem đến.

Thấy rượu ngon, gái đẹp đừng vập vào, toàn là yêu tinh, yêu quái do Phật phái xuống. Hãy an phận đừng nổi lòng tham, dục vọng kiếp sau thành còn giun, con gián. Đừng oán trách, than thân trách phận, mọi khổ đau, oan trái cố mà chịu đựng đó chỉ là thử thách của Phật, cam chịu sẽ thành chính quả.

Thông qua lịch sử, văn học cụ muốn mọi người hiểu Trung Quốc một cách dung dị nhất, và theo cụ nó cũng an toàn nhất. Cụ bào, mình tự vỗ ngực hiểu về Trung Quốc mà “quân tử không biết phòng thân, tiểu nhân không biết phòng bị gậy” thì coi như không biết gì về Trung Quốc.

*

PHẦN 3. 

Trong một lần trò chuyện với cánh phóng viên báo chí, cụ Hiến đưa ra nhận định: Trung Quốc là nước lớn, đông dân nhưng không có tư cách nước lớn.

Theo cụ, thứ nhất được thể hiện trong hành động của họ trong vấn đề Biển Đông. 

Họ nghĩ rằng, không gì hay bằng việc biến biển Đông thành ao nhà mình. Đi đi về về không cần xin phép ai. Nếu là ao nhà mình thì ai đi qua phải xin phép, thích thì cho đi còn không thích thì thôi. 

Tầm quan trọng của biển Đông đối với Trung Quốc cũng giống như con đường sạn đạo vào đất Ba Thục ấy. Nếu bị chặn con đường ấy thì mọi việc sẽ gay go. Cho nên trong ý đồ của giới lãnh đạo Trung Quốc mưu toan độc chiếm biển Đông đã có từ lâu và đến bây giờ mới rõ rệt, họ không cần che giấu nữa. Đấy là một vấn đề về đạo lý.

Thứ hai là văn hoá ứng xử trong đối ngoại, họ hay nói một đằng làm một nẻo. Họ nói mọi quan hệ dựa trên “sự hợp tình hợp lý” nhưng không hoàn toàn như thế.

Nhìn vào các triều đại Trung Quốc, ngắn nhất là 5000 năm trở lại đây thì không có chuyện người Trung Quốc xử lý “hợp tình hợp lý”, bởi vì văn hóa dân tộc họ không xử lý như thế. Cụ thể, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã 13 lần sang xâm lược nước ta. Trong khi Việt Nam chưa bao giờ có động thái nào gây hấn để đến mức họ đưa quân sang đánh cả. 

Lý do là vì những triều đại phong kiến Trung Quốc khi đã cảm thấy mình hùng mạnh thì thực hiện âm mưu bành trướng. Trước Hán Vũ Đế (năm 140 TCN) người đàn ông Trung Quốc chỉ gọi là nam tử hoặc nam nhi, trẻ nhỏ thì gọi là nam hài tử. Đến thời Hán Vũ đế – tên vua bành trướng khủng khiếp nhất trong các triều đại phong kiến Trung Quốc, khi người ta gọi đám quân lính đốt-cướp-hiếp-giết, ông ta lại tôn họ là những trang hảo hán. Tóm lại lịch sử Trung Quốc là bành trướng, bất cứ khi nào có điều kiện, không có điều kiện thì nấn ná đợi chờ.

Thứ ba là ỷ thế đám đông lấy thịt đè người.

Một đặc điểm của văn hóa người Trung Quốc là ý thức bầy đàn mà họ gọi là ý thức quần thể. Người Trung Quốc không tin vào khả năng cá nhân. Anh muốn cho người ta tin thì anh phải vẽ theo hướng thần thánh hóa. Như Lưu Bang chỉ là một anh trưởng thôn bình thường, tư cách cực kỳ lưu manh, hạ lưu nhưng đến lúc làm vua thì phải dựng chuyện lúc sinh ông này, trên nóc nhà hào quang sáng rực. Có nghĩa là thượng đế “ký gửi” vào người trần này rồi.

Giữa đời nhà Thương, ngang với đời Hồng Bàng bên mình thì tuổi thọ của người Trung Quốc chỉ là 25 tuổi, tỷ lệ giữa sống và chết là 50-50. Người Trung Quốc thời đó chống lại chuyện suy giảm dân số bằng cách đẻ nhiều. Nhưng khả năng đẻ của con người có hạn, trong ý thức của người Trung Quốc, để có thể đẻ nhiều họ đã đi tìm tới lực lượng siêu nhiên giúp đỡ. Vì vậy vật tổ đầu tiên của người Trung Quốc thờ là con cá chép. 

Bởi vì sao? Là vì một con cá chép có hai buồng trứng. Mỗi buồng trứng có thể đẻ hàng chục nghìn con. Họ nghĩ chắc là thượng đế ký gửi vào con cá chép này một sức mạnh siêu nhiên, giúp một cá thể sản sinh ra hàng vạn cá thể. Đàn ông không đẻ, họ thờ cá để phụ nữ của họ đẻ nhiều. Chuyện này để lại dấu ấn trong văn hóa: thư tình trai gái gửi cho nhau thời ấy gọi là ngư thư (thư cá).

Từ đó họ hình thành ý thức, chỉ có số đông mới giải quyết được mọi chuyện. Với người Trung Quốc, khi đã có số đông rồi thì ỷ vào số đông đó để chèn ép người khác. Tào Tháo từng chỉ roi xuống sông Chương: Quân ta chỉ cần ném roi ngựa xuống sông cũng đủ lấp. Đấy là tư tưởng số đông. Đến thời ông Mao Trạch Đông thì cũng từng nói: Mỗi người dân Trung Quốc chỉ cần nhổ một bãi nước bọt đã đủ lấp eo biển Đài Loan!

Và bây giờ Trung Quốc huy động 23.000 tàu cá xô ra biển Đông thì là tư tưởng gì? Chiến thuật gì? Là chiến thuật lấy thịt đè người.

Về lý không thắng được Việt Nam, không thắng được thiên hạ chuyện biển Đông không phải của Trung Quốc thì bây giờ dùng số đông, dùng chính sách tằm ăn rỗi. Ba bốn ngàn năm trước đã vậy, bây giờ vẫn như vậy…

Khi hỏi cụ về Khổng Tử, cụ đi thẳng vào vấn đề.

Người Trung Quốc vẫn hay nói về Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín…Những cái đó bây giờ miễn bàn. Không cần bàn thêm gì cả bởi vì tất cả những quan niệm đó đều là bịp.

Nhân là thương người. 

Nghĩa là giúp người. 

Lễ là trọng người. 

Trí là hiểu người. 

Tín là tin người và được người tin. 

Để nói về 5 điều này trong xã hội Trung Quốc thì xin được mượn lời đại văn hào Lỗ Tấn thế này: “Các giai cấp thống trị Trung Quốc trong lịch sử dùng đạo Khổng (tức là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) để làm hòn đá gõ cửa nhà người ta. Khi chủ nhà mở cửa cho vào rồi thì nó lấy hòn đá đập vào đầu chủ nhà.

Ngày xưa còn giả vờ liêm sỉ đã như thế, huống hồ bây giờ mặt dày, bất cần. Trung Quốc không sợ dân mình chửi, có biết xấu hổ đâu mà sợ!

Cụ nói: Cái điều tôi nói ở trên không phải ghét họ mà nói, gần đây ở Trung Quốc có tay thượng tướng Tư lệnh không quân Trung Quốc có tên là Lưu Á Châu có nhiều bài viết, nói chuyện bộc bạch tự nhận xét, đánh giá mọi mặt về con người Trung Quốc, đất nước Trung Quốc, các bạn tìm mà đọc. Họ nói về họ xem có đúng không.

Thượng tướng Lưu Á Châu nói gì về Trung Quốc, xin đọc tiếp ở phần sau.

(còn nữa)

Anh Quốc