“Cao Nguyên Đá” của Nguyễn Trọng Khôi

Lời mở đầu của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi:

Cuối tháng 8 năm 2019, sau 2 cuộc trưng bày tranh tại Huế và Hội An, tôi còn chút thời gian nên người bạn tôi bảo sẽ đưa tôi đi tham quan cao nguyên phía bắc Việt Nam, trước là để ngắm cảnh núi non quê nhà cho biết, sau là có thể gợi ý gì cho tôi trong việc sáng tác tranh hay không. Tôi tin ở bạn tôi, vì bạn tôi là tay đam mê nhiếp ảnh chuyên săn lùng hình ảnh Tây Bắc, am tường các sắc dân, cảnh trí ngóc ngách ở khắp vùng Đông, Tây Bắc. Nghe vậy, tôi rất hứng khởi mà chấp nhận lời mời ngay. Lần này chúng tôi sẽ đi Đông bắc- Hà Giang. Tôi bay nhanh ra Hà Nội, chúng tôi đi xe khách có ghế nằm đến Hà Giang. Từ bến xe Hà Giang chúng tôi lấy xe ôm đi thăm thú các bản làng; từ những bản làng gần đến các bản làng hẻo lánh xa xôi.
Xưa nay, chỉ nhìn cảnh trí qua hình ảnh giờ tận mắt thấy, tai nghe. Rong ruổi các cung đường uốn lượn theo núi, trên lộ trình nhiều đoạn thật sự rất hiểm trở, nếu tài xế không vững tay lái, bạn có thể lăn xuống vực ngay. Nhất là những khe đường sát vực thẳm gồ ghề, lồi lõm thêm trơn trượt vì mưa. Những dằn, dộng, bạn có cảm tưởng rất có thể bị trụt hay lệch cột sống. Ngồi sau xe gắn máy, tôi thỉnh thoảng cứ phải đứng nhổm lên, nên không bị oằn cột sống. Người lái xe chở tôi, dù nhỏ hơn tôi hơn chục tuổi, kinh nghiệm 20 năm đường vực mỗi lần vể đến nhà nghỉ lại than đau lưng.
Khắp vùng Hà Giang là những thung lũng, vực sâu và vô vàn ruộng lúa bậc thang tuyệt đẹp nối uốn lượn theo sườn núi. Tuy nhiên nó không làm tôi xúc động hay háo hức bởi chưng tôi gần như thuộc lòng hình ảnh này và có phần ám ảnh từ người Trung Hoa sở hữu phong cách đó.
Cái làm tôi chú tâm nhiều hơn là con người và đời sống. Một phần dân số sống gần như xa lìa ánh sáng đô thị, kể cả những phương tiện của thời văn minh tiến hóa.
Ở độ cao 2000m, người dân sống bình thản như số phận đã an bài. Hàng ngày lên nương rẫy làm những công việc xưa nay vốn dĩ. Họ rất dửng dưng với sự cực nhọc, vất vả lao động xem như một điều tất yếu. Sự mộc mạc khắp vùng gây ngạc nhiên nhiều hơn với những người sống ở đô thị. Những ngôi nhà tường đất màu hoàng thổ gọi là trình tường nó lại gần gũi với những nông dân nghèo ở đồng bằng với tường nhà trét bằng bùn trộn rơm. Ấn tượng nhất của tôi vẫn là những đứa trẻ cao nguyên. Có những đôi mắt thơ ngây mở ngơ ngác trên khuôn mặt vương nhọ lấm lem, mái tóc cháy xém phủ da mặt căng hồng vì nắng. Những ven tóc sáng rực như những tia sáng từ đá quý. Thỉnh thoảng trên những cung đường hiểm trở vắng vẻ tôi lại thấy vài đứa trẻ chơi đùa bí ẩn hay chạy nhảy lỏng lẻo bên bờ vực. Chúng dẫn tôi đến những thế giới của thần tiên.
Những đứa trẻ ăn mặc lôi thôi ngộ nghĩnh tạo những sô lệch rất nghệ thuật trên cao nguyên đá đang chờ tôi khám phá nó. Vô vàn những điều cần ghi nhận. Tôi cố thuộc lòng những cảm xúc đến từng chập, nó khiến tôi trở nên vội vã và luống cuống.
Tôi phải trở về sau một tuần thăm thú trên cao nguyên đá, đầy quyến luyến. Dầu đã thực hiện khoảng 30 tranh sơn dầu to, nhỏ nhưng tôi mãi không thỏa mãn.

Tôi thầm biết ơn người bạn đã đưa tôi tới cao nguyên đá Đồng Văn. Không biết còn cơ hội nào tôi trở lại đây hay không vì tôi sinh sống ở mãi bên kia bán cầu. Không biết khung cảnh và con người nơi đây có còn tồn tại mãi hay sẽ bị tàn phá, hủy hoại bởi những người có tiền đang lăm le khai thác, biến nó thành nơi để kiếm tiền.
Nguyễn Trọng Khôi 

***

Nguyễn Trọng Chức: Huyền ảo cao nguyên đá

“Cao Nguyên Đá” là loạt tranh gần đây nhất của Nguyễn Trọng Khôi, được ông hình thành từ chuyến đi – lần đầu tiên – đến với một vùng sơn khê còn tạm gọi là hoang dã. Cảnh sắc và con người được họa sĩ thể hiện trong tranh phần lớn ở Hà Giang, với những bản làng Nặm Đăm, Thiên Hương…, những địa danh Quản Bạ, Mã Pì Lèng, Đồng Văn… và dòng Nho Quế xanh xanh uốn lượn bên vách Tu Sản khiến bao khách lãng du đắm say từ nhiều năm nay. Trong số đó có Nguyễn Trọng Khôi, người sống xa quê vạn dặm nhưng luôn hoài nhớ đất Bắc nơi ông chào đời.

Thế nhưng Cao nguyên Đá trong tranh Nguyễn Trọng Khôi đã là một hiện thực khác. Cảnh và người được phả lên một lớp mây lãng đãng, mộng mị, làm nhòe đi cái hiện-thực-thị-giác để sinh thành một không-thời-gian riêng biệt của tác giả. 

Vẫn là những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày ở vùng cao Đông Bắc. Những nẻo đường thôn lấm, trong chiều muộn bà mẹ trẻ mệt nhọc địu con về nhà sau ngày nương rẫy. Đàn bò uể oải trở về chuồng. Những ngôi nhà trình tường lặng lẽ giấu mình trong bóng núi. Những tường và bờ đá trải mình dưới lớp lớp thời gian… Nhưng cảnh và người “có một chút huyễn hoặc, huyền ảo; có một chút hoài nghi ở thực tế, sự hiện diện của những điều cần lãng quên, giống như sự lẻ loi, cô đơn hay những nỗi buồn” như ông từng bày tỏ trong một triển lãm ở quê nhà gần mười năm trước. Hơn thế nữa, ông còn bộc bạch: “Tranh của tôi bao giờ cũng thấp thoáng trừu tượng trong hiện thực”. Bên cạnh bảng màu u hoài với đen, xám, trắng, xanh rêu, hoàng thổ, tím nhạt… ở những bức “Chiều muộn”, “Mã Pì Lèng”, “Trên đường”, “Tiếng chim”, “Trên đỉnh non ngàn”…, có tiếng reo vui của hòa sắc rạng rỡ, yên bình ở những “Hoa ban”, “Mùa hoa cải”, “Đồng Văn”, “Nắng xuân”, “Mùa cỏ hồng”, “Mẹ và con”… Có cảm giác hoa và cỏ trong gùi trên lưng những đứa bé như thể vừa được hái ở cõi trời! 

Thật tình cảm, thật ấm áp khi một bậc thầy hội họa thể hiện những đứa trẻ cùng những bà mẹ vùng cao trong loạt tranh đầy cảm xúc của ông. 

Nguyễn Trọng Chức 

***

Một số bức tranh trong loạt tranh “Cao nguyên Đá” của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi:

Tuổi thơ với đại ngàn – Oil on Canvas
Cao nguyên đá Đồng Văn
Mùa hoa Ban
Mẹ con
Trên đường
Sống ở Tây Bắc
Gùi hoa cải
Những đứa trẻ trong đồng vắng
Những ngôi nhà ở Nậm Đăm
Buổi chiều bản Thiên Hương
Hoàng hôn ở bản Thiên Hương
Người đàn bà trên cao nguyên đá – Aquarelle on paper
Một buổi sáng ở Mã Pì Lèng