Quốc Anh: Trung Quốc trong cách nhìn nhận của dịch giả Trần Đình Hiến và của người Trung Quốc nói về Trung Quốc (P.6, 7)

PHẦN 6

Đến đây tôi muốn kết thúc bài viết, nhưng có thể mọi người muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời của dịch giả Trần Đình Hiến, và Lưu Á Châu nên biết gì tôi sẽ viết ra dưới đây để mọi người cùng đọc.

Năm 1990 Trung Quốc và Việt Nam nối lại quan hệ, theo Nhật ký Lý Bằng ghi lại trong Hội nghị Thành Đô, kết quả hội nghị thành công rất tốt đẹp. 

“Đây là bước ngoặt có tính lịch sử trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Ngay tại lễ ký, đồng chí Giang Trạch Dân tặng các đồng chí Việt Nam câu thơ “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu [Tạm dịch:  Qua hoạn nạn, anh em còn đó. Gặp nhau cười, hết sạch ơn thù]”. Đây là câu thơ của Lỗ Tấn. Các đồng chí Việt Nam tỏ ý vui mừng với việc tặng thơ này”

Cuộc chiến giữa hai nước gần 10 năm kết thúc một cách lãng xẹt, những ngôn từ “Quân xâm lược bành trướng dã man”, “Tiểu bá hung hăng” nay được rũ sạch, cho thấy xương máu của nhân dân hai nước đổ xuống thật oan uổng.

Việt Nam mất mấy nghìn km2 đất, Ải Nam Quan đẩy về phía Trung Quốc, Thác Bản Giốc chia đôi, Gạc Ma rơi vào tay người đồng chí Trung Quốc… đâu có thể dễ quên như thế.

Kể từ khi hai nước nối lại quan hệ, vấn đề Trung Quốc trở thành nhạy cảm. Liệt sĩ không được công khai thừa nhận, các nghĩa trang đìu hiu, truyền thông nhà nước im tiếng…

Trong bối cảnh ấy những cuộc hội thảo, hội nghị nói về Trung Quốc không còn công khai nữa, cụ Hiến thất nghiệp. Cụ bảo, bây giờ có ai mời nói chuyện về Trung Quốc tiền tỷ cũng xin chào em ngược.

Cụ quay ra dịch sách. 

Cụ nghĩ, nghiên cứu về Trung Quốc cổ đại, cận đại thời quân chủ phong kiến đã nhiều người làm. Nay phải nghiên cứu Trung Quốc thời đương đại, thông qua những tác phẩm văn học của chính những người cộng sản viết về xã hội Trung Quốc.

Cụ kể, nhà văn cộng sản Trung Quốc có nhiều, số tác phẩm cũng rất đồ sộ, trong cái đống ấy làm sao phải tìm ra một vài tác phẩm tiêu biểu để nhìn nhận đúng đắn về Trung Quốc mới khó.

Cụ lần mò, rồi phát hiện ra Mạc Ngôn.

Nhà văn Mạc Ngôn

Mạc Ngôn không sợ lầm lẫn với thành phần giai cấp tư sản, viết gì cũng cài cắm tư tưởng chống đối. 

Mạc Ngôn đặc sệt là một nhà văn cộng sản, xuất thân từ thành phần vô sản, một tá điền nghèo khổ sinh ra ở vùng đất Cao Mật khô cằn, vào quân đội chưa đọc thông viết thạo, là đảng viên cộng sản rồi mới trở thành nhà văn.

Hôm cụ đến tặng bố tôi cuốn “Đàn Hương Hình” cụ rất tâm đắc, ngồi cả buổi nói về Trung Quốc, về Mạc Ngôn.

Cụ bảo, Trung Quốc nó cay lắm mang tiếng là nước cộng sản lớn, nhưng không có một người Trung Quốc đại lục nào được giải thưởng Nobel (Đại lục là cách gọi khác của nước Trung Quốc cộng sản)

Trước năm 2010 có 7 người Trung Hoa được giải thưởng Nobel thì 3 là quốc tịch Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc) 3 người Trung Hoa mang quốc tịch nước ngoài. Và trớ trêu nhất người còn lại là Lưu Hiểu Ba, công dân thứ thiệt của đại lục nhưng lại là nhà tranh đấu chống nhà nước cộng sản Trung Quốc, đang ngồi tù.

Khi biết tin Lưu Hiểu Ba được giải thưởng Nobel hoà bình, nhà nước Trung Quốc rất tức giận, họ bảo đây là một điều sỉ nhục Trung Quốc, tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền, kích động người Trung Quốc chống lại nhà nước, và yêu cầu Hội đồng giải thưởng Nobel hủy quyết định.

Về nội bộ họ cách chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao, và giám đốc cục tình báo. Vợ Lưu Hiểu Ba ra sân bay để đến Stockhom nhận giải thưởng bị họ bắt quay về nhà.

Cụ nhận định, nếu Trung Quốc muốn có một giải thưởng Nobel một cách tự hào chân chính thì Mạc Ngôn xứng đáng nhận giải thưởng Nobel.

Nên biết rằng, cuốn “Đàn Hương Hình” được Cụ dịch ra tiếng Việt năm 2002, mười năm sau (2012) Mạc Ngôn được nhận giải thưởng Nobel cho thấy con mắt tinh đời của cụ.

Có một giai thoại về cụ, được người cháu ruột kể lại như sau:

Khi các tác phẩm của Mạc Ngôn được cụ dịch ra tiếng Việt được rất nhiều độc giả Việt Nam đón xem, đại sứ quán Trung Quốc cho người đến hỏi thăm cụ. Họ đem hoa và quà đến cảm ơn, đại ý họ ca ngợi cụ đem đến sự gần gũi, hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc thông qua việc phổ biến văn hoá, văn học Trung Quốc đến Việt Nam.

Qua cuộc nói chuyện với đại sứ quán Trung Quốc cụ có gợi ý Trung Quốc nên dịch các tác phẩm của Mạc Ngôn ra nhiều thứ tiếng, chuyển thể thành điện ảnh quảng bá lịch sử, con người Trung Quốc và Mạc Ngôn xứng đáng được giải thưởng Nobel.

Không biết họ có nghe cụ hay không, nhưng sau đó Trung Quốc đã làm đúng như vậy. Và bộ phim Cao lương đỏ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựa theo cốt truyện cùng tên của Mạc Ngôn đã được giải thưởng lớn Gấu vàng trong liên hoan phim ở Berlin, tên tuổi của Mạc Ngôn ra với thế giới bắt đầu từ đấy. Sách của Mạc Ngôn được in ra hơn 10 thứ tiếng Anh, Pháp, Ả Rập… 

Để ghi nhận những cống hiến của ông cho nền văn học thế giới, năm 2012, Mạc Ngôn nhận giải Nobel Văn học, trở thành nhà văn Trung Quốc đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này. Ủy ban Nobel khen ngợi khả năng kết hợp lịch sử, hiện thực đương đại và truyện dân gian của ông trong một chủ nghĩa hiện thực ảo giác khắc họa “mối liên hệ trần tục với mặt trái của lịch sử”.

Không biết Mạc Ngôn biết cụ như thế nào, một hôm đại sứ quán Trung Quốc đem thư của Mạc Ngôn gửi cho cụ, đại ý muốn mời cụ sang Bắc Kinh để gặp mặt và tặng quà.

Theo nhân viên đại sứ quán nói đó là một món quà có giá trị, như một giải thưởng lớn.

Cụ suy nghĩ một lúc, rồi từ chối, cụ gửi lời cảm ơn đến Mạc Ngôn lấy lý do tuổi tác đã cao, sức khỏe không tốt nên không thể đi được, cụ bảo nếu Mạc Ngôn có nhã ý tốt như thế thì nên sang thăm Việt Nam, tiện thể cho cụ gặp và cụ xin nhận quà.

Thực tình là cụ sợ, người Tàu họ thâm sang đấy khó an toàn, nên từ chối là thượng sách.

Và đúng như cụ tiên đoán, chẳng phải đây là thành ý của Mạc Ngôn với cụ, nó là kịch bản của đại sứ quán Trung Quốc, cho nên chẳng thấy thông tin nào nữa, câu chuyện im hơi lặng tiếng không có gì phản hồi.

Năm nay cụ bước sang tuổi 91 vẫn minh mẫn, hóm hỉnh, và còn nhiều việc phải làm như cụ nói.

*

PHẦN CUỐI

Trong các phần trước chúng ta đã biết về Lưu Á Châu, có ba vấn đề được đúc kết về Trung Quốc từ chính những gì trong tư tưởng và cuộc đời của Lưu Á Châu.

  1. Về bản chất bành trướng của Trung Quốc, thông qua cuộc xâm lược Biên giới nước ta năm 1979.
  2. Về Đặng Tiểu Bình.
  3. Nội tình Trung Quốc, thực chất tư tưởng Tập Cận Bình.
Lưu Á Châu (Liu Yazhou). Ảnh: Soha.

BẢN CHẤT BÀNH TRƯỚNG. Ý ĐỒ CỦA ĐẶNG TIỂU BÌNH.

Vì sao Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979?

Điều này được Lưu Á Châu bộc bạch, nói rõ, không thể không đánh Việt Nam, tại sao lại có cái lý lẽ côn đồ như thế?

Lưu Á Châu giải thích: 

“Chúng ta phải nhìn nhận cuộc chiến này từ góc độ chính trị.

Ý nghĩa của cuộc chiến này nằm bên ngoài cuộc chiến. Cuộc chiến này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là đánh để hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là người Mỹ… Về chính trị, cuộc chiến này không thể không đánh. Vì sao? Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, chương trình cải cách mở cửa của Trung Quốc đã được ông vạch sẵn, muốn thực hiện chương trình này phải xác lập quyền lực tuyệt đối trong nội bộ Đảng. Phải đánh một trận… Muốn cải cách phải có quyền lực. Biện pháp xác định quyền lực nhanh nhất là gây chiến tranh…”

Nhiều người còn hoài nghi việc Trung Quốc bán đứng Việt Nam bằng cách bắt tay với Mỹ sau chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972, có thể sáng mắt ra về sự thật được phơi bày.

Lưu Á Châu đã nói toạc ra:

“Liên Xô tan rã. 10 năm trước đó, Đặng Tiểu Bình đã nhận ra vấn đề này, dùng chiến tranh để vạch rõ ranh giới với các nước xã hội chủ nghĩa. 

Đặng Tiểu Bình, thật là một kỳ tài! Vừa rồi, tôi nói gây ra cuộc chiến tranh này vì người Mỹ, chính là trả hận cho người Mỹ. Có bằng chứng không? 

Có đấy. Ngày hôm trước rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình bắt đầu đánh Việt Nam. 

Vì sao có thể giúp Mỹ hả giận? Bởi vì, người Mỹ vừa tháo chạy nhục nhã khỏi Việt Nam. 

Chúng ta sao lại giúp người Mỹ hả giận? Thực ra không phải vì Mỹ, mà là vì chúng ta, vì cải cách mở cửa. Trung Quốc không thể cải cách mở cửa mà không có viện trợ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Nhờ cuộc chiến này, Mỹ đã ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học kỹ thuật và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc… Cuộc chiến này đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây là thành công vĩ đại. Thậm chí có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc chính là từ cuộc chiến tranh này”

Thế là đã rõ, Trung Quốc chỉ vì lợi ích của mình, sẵn sàng lật lọng, đổi trắng thay đen. Chủ nghĩa xã hội chỉ là bình phong, công cụ lừa đảo nhân dân Trung Quốc và là cái dây xích trói cổ những quốc gia có ảo tưởng về nó.

Những gì Trung Quốc nói về tình hữu nghị, đồng chí cùng chí hướng, về 4 tốt, 16 chữ vàng đều là bịp bợm nhất định không tin.

NỘI TÌNH TRUNG QUỐC VÀ TƯ TƯỞNG TẬP CẬN BÌNH.

Để tìm hiểu nội tình Trung Quốc, con đường ngắn nhất chính là nhìn vào sự nghiệp chính trị của Lưu Á Châu.

Sau khi Mao chết, một ngôi sao nổi lên trên bầu trời chính trị Trung Quốc đó là Đặng Tiểu Bình. Và một hoàng đế mới ngự trị đó là Tập Cận Bình.

Đây là một kết quả tất yếu xét về bản chất thiên triều và bành trướng của tất cả các triều đại, các thế lực cầm quyền Trung Quốc.

Lưu Á Châu nói Trung Quốc không có nhà tư tưởng, điều này có phần đúng, có phần không đúng. Thứ tư tưởng mà các hoàng đế, cũng như các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc không có đó là tự do, dân chủ của thế giới phương tây hướng tới, còn tư tưởng đại bá, bành trướng đã có sẵn trong huyết quản của họ.

Đến đây một người có thể nhận ra rằng, tại sao Đặng Tiểu Bình chỉ là một ngôi sao, kiến trúc cải tổ, còn Tập Cận Bình lại trở thành hoàng đế.

Đặng Tiểu Bình xét về công lao, trí tuệ xứng đáng là bậc vĩ nhân xuất sắc nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Cái vĩ nhân ấy chỗ nào? 

Đó là đánh đổ thần tượng Mao Trạch Đông. Theo Đặng Tiểu Bình, cải cách mở cửa nếu còn thần tượng Mao Trạch Đông trong đầu người Trung Quốc nhất định sẽ thất bại. Muốn có một chính sách gì phái báo thủ lại lôi thần tượng ra để viện chứng, chủ tịch Mao nói thế này, nói thế nọ để lôi kéo những kẻ u mê chống lại thì chính sách ấy có thực hiện được không?

Cái này những người lãnh đạo Việt Nam nhất định phải học Đặng Tiểu Bình, cải cách mở cửa ở Việt Nam sẽ đi vào bế tắc nếu vẫn còn thần tượng để những kẻ bảo thủ lấy ra làm bảo bối.

Trong con người của Đặng Tiểu Bình không có tư tưởng đại bá, bành trướng, thiên triều cho nên ông ta không thể là hoàng đế Trung Quốc.

Đến đây sẽ có nhiều người phản bác, Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979 có phải là bành trướng hay không?

Xin hiểu rằng, dã tâm bành trướng là thuộc tính của các nước lớn, không riêng gì Trung Quốc, cho nên “bành trướng” chỉ là ngôn ngữ chung nhất nói về bản chất của họ. 

Nhưng một cuộc chiến lại có mục tiêu cụ thể của nó.

Mục đích của Đặng Tiểu Bình đánh Biên giới Việt Nam có nhiều, cho Việt Nam một bài học là một mục đích.

Lúc ấy phái bảo thủ ở Trung Quốc rất mạnh, Đặng Tiểu Bình đang thực hiện “4 hiện đại hoá”, trong đó có Hiện đại hoá quân đội, phái bảo thủ phản đối, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đánh đâu thắng đó, Mỹ chỉ là con hổ giấy tại sao phải hiện đại hoá quân đội?

Đánh Việt Nam Đặng Tiểu Bình cho truyền thông bám sát, hàng ngày đưa các bản tin chiến sự cho cả nước xem.

Quân đội ăn mặc nhếch nhác, vũ khí thua kém lạc hậu, tác chiến hợp đồng loạn xì ngầu… đánh với bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ Việt Nam còn bét nhè thì với chủ lực thì sao? Với Liên Xô, Ấn Độ thì thế nào?

Một nỗi lo, và hoảng sợ bao trùm lên giới lãnh đạo Bắc Kinh… Đặng Tiểu Bình đã thuyết phục được chính sách 4 hiện đại hoá một cách ngoạn mục như thế.

Đặng Tiểu Bình căn dặn “Giấu mình phát triển” “Thao quang dưỡng hối” đây là một sách lược, không phải là một tư tưởng, cho nên khi Trung Quốc đã phát triển vai trò của Đặng Tiểu Bình cũng chấm dứt, tư tưởng đại bá nghìn đời sống lại, và Tập Cận Bình nổi lên.

Tư tưởng của Tập Cận Bình về sự bành trướng của Trung Quốc thực ra không có gì mới.

Về đối ngoại.

Đó là cách tiếp cận với thế giới thông qua sáng kiến “một vành đai, một con đường”, giống như “Con đường tơ lụa” hơn 2000 năm về trước.

Mục tiêu tranh giành ảnh hưởng bằng kinh tế thương mại với Mỹ, trở thành một cực, trong thế giới đa cực.

Về đối nội.

Lấy nội trị để giữ được sự thống nhất, toàn vẹn một Trung Quốc rộng lớn, lấy chống tham nhũng làm công cụ trấn áp các lực lượng đối lập, chống đối, ly khai…

Lấy Việc giải phóng Đài Loan là việc tiên quyết bằng mọi giá, để dằn mặt các thế lực ly khai, và sự can thiệp của các thế lực nước ngoài về vấn để nội bộ Trung Quốc.

Đến đây chúng ta lại quay về tìm hiểu cuộc đời và thân phận của Lưu Á Châu, để giải thích câu hỏi tại sao sự nghiệp Lưu Á Châu lại đứt gánh giữa đường, kết cục cay đắng.

Lưu Á Châu sinh năm 1952, cùng tuổi Nhâm Thìn với Tập Cận Bình, đều là những hạt giống đỏ được chế độ ươm mầm thành những người lãnh đạo sau này.

Tập Cận Bình là con Tập Trọng Huân, phó thủ tướng Trung Quốc.

Lưu Á Châu là con rể của chủ tịch nước Lý Tiên Niệm.

Cha của ông, Lưu Kiến Đức, đã tham gia Tân Tứ quân trong những năm đầu đời, sau đó tham gia chiến tranh Triều Tiên, cuối cùng trở thành phó chính ủy cục hậu cần của Quân khu Lan Châu.

Cuộc đời của Lưu Á Châu phát triển trên con đường binh nghiệp, được đào tạo rất bài bản, thăng tiến rất nhanh…

Về cá nhân Lưu Á Châu có thực lực, rất thông minh, ham học hỏi, và phải nói có tư chất của một người lãnh đạo.

Nhưng tính cách phóng khoáng, tư tưởng tư do, dân chủ đã làm hại cuộc đời của mình. Trong một chế độ độc Đảng cầm quyền thì dù anh có tài giỏi đến đâu, nhưng chệch đường ray của tư tưởng, chế độ, chính sách đã được ban hành thành nghị quyết, chủ trương, đường lối thì không cách này, có cách khác, kể cả mưu hèn kế bẩn họ sẽ bị hạ bệ, ám hại.

Về mặt tư tưởng Lưu Á Châu là một con người dân tộc chủ nghĩa, ủng hộ Mao và Đặng Tiểu Bình. Coi Đặng Tiểu Bình như người thầy mưu lược, coi Mao như một lãnh tụ có phẩm chất của một hoàng đế.

Nhưng lại là kẻ phê phán Tập Cận Bình, phê phán sáng kiến “một vành đai một con đường”, về chính sách vũ lực với Đài Loan.

Lưu Á Châu có thể là người đại diện cho thế hệ đầu tiên của phong cách cởi mở, có cách nhìn thế giới quan rộng rãi, nhưng sẽ không thể không có những xung đột trong nội tâm, trong nhận thức, nhất là trong bóng đêm nói chuyện về tương lai, đây là điều dễ hiểu. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước là một xung đột lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc không riêng gì Lưu Á Châu vấp phải.

Năm 2017 trong khi con đường quan lộ đang thẳng tiến, Lưu Á Châu bị cho về nghỉ hưu.

Năm 2021 bị bắt về cáo buộc tham nhũng.

Người ta nói đây là đòn đánh của Tập Cận Bình trên con đường trở thành hoàng đế đỏ, tiêu diệt hết những kẻ ngáng đường.

Anh Quốc

*Anh Quốc: Trung Quốc trong cách nhìn nhận của dịch giả Trần Đình Hiến và của người Trung Quốc nói về Trung Quốc. PHẦN 4, 5.

*Anh Quốc: Trung Quốc trong cách nhìn nhận của dịch giả Trần Đình Hiến. PHẦN 1, 2, 3.