Chu Tuấn Anh: Thương chiến: Những kẻ đơn phương sẽ đánh mất thế giới
…Chúng ta đang dần mất đi vị thế trong một trật tự đa phương sắp hình thành, được thúc đẩy bởi sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đồng thời cố gắng tìm kiếm thị trường thay thế Hoa Kỳ trong khi từ chối tiến trình dân chủ hóa. Liệu có phải, hai tín đồ của chủ nghĩa đơn phương – một quốc gia lớn tự cô lập mình và một quốc gia nhỏ cần thế giới nhưng kiên quyết bác bỏ dân chủ, nhân quyền, những giá trị đã trở thành chuẩn mực toàn cầu – việc cố gắng thuyết phục nhau chỉ là một hành động vô ích, bế tắc mà thôi?
***
Thiệt hại thương chiến gây ra dường như không thể đảo ngược
Vào ngày 4/4, Donald Trump tuyên bố đó là ngày giải phóng nước Mỹ và cam kết đưa ngành công nghiệp cùng các công việc gia công trở lại Hoa Kỳ. Ông dự định thực hiện điều này thông qua kế hoạch áp thuế quan đối với hàng loạt đối tác thương mại, trong đó Việt Nam phải chịu mức thuế 46%. Tất nhiên, lãnh đạo chế độ Cộng sản Việt Nam (CSVN) cũng nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng của quyết định này, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc hơn 200% vào ngoại thương. Các mặt hàng linh kiện – điện tử sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này hoặc rời đi, hoặc thu hẹp sản xuất và ngừng đầu tư thêm. Bên cạnh đó, các ngành dệt may, da giày, đồ nội thất, đồ gỗ và phụ tùng cũng sẽ lụn bại. Đây đều là những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động (labour-intensive) và có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước. Tình trạng ế ẩm có thể dẫn đến phá sản hàng loạt, khiến người lao động mất việc làm. Đó thực sự là một thảm họa mà chúng ta đều không muốn, nhưng nó chỉ là một cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của một chế độ tham nhũng và một mô hình kinh tế thất bại mà thôi.
Chế độ cũng rất rốt ráo để tái đàm phán với Hoa Kỳ. Ông Tô Lâm đã trực tiếp gọi điện cho Donald Trump và cam kết sẽ giảm thuế quan của Việt Nam xuống 0% nhằm đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lập tức lên đường sang Hoa Kỳ để tiến hành đàm phán. Trump cũng có một tweet cho rằng cuộc nói chuyện rất “hiệu quả, và cảm ơn Việt Nam”. Tuy nhiên, với sự hời hợt của Trump và một chính quyền tạp nham ông ta mang về thì một sự phấn khích khi nghe những lời đường mật của quan chức chế độ không có gì là lạ. Để rồi họ sẽ khám phá ra rằng thực ra Việt Nam cũng không thể cân bằng được, dù là một phần nhỏ, thặng dư thương mại khoảng 123 tỷ đô la. Việt Nam có thể mua nông sản, và một số người cho rằng việc gỡ bỏ thuế quan sẽ cho phép Mỹ xuất khẩu cả những chiếc ô tô giá rẻ. Tuy nhiên, không rõ liệu việc mua những mặt hàng này có mang lại giá trị vượt quá 3 tỷ USD hay không. Dù thế nào đi nữa, con số đó cũng chỉ chiếm một phần nhỏ và không thể bù đắp hoàn toàn. Bên cạnh đó, điều này cũng sẽ gây khó khăn cho chính nông dân trong nước, cũng như ảnh hưởng đến VinFast của Vingroup, vốn đã gặp nhiều khó khăn và chỉ trông chờ vào doanh số bán xe tại thị trường Việt Nam để duy trì hoạt động. Một mặt hàng chế độ cũng cam kết là mua máy bay Boeing. Nhưng thực sự thì nó cũng chỉ như một đơn hàng trả góp dần và cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc cân bằng cán cân thương mại và cũng không cần thiết với Việt Nam hiện tại.
Với mức thâm hụt thương mại hơn 100 tỷ USD (tương đương 25% GDP của Việt Nam), việc ép Việt Nam phải cân bằng thặng dư với Mỹ là một yêu cầu quá đáng, khiến bất kỳ cam kết hay hứa hẹn nào cũng trở nên khó khả thi. Nhiều khả năng chính quyền Mỹ sẽ không từ bỏ thuế quan đối với Việt Nam. Trong trường hợp may mắn nhất, họ có thể đàm phán để giảm thuế xuống mức 30%, nhưng ngay cả như vậy, những thiệt hại nghiêm trọng vẫn sẽ xảy ra. Bởi lẽ, Trump và những người ủng hộ ông ta, dù ban đầu có thể tin tưởng vào các cam kết, sẽ sớm nhận ra thực tế khi các chuyên gia chỉ ra rằng những thay đổi này sẽ không mang lại tác động đáng kể.

Thương chiến sẽ tàn phá một nền kinh tế bị vốn đã bị thực dân
Dù sao, tôi cũng thấu hiểu những khó khăn này, vì cuộc chiến thương mại sẽ tàn phá nền kinh tế đất nước và gây tổn hại cho người dân Việt Nam. Tuy nhiên, liệu còn cách nào khác khi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhiều lần cảnh báo chính quyền về sự phụ thuộc quá mức vào ngoại thương? Trước tình trạng điên loạn của thế giới hiện nay, chúng ta cũng trở thành nạn nhân vì đã không có sự chuẩn bị nào. Điều đáng nói hơn là, trên thực tế, người dân Việt Nam không hưởng được nhiều lợi ích từ một nền kinh tế quá phụ thuộc vào ngoại thương như hiện nay. Đúng là điều này đã thu hút một lượng đầu tư FDI khá lớn, nhưng trên thực tế, chất lượng của nguồn vốn FDI này không cao (điều mà Tô Lâm cũng đã phải thừa nhận). Nền kinh tế chủ yếu được duy trì bằng mức lương rẻ mạt của người lao động, trong khi các doanh nghiệp FDI nước ngoài độc chiếm chuỗi cung ứng, tìm mọi cách để né thuế và không đóng góp nhiều giá trị cho nền kinh tế nội địa. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước hầu như không có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, nếu không muốn nói là bị gạt ra ngoài hoàn toàn. Cũng cần phải làm rõ rằng một phần lớn kim ngạch ngoại thương có được là nhờ hoạt động gia công cho Trung Quốc, giúp họ lách thuế quan. Như vậy, thực chất chúng ta đang cầu cạnh và van xin Mỹ xem xét lại thuế quan không phải để cứu nền kinh tế trong nước, mà để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất của Mỹ hoặc nước ngoài, cũng như hàng hóa của Trung Quốc. Một nạn nhân của sự thực dân về kinh tế nay phải cầu xin ông chủ mở cửa cho mình một con đường sống. Họ phải cảm thấy đó là một sự xúc phạm rất lớn! Nhưng chúng ta còn làm được gì ngoài chịu nhục? Thiệt hại trước mắt là sự thiếu rõ ràng về chính sách, cùng với sự hoang mang, điều này sẽ gây ra những đổ vỡ ban đầu. Về lâu dài, thiệt hại do tình trạng ế ẩm hàng hóa và thất nghiệp sẽ khiến cuộc khủng hoảng kinh tế, vốn đang diễn ra từ từ, bước vào một giai đoạn cấp tính. Dù vậy, chế độ vẫn xa rời thực tế khi vẫn đòi tăng trưởng 8% cùng những khoản đầu tư công hàng chục tỷ đô la mà họ không có.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu gia tốc một trật tự đa phương
Tuy nhiên, trong một cơn điên về thương mại thế giới, chúng ta cũng sẽ chứng kiến một sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng toàn cầu như một hệ quả của thương chiến, khi Mỹ đã đặt bức tường thuế quan lên họ và buộc các doanh nghiệp đa quốc gia và các nước phải tìm thị trường tiêu thụ thay thế. Điều đầu tiên cần phải nói là cuộc chiến tranh lạnh về thương mại là có hại. Thương mại tự do là một sự tiến bộ vì nó cho phép phân chia lao động và vai trò sản xuất theo từng đặc điểm và trình độ các quốc gia. Nhờ đó, giá cả của sản phẩm (output) trở nên rẻ và góp phần mở rộng thêm thị trường tiêu thụ và tạo ra phát triển kinh tế. Ngược lại, thuế quan là một xu hướng có hại vì nó nâng cao vật giá và khiến thị trường tiêu thụ co lại. Và trong bối cảnh hiện nay, dù nó có hại cho cả thế giới, nhưng Hoa Kỳ sẽ là một người chịu thiệt hại chính. Thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đã tụt dốc nhanh nhất trong các nền kinh tế lớn.

Trong một trật tự đa phương, nếu có những bất công trong thương mại hoặc vấn đề phức tạp, thì chúng cũng phải được giải quyết trong các diễn đàn đa phương, thay vì áp đặt một cách đơn phương. Tôi luôn cho rằng xu hướng chiến tranh thương mại nó sẽ chỉ là ngắn hạn, để rồi thế giới nhìn lại như một cơn điên của Hoa Kỳ khi từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới của mình. Hơn nữa, trong trường hợp xấu nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 2%, nhưng điều này cũng không dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế. Nếu Việt Nam rơi vào suy thoái trầm trọng, thì đó là do chính quyền đã quá yếu kém và không có sự chuẩn bị cần thiết.
Dù những tác động tiêu cực và bồng bột diễn ra trong ngắn hạn, chúng vẫn sẽ dẫn đến những chuyển biến lâu dài. Các quốc gia và tập đoàn đa quốc gia như tôi đã nói ở trên sẽ đi tìm thị trường tiêu dùng thay thế để giảm ảnh hưởng vào thị trường của Mỹ, dựa trên tinh thần 80% vấn đề thương mại thế giới không liên quan trực tiếp đến Hoa Kỳ (hoặc không phụ thuộc vào sức mua của Hoa Kỳ), và Hoa Kỳ đã không còn là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nền kinh tế mới nổi. Chúng ta cũng cần nhớ việc là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và cho phép thâm hụt thương mại thực ra là một vấn đề có lợi cho Hoa Kỳ chứ không có hại như họ đã nói. Các doanh nghiệp startups cùng một nguồn nhân tài sau một thời gian định hình tại châu Âu hoặc các quốc gia bản địa, họ chọn sang Mỹ để tiếp cận một nguồn thị trường rộng lớn hơn (customer base). Và một thị trường rộng lớn với sức mua mạnh mẽ khiến Mỹ trở thành điểm thu hút của một nguồn FDI và các doanh nghiệp startup khổng lồ. Nếu họ cảm thấy bị lợi dụng và gây ra thương chiến với thế giới, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tự chấm dứt vai trò, đặc quyền và vị thế của mình.
Các nền kinh tế mới nổi và phát triển sẽ phải đẩy mạnh thêm thị trường nội địa của mình để giảm tải áp lực về ngoại thương. Mặt khác họ sẽ tổ chức liên kết các chuỗi cung ứng vùng dựa trên sự gần gũi về địa lý. Một thị trường khác cũng sẽ mở ra là thị trường châu Âu. Nếu châu Âu muốn cạnh tranh vị trí siêu cường sòng phẳng với Hoa Kỳ và Trung Quốc thì họ cần một thị trường tiêu thụ mạnh. Châu Âu sẽ phải tìm đến các đối tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương (cụ thể là những quốc gia có nền dân chủ cởi mở) và Ấn Độ. Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù gần với Trung Quốc, thuộc khối dân chủ Đông Á về thương mại để giải quyết vấn đề thương mại trước mắt. Tuy nhiên, về dài hạn, họ sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn với khối ASEAN, nhưng chỉ ưu tiên một số quốc gia đã có nền dân chủ trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Tất nhiên, thế giới không muốn mất thị trường Hoa Kỳ, và thế giới cũng không muốn cô lập Hoa Kỳ. Nhưng vấn đề tìm kiếm thị trường thay thế và thiết lập một chuỗi cung ứng giản lược, ít rủi ro, và không phụ thuộc vào Hoa Kỳ hoàn toàn là một phản ứng tự nhiên của thị trường khi Hoa Kỳ tự cô lập mình.
Chúng ta đã là một đất nước dân số đứng khoảng hoàng thứ 15 trên thế giới nhưng với một trọng lượng kinh tế chiếm dưới 1% GDP kinh tế toàn cầu. Vấn đề thế giới phải chấp nhận Việt Nam không hề đặt ra, mà Việt Nam cần phải hội nhập với thế giới thông qua những cố gắng về dân chủ hóa và cải thiện quyền con người. Ngay cả báo cáo của World Bank cũng thừa nhận vấn đề này. Việt Nam đã ký rất nhiều FTA, nhưng thực thi được lại rất ít; một trong số đó là EVFTA còn bị bỏ ngỏ vì vấn đề hội đoàn lao động. Chính quyền Việt Nam đang chạy đua với thời gian để thương thảo với Hoa Kỳ và gần như sẽ không có kết quả khả quan. Tuy nhiên, ngay cả khi có kết quả, vẫn sẽ tồn tại một vấn đề lớn hơn: chúng ta đang dần mất đi vị thế trong một trật tự đa phương sắp hình thành, được thúc đẩy bởi sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đồng thời cố gắng tìm kiếm thị trường thay thế Hoa Kỳ trong khi từ chối tiến trình dân chủ hóa. Liệu có phải, hai tín đồ của chủ nghĩa đơn phương – một quốc gia lớn tự cô lập mình và một quốc gia nhỏ cần thế giới nhưng kiên quyết bác bỏ dân chủ, nhân quyền, những giá trị đã trở thành chuẩn mực toàn cầu – việc cố gắng thuyết phục nhau chỉ là một hành động vô ích, bế tắc mà thôi?
Chu Tuấn Anh
(05/04/2025)