Cao Vị Khanh: Bài tùy bút tháng Tư
Hình minh họa: Dương Nhân
Giả sử bắt chước Thanh Tịnh …
… Hằng năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường …
mà viết lại …
… Hằng năm cứ vào đầu xuân khi lá ngoài đường trổ xanh và trên không bỗng bay về những bầy chim trốn tuyết, lòng tôi lại xốn xang những kỷ niệm bàng hoàng của buổi tan trường … năm đó.
Nghĩ ra mà thấy ông Thanh Tịnh may mắn hơn chúng ta. Ông giữ lại mãi trong trí nhớ ông hình ảnh một kỷ niệm ôi-thương-làm-sao của buổi tựu trường đầu tiên trong đời. Đứa bé lên năm lên bảy, tóc tai chẻ thẳng đường ngôi, quần áo tươm tất hơn mọi khi, vai đeo cặp hay tay cầm sách vở, tay nắm tay mẹ hay cha, đi những bước chân nhún nhảy như chim sẻ, buổi sáng đầu tiên đi học. Có thể nó sẽ học đến nơi đến chốn. Có thể không, lở dở nửa chừng. Nhưng hề gì, điều quan trọng là nó đã được sống thứ giờ khắc hiếm hoi mà người ta chỉ bắt gặp một lần trong một đời. Y như Thanh Tịnh đã viết thêm. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần nhưng lần này tôi thấy lạ. Và ông khẳng định ngon ơ. Thấy lạ vì … Tôi đi học.
Ờ có những chuyện người ta hay quên. Cũng như có những chuyện người ta cứ nhớ … Nhớ, quên là những thuộc tính tiên thiên của con người. Có điều người ta có thể chọn lựa giữa nhớ hay quên hay cũng chỉ là những ngẫu nhiên như những tình cờ ngẫu nhỉ, nói theo điệu ông Bùi Giáng.
Vậy đó, có những chuyện muốn nhớ lại cứ quên. Ngược lại, nhiều chuyện đáng quên lại cứ nhớ.
… Hằng năm cứ vào đầu xuân khi lá ngoài đường trổ xanh và trên không bỗng bay về những bầy chim trốn tuyết, lòng tôi lại xốn xang những kỷ niệm bàng hoàng của một ngày tháng tư … năm đó.
Dĩ nhiên, chuyện đáng quên mà cứ nhớ của tôi hay của hằng triệu người miền Nam Việt Nam vốn dĩ là những kỷ niệm nhuộm đầy máu và nước mắt và uất hận. Máu thì đóng vảy rồi tróc mất. Nước mắt khóc cho cùng rồi cũng cạn khô. Sao lòng ta vẫn cứ tức tưởi như u ẩn hoài một oan ức không thôi. Chuyện xảy ra, đã 49 năm, thêm năm nữa là đã trọn một nửa vòng thế kỷ. Nếu được đúc khuôn thành tượng đồng kỷ niệm, hẳn đã đóng mờ không biết bao nhiêu là lớp bụi thời gian. Khổ nổi, muốn gói lại, giấu kín, chôn sâu mà sao lại cứ y như Tú Xương khi con sông Nam Định ở quê ông bị lấp kín, cứ đêm nghe hoài … tiếng ếch bên tai, giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò.
Chuyện con sông với cái bến đò nào đó, một khi bị dẹp bỏ, đâu phải chỉ có riêng ông là chịu thiệt thòi. Hẳn, bao nhiêu người qua lại mỗi ngày, ai chắc cũng có đôi điều tưởng tiếc. Nhưng đôi ba ngày, đôi ba tháng … rồi thôi. Sao riêng ông, ông cứ thấy ngậm ngùi!
Tại người hay tại mình cứ chuốc lấy cho mình mọi điều phiền não. Chuyện đất nước, tai họa là tai họa chung. Ai nấy đều có phần. Hẳn nhiên chia đều cũng là điều không tưởng. Tuy nhiên, sao lại giành chịu cái phận hẩm hiu.
Những năm 80, khi mới bỏ xứ trôi dạt tới xứ người, tình cờ đọc được đâu đó mấy câu thơ của Thanh Nam, người văn thi sĩ vốn là tay phong lưu tài tử một thời, cũng đã bỏ Sài-gòn và đang lưu lạc đâu đó trên dãy lục địa mênh mông …
Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
Một năm người có mười hai tháng
Ta chỉ năm dài một tháng tư (*)
Đọc thơ người mà lấy làm cảm thán phận mình. Nhưng rồi lại nghĩ đó là … thơ. Mà thơ thì đôi khi hay bốc lên như khi diều gặp gió. Người làm thơ lắm khi vì vần điệu, đôi khi chữ nghĩa lại ra tuồng ẩn dụ … nhiều khi ý tại ngôn ngoại … v.v… và v.v… Nghĩ vậy rồi thôi. Rồi chúi đầu vọc tay vào ba cái chuyện kiếm miếng ăn mà … tìm quên. Nhưng không. Không! Không phải vậy. Ông Thanh Nam làm thơ mà nói thiệt. Ta-chỉ-năm-dài-một-tháng-tư.
Một năm qua. Hai năm qua. Ba … Bốn …
Mỗi cái Tết tha hương đến, lòng lại nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ anh em ruột thịt, nhớ lan đến cả bè bạn thân sơ. Nhớ mùi hương khói đêm ba mươi trừ tịch, cả nhà quây quần cúng rước ông bà. Mà riết rồi cũng chẳng phải đợi đến tết nhứt. Bữa nào cũng nhớ. Đi chợ tây lại nhớ phố xá thứ bảy chiều Lê Lợ̣i. Húp miếng súp đậu lợn cợn thịt thà lại nhớ phở Pasteur. Gặm miếng pizza mà nhớ khúc bánh mì thịt nguội Dakao thay bữa cơm cuối tháng. Táo tây, nho Mỹ, cam Maroc, khóm Mễ Tây Cơ … gì cũng mặc. Cắn miếng nào nhớ miếng nấy. Từ miếng khóm ngọt lịm khi xe qua cầu Bến Lức tới giỏ mận hồng đào khi đợi phà Mỹ Thuận qua sông. Nhớ hơi nồng ly rượu đế Đường Xuồng đưa cay bằng hớp canh chua cá bông lau Rạch Giá … Nhớ thê nhớ thiết nhớ riết rồi quanh đi quẩn lại nhớ thơ Thanh Nam. Ơi hỡi quê hương bè bạn cũ. Những ai còn ai mất giữa sa mù. Mất nhau từ buổi tàn xuân đó. Không một tin nhà một cánh thư (*). Rồi chém chết cũng lại Một năm người có mười hai tháng. Ta chỉ năm dài một tháng tư (*) !!!
Mỗi tháng qua, cộng trừ nhơn chia, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện xăng nhớt thịt cá, cà-phê thuốc lá, văn thơ phim ảnh, thuế má v.v… và v.v … , tính tới tính lui, cái còn lại, cái còn lại là một khoảng trống không bờ không bến, rộng đến bơ vơ, cái còn lại là một sự hụt hẫng triền miên năm này qua năm khác. Là …công cha nghĩa mẹ ơn thầy, phố đêm Lê Lợi đường ngày Tự Do, là bến nước cầu ao, là bụi tre khẳng khiu gốc chuối xơ xác, là lộ đá khấp khểnh cầu khỉ lêu khêu … là … là … Y như người thi sĩ dày dạn phong trần đã nói … Ta chỉ năm dài một tháng tư !!! Y chang. Đúng phóc.
Xa quê rồi là thiếu mọi thứ mọi điều. Mà nguyên nhân rốt lại cũng chỉ từ một tháng tư. Tháng tư, năm đó!
Tháng tư vì vậy trong câu thơ không còn để gọi ngày kêu tháng, tháng tư ở đây là biểu hiện của một sự mất mát thường xuyên, một sự thất thoát miên trường. Hóa ra câu thơ là một lời tiên tri thấu thị. Ta chỉ năm dài một tháng tư. Hóa ra tháng tư là biểu hiện của một thứ hố-đen thăm thẳm, đã hút mất dìm sâu trong đó tất cả Sài-gòn, Huế, Nha Trang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, Rạch Giá, Cà Mau … đã lấp kín vùi sâu trong đó hết mọi nơi chốn ta đã sanh ra, đã lớn lên trong tay cha mẹ bế bồng, đã trưởng thành với ruộng lúa trổ đòng đòng, với tép tôm thịt cá ê hề, với gói xôi lá cẩm, viên chè xôi nước, ơ cá kho khô, dĩa tép rang muối … với lễ phép dạ-thưa, kính trên nhường dưới, với lời căn dặn lá-lành-đùm-lá-rách, với câu ca dao ngọt xớt, bài vọng cổ mùi rệu, điệu hát huê tình mộc mạc mà lẳng lơ hết mức lẫn trong tiếng ầu ơ êm ái như tiếng lá tre xao xác ngoài hiên … Còn nữa, còn cả một nền giáo dục nhân bản và khai phóng, dù chưa hẳn là hoàn mỹ, vẫn đủ chắp cánh cho tuổi trẻ miền Nam bay suốt những vùng trời kỳ ảo mà nhân loại đã nối tay khai mở, chẳng bù với lớp tuổi đồng lứa ở phía Bắc, bị bịt tai che mắt suốt hơn hai mươi mấy năm trời … Còn nụ hôn đầu vụng về lén lút, núp sau gốc me già … Còn nữa … Còn mớ sách vở từ ông bà rồi cha mẹ để lại mà trên từng trang giấy in đầy chữ nghĩa như thêu hoa kết bướm, chắt lọc từ bao nhiêu tinh hoa của dân tộc, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử… Mà làm sao kể hết, làm sao tính hết những của cải vật chất và tinh thần bị cướp giựt ngay từ khi giặc mới tràn về. Rồi làm sao nhớ hết những bỏ quên, những mất mát, những rơi rớt dọc theo bao dặm đường lưu lạc … kể từ sau cái tháng tư quái ác như trận nổ hồng hoang, xóa sạch hết mọi truyền thống nghĩa nhân từ thuở 18 đời vua Hùng lập quốc …
Và cứ như vậy, năm này qua năm khác. Năm khác nữa …
Tháng tư như một vết sẹo gần
Tưởng quên rồi lại bồi hồi nhớ
Khi máu trong tim vụt trở trăn …
Không phải không muốn quên mà sao cứ nhớ. Nhớ đêm thứ ba 29 tháng 4 còn ngủ vật vờ trong góc lớp trường xưa. Sáng thứ tư, ngày 30 bật dậy đời đã quay ngược, lộn đầu lộn đuôi, tốt hóa xấu, đúng thành sai, phải thành trái … Mọi chuyện y như một vở bi hài kịch mà tên đạo diễn bất tài, bất lực bỏ mặc cho đào kép sắm tuồng tùy tiện.
Không phải không muốn quên mà sao cứ nhớ. Nhớ phố xá bỗng đỏ lòm cờ máu, loa phóng thanh eo éo, kêu réo ỏm tỏi như quảng cáo cao đơn hoàn tán của mấy gánh sơn đông mãi võ, súng dài súng ngắn, nghễnh ngãng đầu đường xó chợ rồi chui tuốt vô nhà dân bất kể giàu nghèo sang hèn, thầy chú hay khố rách áo ôm …
Không phải không muốn quên mà sao cứ nhớ. Trọn bộ một nền văn hóa gia-tài-của-mẹ bị tom góp, hốt chụp tống lên xe cây đem chụm cho lửa-cách-mạng cháy phừng phừng. Hay để xứng đáng là đỉnh-cao-trí-tuệ bèn hè nhau chia chác cân ký bán ra chợ đời gói cá gói thịt …
Không phải không muốn quên mà sao cứ nhớ. Nhớ những trại tù mọc lên như nấm dại. Nhớ bàn tay trần rướm máu cào đất xẻ kinh. Nhớ đôi vai trần thay trâu thay bò kéo cày kéo trục. Nhớ những cơn bệnh ngặt nghèo không một viên thuốc đỡ đần. Nhớ những rào kẽm gai vắt vẻo xác người tù trẻ …
Không phải không muốn quên mà sao cứ nhớ. Nhớ sự nhỏ nhen hèn mạt của lũ người cùng máu đỏ da vàng, nuôi căm thù lẫn với ganh tị đem trút lên đồng chủng đã buông súng vì một lời hứa hẹn … hòa bình.
Nhớ bao nhiêu nữa cho vừa, những thứ chẳng có gì đáng nhớ.
………
………
Ờ mà cái bộ nhớ kỳ cục, toàn làm chuyện trái cựa. Chuyện ép nhớ thì không. Chuyện không nên thì nhớ. Y như lúc trong trại tù cải tạo. Người ta lặn lội từ Bắc vô Nam, dạy dỗ o ép đủ kiểu đủ cách, lắm khi hăm he hù dọa trói-tay-còng-chân-nhốt-conex đủ trò, cốt để biểu quên cho được cái đạo-làm-người, nhớ cho kỹ mấy lời bác-hồ-dạy … mà cái đầu cứ trơ trơ ra như gỗ đá. Quản giáo ngồi chồm hổm trên ghế đẩu, gân cổ như con két ba điều bốn chuyện về ba-giòng-thác-cách-mạng đang làm nổ tung quả địa cầu mà cái đầu mình thì cứ hết so đo với Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử của Nguyễn Mạnh Côn, rồi lại quay qua lơ mơ với Mười Đêm Ngà Ngọc của Mai Thảo. Kỳ thiệt há.
Chắc tại vậy mà gần năm mươi năm rồi, chuyện cũ cứ y nguyên không chịu mờ đi một nét, dù thiệt tình có muốn nhớ làm chi. Cứ y nguyên nỗi phẫn hận vì sự bội phản của đồng minh. Cứ y nguyên nỗi ê chề của thân phận nhược tiểu. Cứ y nguyên niềm uất ức vì sự nhẹ dạ của hai mươi mấy triệu người cùng một lúc đút đầu vào thòng lọng. Cứ y nguyên sự hỗ thẹn của một kẻ thất phu suốt mấy năm trời gần như đứng bên lề cuộc chiến, cứ an nhiên trèo lên bục giảng để ê a mấy cái chuyện trên trời dưới đất trong khi súng đạn, mã tấu, dao găm, mìn bẫy tù ngục … đang kề sát tận cổ. Cứ y nguyên hình ảnh thịt xương máu me be bét của bầy em nhỏ trường tiểu học Cai Lậy, sáng sớm đến trường lãnh nguyên mấy trái đạn súng cối của đám du kích bắn xong rồi bỏ chạy. Cứ y nguyên con đường quốc lộ số 1- đại lộ kinh hoàng – từng đám dân miền Trung khốn khổ, dắt díu nhau tay ẵm tay bồng, chạy trối chết xuôi Nam trong khi pháo chùm pháo chụp của những người lính Bắc Việt nã trên đầu họ từng tràng đạn bất kể. Cứ y nguyên hình ảnh người mẹ chạy giặc, cứ mải miết đút vú cho con bú mớm khi đứa con xác đã lạnh từ hồi nào. Cứ y nguyên … Cứ y nguyên … Y nguyên …
Thiên hạ đã bỏ công đếm tới đếm lui số người chết vì bom đạn trong suốt cuộc chiến bắt đầu ngay khi chữ ký hòa bình chưa khô mực ở Genève năm 1954. Người ta cũng bỏ lòng tính số người chết mất xác trên biển từ năm 1975 sau khi chữ ký hòa bình còn mới nguyên ở Paris năm 1973. Cộng trừ nhơn chia san qua sớt lại đã có đáng đủ chưa để dựng lên một đất nước kỳ quái như hôm nay mà nhân phẩm của con người bị coi như đồ xa xỉ, mà quyền sống của con người như món hàng mặc cả theo lợi lộc riêng tư của đám quyền thế, mà nhà cửa ruộng vườn của con dân bị cướp giựt bất kể tiếng kêu gào khóc lóc như mưa, mà sông hồ ao biển của tổ tiên dày công gầy dựng bằng mấy ngàn năm xương máu bị ngoại bang lấn chiếm mà chẳng dám một tiếng kêu ca … Mà … Mà … !!!!!!
Vậy đó biểu làm sao quên, biểu làm sao không nhớ ngày đó tháng đó, làm sao không nguyền rủa cái chuyện bày trò xương máu, giành giựt cho được mảnh đất quê mẹ vốn đã rách bươm để rồi thẳng tay cấu xé, chia chác, thẳng chân chà đạp, dày xéo cho tới nỗi mang danh là một quốc gia độc lập mà thiệt tình nếu gọi là độc … địa chắc chẳng sai chút nào. Nhất là cái điều mà không có một thống kê nào kiểm chứng được, đó là cái hồn tính dân tộc thể hiện trong từng tiếng dạ- thưa nề nếp, từng nếp văn hóa cổ truyền của một dân tộc đã chọn nhân nghĩa làm đầu, từng dấu phẩy dấu chấm trong câu văn câu nói đã thành tựu sau bao nhiêu vật vã thăng trầm, đến lối sống giản dị, chân thành, nặng tính cưu mang của xóm giềng lan rộng ra khuôn phép đạo đức ngoài xã hội … thử xét lại có còn phải là khuôn mẫu Việt Nam !
Cỡ này, lắm khi do vô tình hay sẩy tay bấm nút, thấy trên màn hình những tòa nhà cao ngất ngưỡng, những đường xá người qua kẻ lại chen lấn với xe cộ dập dìu, những quần áo lụa là kiểu cách tới độ hổng chừng đào kép ci-nê bên Tây bên Mỹ cũng nghệch mặt chào thua … xen lẫn với cách nói năng dẫu bằng chính thứ tiếng mẹ đẻ mà nghe ra lại ngờ ngợ như lỡ trệch đường vào một xứ nào lạ hoắc!
Sự giàu có của một quốc gia có chỉ tính trên nhà lầu chục từng, đường lộ chi chít, tượng đài ngàn tỷ, những con số thống kê ngụy tạo, những kế hoạch, báo cáo, chỉ tiêu đọc lên nghe dòn tan như bắp rang … hay là chính trên niềm tin và hy vọng vào tương lai của từng người dân và sự phân bổ đồng đều khả năng thực hiện hy vọng và niềm tin đó của từng cá nhân ? (**) .Hỏi, nhưng câu trả lời hẵn đã nằm sẵn trong mỗi tình cảnh hẩm hiu của đám dân đen bị dồn ra bên lề của con đường tiến lên thứ chủ nghĩa xả hội quái đản mà đám cầm quyền và bè đảng vẫn ra rả rêu rao.
Bởi vậy, 49 năm rồi, sao không quên đi cho thư thả. Lịch sử nhân loại cũng đã thay trang không biết bao nhiêu lần. Hiền nhân cứ hay khuyên bảo phải biết chấp nhận. Nhất là để cho yên ổn chính lòng mình. Được không ? Bỗng nhiên mang máng nhớ câu nói của một ông tây nào đó. Đại khái người ta có thể xóa dấu một tội ác, nhưng không bao giờ xóa sạch được vết tích tội ác đó trong trí nhớ của con người.(***)
Phải vậy không?
Sẽ đến một ngày, mọi lấp liếm rồi sẽ bị phơi trần dưới ánh sáng của công tâm. Như mặt trời làm tan hết mọi lớp băng, khi mùa xuân trở lại.
Ôi, tháng tư …
Cao Vị Khanh
——————-
(*) Thơ xuân đất khách- Thanh Nam
(**) Kinh tế gia người Ấn đoạt giải Nobel năm 1998 là Amartya Sen. Một cách tổng quát, Sen chủ trương đời sống của người dân không đo lường bằng tài sản mà bằng bất bình đẳng (inégalité) và khả năng hành động (capabilité). Một quốc gia, dù cho giàu có, phong phú tài nguyên mà người dân vẫn cảm nhận nghèo khổ, thiếu thốn, nếu sống trong một môi trường bất bình đẳng, bất an. Trái lại người dân một quốc gia kém tài nguyên mà vẫn có thể hưởng được một cuộc sống khả quan nếu chính phủ biết sử dụng khéo léo tài nguyên và nhân lực.
(***) -JF Sliwinski “Pardonner c’est pouvoir cicatriser une plaie mais la cicatrice ne s’ oublie jamais car on la voit chaque jour sur son âme” Tạm dịch: Tha thứ, là làm lành một vết thương nhưng vết sẹo còn đó mãi mãi vì người ta thấy nó hằng ngày trong lòng mình.