Cù Huy Hà Vũ: “Liệu cơm gắp mắm”: Chính Hoàng Tuấn Công làm hỏng di sản tục ngữ của cha ông

Ngày 13/12 vừa qua, DĐTK có đăng bài “Thế nào là “liệu cơm gắp mắm” và “nếm mật nằm gai”? của nhà nghiên cứu, phê bình ngôn ngữ độc lập Hoàng Tuấn Công. Thực ra đây là bài đăng lại từ 2 bài viết “Thế nào là “liệu cơm gắp mắm” và “Nông dân nào “nếm mật nằm gai”?” trên Facebook của tác giả Hoàng Tuấn Công, phê bình cách giảng giải nghĩa 2 câu tục ngữ này trong chương trình Vua tiếng Việt trên VTV.

Ngày 26/12, chúng tôi nhận được email của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ với nội dung như sau:

“Tôi gửi Ban biên tập Diễn đàn thế kỷ để đăng bài nghiên cứu của tôi, “Liệu cơm gắp mắm”: Chính Hoàng Tuấn Công phá hỏng di sản tục ngữ của cha ông”, phản biện bài của Hoàng Tuấn Công về “Liệu cơm gắp mắm” đăng trên Diễn đàn thế kỷ ngày 13/12/2024.

Cù Huy Hà Vũ”

Với tinh thần luôn tôn trọng mọi ý kiến đa chiều trong mọi vấn đề, chúng tôi xin đăng bài dưới đây của tác giả Cù Huy Hà Vũ.

DĐTK

***

Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa, và tục ngữ, thành ngữ, ca dao là tinh hoa của ngôn ngữ Việt Nam.

Tục ngữ, thành ngữ, ca dao không chỉ là kho tàng tri thức dân gian, mà còn là kết tinh của tư duy, kinh nghiệm sống và những giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội sâu sắc của người Việt qua bao thế hệ. Đây là những di sản phi vật thể vô giá, phản ánh tinh thần, phong tục, tập quán và cách ứng xử độc trưng của dân tộc Việt Nam.

Qua từng câu chữ mộc mạc nhưng giàu ý nghĩa, chúng không chỉ ghi lại những bài học quý giá trong lao động, sinh hoạt và ứng xử xã hội, mà còn truyền tải tâm hồn Việt – yêu nước, yêu đời, lạc quan và kiên cường trước nghịch cảnh. Chúng là nguồn cảm hứng vô tận, giúp các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa nhân loại một cách sáng tạo, tự tin hội nhập với thế giới mà không đánh mất những giá trị cốt lõi của mình.

Tuy nhiên, theo thời gian, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, trong đó có tục ngữ, thành ngữ, ca dao, đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều câu tục ngữ bị hiểu sai, giải thích tùy tiện hoặc không còn được sử dụng đúng trong đời sống hiện đại. Điều này không chỉ làm phai mờ ý nghĩa nguyên thủy mà còn khiến di sản văn hóa ngôn ngữ dân tộc bị bóp méo, dẫn đến sự đứt gãy trong việc truyền thụ những giá trị quý báu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chính vì vậy, việc làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực của các di sản ngôn ngữ này là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Điều này không chỉ giúp bảo tồn giá trị nguyên thủy của tục ngữ, thành ngữ, ca dao mà còn hỗ trợ các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và cộng đồng nói chung hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử, sự phát triển tư duy và những biến chuyển xã hội qua từng thời kỳ. Đồng thời, nó giúp thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về cội nguồn văn hóa, từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong dòng chảy hội nhập.

Bài viết này được viết với tinh thần đó: góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy ý nghĩa đích thực của tục ngữ, thành ngữ, ca dao – những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nguồn cơn

Mới đây, Hoàng Tuấn Công (HTC), một người tự nhận là “người nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa dân gian” (1), có bài viết “Chương trình “Vua Tiếng Việt” làm hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông” (2). Trong bài viết này, HTC bác bỏ cách giải thích của nhà thơ Hữu Việt về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” khi vị này tham gia chương trình “Vua Tiếng Việt” phát sóng trên kênh VTV3.

HTC viết:

Trong chương trình Vua Tiếng Việt (1/11/2024), cố vấn chương trình, Nhà thơ Hữu Việt giảng:

“Người ta nói là liệu cơm gắp mắm, ngoài cái việc tức là nếu mình mà gắp nhiều quá thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi, nhưng mà nó còn ý nghĩa sâu sắc hơn, tức là chúng ta phải liệu cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao cho nó hợp lí,…”

Cách giảng trên đây là một kiểu “Dĩ hư truyền hư”, làm hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông(*). “Người ta nói là liệu cơm gắp mắm, ngoài cái việc tức là nếu mình mà gắp nhiều quá thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi, nhưng mà nó còn ý nghĩa sâu sắc hơn, tức là chúng ta phải liệu cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao cho nó hợp lí,…”

Cách giảng trên đây là một kiểu “Dĩ hư truyền hư”, làm hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông.

Tuy nhiên, nội dung bài viết của HTC lại rơi vào trường hợp “Gậy ông đập lưng ông”, bởi chính ông mới là người “Dĩ hư truyền hư” (以 虛 傳 虛 – Lấy cái không có thật truyền đi cái không có thật), làm hỏng di sản tục ngữ của cha ông.

Nghĩa đen

Trong phần “Giảng sai nghĩa đen”, HTC viết:

Xưa kia, nhà nông thiếu thốn đến từng hạt muối trắng. Với thức ăn thì càng thiếu thốn, khan hiếm. Tương cà, mắm mặn phải chia ra ăn dần ăn dè trong cả năm (Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản – Tục ngữ).  Câu tục ngữ “Có cà thì thôi gắp mắm”, “Có dưa thì chừa rau”, “Liệu cơm gắp mắm”, khuyên người ta phải tằn tiện, vén khéo, có cái này ăn thì cái kia phải để dành; phải tính toán, chi dùng sao cho tiết kiệm, vừa đủ, tránh lãng phí. Thế nên ông Lê Văn Bài (Thanh Hoá) mới có đôi câu đối:

-Tích cốc phòng cơ, chớ xa hoa, hãy nhớ thiên tai còn khắc nghiệt,

-Liệu cơm gắp mắm, không lãng phí, đừng quên đất nước vẫn chưa giàu.

Và ông quan triều Lê Nguyễn Minh Triết (1578 – 1673) thuở hàn vi từng có bài thơ “Hà tiện”, trong đó “Dặn vợ có cà đừng gắp mắm”:

“…Dặn vợ có cà đừng gắp mắm,
Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai.
Thế gian mặc kẻ cười hà tiện,
Ta chẳng phiền ai chẳng luỵ ai.”

                                    (Hà tiện)

Riêng với mắm, mỗi bữa ăn người ta phải trù liệu để “gắp ra” sao cho vừa đủ dùng cho cả nhà. Nếu gắp quá nhiều, mắm thừa (đã đụng đũa vào) thì không thể bỏ lại vào chĩnh/vại nữa (bỏ mắm đã ăn dở vào dễ hỏng cả chĩnh mắm), mà để lại ăn bữa sau thì không bảo quản được.

Mắm ăn thừa để lại mất ngon, úp đầu chạn cuối chạn, cuối cùng bỏ đi, rất phí phạm. Thế nên dân gian mới có câu ca:

Liệu cơm mà gắp mắm ra,
Liệu cửa liệu nhà em lấy chồng đi
Nữa mai quá lứa nhỡ thì
Cao thì chẳng tới thấp thì chẳng thông.

                                        (Ca dao)

Như đã thấy, HTC đã bỏ qua việc phân tích nghĩa đen và đi thẳng vào phân tích nghĩa bóng của câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm”. Điều này dẫn đến việc áp đặt ý nghĩa “tiết kiệm/tránh lãng phí”. Nói cách khác, HTC đã không làm rõ mối liên hệ giữa nghĩa đen (cách “liệu cơm” và “gắp mắm” trong thực tế) và nghĩa bóng (tư duy tiết kiệm). Từ góc độ phân tích học thuật, đây là một lỗi phương pháp luận rõ rệt, khi tác giả không đi từ gốc (nghĩa đen) để dẫn đến ngọn (nghĩa bóng). Việc HTC vội vàng áp đặt cách diễn giải đã có sẵn dẫn đến sự mập mờ giữa hai khái niệm, cho thấy ông cố ý hướng người đọc theo một ý kiến đã định sẵn. Đây là một xảo thuật thường được gọi là “lập lờ đánh lận con đen” hoặc “đánh tráo khái niệm”.

Hơn nữa, những câu tục ngữ như “Có cà thì thôi gắp mắm” và “Có dưa thì chừa rau” mà HTC đưa ra không phù hợp với nghĩa của “Liệu cơm gắp mắm”. Hai câu tục ngữ đầu đề cập đến sự lựa chọn mang tính loại trừ (hoặc cà hoặc mắm, hoặc dưa hoặc rau), trong khi “Liệu cơm gắp mắm” lại chỉ rõ sự hài hòa và cân đối giữa lượng cơm và lượng mắm.

Tương tự, ba câu ca dao “Liệu cửa liệu nhà em lấy chồng đi/Nữa mai quá lứa nhỡ thì/Cao thì chẳng tới thấp thì chẳng thông” không chứa đựng nghĩa nào liên quan đến “tiết kiệm” hay “tránh lãng phí” như HTC đã áp đặt cho câu “Liệu cơm gắp mắm”. Ngược lại, ba câu ca dao này là lời nhắc nhở, thậm chí là cảnh báo rằng nếu phụ nữ để qua độ tuổi phù hợp để kết hôn (thường được gọi là “quá lứa”(3), cơ hội tìm được một tấm chồng ưng ý sẽ giảm sút đáng kể, nếu không muốn nói là khó xảy ra. Thông điệp này của bài ca dao còn được khẳng định bởi một tục ngữ được cấu thành từ chính hai vế này: “Liệu cơm gắp mắm, liệu con gả chồng.”

Sau khi mặc định ý nghĩa bóng “tiết kiệm/tránh lãng phí” cho “Liệu cơm gắp mắm,” HTC mới đi vào giải thích nghĩa đen của nó theo kiểu ngược đời như câu tục ngữ “Sinh con rồi mới sinh cha/Sinh cháu” mà người xưa dùng để chỉ sự trái khoáy. Ông viết:

“Cơm” ở đây bao gồm tất cả đồ ăn thức uống trong một bữa ăn. Ví dụ, “Nấu cơm cho ba người ăn” là chuẩn bị bữa ăn cho ba người. “Liệu cơm gắp mắm” có nghĩa là tính toán nhu cầu thức ăn tương ứng với lượng cơm và số người ăn cơm. Bởi thế, “gắp mắm” không phải là “gắp” để “bỏ vào bát của người ăn cơm,” “để trộn mắm” với cơm trong bát, mà là “gắp mắm” từ trong chĩnh/vại RA BÁT nhỏ, để DÙNG LÀM THỨC ĂN CHUNG cho BỮA CƠM CỦA CẢ NHÀ.

Như thế, “Liệu cơm gắp mắm” ở đây là lời khuyên phải biết tiết kiệm, tính toán, trù liệu, tránh tình trạng “gạo thiếu cơm thừa” (cái này mới là đáng để đúc kết thành tục ngữ), chứ không phải khuyên người ta cách ăn mắm sao cho vừa miệng, “gắp nhiều quá ấy thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi.

Thế nhưng, lý giải của HTC lại đầy mâu thuẫn và phi lý. Thực vậy, nếu đã định nghĩa “cơm” bao gồm tất cả đồ ăn trong bữa ăn, tức là bao gồm cả “mắm”, thì việc “gắp mắm” từ chĩnh/vại để ăn cùng với “cơm” là điều không thể.

Ngoài ra, câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” xuất phát từ bối cảnh của các gia đình nghèo, nơi cơm là món chính, còn mắm chỉ là món phụ để “đưa cơm”, để cơm trở nên dễ nuốt. Người nghèo phải biết tính toán sao cho lượng mắm vừa đủ để ăn với cơm, tránh tình trạng gắp quá nhiều khiến cơm trở nên mặn và mất ngon. Điều này hoàn toàn khác biệt với cách giải thích của HTC.

HTC viết tiếp:

Nên nhớ, dù trên mâm chỉ có hai món, mắm và rau chăng nữa thì cũng không ai gắp đầy mắm vào bát một lần, sau đó trộn đều, rồi nếu lỡ có quá tay, mặn đắng cũng đành ăn liên tù tì cho hết cả bát, đến bát sau lại chuyển sang ăn những rau là rau. Vả lại, câu tục ngữ nói về sự tính toán, trù liệu, tiết kiệm trong ăn uống, chi dùng, chứ đâu phải kinh nghiệm ẩm thực, mà bảo “nếu mình mà gắp nhiều quá ấy thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi”?

Theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt, “mắm” là cá, tôm hay thủy sản khác được ướp muối để bảo quản lâu, có thể ở dạng nguyên con hoặc đã phân hủy thành chất sền sệt. Tuy nhiên, dù ở dạng nào, “mắm” không phải là thứ để “trộn đều” với cơm như HTC tưởng tượng, vì điều này không phù hợp với thực tế và truyền thống ẩm thực của người Việt Nam.

Cuối cùng, khi viết: “Vả lại, câu tục ngữ nói về sự tính toán, trù liệu, tiết kiệm trong ăn uống, chi dùng, chứ đâu phải kinh nghiệm ẩm thực, mà bảo ‘nếu mình mà gắp nhiều quá ấy thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi’” trong phần bàn về nghĩa đen của “Liệu cơm gắp mắm”, HTC đã bộc lộ không chỉ sự thiếu nhất quán mà còn sự bất hợp lý trong tư duy. Quả thực, nếu câu tục ngữ không liên quan đến kinh nghiệm ẩm thực, thì “cơm” và “mắm” ở đây là gì, nếu không phải là những thành phần cụ thể trong bữa ăn của người Việt? 

Nghĩa bóng

Trong phần “Giảng nghĩa bóng thiếu chính xác”, HTC viết:

Lời giảng (của Hữu Việt) “liệu cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao cho nó hợp lí” dành cho câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” không rõ ý, thậm chí là thiếu chính xác. Bởi nếu hiểu câu giải thích của vị cố vấn gồm hai ý: Liệu cái chừng mực trong công việc làm sao cho hợp lí, thì quá chung chung, mơ hồ; còn hành xử sao cho hợp lí, thì “hành xử” là nói về thái độ, cách xử sự, ứng xử giữa người và người, chứ không phải cách thức tiến hành công việc.

Vậy nghĩa của câu “Liệu cơm gắp mắm” nên được giảng như thế nào?

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, “Liệu cơm gắp mắm” vốn có nghĩa đen (hiện vẫn được dùng trong thực tế), đó là ước lượng, trù liệu để lấy mắm ra ăn sao cho vừa đủ, tiết kiệm, không lãng phí. Nghĩa bóng được hiểu khá rộng: 1-Căn cứ vào yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể mà trù tính, liệu biện cho hợp lý, sát đúng; 2-Tuỳ theo điều kiện, khả năng cụ thể của mình mà đưa ra cách làm thích hợp.

Có thể đưa ra một số ví dụ. Ít người ăn mà lại nấu cơm quá nhiều, hoặc ngược lại, nhiều người ăn mà lại nấu cơm quá ít; lại như tiền không có nhưng lại bày vẽ ra làm quá lớn,… thì đều có thể gọi là KHÔNG BIẾT LIỆU CƠM GẮP MẮM. Đây không phải là “hành xử”, mà là tính toán, trù liệu trong công việc.

Với thành ngữ tục ngữ, một khi không hiểu đúng nghĩa đen, thì khó lòng mà hiểu nghĩa bóng cho sâu sắc và chính xác.

Tuy nhiên, cách giải thích của HTC bộc lộ nhiều bất cập.

Thứ nhất, nhận định rằng “Liệu cơm gắp mắm” vốn có nghĩa đen (hiện vẫn được dùng trong thực tế), là “ước lượng, trù liệu để lấy mắm ra ăn sao cho vừa đủ, tiết kiệm, không lãng phí,” cho thấy sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa nghĩa đen và nghĩa bóng của câu tục ngữ này. Cụ thể, “ước lượng, trù liệu để lấy mắm ra ăn sao cho vừa đủ, tiết kiệm, không lãng phí” rõ ràng thuộc về nghĩa bóng của câu tục ngữ, chứa đựng các hàm ý trừu tượng về sự cân nhắc hay quản lý tài nguyên.

Trong khi đó, nghĩa đen của câu tục ngữ – điều mà bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy một cách cụ thể – lại hoàn toàn đơn giản: “Gắp mắm quá nhiều so với lượng cơm thì cơm sẽ bị mặn; còn nếu gắp mắm quá ít, cơm sẽ bị nhạt.” Nghĩa đen này chỉ mô tả một tình huống cụ thể trong việc ăn uống hàng ngày.

Việc nhầm lẫn giữa nghĩa đen và nghĩa bóng không chỉ làm sai lệch cách hiểu về câu tục ngữ mà còn làm giảm giá trị của các bài học ứng dụng rút ra từ nó. Để hiểu đúng và đầy đủ, cần tách biệt rõ ràng giữa nghĩa đen – mô tả sự việc cụ thể, và nghĩa bóng – biểu đạt những ý niệm trừu tượng, mang tính khuyên răn về cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống.

Thứ hai, mặc dù cả hai khái niệm đều liên quan đến cách quản lý tài chính cá nhân hoặc tổ chức, nhưng “Tiết kiệm – không lãng phí” có những điểm khác biệt quan trọng so với “Căn cứ vào yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể mà trù tính, liệu biện cho hợp lý, sát đúng” hay “Tuỳ theo điều kiện, khả năng cụ thể của mình mà đưa ra cách làm thích hợp.” Những điểm khác biệt này có thể được nhận diện qua trọng tâm, mục tiêu, và cách tiếp cận của từng khái niệm.

“Tiết kiệm – không lãng phí” là việc sử dụng tài nguyên như thời gian, tiền bạc, năng lượng, hay vật chất một cách hiệu quả nhằm tránh lãng phí không cần thiết. Trọng tâm của khái niệm này là tối ưu hóa giá trị từ các nguồn lực sẵn có, đồng thời giảm thiểu hoặc kiềm chế các hành vi hao tổn không mang lại lợi ích tương ứng. Điều này được thể hiện qua những hành động cụ thể như tắt đèn khi không sử dụng, hạn chế sử dụng nước quá mức, hoặc tránh mua sắm những món đồ xa xỉ nếu không thực sự cần thiết. Mục tiêu chính của “tiết kiệm” là bảo toàn và tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, từ đó giảm thiểu sự lãng phí.

Trong khi đó, “Căn cứ vào yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể mà trù tính, liệu biện cho hợp lý, sát đúng” và “Tuỳ theo điều kiện, khả năng cụ thể của mình mà đưa ra cách làm thích hợp” tập trung vào việc đánh giá toàn diện các yếu tố thực tế như hoàn cảnh, nhu cầu, và khả năng hiện tại để đưa ra phương án hành động tối ưu nhất. Trọng tâm của các khái niệm này không chỉ nằm ở việc tiết kiệm hay giảm thiểu mà còn ở sự linh hoạt và khả năng thích nghi. Mục tiêu là đảm bảo hiệu quả tối đa trong những giới hạn cụ thể của từng cá nhân hoặc tổ chức. Ví dụ, một gia đình có thu nhập cao có thể chi tiêu thoải mái hơn mà vẫn hợp lý với điều kiện của họ, hoặc một người lao động ngoài trời có thể đầu tư vào thiết bị bảo hộ phù hợp dù chi phí cao, miễn là điều này đáp ứng yêu cầu công việc và đảm bảo an toàn.

Tóm lại, điểm khác biệt chính giữa hai khái niệm nằm ở trọng tâm và cách tiếp cận. “Tiết kiệm – không lãng phí” nhấn mạnh việc giảm thiểu lãng phí, tránh hao tổn không cần thiết để tối ưu hóa giá trị tài nguyên. Trong khi đó, “Căn cứ hoàn cảnh, liệu biện hợp lý” ưu tiên tính phù hợp và linh hoạt, điều chỉnh hành động theo yêu cầu và điều kiện thực tế, nhằm đảm bảo các quyết định được thực hiện một cách hiệu quả và khả thi nhất trong từng bối cảnh cụ thể.

Thứ ba, ví dụ của HTC: “Ít người ăn mà lại nấu cơm quá nhiều, hoặc ngược lại, nhiều người ăn mà lại nấu cơm quá ít,” không ăn nhập với khái niệm “tiết kiệm” hay “không lãng phí” mà ông đã cố gắng áp đặt cho “Liệu cơm gắp mắm.”

Thực vậy, đối với các gia đình nghèo đồng nhất với có ít gạo, thì dù muốn cũng không thể nấu đủ cơm cho nhiều người ăn no. Đây là hạn chế từ nguồn lực, không phải vì không biết tính toán. Ngược lại, đối với các gia đình khá giả, nếu nấu cơm dư thừa so với lượng người ăn cũng không phải là vấn đề lớn. Đó là chưa nói trong văn hóa Việt Nam, khi mời khách ăn cơm, người ta thường chuẩn bị nhiều hơn mức cần thiết. Việc này không được coi là lãng phí mà là biểu hiện của lòng mến khách và sự chu đáo.

Tóm lại, theo tôi, câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” xuất phát từ bối cảnh của những gia đình nghèo hoặc không dư dả, mang ý nghĩa thu xếp sao cho phù hợp nhất dựa trên nguồn lực hạn chế. Nếu gạo không đủ, người ta sẽ tìm cách bổ sung, như độn thêm khoai hoặc rau, để đảm bảo mọi người không bị đói. Nói cách khác, trong hoàn cảnh của những gia đình nghèo, sẽ không xảy ra chuyện “ít người ăn mà lại nấu cơm quá nhiều.”

Đáng lưu ý là lập luận trong bài “Chương trình “Vua Tiếng Việt” làm hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông” thực chất là sự lặp lại quan điểm đã được nêu trong bài “Trao đổi với tác giả bài “Liệu cơm gắp mắm” (4), cũng do HTC viết và đăng vào năm 2022, như chính ông thừa nhận.

Ý nghĩa đích thực

Như đã phân tích, cách lý giải của HTC về câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” chứa đựng nhiều mâu thuẫn và phi lý, tự nó đã bác bỏ ý nghĩa “tiết kiệm” hay “tránh lãng phí” mà ông áp đặt. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là xác định ý nghĩa thực sự của câu tục ngữ. Để làm việc này, tôi đã tham khảo hai nguồn chính: từ điển và thực tế đời sống đương đại.

Các từ điển uy tín cung cấp định nghĩa chính thống giúp làm sáng tỏ ý nghĩa cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của câu tục ngữ.

Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức (5): “Liệu: Toan tính: Liệu cơm gắp mắm, liệu con gả chồng (t.ng).”

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên (6): “Liệu cơm gắp mắm Tùy theo điều kiện, khả năng cụ thể mình có mà chỉ dùng hoặc làm cho thích hợp.”

Việt Nam Tự điển – Tuc ngữ, thành ngữ, điển tích (Lê Ngọc Đức chủ biên – Lê Ngọc Trụ hiệu đính (7): “Liệu cơm mà gắp mắm (tng): Nhắm còn bao nhiêu cơm để gắp mắm cho vừa ăn, kẻo nhiều mà mặn, (có nghĩa) Liệu sức mà làm, kẻo quá sức mà hư việc.”

Thành ngữ tiếng Việt (Nguyễn Lực (8): “Liệu cơm gắp mắm: Tùy theo tình hình, hoàn cảnh cụ thể để giải quyết công việc cho thích hợp.”

Các từ điển song ngữ cũng cung cấp cách hiểu tương tự.

Từ điển Việt Anh (Đặng Chấn Liêu, Lê Khả Kế, Phạm Duy Trọng (9): “Liệu cơm gắp mắm (tng): To cut one’s coat according to one’s cloth.” Theo Cambridge Dictionnairy, “Cut one’s coat according to one’s cloth”  là “someone should do as well as possible with the limited money they have” (nên làm tốt nhất có thể với số tiền hạn chế mà mình có).

Wikitionary Việt Anh: “Liệu cơm gắp mắm: to be mindful of one’s surroundings and circumstances to choose the right options” (lưu ý đến môi trường xung quanh và hoàn cảnh của mình để lựa chọn những phương án phù hợp).

Từ điển Việt Trung: “Liệu cơm gắp mắm” được dịch sang tiếng Trung là 凡事都应量力而行 (Mọi thứ nên được thực hiện trong khả năng của mình).

Các ứng dụng của “Liệu cơm gắp mắm” trong thực tế đời sống đương đại cũng giúp nắm bắt được ý nghĩa đích thực của tục ngữ này. Sau đây là một số.

Nhà văn Nguyên Hồng nói: “Các cụ ta xưa có câu “Liệu cơm gắp mắm”, nghĩa thùng thạp nhà anh chỉ vét được có hai lẻ gạo nếu anh bỏ vào cái nồi tèo hương (niêu đất nung loại nhỏ xíu) mà nấu may còn thành cơm được. Chứ hai lẻ gạo mà anh bỏ vào cái nồi 12 mà nấu thì chắc chắn cơm chẳng thành cơm, cháo chẳng thành cháo mà hồ cũng chẳng thành hồ được đâu.” (10)

Giáo sư Toán học Bùi Trọng Liễu phát biểu: “Ngày nay, nền kinh tế của nước ta là kinh tế thị trường (dù có định hướng) trong một khung cảnh toàn cầu hóa, giáo dục, đào tạo cần phù hợp với những mục tiêu “cao cả” đặt ra cho toàn xã hội. Nhưng tôi rất hãi mục tiêu đồ sộ, nhắm thành tích hoàng tráng, mà rồi hóa ra đầu voi đuôi chuột. Thà cứ khiêm tốn, liệu cơm mà gắp mắm có khi rốt cục cũng chẳng thua kém thiên hạ nhiều lắm!” (11)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhấn mạnh: “các doanh nghiệp bất động sản nên “liệu cơm gắp mắm”, cân nhắc kỹ lưỡng năng lực đầu tư, tránh dàn trải và bố trí nguồn lực tài chính sao cho phù hợp.” (12)

Tiến sĩ Phạm Bích San, Khoa Truyền thông đa phương tiện, Đại học Thăng Long, đề nghị: “Chuyển đổi số là tất yếu nhưng “liệu cơm gắp mắm”, tùy điều kiện cụ thể mỗi cơ quan báo chí sẽ quyết định lựa chọn chuyển đổi ở mức nào, phát triển đến đâu và cân bằng lợi ích.” (13)

Tương tự, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, nêu quan điểm: “Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh, khi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cần chọn biện pháp phù hợp, cân bằng chi phí bỏ ra với lợi ích đem lại, có cái dài hạn nhưng có cái phải lấy ngắn nuôi dài, không thể có chuyện chúng ta doanh thu đang èo uột đi xuống mà lại đầu tư dự án chuyển đổi số, chuyển đổi xanh quá kinh khủng được. Phải liệu cơm gắp mắm.” (14)

Như vậy, cả từ điển lẫn thực tế đời sống đều khẳng định rằng “Liệu cơm gắp mắm” hàm ý: “Mọi hành động hoặc quyết định cần phải phù hợp với hoàn cảnh và nguồn lực hiện có của bản thân. Làm ngược lại sẽ dẫn đến thất bại.” Nói ngắn gọn, đó là “Lượng sức mà làm”. Mở rộng ra, câu tục ngữ này mang ý nghĩa: “Cần hiểu rõ cả bản thân lẫn đối phương, hay nói cách khác, biết mình, biết người, từ đó ứng xử và hành xử một cách khéo léo và hợp lý để đạt được mục tiêu.”

Với ý nghĩa như vậy, “Liệu cơm gắp mắm” tương đồng với nhiều câu tục ngữ khác trong tiếng Việt, như “Trông gió bỏ buồm”, Liệu bò đo chuồng”, “Liệu con tép mà bắt con tôm”, “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Cơm tùy gạo, áo tùy tiền”, “Nhiều tiền mua thịt, ít tiền mua xương”, “Trông giở bỏ thóc”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”…Ngược nghĩa thì có “Vung tay quá trán”, “Con nhà lính, tính nhà quan”, “Chưa học bò đã lo học chạy”…

Tóm lại, nhà thơ Hữu Việt đã đúng khi phát biểu: “Người ta nói là liệu cơm gắp mắm, ngoài cái việc tức là nếu mình mà gắp nhiều quá thì nó mặn, thì nó làm mất ngon đi, nhưng mà nó còn ý nghĩa sâu sắc hơn, tức là chúng ta phải liệu cái chừng mực trong công việc, hay trong hành xử làm sao cho hợp lý.” Về phần mình, tôi chỉ muốn bổ sung thêm rằng nếu gắp mắm quá ít thì cơm sẽ bị nhạt, cũng làm mất đi sự ngon miệng.

Kết luận

Tục ngữ, thành ngữ, ca dao là di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam, kết tinh trí tuệ, kinh nghiệm sống của ông cha ta qua nhiều thế hệ. Chúng không chỉ mang tính ứng dụng cao mà còn là những hình thức ẩn dụ đặc sắc, phản ánh sâu sắc tâm hồn, bản sắc văn hóa và lối sống của người Việt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, việc bảo tồn và phát huy giá trị của chúng đang đối mặt với nhiều thách thức. Một phần do sự phát triển của ngôn ngữ mới, sự giao thoa văn hóa và những biến đổi trong lối sống, những giá trị truyền thống này dần mất đi sức hút đối với thế hệ trẻ. Ngoài ra, việc nghiên cứu và diễn giải các câu nói dân gian đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về ngữ cảnh lịch sử, văn hóa. Nếu không được giải thích đúng cách, tục ngữ, thành ngữ và ca dao có nguy cơ bị hiểu sai hoặc bóp méo ý nghĩa, khiến thông điệp mà cha ông muốn truyền tải không còn được chính xác.

Như đã phân tích trong bài viết, việc giải thích tùy tiện và thiếu phương pháp luận chặt chẽ, như trong trường hợp của Hoàng Tuấn Công, đã dẫn đến nguy cơ làm sai lệch ý nghĩa của câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm.” Thay vì làm sáng tỏ giá trị đích thực của câu tục ngữ như một bài học về ứng xử khéo léo và linh hoạt trong cuộc sống, đặc biệt khi đối mặt với khó khăn, cách tiếp cận của ông lại khiến nó trở nên xa lạ và thiếu chiều sâu khi bỏ qua mối liên hệ mật thiết giữa nghĩa đen và nghĩa bóng. Điều này không chỉ làm mất đi sự chính xác trong nghiên cứu ngôn ngữ – khi mà nghĩa bóng của tục ngữ thường bắt nguồn từ trải nghiệm thực tiễn của nghĩa đen – mà còn làm suy giảm giá trị văn hóa của di sản dân tộc khiến thông điệp của ông cha ta không còn được truyền tải một cách trọn vẹn và đúng đắn. Hệ quả là thông điệp sâu sắc của ông cha ta không còn được truyền tải một cách trọn vẹn và đúng đắn, khiến những giá trị giáo dục, nhân văn trong tục ngữ bị lu mờ.

Hoàng Tuấn Công cáo buộc nhà thơ Hữu Việt “dĩ hư truyền hư,” nhưng chính ông lại thực hiện hành vi này khi lặp lại cách giải thích sai lầm về câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” trong bài “Trao đổi với tác giả bài ‘Liệu cơm gắp mắm,’” mà ông đã viết từ năm 2022. Việc lặp lại sai lầm này không chỉ làm méo mó ý nghĩa của câu tục ngữ, mà còn lan truyền những lý giải không chính xác, gây nhầm lẫn và làm lệch lạc sự hiểu biết của công chúng.

Hành vi làm sai lệch có hệ thống ý nghĩa của câu tục ngữ này của Hoàng Tuấn Công có thể được xem là một hình thức “lộng giả thành chân” (làm cho cái hư trở thành cái thực). Hiện tượng này tương tự như cách mà những câu chuyện hư cấu về La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã được xây dựng ở xã Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Tại đây, một chuỗi các câu chuyện không có thực về danh nhân này đã xuất hiện, được liên kết chặt chẽ với nhau và được vật thể hóa bằng tài liệu chữ Hán “Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư,” nhà thờ Nguyễn Thiếp tại Văn Nội, bài thơ chữ Hán “Bình Thanh Tự Sự,” và quả chuông chùa Chúc Thánh (15). Với hành vi này, chính Hoàng Tuấn Công đã làm hỏng di sản tục ngữ của cha ông!

Tóm lại, chỉ có việc áp dụng phương pháp nghiên cứu nghiêm túc, có cơ sở khoa học, kết hợp giữa phân tích ngữ nghĩa, lịch sử, văn hóa và xã hội, thay vì dựa vào sự giải thích mang tính cảm tính hay chủ quan, mới có thể làm sáng tỏ ý nghĩa nguyên thủy của các tục ngữ, thành ngữ, ca dao. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy đúng đắn các giá trị văn hóa này mà còn giúp bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của xã hội hiện đại.

Cuối cùng, để bảo tồn và phát huy giá trị của tục ngữ, thành ngữ, ca dao trong bối cảnh ngôn ngữ và xã hội thay đổi, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, cần đẩy mạnh giáo dục và truyền thông bằng cách đưa việc giảng dạy và giải thích ý nghĩa của tục ngữ, thành ngữ, ca dao vào các chương trình giáo dục ở mọi cấp độ, đặc biệt trong môn Ngữ văn. Đồng thời, việc khuyến khích sử dụng các chương trình truyền hình, trò chơi ngôn ngữ và sân chơi học thuật, như chương trình “Vua Tiếng Việt” của VTV3, sẽ giúp khơi dậy sự hứng thú và lòng yêu quý văn hóa ngôn ngữ dân tộc.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo sử dụng tục ngữ, thành ngữ đúng ngữ cảnh và ý nghĩa, đặc biệt trong các lĩnh vực như truyền thông, văn học và nghệ thuật. Việc khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung lồng ghép tục ngữ, thành ngữ vào các sản phẩm giải trí, phim ảnh và âm nhạc hiện đại, nhưng vẫn giữ đúng tinh thần và giá trị truyền thống, cũng là một hướng đi quan trọng.

Song song với đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu và lưu giữ di sản ngôn ngữ thông qua tổ chức các hội thảo khoa học chuyên sâu để phân tích, làm rõ giá trị ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa của tục ngữ, thành ngữ, ca dao. Các dự án nghiên cứu, biên soạn từ điển chuyên đề cần được triển khai nhằm hệ thống hóa, lưu giữ và giải thích ý nghĩa nguyên thủy của chúng cho thế hệ mai sau. Ứng dụng công nghệ số để tạo ra các nền tảng trực tuyến hoặc ứng dụng di động tra cứu và tìm hiểu về tục ngữ, thành ngữ, ca dao cũng là một cách hữu hiệu để người trẻ dễ dàng tiếp cận kho tàng tri thức này.

Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng là không thể thiếu. Các phong trào sưu tầm và bảo tồn tục ngữ, thành ngữ, ca dao, đặc biệt là những câu có nguy cơ mai một, cần được phát động mạnh mẽ. Đồng thời, việc tổ chức các sân chơi giao lưu về ngôn ngữ dân gian, như các cuộc thi sáng tác hoặc tái hiện nội dung tục ngữ, thành ngữ, ca dao trong bối cảnh hiện đại, sẽ giúp duy trì sức sống của chúng trong đời sống đương đại.

Những giải pháp trên không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của tục ngữ, thành ngữ, ca dao mà còn giúp những di sản văn hóa này tiếp tục lan tỏa, thích nghi với cuộc sống hiện đại. Qua đó, chúng không chỉ giữ vai trò là nguồn tri thức dân gian quý báu mà còn trở thành công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ và khẳng định bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại.

CHÚ THÍCH

  1. Thư ngỏ gửi Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm (Về những sai sót và bất ổn của chương trình Vua Tiếng Việt), Hoàng Tuấn Công, Hoàng Tuấn Công’s Post, 20/11/2024.
  2. Chương trình “Vua Tiếng Việt” làm hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông, Hoàng Tuấn Công, Bauxite Việt Nam, 14/12/2024.
  3. Trong xã hội xưa, phụ nữ 30 tuổi bị coi là ngấp nghé tuổi già, đồng nghĩa không còn cơ hội lấy chồng. Điều này được thể hiện qua các câu ca dao: “Trai ba mươi tuổi còn xinh/Gái ba mươi tuổi như chình mắm nêm”, “Trai ba mươi tuổi đang xoan/Gái ba mươi tuổi đã toan về già.”
  4. Trao đổi với tác giả bài “Liệu cơm gắp mắm, Hoàng Tuấn Công, Tuấn Công thư phòng, 3/11/2022
  5. Việt Nam Tự Điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, 1931
  6. Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 2003.
  7. Việt Nam Tự điển – Tuc ngữ, thành ngữ, điển tích, Lê Ngọc Đức chủ biên, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1970.
  8. Thành ngữ tiếng Việt, Nguyễn Lực, Nhà xuất bản Thanh niên, 2002.
  9. Từ điển Việt Anh, Đặng Chấn Liêu, Lê Khả Kế, Phạm Duy Trọng, Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh.
  10. Nguyên Hồng: Bạn đời của những người cần lao, Đỗ Ngọc Yên, Vanvn.net, Cơ quan ngôn luận của Hội nhà văn Việt Nam, 9/12/2017.
  11. Giáo sư Bùi Trọng Liễu và triết lý giáo dục: “Liệu cơm gắp mắm”, VUSTA, 12/03/2010.
  12. Doanh nghiệp bất động sản: Vượt qua giai đoạn sinh tử cần “liệu cơm gắp mắm” cân nhắc đầu tư, Mỹ Linh, Tạp chí Thương gia, 10/10/2024.
  13. Chuyển đổi số báo chí là tất yếu nhưng phải “liệu cơm gắp mắm”, Nhí Anh, VnEconomy, 14/10/2022.
  14. Chuyển đổi xanh phải lấy ngắn nuôi dài, ‘liệu cơm gắp mắm’, Bình Minh, Vietnamnet, 24/05/2024.
  15. Hư cấu lịch sử ở Phú Lương, Hà Nội: Nhà thờ Nguyễn Thiếp, bài thơ “Bình Thanh Tự Sự” và chuông chùa Chúc Thánh, Cù Huy Hà Vũ, Bauxite Việt Nam, 8/12/2024

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Garden Grove, California, Hoa Kỳ

*Bài viết của tác giả Hoàng Tuấn Công: