Cao Vị Khanh: Tháng Tư – Tháng thầm
Ờ thì tôi muốn viết một điều gì đó cho em, khi tháng tư đang lật bật sắp hết và những hàng phố quanh đây đang háo hức bày bàn ghế ra vỉa hè. Rồi thì trên trời những đám mây xám thôi không còn dậm dật những hột tuyết cuối mùa. Hoa xuyên tuyết đã rút ngược vào lòng đất và những đóa uất-kim-hương nở sớm, bụ bẫm như gò má bầy con nít sổ sữa. Rồi thì những tia nắng sẽ dài hơn, trong trẻo hơn và nồng nàn hơn trên những lọn tóc thả rối, nâu sẫm, vàng hoe hay ưng ửng đỏ… Rồi thì người ta sẽ thi nhau kéo ra đường, phơi trần những cánh tay, những bờ vai, những thuôn lưng mặc kệ những con mắt suồng sã… Những cặp tình nhân sẽ ríu rít như chim, thả lang thang hay ngồi lơ mơ quanh những bàn cà-phê để nói huyên thiên hay để không nói gì hết – nói gì nữa khi người ta đang có nhau trong mắt trong tay và nhất là trong tấm lòng đang vui như mở hội … Chiều qua tôi đã thấy cặp bồ câu trắng trở về đậu lại trên nóc nhà thờ đỏ ở cuối con dốc có hàng cây bạch dương đang nhú lá xanh non, phải là cặp bồ câu từ năm trước hay chỉ là một lứa đôi mới bạn bầy, rủ rỉ rỉa lông rỉa cánh cho nhau, như xuýt xoa lắm về cái mùa đông vừa hậm hực bỏ đi…
Vậy thì còn điều gì để nói về cái tháng tư sắp sửa đi qua, khi lòng tôi lại cứ loay hoay với những hồi tưởng buồn bã…
Ờ thì có nhiều điều muốn nói, rất nhiều điều, dù tôi biết có nói triệu điều cũng không thay đổi được gì nữa……
(dù từ đầu xuân mươi năm trước, trong cái chộn rộn của trời đất chuyển mùa, tôi đã hứa với em, như hứa với chính tôi, sẽ rất biết điều với mọi sự đổi thay)
Vậy là tôi lại lần nữa thất hứa với em. Thì thôi có hề gì những lời hứa đâu em. Như chính cái tháng tư và những bội phản của nó.
30-4-1975…
… đã vài chục năm qua…
Buổi sáng tháng tư này, sao bỗng nhiên tôi phát giận vu vơ. Ở bên kia đường, chỗ có một góc công viên nhỏ, những người làm vườn của thị xã
đang hốt dọn rác rưới, gom quét lá mục, cắt tỉa nhánh khô, sửa sang mấy sợi giây đu cầu tuột. Họ làm một cách nhẩn nha, chậm rãi, vừa làm vừa hút thuốc, lơ đãng đến độ mấy con sóc nhỏ cũng chẳng thèm để ý tới, cứ thập thò nhảy nhót ra vào mấy lùm cây vạn niên thanh. Không khí gây gây mùi tuyết tan, lẫn trong mùi cỏ chết, mùi đất cũ dậy hơi ủ mốc lâu ngày cộng thêm mùi nhựa non hơ hớ như cứ chực trào ra khỏi kẽ lá. Vậy mà tôi phát giận vu vơ. Vu vơ đến nỗi không hẳn là cơn giận. Dường như là một nỗi cay đắng thì đúng hơn.
Đêm hôm trước tôi mới nói chuyện với người anh ruột đã gần 80, nguyên là môt sĩ quan của quân đội miền Nam, đã chiến đấu như một chiến-sĩ, tù tội như một kẻ-sĩ, và gần hai mươi năm nay, trên phần đất chạy chết ông đã sống như một nhà tu cấm phòng. Mọi thở than, trách móc, đổ thừa, biện giải, phân bua, đều không cần thiết… Trong đêm, ở bên kia đường giây viễn liên, ông đã đọc cho tôi nghe mấy câu thơ của Alfred de Vigny, giọng đã thầm nhưng tiếng còn đãi trọng từng chữ.
À voir ce que l’on fait sur terre et ce qu’on laisse
Seul le silence est grand; et tout le reste est faiblesse
Seul le silence est grand. Chỉ có sự im lặng là lớn lao.
Thì chính vì cái IM LẶNG LỚN đó, buổi sáng tháng tư này, tự nhiên tôi thấy mình bèo bọt đến phát giận. Không, chua xót thì đúng hơn. Anh em tôi, bạn bè tôi, những con chốt sang hà của cái bàn cờ thí.
Tôi sẽ nói gì thêm với em, buổi sáng tháng tư này, trời xanh cao trong vút, chim chóc tung hê cánh lượn, cây cối hoa lá tung hê nhựa sống, đường phố quét dọn sạch trưng… và tôi, tôi thì thúc thủ như một tên du thủ hết thời (đã có lúc tôi thèm hết sức được đập phá tung hê hoặc ít nữa được bắt chước một nhân vật của Kim Dung để ngửa mặt lên trời mà xắn xả … lão-tặc-thiên!) Nhưng để làm gì em hả, những lời than van, cầu khẩn hay nguyền rủa…
Có còn lại không, sau hết, cũng chỉ là tiếng kêu thống thiết trong cái im ỉm bí ẩn của kiếp người.
Tôi sẽ nói gì thêm với em sau buổi nói chuyện sáng hôm nay với người bạn cũ ở một thành phố nhỏ bên rìa Nữu ước. Từ nhiều năm nay, ở xứ người, ngay trong sự hạn chế đến tội nghiệp của sinh hoạt nghệ thuật lưu vong, anh vẫn tiếp tục xông pha giữa trường văn như con ngựa chứng của thời tuổi trẻ xông pha giữa trận mạc. Viết văn, làm thơ, in ấn… mặc kệ vó câu đã có triệu chứng chùn mỏi của một con ngựa già ở cuối những dặm hành. Mặc kệ cái đời sống cùn mằn quanh quẩn, ngày đêm sớm tối giữa phố xá ì ầm và tiếng đời ì xèo, giữa những tranh sống ti tiện và những tranh cãi chí chóe, anh vẫn cưởi hồn-thiên-lý-mã… Sao sáng hôm nay tự dưng tôi nghe ra đằng sau giọng cười khinh bạc đó, một chút gì đó, não nề. Tại có sự trùng hợp bất ngờ của ngày tháng? Tại tôi tưởng đã quên mà vẫn nhớ? Hay tại cái hình ảnh so sánh tình cờ mà sao hiện thực quá đỗi? Ờ thì những con ngựa! Những con ngựa đã tung vó câu mãi miết qua cánh đồng thanh xuân mình, bất kể. Những con ngựa đã nám mình qua vòng gai lửa, đã phỏng móng trên những bãi chiến ngút khói, đã bị tròng xiềng xích trong những chuồng giam hôi thối …và đã hơn một lần, hất tung hai vó lên trời hí tiếng oan khiên.
Em thấy không, còn cái hình ảnh nào bi tráng hơn, để nói về những người anh của tôi, những người bạn của tôi, trang lứa tôi trong buổi sáng tháng tư này?
Ở trong tận cùng niềm im lặng lớn đó, em có nghe chăng tiếng hí thảm thiết của bầy ngựa Hồ mỗi kỳ cơn bấc thổi.
49 năm. Thời gian đã đủ lâu để xếp lại một trang sử, dù đó là trang oan ức nhất của suốt dòng lệ sử. Người ta đã kể với tôi về những mồ mả bị đào xới, những thương phế binh bị bạc đãi và hàng triệu điều oan ức khác, ở đó. Những chuyện nghe ra chỉ biết ngậm ngùi về giá trị của một chiến thắng!
Ở đây, người ta đã kể, đã viết, đã phân tích, đã giải bày… chiến lược chiến thuật chính trị xã hội … đủ thứ bởi-tại-vì…. Có triệu điều đã nói. Nhưng có điều nào nói đến chưa cái niềm-im-lặng-trầm-thống của bầy ngựa già thất tán đang phóng mình vào những dặm chót của cuộc lữ đoạn trường.
Ở đằng sau những vinh quang và tủi nhục, ở đằng sau những cái chết và những phế tật, ở đằng sau những con số thống kê cộng trừ nhân chia… còn bao nhiêu điều không đếm được. Sẽ không bao giờ đếm được những vết thương chưa từng chảy máu, những vết thương tâm linh còn đó, đã không lành.
Những người lính Mỹ, sau hai cuộc chiến ngắn hạn ở vùng vịnh, trở về nước với vòng hoa chiến thắng đã hô hoán lên về những cơn ác-mộng-hậu-chiến. Thử nghĩ đến những người lính đã chiến đấu đến già đời trong một cuộc chiến nhùn nhằn, năm này sang năm khác, mọi phản ứng tâm sinh lý đã bị chiến-tranh-điều-kiện-hóa… cộng thêm với thời gian tù đày không bản án trong những trại giam khổ sai… cộng thêm cuộc sống vất vưởng khi trở về lại trong một xả hội đã đổi chủ… cộng thêm sự ngỡ ngàng khi tìm sang đất mới lúc tuổi đời không còn trẻ nữa, sức lực trí óc đã tàn phai. Thử nghĩ đến… Thử nghĩ đến…
Trong tác phẩm Exodus của Léon Uris, có một nhân vật… thằng bé Do Thái gốc Ba Lan lẩn trốn một mình dưới những cống rãnh của thành phố Varsovie sau khi chứng kiến tận mắt cảnh toàn thể cha mẹ anh em thân quyến bị bắt và đưa vào lò thiêu… Một mình, mười mấy tuổi, đói, rét, xanh xao, gầy gò, lẩn lút như một con chuột, ban ngày chui rúc trong những lỗ hang ẩm ướt hôi thối, ban đêm ló ra lục lọi thức ăn trên những bãi rác mênh mông của thành phố… Vậy đó suốt cuộc chiếm đóng dằng dặc của đám quốc xã Đức… Bao nhiêu ngày? Bao nhiêu đêm?… Rồi nó được giải cứu… khỏi cái nhà ngục kẽm gai và hầm hố nhưng không khỏi cái nhà ngục tâm linh. Nó mắc một chứng bệnh lạ. Bệnh buồn. Mọi cố gắng chữa trị (sinh lý, tâm lý) đều vô hiệu. Bệnh buồn. Càng lúc nó càng chìm sâu vào một nỗi buồn kỳ lạ… Nỗi buồn như một rào chắn vô hình ngăn cách nó với thế giới chung quanh. Tệ hơn nữa, nó chỉ thấy an bình trong cái cõi quạnh hiu của riêng nó… Bệnh buồn.
Tôi đã gặp những người lính già, buổi sáng buổi trưa buổi chiều buổi tối nơi những quán cà-phê lề đường, đâu đó giữa một góc phố lạ, ngồi một mình hay năm bảy, lơ đãng ngó trời đất hay chuyện trò nọ kia… mà làm gì đi nữa, từ trong con mắt lạc thần, vẫn còn nguyên đó… một nỗi buồn.
Tôi đã gặp những người lính già, ban ngày thở dốc lê lết trong những xưởng thợ ám bụi, ban đêm gò mình trên những phiếm chữ gỏ lốc cốc những hoài niệm, những vọng tưởng, những thê thiết cũ, những tha thiết mới… để gởi đi… Gởi đi đâu… ?
Buổi sáng tháng tư này em, những sợi giây tơ giữa lòng tôi bỗng chùng điệu oán.
Không phải ai cũng muốn mang lấy cho mình nghiệp chướng. 49 năm chừng đủ chưa sau khi đã tự nhận lấy phần trách nhiệm của mình trong cơn đọa lạc chung. Im-lặng hay lên-tiếng-ngay-thật cũng chỉ là sự chọn lựa cuối cùng rất trân trọng của kẻ sĩ trầm luân. Có điều đáng nói là giữa cái thế giới thờ ơ đến lạnh tanh đây đó, mọi sự xem như đã an bày đến đáng ghét. Những ngày những đêm đối lòng diện bích hay trải lòng nhỏ máu ra năm đầu ngón tay, anh em tôi bạn bè tôi càng lúc càng thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Câm nín thì đã đành. Mà lên tiếng rồi cũng chỉ như nói giữa thinh không. Đã có mấy ai chạnh lòng thấm khô cho những giòng hãn mã.
Ta sống sót nghĩ thương trời đất rộng. Giữa triều lên, giáp nước, quạnh hiu dầy. Ngó quanh quất, bỗng tuôn hàng lệ mỏng. Còn ai không, ngồi nhắc chuyện thề phai.
Thật ra tôi có muốn làm buồn lây em đâu, em và cái tuổi lưng chừng, gạch nối giữa đám trẻ lớn lên thành đạt ở xứ người, xa lạ với chính cội nguồn của họ. Và đám cha chú đã đánh mất tuổi trẻ ở xứ mình, lại quá quen thuộc với những gì đã bỏ lại.
Nhưng ít ra, ít ra em cũng có nghe được tiếng vó câu buồn bã đó, phải không?
Thì cũng xin cám ơn em, buổi sáng tháng tư này.
Hãy phóng nước đại tiếp đi những con chiến mã bất kham, mặc kệ cái nẻo hư vô chờn vờn trước mặt.
Cao Vị Khanh