Bùi Văn Phú: Stephen Denney: người bạn của tù nhân lương tâm Việt Nam
![](https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2025/02/BuiVanPhu_2025_0212_SteveDenney_H01.png)
Tôi quen biết Stephen Denney, người Việt thường gọi ông là Steve, từ những ngày còn ở Đại học U.C. Berkeley vào đầu thập niên 1980. Khi đó Steve sinh hoạt trong Nhóm 64 của Ân xá Quốc tế (Amnesty International), một tổ chức nhân quyền quốc tế. Nhóm 64 gồm các thành viên trong vùng Vịnh San Francisco và Steve là người phụ trách theo dõi tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong nhóm, còn tôi hoạt động với Amnesty International Campus Network của sinh viên dưới sự điều hành của nữ tu sĩ Laola Hironaka và cũng học tại ban tiến sĩ tại U.C. Berkeley.
Sinh năm 1950, gia đình ở thành phố Burlingame, vùng Vịnh San Francisco, Steve tốt nghiệp trung học từ Mills High School ở thành phố San Mateo. Thời trung học ông là một vận động viên chạy bộ nhanh có tiếng và được các bạn thán phục. Sau một tai nạn có ảnh hưởng đến xương cổ, ông không còn hoạt động thể thao nữa.
Vào đại học, ông học ở Đại học tiểu bang Oregon, Portland. Sau khi tốt nghiệp, ông về lại California, có một thời gian dạy khoa học xã hội bậc trung học, trước khi làm việc cho thư viện Đại học Berkeley.
Đầu thập niên 1980, ông là phụ tá cho ông Douglas Pike, giám đốc Indochina Archive. Đến năm 1998, khi Indochina Archive được đưa về Texas Tech University ở Lubbock, Steve tiếp tục làm việc trong Thư viện Doe, Đại học Berkeley cho đến khi nghỉ hưu năm 2015.
Steve từng kể với tôi rằng thời sinh viên ông có tham gia phong trào chống Chiến tranh Việt Nam. Sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, ông vẫn quan tâm đến miền đất đó, nhất là từ khi có làn sóng thuyền nhân vượt biển, qua họ ông có hiểu biết nhiều về những chính sách đàn áp của cộng sản Hà Nội qua những vụ bắt giam văn nghệ sĩ, trí thức; qua những trại học tập cải tạo giam giữ hàng trăm ngàn cựu quân cán chính Việt Nam Cộng hòa.
Năm 1979, Steve cho xuất bản Indochina Newsletter là tài liệu liên quan đến các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam sau ngày 30/4/1975, sau đổi tên thành Indochina Journal, rồi Vietnam Journal. Tôi và vài người Việt nữa đã cùng làm việc với Steve trong việc phối kiểm tin tức liên quan đến tù nhân lương tâm và dịch nhiều tài liệu của các phong trào đòi tự do dân chủ tại Việt Nam sang tiếng Anh, như Cao trào Nhân bản của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Diễn đàn Tự do của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, các bài giảng về sám hối vào Mùa chay 1990 của linh mục Chân Tín, cũng như những tuyên cáo về tình trạng thiếu tự do tôn giáo của các Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát; của Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền, Linh mục Nguyễn Văn Lý.
![](https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2025/02/BuiVanPhu_2025_0211_SteveDenney_H03_Journals-1024x482.jpg)
Những thông tin liên quan đến văn nghệ sĩ bị cầm tù như các thi sĩ Trần Dạ Từ, Nguyễn Chí Thiện, Vương Đức Lệ; nhà văn Nhã Ca, Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ, Dương Thu Hương được dịch ra tiếng Anh, đưa lên Indochina Journal để gửi đến 500 địa chỉ, gồm nghị sĩ, dân biểu trong các ủy ban quốc hội Hoa Kỳ liên quan đến châu Á, các cơ sở ngoại giao, giáo sư đại học, những tổ chức nhân quyền, cơ quan phi chính phủ (NGO) có hoạt động tại Việt Nam để họ hiểu hơn về tình hình nhân quyền tại đó.
Khi có các diễn giả đến Đại học Berkeley nói chuyện về tình hình Việt Nam, như Don Luce, John Spragen, Chritine White, nhạc sĩ Trần Văn Khê, Steve có mặt để lắng nghe tiếng nói phản biện của sinh viên gốc Việt và nhiều lúc ông cũng chất vấn diễn giả về những chính sách của Hà Nội.
Ông cũng được mời nói chuyện về nhân quyền Việt Nam trong các sinh hoạt của người Việt vùng Vịnh San Francisco vào dịp tưởng niệm 30/4 hay ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12.
![](https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2025/02/BuiVanPhu_2025_0211_SteveDenney_H02_NguyenChiThien_UCB.jpg)
Trên các diễn đàn xã hội, Steve luôn là tiếng nói phản biện lại những lập luận bênh vực cho Hà Nội, qua hồ sơ nhân quyền tồi tệ mà ông đã theo dõi trong nhiều năm. Những tài liệu thu thập được ông tổng kết qua nhiều bài tường trình cho Ân xá Quốc tế, cùng với bà Ginetta Sagan; cho Asia Watch của Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) hay đăng trên các tạp chí về tôn giáo liên quan đến chính sách đàn áp các giáo hội tại Việt Nam.
Những việc ông làm nhằm giúp thăng tiến nhân quyền trên đất Việt, như Giáo sư Alex Thái-Đình Võ từ Đại học Texas Tech đã có nhận định trên Facebook của ông khi hay tin Steve qua đời hôm 22/1 tại Plainview, Texas, nơi ông sống hưu trí từ năm 2019:
“Steve đã dành cả cuộc đời để tìm hiểu, bảo vệ và tranh đấu cho công lý tại Việt Nam… Ông đã làm việc không mệt mỏi để ghi lại chứng cứ về vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Ngay cả cho đến những ngày cuối đời ông vẫn kiên trì với mục đích này.”
Những tài liệu về nhân quyền Việt Nam đã được ông dành trao cho Giáo sư Alex Thái-Đình Võ để lưu giữ tại Vietnam Center của Đại học Texas Tech ở Lubbock, Texas.
Tang lễ ông Steve Denney đã được cử hành hôm thứ Sáu 7/2/2025 tại nghĩa trang Skylawn Memorial Park, thành phố San Mateo, vùng Vịnh San Francisco, nơi thân sinh của ông đã được an nghỉ trước ở đó.
Bùi Văn Phú
- Tác giả Bùi Văn Phú là giảng viên đại học cộng đồng, nhà báo tự do, nhà hoạt động nhân quyền từ vùng Vịnh San Francisco, California.