Âu Dương Thệ: NHÂN và QUẢ ở Hoa kì và Việt Nam khác nhau ở những điểm nào? P.1
Từ “America First” của Trump tới “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” của Tô Lâm: Những nhà độc tài lội ngược dòng lịch sử sẽ dẫn Hoa kì và Việt Nam đi về đâu?
Mới vài tuần trước ba nhà khoa học kinh tế-chính trị D. Acemoglu, S. Johnson and J. A. Robinson đã được trao giải thưởng Nobel rất cao quí về kinh tế 14.10.24. Vì họ đã cùng tổng kết và chứng minh được rằng, “cách thức mà các thể chế hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng”. Nghĩa là các định chế chính trị-kinh tế một nước giữ quyết định then chốt để một nước vượt lên hưng thịnh dân chủ phát triển, hay đẩy nước đó rơi vào chậm tiến, độc tài, bất công và tham nhũng. [1]
Nhận định khoa học này có thể diễn tả một cách hình tượng ví như NHÂN với QUẢ. Nếu chọn một NHÂN (hạt giống) tốt và biết chăm sóc tốt thì cây sẽ trổ hoa, kết trái thành những QUẢ ngon ngọt để mọi người cùng hưởng. Ngược lại nếu dùng NHÂN xấu hay đã hư thì chắc chắn không thể có QUẢ tốt, chỉ có trái chua chát, thậm chí không ra trái!Vừa qua dù Hoa kì có định chế chính trị kinh tế dân chủ lâu đời, nhưng do một số khuyết điểm lớn của nhiều giới, đặc biệt của Tổng thống Biden trong chiến lược rút lui quá muộn, và sự ủng hộ nồng nhiệt của khối cử tri MAGA nên Trump đã thắng cử Tổng thống Hoa kì; mặc dầu ông là người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ca ngợi bạo lực, đã từng vi phạm nhiều tội hình sự và đạo đức nghiêm trọng. Nhưng Trump đang chuẩn bị lần nữa với khẩu hiệu America First để thực hiện giấc mộng thành Trump First bất chấp định chế chính trị-kinh tế dân chủ Hoa Kỳ! [2] Liệu nhà độc tài, có nhiều vấn đề về tư cách đạo đức có làm được không trong một xã hội theo định chế dân chủ?
Còn tại Việt Nam từ vài tháng nay Tô Lâm đã lợi dụng tình thế để tổ chức cuộc đảo chánh đã được chuẩn bị âm thầm từ lâu. Để thực hiện giấc mơ nắm giữ Tổng bí thư tiếp tại Đại hội 14 vào đầu năm 2026, Tô Lâm đang gài vây cánh vào các chức vụ quan trọng trong Đảng và chính quyền, đồng thời tung lên những khẩu hiệu “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, ”tự lực, tự cường, tự tin…”, nhưng ý đồ trước sau vẫn là giữ chế độ độc đảng làm bình phong với bộ máy công an trị để phục vụ quyền lợi ích kỉ cho cá nhân và phe nhóm Hưng Yên. Ý đồ nham hiểm và thiển cận này của Tô Lâm sẽ dẫn Đảng Cộng sản Việt Nam và đất nước đi về đâu?
Muốn trả lời những câu hỏi quan trọng này, cần phải biết rõ những đặc thù cá tính và tham vọng thầm kín của Trump và Tô Lâm, đồng thời cần hiểu bối cảnh và tương quan thế giới hiện nay, nhất là những yếu tố liên quan trực tiếp tới Hoa Kỳ và Việt Nam .
Phần I: Thế giới đa cực, nguy hiểm từ mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử và những hiểm họa thay đổi môi trường cho toàn thế giới, đặc biệt cả cho Hoa Kỳ lẫn Việt Nam
Đặc điểm của tình hình thế giới hiện nay: Thế giới hai siêu cường Hoa Kỳ – Liên xô của thời Chiến tranh lạnh đã chấm dứt từ sau khi Liên Xô sụp đổ trên ba thập niên. Nay thế giới đang sống trong thời kì đa cực trong chính trị, kinh tế, tài chính, quốc phòng và ngoại giao. Hiện nay cả ba cường quốc nguyên tử lớn nhất là Hoa Kỳ, Nga và Trung quốc, không nước nào một mình đủ sức khuynh loát lẫn nhau và thế giới.
Nga thời Putin đang sa lầy trong chiến tranh xâm lược ở Ukraine, đang bị bao vây trong kinh tế, tài chính và ngoại giao. Putin đang bước vào tuổi 72, sức khỏe ngày càng suy yếu. Tập Cận Bình ngày càng gặp khó khăn lớn trong kinh tế-tài chính và xã hội do áp dụng kinh tế quốc doanh, bùng nổ tham nhũng, bị tẩy chay và phong tỏa của Hoa Kỳ, Liên minh Âu châu (EU). Tập Cận Bình lại nuôi tham vọng đến năm 2049 (kỉ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời) Trung Quốc trở thành siêu cường cả kinh tế lẫn quân sự và áp đặt chế độ XHCN kiểu Trung Quốc ra toàn thế giới. Nhưng nay cũng đã trên 71 tuổi và mặc dầu thiết lập chế độ công an trị, đàn áp nhân dân để ngăn ngừa “Cách mạng mầu”, đang gặp phải chống đối của nhiều phe phái ngay trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Còn Trump sắp nắm ghế Tổng thống lần thứ hai khi gần 80 tuổi, một người có xu hướng độc tài, gia đình trị, thiếu đạo đức, theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng lại muốn thực hiện các chính sách độc tài trong một chế độ dân chủ có truyền thống ở Hoa Kỳ.
Cả ba nhà độc tài này tình cờ cùng thời gian đang nắm quyền ở ba cường quốc nguyên tử, đang nhắm mắt vùng vẫy như người lội ngược dòng, về mặt thể chất và trí tuệ họ đang ở trong tình trạng lực bất tòng tâm!
Về mặt ý thức hệ, thế giới đa cực hiện nay đan xen giữa các chủ nghĩa dân tộc cực đoan của một số nước lớn và sự tập hợp cùng thức tỉnh của nhiều khu vực và các chế độ dân chủ đa nguyên trước nguy cơ chiến tranh nguyên tử, thảm họa môi trường có thể hủy diệt thế giới.
Bên cạnh các chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn thống trị khu vực và thế giới bằng áp chế kinh tế, thương mại, tài chánh, thậm chí cả bằng cả võ khí nguyên tử, nhưng trong khi đó nhiều nước dân chủ, công nghiệp cao đã cùng nhau thành lập các liên minh chính trị, kính tế quốc phòng khu vực và thế giới như EU, NATO, AUKUS (Úc, Anh, Mĩ), QUAD (Mĩ, Ấn, Nhật, Úc) để gìn giữ hòa bình, ngăn chặn các chế độ độc tài. Tại một số nước dân chủ chính quyền, các chính đảng và cử tri đã tỉnh táo, can đảm ngăn cản hoặc chấm dứt những toan tính của các thế lực hữu cực đoan xuyên qua các cuộc bầu cử tự do, không để nắm được chính quyền gần đây như ở Pháp, Ba lan, Hòa lan và 3 tiểu bang ở Đức.
Đứng trước hiểm họa khí hậu thay đổi cực mạnh, có thể gây ra thiên tai như lụt lội, hạn hán, cháy rừng trên toàn thế giới, gây nên mất mùa, hủy hoại sức khỏe, nạn đói, di cư, chiến tranh không từ một khu vực nào trên địa cầu. Như chúng ta đã thấy hay chứng kiến thảm trạng sóng thần Tsunamis 26.12.2004 ở Ấn độ dương đã giết hại trên 230.000 người, 110.000 người bị thương và 1,7 triệu dân ở ven biển bi mất nhà cửa ở Thái lan, Nam dương, Ấn độ và Sri Lanka. [3] Hay thảm họa môi trường 5 tỉnh miền Trung từ tháng 4.2016 do sự vô trách nhiệm của những người cầm đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, như Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã xác nhận “Trước kia chúng ta kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu, nên bây giờ chúng ta phải trả giá” [4] Tạo cơ hội cho công ti gang thép Formosa thả cửa phóng chất thải độc ra biển đã tàn phá nhiều tỉnh miền Trung 2016. Hay nhiều nơi ở Âu châu và Hoa Kỳ mùa hè vừa qua nhiệt độ lên tới 40-45°C đã dẫn tới những nạn cháy rừng tàn phá khủng khiếp. Mới đây ở Phi Luật Tân lần đầu tiên chỉ nội trong một tháng đã diễn ra 6 trận bão cực lớn, hàng triệu người bị mất nhà cửa, hàng trăm người bị thiệt mạng. [5]
Hiện nay ngay tại Việt Nam đồng bằng Cửu Long vựa thóc cả nước đang đứng trước nguy cơ thủy triều càng cao, nước mặn tràn vào đồng ruộng. Mới đây thành phố Sài gòn đã báo động nguy cơ đất ngày càng lún, lụt lội càng gia tăng. “Tốc độ lún dao động từ 2-5 cm/năm. Đặc biệt, tại những khu vực tập trung các công trình thương mại, tốc độ sụt lún có thể lên tới 7-8 cm/năm.” [6] Thủ tướng Phạm Minh Chính lại vừa để tiếp tục khai thác than đá để sản xuất điện, vì mùa hè vừa qua nạn thiếu điện trầm trọng thêm. [7] Trong khi đó điện gió, điện mặt trời là năng lượng tái tạo giảm nguy cơ phá hủy môi trường và rất thích hợp với điều kiện thiên nhiên của Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục bị trở ngại, vì các tập đoàn than đá và dầu khí quốc doanh được các đại quan đỏ và các nhóm lợi ích bảo vệ và lũng đoạn.
Tất cả những thảm họa khí hậu môi trường đều do con người gây ra từ sử dụng dầu lửa, khí đốt, than đá, thải ra khí độc CO 2 từ các nhà máy, xe hơi, phi cơ. Phần lớn xuất phát từ các nước công nghiệp lớn, một số chính quyền vẫn cố nhắm mắt.
Do những nguy cơ trước mắt về biến đối khí hậu, nạn đói, di cư ồ ạt, chiến tranh ngày càng lớn và lan rộng. Nên nhiều tổ chức quốc tế và các dân tộc dân chủ tiến bộ càng thấy phải ngồi sát lại với nhau để sớm tìm ra giải pháp nhanh và hữu hiệu, nếu không thì nhân loại và quả địa cầu sẽ bị hủy diệt. Những chiều hướng dân chủ và nhân bản tiến bộ này được thúc đẩy mạnh mẽ và rất hiệu lực bởi các tiến bộ khoa học của thời đại mới, như AI (trí tuệ nhân tạo), kỉ nguyên truyền thông Internet cực nhanh và cực rộng.
Mỗi quốc gia bất kể các định chế dân chủ hay độc tài trên thế giới – kể cả các cường quốc hạt nhân- đang cùng đứng trước thử thách và cơ hội cùng chết hay cùng sống, cùng tồn tại trong nhân nhượng và tôn trọng lẫn nhau, chống lại những chủ nghĩa dân tộc cực đoan! Trước nguy cơ cùng bị hủy diệt, nên văn hóa nhân bản và dân chủ đang làm cho các nước và khu vực hiểu biết lẫn nhau và cần tới nhau rất thiết thực, mặc dầu một số nước lớn vẫn theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan!
Phần II: Trump muốn chuyển từ America First sang Trump First?
Giữa khi đó tân Tổng thống Trump lại không thèm nhìn nhận những nguy cơ từ môi trường, nên đang chuẩn bị chính sách trở lại tiếp tục khai thác khí đốt từ khí đá, nuôi ý định lại rút Hoa Kỳ ra khỏi “Thỏa thuận Paris về khí hậu 22.4.2016” rút bỏ những viện trợ cho các nước nghèo thoát khỏi nguy cơ tàn phá mội trường. [8]
Trong ngoại giao và quốc phòng, Trump có chủ ý giám bớt tối đa vai trò của Hoa Kỳ trong liên minh NATO, giảm bớt tới chấm dứt viện trợ cho Ukraine để thả cửa nhà độc tài Putin chiếm lấy và từ đó có thể thực hiện tái lập đế quốc Liên Xô sang cả Đông Âu. Đây sẽ là mối đe dọa trực tiếp cho Thế chiến III với sử dụng bom nguyên tử xuyên qua hỏa tiễn liên lục địa, đe dọa không chí cho Âu châu, Á châu mà ngay cả Hoa Kỳ.
Những danh sách vừa được công bố về thành phần nội các tương lai từ nội trị, quốc phòng, ngoại giao, mật vụ, năng lượng, y tế, an ninh nội địa… cho thấy ông Trump chỉ chọn những người trung thành, nịnh hót ông, bất kế tới khả năng, chuyên viên và kinh nghiệm… Điều này phản ảnh cá tính độc tài, thiếu viễn kiến, chỉ thấy trước mắt mà không thấy hậu quả theo sau. Rõ ràng Trump sau khi chiến thắng đang muốn biến từ Amerika First thành Trump First! [9]
Nhưng những tham vọng và chính sách độc tài của Trump trong thời gian tới liệu có đưa Make America Great Again (MAGA) (làm cho Mĩ lớn mạnh tiếp tục), hay không khéo sẽ đẩy Hoa Kỳ bị cô lập trên thế giới, mất các đồng minh tin cậy trên cả 5 châu! Ngay cả với đa số nhân dân Mĩ, lưỡng viện, báo chí, các tổ chức dân sự Hoa Kỳ có cho phép Trump thực hiện những điều mình muốn?
Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế, tài chính, ngoại giao và quốc phòng, liệu Hoa Kỳ có thể rút lui, tự phong tỏa để sống một mình được không? Trong lịch sử Hoa Kỳ cận đại, ngay cả những thời gian lưỡng viện thuộc đa số của một đảng, tùy theo vấn đề lớn hay nhỏ, nếu trực tiếp tới vận mệnh Hoa Kỳ thì theo truyền thống, Quốc hội không nhắm mắt để Tổng thống toàn quyền quyết định. Theo truyền thống chính trị Hoa Kỳ, khi đó các đại biểu Quốc hội thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa trong Thượng viện và Hạ viện vẫn có quyền quyết định và bỏ phiếu theo lương tâm và sự hiểu biết của họ, bất chấp mệnh lệnh của Tổng thống.
Nên nắm vững, đã có những lần vài Tổng thống Mĩ tính áp dụng độc tài nhưng đã bị các cơ chế chính trị lưỡng viện dân chủ, tư pháp độc lập, nền báo chí tự do, hệ thống xã hội dân sự độc lập, đa ngành đa năng ngăn cản thành công và phá hủy ý đồ của Tổng thống. Những điều này chúng ta đã biết rõ trong nhiều giai đoạn ở Hoa Kỳ. Cụ thể nhất là thời Tổng thống Nixon đến nỗi phải từ chức để tránh bị Quốc hội truất phế. Ngay cả trong nhiệm kì Tổng thống đầu của Trump (2017-21) ông đã gặp phải chống đối mạnh trong Quốc hội và ngay cả nhiều bộ trưởng và cố vấn…khiến cho chính quyền Trump trong nhiệm kì đầu đã bị tê liệt nhiều lần! 10]
Các định chế chính trị dân chủ, các lực lượng chính trị-kinh tế và khuynh hướng văn hóa dân chủ của Hoa Kỳ được xây dựng gần 250 năm, mặc dầu đã bị thử thách một số lần, nhưng sau mỗi lần bị khủng hoảng cả chính giới và cả hệ thống xã hội dân sự đã can đảm và sáng suốt sửa chữa những lỗi lầm và khuyết điểm để hoàn thiện chế độ dân chủ. Nhờ thế nền dân chủ Hoa Kỳ vẫn tồn tại vững vàng. Những tham vọng cá nhân của Trump cũng không thể nào phá được siêu cường kinh tế và nền dân chủ Hoa Kỳ.
Chiếm quyền tạm thời như kiểu Trump trong một xã hội dân chủ có truyền thống ví như một người bị bệnh cúm trong mùa; hay một ngôi nhà bị cơn bão lớn làm tốc mái nhà nhưng nhờ nền tảng tốt nên vẫn đứng vững, nay phải tu sửa lại. Lịch sử Hoa Kỳ đã trải qua một số lần thử thách lớn nhưng sau đó đã có những canh tân mới để lấy đà tiến lên trở lại.
Trong một chế độ dân chủ dù không ai muốn, nhưng cũng phải chấp nhận đôi khi có thể xẩy ra những rủi ro trong chính trị -như việc Trump vừa thắng cử- Nhưng đa số tin rằng, những giá trị cao quí và nhân bản của các định chế dân chủ đủ vững để có thể vượt qua những rủi ro này và mau chóng khôi phục lại sinh hoạt dân chủ truyền thống trong mọi lãnh vực của đất nước. Nó có thể so sánh với NHÂN và QUẢ. Nếu nhân tốt thì sẽ có quả ngon, ngọt để mọi người thưởng thức. Nhưng phải thừa nhận, nếu thời tiết bất thường hoặc các cây trái không được chăm sóc chu đáo thì có thể bị mất mùa! Cho nên phải biết luôn luôn tu sử , kiên tâm một thời gian ngắn để có trái ngon ngọt trở lại. Hoạt động chính trị không như toán học hay các khoa học tự nhiên, không luôn luôn là đường thẳng, mà thường có những quanh co, gập ghềnh!
Những sinh hoạt chính trị sôi động này không chỉ diễn ra ở Hoa Kỳ, mà vẫn trải ra ở nhiều định chế dân chủ có truyền thống trên thế giới. Cho nên khi một người đứng đầu muốn lạm dụng quyền lực để tính thực thi những biện pháp độc tài thường bị các định chế ngăn cản, chống đối ngay cả ngay trong đảng cầm quyền. Lí do thực tế và đơn giản là, người cầm đầu hành pháp – theo qui định của hiến pháp- thường chỉ cầm quyền tối đa 2 nhiệm kì, nên họ không đủ thời gian và sức phá hủy định chế dân chủ đã có truyền thống được. Trong các xã hội Dân chủ Đa nguyên, các hoạt động chính trị dân chủ công khai, cạnh tranh luôn luôn sinh động, nên dân trí được nâng cao, thường xuyên có những sáng kiến mới, sửa chữa kịp thời những sai lầm khuyết điểm.
Trái lại trong các chế độ độc tài đảng trị hay cá nhân trị, là những xã hội kín, bưng bít. Ở đó những người cầm đầu lâu năm sẽ tự do lạm dụng quyền lực và tiền bạc, dễ dàng biến chế độ và toàn xã hội thành như sở hữu riêng cho cá nhân và phe nhóm. Tham nhũng bùng nổ, đàn áp công khai và đưa toàn xã hội vào chậm tiến, nghèo đói và bất công, nên trình độ dân trí rất thấp! Điển hình như ở Liên Xô trước đây, Nga hiện nay, Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam hiện nay!
Phần III: Các điểm nghẽn trong xã hội Việt Nam do hậu quả của chủ nghĩa Marx-Lenin và giải pháp của Tô Lâm
Từ khi cướp được ghế Tổng Bí thư (3.8.24) trong thời gian qua tại Hội nghị Trung ương 10 (18-20.9.24) [11] và các hội nghị quan trọng Tô Lâm đã tung lên một loạt những khẩu hiệu rất kêu, như “kỉ nguyên mới”,”tự lực, tự cường, tự tin…” và phất lên ngọn cờ “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Không những thế Tô Lâm còn thừa nhận những hậu quả của chế độ Cộng sản đang đè nặng nhân dân và phá hoại đất nước, đang gây ra những “điểm nghẽn” trên mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, lao động, giáo dục, ngoại giao và cán bộ cực kị tai hại. Nhưng ông đã đưa ra các giải pháp nào và toan tính cho cá nhân ra sao? Có gì mới không?
I. Điểm nghẽn cực lớn là bộ máy cai trị rất cồng kềnh, lãng phí trở thành gánh nặng ngày càng năng nề cho nhân dân và đất nước. Nguyên nhân từ đâu và Tô Lâm giải quyết bằng cách nào?
Trước các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3) tại Học viện Chính trị quốc gia HCM ngày 31.10.2024 chính Tô Lâm xác nhận: “Hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy”, “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Tô Lâm than rằng, ngân sách quốc gia chỉ “còn 30% thì tiền đâu để phục vụ quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội! Trong khi các nước khác chỉ có hơn 40% “ngân sách để nuôi bộ máy chính quyền”. [12]
Có lẽ ngoài Trung Quốc chưa có một nước nào phải nuôi bộ máy cầm quyền nặng nề, chồng chéo và cồng kềnh như ở Việt Nam hiện nay. Ngoài bộ máy chính quyền như ở hầu hết các nước, hiện nay nền kinh tế òi ẹp của Việt Nam phải cáng đáng thêm nuôi hai bộ máy nữa là hệ thống đảng Cộng sản từ trung ương tới cơ sở với trên 5 triệu đảng viên. Ngoài ra ngân sách nhà nước còn phải chi cho các tổ chức ngoại vi của Đảng. Bộ máy cực kì cồng kềnh và lãng phí có thể thấy rất rõ: Song hành các Bộ trong chính phủ là các Ban trong Đảng. Thông thường ở các nước, ngoài Tổng thống hay Thủ tướng chỉ có một Phó Tổng thống hay Phó Thủ tướng. Hiên nay Việt Nam có tới 5 Phó Thủ tướng. Mỗi bộ, ngoài Bộ trưởng có tới 4 Thứ trưởng, hai Bộ Công an, Quốc phòng có tới 6 Thứ trưởng hay tương đương. Các Ban Trung ương của đảng, ngoài Trưởng ban còn có nhiều Phó Trưởng ban. Điển hình như ngân sách khổng lồ giành cho bộ máy công an mật vụ. Năm 2021 “dự toán chi ngân sách cho Bộ Công an là khoảng 96 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần Bộ y tế (khoảng 9,1 ngàn tỷ đồng) và Bộ Giáo dục là 7,1 ngàn tỷ đồng. Năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng và tăng lên gần 100 ngàn tỷ đồng trong năm 2023 (3). 13]
Ở các nước dân chủ chỉ có một bộ máy duy nhất được phép dùng tiền từ ngân sách nhà nước, đó là các viên chức chính phủ từ trung ương tới địa phương. Cách chính đảng phải tự lập ngân sách từ đóng góp của các đảng viên và sự ủng hộ tài chính các mạnh thường quân. Nhưng tại Việt Nam ngân sách nhà nước không còn để cho đầu tư phát triển, làm sao có thể thực hiện khát vọng “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”? Chẳng những thế trong buổi giảng dậy cho các Ủy viên Trung ương tương lai của khóa 14 Tô Lâm lại vẫn lập lại, “Tập trung xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh của Đảng” [14] Nghĩa là trước sau Tô Lâm vẫn chỉ dùng giải pháp “Nguyễn Như Vân”!!!
Tại sao chế độ độc đảng toàn trị Cộng sản Việt Nam không thể nào tinh giảm bộ máy nhà nước được, trái lại ngày càng phình to? Bởi vì hệ thống cai trị theo mô hình Marx-Lenin coi đảng Cộng sản là chủ nhân duy nhất và toàn bộ trong mọi lãnh vực trong xã hội từ chính quyền, đất đai tới nhân dân. Chính vì thế đã bao nhiêu lần ra Đảng, Chính phủ, Quốc hội quyết định giảm biên chế, nhưng trong thực tế bộ máy cai trị ngày càng phình ra trong mọi ngành để nuôi bộ máy độc tài kiểm soát và hành hạ nhân dân!
II. Điểm nghẽn: Kinh tế lệ thuộc bên ngoài, năng xuất lao động thấp – Giải pháp nào của Tô Lâm?
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, đã nhận định về những mâu thuẫn trong chính sách kinh tế của Cộng sản Việt Nam : “Đây cũng là nguyên nhân gây nên nghịch lý ở Việt Nam, đó là nền kinh tế khát vốn, kêu gọi và chờ mong nguồn vốn FDI, trong khi đó rất khó hấp thụ được nguồn vốn trong nước, đặc biệt nguồn vốn đầu tư công.” 15]
Các đặc điểm chính của kinh tế Việt Nam thời XHCN theo mô hình Marx-Lenin là áp dụng kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, các tập đoàn và các tổng công ti nhà nước độc quyền nắm giữ các huyết mạch kinh tế, được tự do sử dụng ngân sách, nhân lực và tài nguyên. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp nhà nước lại chỉ thua lỗ, gây phí phạm nhân lực và tài nguyên mỗi năm rất lớn. Trong khi ấy kinh tế của tư nhân Việt Nam bị bạc đãi, khinh rẻ. Năng suất lao động ở Việt Nam rất thấp và càng giảm so sánh ngay với các nước trong khu vực. [16] Vì thế kinh tế Việt Nam bị tụt hậu, lợi tức đầu người chỉ bằng khoảng 1/9 của Nam Hàn và Đài loan. [17]
Trước tình thế đó nhóm cầm đầu chế độ toàn trị đã hấp tấp mù quáng chọn giải pháp đốt giai đoạn nửa vời, mời đón cho các “đại bàng” nước ngoài, để cho các đại công ti nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam hưởng các ưu đãi tối đa về thuế, đất đai, lao động rẻ mạt. Vì thế nền kinh tế Việt Nam hiện nay hoàn toàn lệ thuộc vào xuất khẩu, trong đó các công ti nước ngoài chiếm trên 70% (tương đương 60% GDP). Các doanh nghiệp này nhập khẩu trên 80% linh kiện, thiết bị, nhưng chỉ sử dụng những tư liệu sản xuất giản đơn của Việt Nam như lao động, đất đai, hàng triệu công nhân Việt Nam lại phải nhận đồng lương chết đói. Các FDI không giúp Việt Nam xây dựng công nghiệp nội địa. [18]
Mới đây trên đường thăm Hoa Kỳ Tô Lâm đã cho phe nhóm Hưng Yên chào đón để công ti của Trump xây khách sạn và sân golf 1,5 tỉ USD làm trung tâm du lịch ở Hưng Yên và muốn dùng nó làm phương tiện trao đổi để mong Trump không trừng phạt hàng xuất cảng của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Ngoài ra Hà nội còn để Bắc kinh dùng Việt Nam như nước trung chuyển các sản phẩm Trung Quốc sang Việt Nam trên đường xuất cảng sang Hoa Kỳ [19]
III. Điểm nghẽn: Pháp luật bị thao túng bởi các nhóm lợi ích và tham nhũng – Giải pháp nào của Tô Lâm?
Sau gần 80 năm cai trị Đảng Cộng sản Việt Nam đang lập nên hệ thống pháp luật ngày càng chỉ “phục vụ lợi ích nhóm”. Chính Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tư pháp nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 7.11 đã phải nhìn nhận như vậy. [20] Vì ngay trong giai đoạn chuẩn bị các luật và chính sách đã do các phe nhóm cho thế lực thao túng. Cho nên luật pháp rất chằng chịt, cồng kềnh, vô hiệu lực, giải thích tùy tiện theo ý muốn của những quan đỏ nắm quyền lực và tiền bạc.
Tuy chỉ trích như thế, nhưng khi đưa ra giải pháp thì Tô Lâm đòi phải “phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật”! [21]. Nhưng Tô Lâm thừa biết là, chính vì phải giữ “tính Đảng”, tức là độc tài và phe nhóm trong xây dựng pháp luật; nên cá nhân hay hội đoàn, kể cả đảng viên tiến bộ lên tiếng phản đối liền bị gán ghép “chống lại chế độ”, bị theo dõi, giam giữ. Việt Nam đang trở thành một nước bị chà đạp nhân quyền tàn bạo nhất trên thế giới. Báo chí tư nhân bị cấm hoạt động. Báo chí Đảng phải mặc đồng phục, tô hồng những người có quyền lực. Im lặng trước những sai lầm, tham nhũng.
Mặc dầu trong các Hội nghị Tô Lâm vẫn đề cao “minh bạch”, “công khai” các hoạt động của Đảng và Nhà nước. Nhưng mới đây nhất báo chí của chế độ đã bị cấm không được đưa tin một cán bộ cảnh vệ trong phái đoàn của Chủ tịch nước Lương Cường tham dự APEC ở Peru đã “xâm phạm tình dục” thiếu nữ trên 14 tuổi tại khách sạn ở Chile. Truyền hình Chile và báo chí quốc tế tường thuật rõ ràng. Một hành động làm ô nhục Chủ tịch nước và cả chế độ! Đúng lí ra nếu Tô Lâm thực lòng và biết tự trọng, muốn cải tổ pháp luật thì phải để báo chí tự do đưa tin và kết án nghiêm khắc hành động tồi bại của cán bộ. [22]
(Còn nữa)
Âu Dương Thệ
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.
——————-
Chú thích:
[1] Giải Nobel Kinh tế được trao cho các nhà nghiên cứu về bất bình đẳng
[2] Từ “America First” biến thành “Trump First”! | Tiếng Dân
[3] Erdbeben im Indischen Ozean 2004 – Wikipedia
[4] Âu Dương Thệ, Việt Nam “Đổi mới” ? ! Hay: Treo đầu dê, bán thịt chó! Tập II, tr. 213-227
[5] Lũ lụt tại Philippines: Bão liên tiếp khiến sông vỡ bờ, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà.
[6] Thành phố giàu nhất Việt Nam đối diện nguy cơ ‘chìm dần’, sụt lún đất nền có nơi đạt tốc độ 8cm/năm
[7] Việt Nam sẽ cho chạy các nhà máy điện than với công suất cao …
[8] Thỏa thuận Paris về khí hậu – Wikipedia tiếng Việt
[9] Trumps Kabinettsliste ist fast komplett – und umstritten | tagesschau.de
[10] Cùng tác giả: Thấy gì, nghĩ gì và làm gì từ cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ vừa qua? | Tiếng Dân; THÔNG LUẬN – Nửa thế kỉ nhìn lại
[11] Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII | Tư liệu văn kiện Đảng; Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII | Tư liệu văn kiện Đảng; Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII | Tư liệu văn kiện Đảng
[14] Như 12
[16] Cùng tác giả, T. II, Chương chín, Kết quả thực tiễn trên 30 năm „Đổi mới“, 172-240)
[17] Văn hóa Marx-Lenin còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa ? (Âu Dương Thệ) – THÔNG LUẬN
[18] Cùng tác giả, Chương chín: Kết quả thực tiễn trên 30 năm „đổi mới“ T.II, tr. 177-240
[21] Như trên
[22] Cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt ở Chile vì cáo buộc …