Cao Vị Khanh: Tháng Tư đọc lại Biên cương hành – Phạm Ngọc Lư

Tranh Đinh Trường Chinh

BIÊN CƯƠNG HÀNH

Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

Đây biên cương, ghê thay biên cương!
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khi đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hoá thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

Đây biên cương, ghê thay biên cương!
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
Gọi ai giữa sơn cùng thuỷ tận?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường!

Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.


5-1972

oOo

Biên cương biên cương chào biên cương 

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Bài hành bắt đầu bằng một tiếng chào. Tiếng chào câu hỏi từ muôn đời vẫn được coi là biểu tượng của sự quen biết, thân ái, mời mọc … Có ai mà chào người dưng nước lã. Hay có ai mà gật đầu chào một kẻ thù, một đối tượng sẵn sàng nuốt sống, ăn gan, uống mật mình đâu. Vậy mà Phạm Ngọc Lư lại gật đầu, lại vẫy tay chào… mối hiểm họa đang chờn vờn ngay… trước mắt mình. 

Biên cương biên cương chào biên cương 

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Dù vậy, nguyên câu thứ nhất  bảy chữ toàn vần bằng, mà hết sáu chữ là loại phù bình thanh. Giọng ngang ngang, không cao không thấp, nghe ra cái điệu khinh khỉnh… như chào mà không chào. Chào mà không lấy gì làm thân thiết, lại như có chút gì thách đố. 

Biên cương biên cương chào biên cương 

Thật ra, đã có thời, trên cái xứ sở khốn khổ của chúng ta, biên cương hay rừng núi hay thành phố hay đồng bằng, kể cả chợ búa hay trường học… đã có gì khác nhau đâu. Tất cả đã được người ta biến thành mọi bãi chiến trường. Ở đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể là trận địa, một khi lòng người đã bị nhuộm đỏ bằng sự cuồng tín và ngụy trá. Nghĩ vậy rồi, đọc lại câu mở đầu bài Biên cương hành mới nhận ra được hết sự cay đắng, niềm xót xa của một kẻ sĩ trót sanh nhầm-thế-kỷ. 

Ông tới đó, Củng sơn, một thị trấn hẻo lánh nằm dạt về phía biên giới Lào, nơi mà máu-đã-nuôi-rừng-xanh-xanh-ngắt-núi-chập-chùng-như-dãy-mồ-chôn. 

Hình dung một thế đất, bốn phía rừng núi vây quanh, chướng khí mù mịt, gió Lào thốc tháo, mà mỗi thân cây đã được vun phân bén gốc bằng máu me xương thịt của bao nhiêu trai trẻ được xua tới đó để giết người hoặc bị người giết. Điệp tự xanh-xanh (ngắt) sẽ tính ra bằng bao nhiêu cân lượng của bao nhiêu nấm mồ (kể cả không có được một nấm mồ) để dựng lên một phong cảnh núi rừng toàn bích!

Thử nghĩ coi, bài thơ được ghi làm vào tháng 5 năm 1972, lúc ông vừa 26 tuổi. Năm 72, mà trong bất cứ trí nhớ dù đã quá sức mòn mỏi của những người Việt miền Nam vẫn chưa bao giờ quên được. Cái gọi là chiến dịch xuân hè, người miền Bắc xua đại quân vượt sông Bến Hải, xé bỏ hiệp định Genève, công khai đánh phá khắp nơi. Bình Trị Thiên. Kontum. Peiku. Bình Long. An Lộc… trọn phần đất ở phía Nam vĩ tuyến 17 chìm trong đạn pháo mịt mù. Lính tráng hai bên, dân lành vạ lây chết oan như rạ. Năm đó Phạm Ngọc Lư hai mươi sáu tuổi. Và ông cảm khái làm Biên cương hành. Tuổi hai mươi, lứa tuổi vừa hết non nhưng chưa đủ dạn dày, lứa tuổi sắp sửa cho một lên đường hướng tới những phương trời cao rộng. Vậy mà người thanh niên đó đã bị chặn hết mọi ngõ ngách, mọ̣i hy vọng đã bị dìm chết, mọi dự phóng đã bị bóp nghẹt … bằng đủ thứ dã tâm ác ý nhằm dồn đẩy cho được tuổi trẻ bước lọt vào con đường một chiều … con đường sinh tử.

Nhà thơ Phạm Ngọc Lư (1946-2017)

Người thi sĩ đó, lớp tuổi trẻ đó đối diện tương lai mình với tâm trạng cay đắng cùng cực. Vậy còn lạ không khi ông viết

Biên cương biên cương chào biên cương|
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn

Lời chào như một tiếng cười mỉa, hay bi tráng hơn, một tiếng cười gằn, phẩn uất… của một kẻ giác đấu bị đưa ra đấu trường mà mọi vòng thành đã bít kín. Nghĩa là không có mảy may một chọn lựa nào khác. Hoặc chết. Hoặc sống. Chết! Hết chuyện. Sống? Đã hẳn là may mắn chưa sau khi mặt mày đã nám khói đạn bom, sau khi ngón tay trỏ đã tê điếng vì siết cò súng tới rướm máu? Câu hỏi trở nên vấn nạn bậc nhất cho cuộc chiến tranh tương tàn đó.  Người thanh niên miền Nam nước Việt sinh ra và lớn lên được nuôi dạy trong tinh thần khai phóng, nhân bản và dân tộc. Họ được dạy dỗ yêu nước thương nòi, quí trọng đồng chủng cùng giòng máu đỏ da vàng, họ được uốn nắn theo tinh thần nhân nghĩa ngay từ thưở còn ê a đánh vần từng chữ cái. Huyền thoại cái-bọc-trăm-con đã được giảng dạy hết sức ân cần để in sâu vào ý thức họ ngay từ buổi khai tâm. Lớn lên, hít thở không khí tự do – dù có còn hạn chế, họ vẫn có cơ hội tiếp xúc với mọi trào lưu tiến bộ của nhân loại về mọi mặt. Từ đó, tâm hồn họ trở nên giàu có, phóng khoáng, nhân bản … biết bao nhiêu. Do vậy, khi phải đối đầu với kẻ thù cùng màu da rõ ràng là một thách đố quá bất công và bất nhân của định mạng. Nghĩ lại coi, có phải. Bắn một viên đạn vào kẻ bên kia chiến tuyến là một việc làm chẳng đặng đừng trong khi lòng họ băn khoăn hết sức. Phía bên kia, ngược lại trăm phần. Lịch sử đã chứng minh triệu triệu điều như vậy.

Bởi vậy khi đối diện với thực tại của cuộc chiến tranh tương tàn đó người thanh niên miền Nam, người thi sĩ đó còn thái độ nào khác ngoài sự chấp nhận nó một cách… chua chát đến ngậm ngùi. 

Biên cương biên cương đi biền biệt. 

Chưa hết thanh xuân đã cùng đường. 

Trọn bài hành là một cực tả về tính chất vô lý đến bi đát của cuộc tranh giành xương máu đồng loại vừa qua, trải ra từ trái tim của một kẻ có lòng. Cái tuyệt vời là trong suốt 66 câu 7 chữ không có một chỗ nào để lộ ra sự phẫn nộ. Dù là người trong cuộc, chịu chung kiếp hẩm hiu, ông làm thơ với giọng điệu bi tráng, khẩn thiết mà trầm tĩnh, đau đớn mà không bi lụy. Cho nên dù âm điệu của bài thơ rất trung tính, người ta vẫn nghe ra từ đó tiếng kêu trầm thống của cả một dân tộc bị đọa đày, bị cấu xé, bị giành giựt đến tang thương bởi chính những kẻ cùng chung một nguồn gốc tổ tiên!!! Chữ chở nghĩa trọn tình, từ tốn mà thâm trầm hết mực. Ông không tả cảnh núi rừng mà thấy núi rừng phủ chụp như thiên la địa võng. Ông không tả cảnh sát phạt mà nghe ra như súng nổ đạn bay. Đọc thơ mà tai như nghe ù ù gió thổi, tưởng đâu hồn tử sĩ bay vật vờ trên bãi chiến còn úng khói.

Đây biên cương, ghê thay biên cương

Tử khí bốc lên dày như sương

Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu

Trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào rồi cũng sanh ra kẻ hèn nhát, người anh hùng. Nhưng cuộc chiến đó, qua hồn của kẻ sĩ làm thơ, không có mảy may vinh quang, mà chì rặt có điêu tàn. Không có người thắng kẻ bại mà chỉ rặt có nạn nhân. Những nạn nhân bị ném ra đất chết như vãi-đậu. Cái chữ nôm na mà ôi sao ai oán! Vãi đậu. Còn chữ nào tượng hình hơn cho cái chiến-thuật-biển-người đem nướng con đen trong lửa đỏ. Lính tráng được xô ra bãi chết như một lũ hình nhân được cắt bằng giấy không biết vui buồn, không có yêu thương hờn giận. Chỉ là một lũ hình nhân vô tri vô giác trong tay đám phù thủy núp kín dưới tầng tầng công sự, bị ném ra như vãi đậu để giành giựt cho được thứ tham vọng ngông cuồng. Nỗi cay đắng cùng cực của kẻ sĩ Phạm Ngọc Lư thể hiện rõ ràng trong hai chữ cho-rậm, ta về theo cho rậm chiến trường. Cho rậm, rậm đám … người ta hay nói vậy. Nhưng thường nói trong những cuộc vui. Ở đây, giữa cuộc chiến, lấy gì vui mà về-cho-rậm-đám. Nếu không phải  một nỗi bi phẫn cùng cực của một tâm hồn hết sức nhạy cảm trước nỗi bất lực của mình khi thấy chuyện bất nhân bày ra hằng giây hằng phút trước mắt mình. Ôi người thi sĩ tội nghiệp giữa một thời vô đạo. Người thi sĩ đó, kẻ đã được nuôi dạy trong không khí hoa lệ của văn học cổ điển, với những hồn thơ nhân bản tuyệt vời của một thuở Đường thi lộng lẫy đã đem cái phong cách trang trọng của thơ xưa vào thơ mình. Chữ nghĩa của ông cổ kính mà nhẹ nhàng, kinh điển mà phóng túng khiến cho bài hành vừa có vẻ xa xôi trang trọng mà lại gần gũi với người trong cuộc biết mấy. Bằng phong độ của một bậc thức giả và nghệ sĩ, ông đã phóng tầm mắt xuyên suốt cõi địa chấn để nhìn thấu qua rừng núi, cỏ cây, đất đá, đạn bom… cái bị che át bởi tiếng nổ, bị chôn vùi bởi đất đá cày xới, bởi đường mật tuyên truyền, bởi rù quến chủ nghĩa… cái thực ở đằng sau mọi giả trá, cái còn lại sau những nát tan… Ông đã thấy đằng sau những núi non trùng điệp bị nổ tung vì đạn mìn, đằng sau những thét gào say máu giữa khói súng và ánh thép loang loáng của dao găm, ông đã thấy ra cái không gian lặng ngắt sót lại, đã nhìn ra cái hình ảnh lạnh lẽo sau cùng, đã nghe ra tiếng kêu gào vô thanh của những… cô hồn, thêm nữa tiếng khóc lặng lẽ nuốt ngược vào lòng của những… cô phụ. 

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

Trơ vơ chớp núi đứng bồng con

Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

Đá vọng phu mọc khắp biên cương 

Ông thấy rõ ràng như một với một là hai, mà có phải ai cũng thấy ra những hồn oan vất vưởng, hay nghe ra tiếng đời vô vọng đó. 

26 tuổi. Đã đủ già chưa để cằn cỗi. Đã hết mơ mộng chưa để chai đá. 26 tuổi. Cái tuổi như hoa mới hết thời hàm tiếu mà chưa tới lúc mãn khai. Vậy sao nhìn ra chỉ thấy cái điêu tàn. Cái tuổi lẻ ra đang trên bệ phóng để nhắm tới tương lai. Cái tuổi đã được chuẩn bị để dành cho những hẹn ước. Vậy mà sao gần như con đường trước mặt đã bị phong tỏa kín bưng đến nỗi không dám nghĩ tới cả một lời hẹn ước. 

Thôi em, sá chi ta mà đợi

Sá chi hạt cát giữa sa trường

Sa trường anh hùng còn vùi dập

Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

Thương cảm và trân quí biết bao nhiêu tâm hồn thi sĩ đó. Ông làm thơ không phải cốt để tả cái chon von của núi cao, cái thăm thẳm của rừng già, cái hiểm hóc của hang động, cái ngặt nghèo của đèo cả, ông làm hành để nói lên cái oan nghiệt của chiến tranh, cái chờ đợi vô vọng của những người cha người mẹ có con cái bị xua vào chỗ chết, của những người con gái có tình nhân thất hẹn, của những người vợ có chồng bị ném như vãi đậu vào cuộc bắn giết hung tàn. Bài hành như một dấn thân vào phía mặt thật của chiến tranh bị che giấu, bị tô vẽ bằng những ngôn từ hoa mỹ. Ở phía đó, hoàn toàn không có gì hết, không tiếng gầm của bom đạn, không có tiếng thét của trái tim búng máu, không có tiếng la của da thịt rách nát… Ở đó là một sự im lặng tuyệt cùng, im lặng tuyệt đối. Ở đó là tiếng kêu không vuột ra được khỏi hai bờ môi. Ở đó là cặp tròng ráo hoảnh không còn đủ một giọt nước mắt chảy xuôi. Ở đó là cái lỗ trống khủng khiếp của người mẹ mất con, của người vợ mất chồng, của đứa con mới lọt lòng đã mất cha… Cái thấy của ông khác với cái thấy của những bản tin chiến sự, khác với cái thấy của xảo ngôn ra rả trong những tuyên ngôn tuyên cáo. Cái thấy của ông là cái thấy của con-mắt-trông-thấu-cả-sáu-cõi*. Thơ của ông được làm ra từ những-giọt-máu-chảy-ở-đầu-ngọn-bút *. Cho nên, mỗi năm đến tháng tư, lục ra đọc lại Biên Cương Hành lại nghe như có giọt nước-mắt-thấm-trên-tờ-giấy* khi người thi sĩ ấy vẩy bút làm thơ…

Quả vậy, nói được gi thêm nữa. Hành được làm bằng hết tài hoa bút mực và tấm lòng mẫn cảm đến muôn đời. Hồn thi sĩ rướm những giọt máu còn rây rớt trên từng ngọn cỏ lá cây, trây trét trên đất đá vô tri, từ mươi năm trước, từ hôm qua, mà hôm nay, mà ngày mai… vẫn tiếp tục thấm máu của bao nhiêu trai trẻ bị xô đẩy tới đó để tiếp tục giết nhau, giết nhau tận tình như những kẻ cuồng sát dù trong lòng họ không thiếu nỗi bi thương. 

Cho nên, ở đó giữa núi rừng cô tịch, ông thấy từng đoàn cô hồn kéo đi lũ lượt. Những cô hồn giận dữ!

Cô hồn một lũ nơi đất trích

Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng

Chém cây cho đỡ thèm giết chóc

Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

Rừng núi cô tịch có gì vui sao kéo nhau vào đó mà tan thây nát thịt. Có nghe chăng tiếng hát ngông cuồng bi thiết của lũ người bị lừa gạt bị dụ dỗ bị mê hoặc mà ném thân vào hiểm địa làm mồi cho súng đạn vô tình. Ai nghe được tiếng kêu uất hận đó ngoài người thi sĩ đang độ tuổi đôi mươi. Và ai ngoài ông để cảm thông được nỗi ai oán của những người trẻ chết trận mà chưa một lần được nếm chút hạnh phúc trần gian. Chữ nghĩa được chọn lọc tinh tế mà không lộ chút kỹ xảo. Phạm Ngọc Lư đã sống tận tình kiếp sống của người trong cuộc. Hẳn, ông đã không ngại dấn mình vào chỗ thâm sơn cùng cốc đó để nghe cây rừng rùng mình, đề nghe đất đá run rẩy… sau mỗi bận súng đạn gầm thét. Mà chắc phải vậy, phải tận mắt cảnh núi lở đèo nghiêng, đất đá nát ngấu, rừng cháy tan hoang bỏ trơ cây cối cụt đầu, hầm hố chằng chịt … mới cảm ra được sức tàn phá đó nổ banh trên thịt xương người ra sao, mới nhận ra được lửa nướng cháy da người khét lẹt thế nào, mới nghe được tiếng kêu thất thanh xé ruột làm sao khi lưỡi dao bén ngót đâm lút vào thân xác. Phải ở đó, mới nghe ra được tiếng gọi từ thăm thẳm của cả một lớp trẻ đương tuổi yêu đời yêu người mà bị bức tử đoạn đành.

Chiều hôm bắt tay làm loa gọi

Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?

Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?

Ai người thiên cổ tiếc máu xương?

Tiếng gọi u uất nghe đến nát lòng. Mà rồi tiếng gọi cũng chỉ rơi vào cõi vô vọng. Như triệu triệu tiếng kêu đòi khác, vẫn rền rĩ, từ tiếng súng đầu tiên phát nổ … 

Chẳng vậy, mà bao nhiêu năm qua, vẫn còn nguyên tiếng gọi giải oan cho bao nhiêu người đã chết, chết mà không biết vì sao mình chết, chết mà lịch sử bị đẩy cho quay ngược lại vòng quay, mà đất nước đi ngược lại chiều tiến bộ, mà năm này sang năm khác, đất nước trở lại y nguyên cái tình trạng từ thời người ta xua con trẻ đi làm chuyện … giải phóng. 

Hãy đọc lên thành tiếng thêm một lần, 6 câu cuối của bài thơ để nghe lại hết nỗi oan khiên của nguyên mấy thế hệ bị hy sinh cho một chủ nghĩa bất cận nhân tình. Đọc lên thành tiếng để nghe dội lại tim ta tiếng kêu thương của từng lời kinh khổ

Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

Hai mươi mấy tuổi đời của những năm 60, 70 … hay xa hơn nữa từ những năm 30, 40, 50 … thử nghĩ lại, đã có khi nào, trên mảnh đất gầy còm hình chữ S, mà tuổi trẻ Việt Nam được sống yên lành đề dự phóng tương lai cho chính mình và đồng loại mình. 6 câu thơ cuối, Phạm Ngọc Lư làm cho ông, cho thế hệ ông và cho cả bao nhiêu người tuổi trẻ trước ông, kể từ khi có một lũ người đi vay mượn thứ chủ nghĩa ngoại lai và không tưởng đem về bày trò giết chóc đề̉ áp đặt lên quê hương. Từ đó, súng nổ, dao đâm, dìm nước thả trôi sông… từ đó, tang thương… từ đó, đoạn trường… từ đó…

Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương

Từ đó một hẹn thề là trăm lỗi hẹn, có một hạt giống gieo là đã cả vườn cây cháy rụi, một đứa bé ra đời là đã bao nhiêu trai trẻ bỏ xác góc núi bìa rừng. Bởi vậy, đến một lúc, ngay cả đương tuổi thanh xuân, người ta cũng bỏ mặc buông xuôi, như thể mọi vẫy vùng đều vô ích, mọi phản kháng đều bất khả.  

Hề chi! buổi chinh chiến tang thương

Hề chi! kiếp cây rừng đá núi 

Hề chi! Sá chi! Mặc kệ! Những tán thán từ người ta chỉ dùng đến khi bị dồn vào đường cùng. Ờ, mà tuổi trẻ Việt Nam thời đó, thời của những biên cương rào kín lòng người, thời của súng đạn ngoại bang được nhét vào tay, thời của mắt bị bịt kín… rồi bị xô bị đẩy bị lùa từng đoàn từng lũ vào eo chết thì… nếu không … hề chi, sá chi… thì cũng có làm gì hơn được!

Hề chi! kiếp cây rừng đá núi

Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương 

Hề chi! Hề chi! Tán thán tự được lập lại hai lần phải chăng để hình dung hai cánh tay buông xuôi, bỏ mặc, khi người ta đã ở chỗ cùng đường, tuyệt lộ. 

Biên cương hành. Đọc lại mà sống lại cùng ai nỗi đoạn trường!

Chính vì vậy, mươi năm trước đọc qua đã ngậm ngùi, bây giờ đọc lại còn nguyên cơn đau thắt ruột với vẫn nguyên nỗi cảm phục nét tài hoa tót chúng. Rõ ràng, đọc lại Biên Cương Hành, thấy nguyên vẹn nỗi oan ức của hàng đoàn hàng lũ cô hồn cô phụ đi vất vơ cạnh bên phía lề oan trái của lịch sử.  

Hành. Loại thơ sủng ái của những bậc tài tình thiên cổ lụy. Chữ cuồn cuộn như nước đổ trường giang. Ý tiềm ẩn như rồng thiêng thấy đầu mà không thấy đuôi. Chính vì loại thơ vừa lề luật vừa phá thể khiến cho người làm thơ mặc tình phóng bút. 

Trong tay bậc tài hoa, hành làm … thốn tâm thiên cổ. 

Cho nên, đọc hành làm sao mà không thấy dạ mang mang. Nay-đời-xa-người-khuất, đọc hành Phạm Ngọc Lư như thấy lại lòng mình, làm sao không cảm khái đến trăm nỗi xót xa. Xót xa cho đời. Xót xa cho người.

Xót xa cho vận nước.

Hành. Đổ Phủ. Bạch Cư Dị. Lý Bạch … Rồi Thâm Tâm. Nguyễn Bính. Thanh Nam. Tô Thùy Yên. Viên Linh… Và Phạm Ngọc Lư. 

Vâng. Và Phạm Ngọc Lư. 

Cao Vị Khanh. 

* như một lời đã hứa -chữ của Mộng Liên Đường chủ nhân