Cù Mai Công: 50 năm Hải chiến Hoàng Sa (1974-2024)

Hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà và hạm phó Nguyễn Thành Trí – Ảnh tư liệu

NGƯỜI ÔNG TẠ TRONG HẢI CHIẾN HOÀNG SA 

(Một phần được trích trong “Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó” tập 2 – đã phát hành)

0g đêm 16 rạng 17-1-1974, 25 tháng Chạp, còn vài ngày nữa là tết. Vùng Ông Tạ đang tràn ngập không khí đón tết Giáp Dần 1974 thì ít nhất bốn cư dân vùng Ông Tạ lặng lẽ cùng chiến hữu lướt sóng Biển Đông tiến ra Hoàng Sa. 

Bốn vị đó là Hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư, Vũ Hữu San, nhà ở ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám); thợ máy tàu HQ-800 (cơ xưởng hạm nổi chuyên sửa chữa tàu ngoài khơi) Nguyễn Xuân Hiển nhà gần ngã tư Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) – Trương Minh Ký (Lê Văn Sỹ); Hải quân trung úy Vũ Đình Huân của tàu HQ-10, có gia đình ở khu Cầu Sạn – Ông Tạ, sau đó riêng anh về khu nhà thờ Hầm ở Thăng Long, Phú Thọ (anh Huân vừa đính hôn xong, chuẩn bị sau khi đi trận về sẽ làm lễ cưới); Hải quân trung sĩ điện tử HQ-10 Nguyễn Quang Xuân, trong nhà và hàng xóm gọi là Sinh. Hai anh sau cùng xứ Tân Chí Linh của tôi. 

Nhà 4 anh đều cách đều nhà tôi trên dưới 200m, tôi qua lại hàng ngày.

HQ-4 là chiến hạm thuộc lớp hiện đại nhất thời điểm ấy của Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Trước đây, nó là tàu hộ tống USS Forster của Hải quân Mỹ từ 1944, năm 1971 bàn giao cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Tàu dài 93 m, rộng 11,15m, choán nước 1.590 tấn; vận tốc 22 hải lý/g (39 km/g); tàu có tầm hoạt động 16.900 km khi chạy ở tốc độ tiết kiệm 22 km/g.

Chiến hạm HQ-4 Trần Khánh Dư – Ảnh tư liệu

HQ-4 có hai pháo 76,2 ly, một số súng 20 ly. Theo hồi ký ông Lữ Công Bảy, hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành hàng hải kiêm trưởng khối hành quân trên tàu HQ-4, hệ thống nạp đạn và bắn của hải pháo 76,2 ly điều khiển bằng điện. Thủy thủ đoàn 170 người.

Tối 17-1, HQ-10 Nhật Tảo và HQ-5 Trần Bình Trọng từ Đà Nẵng cũng tiến ra Hoàng Sa. Hạm trưởng HQ-5 là trung tá Phạm Trọng Quỳnh. Hạm trưởng HQ-10 là thiếu tá Ngụy Văn Thà. HQ-5 là soái hạm (tàu chỉ huy) của chiến dịch Hoàng Sa nên có đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy trận hải chiến này.

Khu trục hạm HQ-5 Trần Bình Trọng do Hải quân đại tá Hà Văn Ngạc chỉ huy chiến dịch đổ bộ đảo Quang Hòa – Ảnh tư liệu

HQ-5 và HQ-16 tương tự nhau, cùng là tuần dương hạm; dài 94,72m, rộng 12,52m, choán nước 1.766 tấn (tối đa là 2.800 tấn), vận tốc tối đa 18 hải lý/giờ (34 km/g). Vũ khí trên tàu gồm một pháo 127 ly trước mũi; một pháo 40 ly đôi ở sân thượng phía trên khẩu 127 ly; hai khẩu 40 ly hai bên hông và hai khẩu 20 ly hai bên hông đài chỉ huy. Thủy thủ đoàn HQ-5 khoảng 200 người.

Khu trục hạm HQ-16 Lý Thường Kiệt – Ảnh tư liệu

HQ-10 là hộ tống hạm, chiến hạm nhỏ nhất và yếu nhất của Hải quân Việt Nam Cộng hòa trong cuộc hải chiến. Nó vốn là tàu quét mìn của Hải quân Mỹ, hạ thủy năm 1943, chuyển giao cho Việt Nam Cộng hòa năm 1964; chỉ dài 56,24m, rộng 10m, choán nước 650 tấn, vận tốc tối đa 14 hải lý/g (26 km/g). HQ-10 có 1 pháo 76 ly ở phía mũi, 2 súng 40 ly hai bên hông, 4 súng 20 ly đôi ở hai bên đài chỉ huy. Vận tốc tàu đã chậm, khi ra Hoàng Sa, HQ-10 đã hư một trong hai máy. Nhưng HQ-10 ra Hoàng Sa vì lúc đó nó gần Hoàng Sa nhất so với các tàu khác. Theo nhiều ghi chép, do tàu nhỏ, yếu, hư một trong hai máy nên đêm 18-1, HQ-10 mới ra tới Hoàng Sa.

Tàu HQ-10 và Hạm trưởng Ngụy Văn Thà – Ảnh tư liệu

Tư lệnh Hồ Văn Kỳ Thoại “chỉ định trung tá Vũ Hữu San giữ chức vụ chỉ huy chiến thuật (OTC-officer in tactical command) phân đội hoạt động vùng Hoàng Sa, gồm tuần dương hạm HQ-16 và khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư”. Trung tá Vũ Hữu San là con cả cụ Vũ Hữu Soạn, trong ngõ Con Mắt.

Sơ đồ tác chiến của Hải quân VNCH trong Hải chiến Hoàng Sa (mũi tên màu xanh). Các mũi của Trung quồc màu đỏ – Ảnh tư liệu
12 tấm hình chụp Hải chiến Hoàng Sa mà chúng ta thấy hiện nay là chụp từ tàu HQ-4 Trần Khánh Dư của Hạm trưởng Vũ Hữu San

TÌNH THÂN HỮU CỦA CÁC GIA ĐÌNH TRONG NGÕ CON MẮT

Đi từ đầu ngõ Con Mắt vào chừng năm chục thước là gặp ngã tư chòi canh cháy. Đi tiếp chừng gần trăm thước là nhà cụ Soạn, rồi tới nhà Cụ Bùi Trọng Thúc, ba ông Bùi Đại Hưng (Hưng “điên”), ông nội MC Đại Nghĩa hiện nay. 

Bên kia đường, cách ba, bốn nhà có nhà cụ Thuần, ba của trung tá Nguyễn Văn Nhã. Cụ Thuần với cụ Thúc là bạn thân từ hồi là sĩ quan Đông Dương, trong Quân đoàn Pháp chiếm đóng Thượng Hải, Thiên Tân bên Tàu. Thời cụ Thúc là quan hai cảnh sát (chef adjudant de la police de shanghai) trong vùng tô giới của Pháp thì cụ Thuần là quan một, thông-dịch viên Hán – Pháp cho nhà cầm quyền Pháp tại thành phố Thiên Tân. Vậy nên cụ Thúc và cụ Thuần coi nhau anh em với nhau, giỗ chạp, tết nhất đều có nhau.

Cụ Soạn và cụ Thuần cũng là bạn bè thân thiết như anh em suốt từ lúc cùng đơn vị trong quân ngũ thời Liên bang Đông Dương. Khi cụ Thuần huấn luyện quân sự cho Khu tự trị Bùi Chu, gia đình cụ Soạn chạy lánh nạn chiến tranh đến đây, được cụ Thuần che chở, đùm bọc. Khi Quốc gia Việt Nam (tiền thân Việt Nam Cộng hòa) của Quốc trưởng Bảo Đại thành lập, cả cụ Thuần lẫn cụ Soạn là những sĩ quan đầu tiên. 

Khi con cả cụ Thuần là anh Nhã tình nguyện học khóa sĩ quan trừ bị đầu tiên ở Hà Nội, ra trường năm 1950 (thiếu úy trẻ nhất của Quân đội Quốc gia Việt Nam lúc đó – 17 tuổi), phân công về Khu chiến Hưng Yên, cụ Soạn, lúc ấy là trung úy cũng đổi đến đó. Cùng đơn vị này còn có đại úy Nguyễn Văn Thiệu (sau này là tổng thống), trung úy Cao Văn Viên (sau là đại tướng)…

* Cha Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San là cụ Vũ Hữu Soạn, vốn là cựu quân nhân, từng là trung tá trưởng Phòng 1 – Tổng quản trị Bộ Tổng tham mưu. Quê cụ ở huyện Gia Khánh, nay là Hoa Lư, Ninh Bình; cách nhà ông bà, cha mẹ tôi vài cây số.

Gia đình cụ Vũ Hữu Soạn, cựu trung tá trưởng Phòng 1 – Tổng quản trị Bộ Tổng tham mưu. Anh Vũ Hữu San là con trai cả, đứng cuối – Ảnh gia đình

Trước khi về ngõ Con Mắt, nhà cụ trong cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo (trong khuôn viên Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa – nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7) trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) ít lâu. Ở đây, ra vào cổng bị kiểm tra an ninh thắt ngặt quá, gia đình cụ không thích, dời về ngõ Con Mắt. Khu này lúc ấy còn sình lầy, nhà cụ nhìn ra cánh đồng rau muống An Lạc. Cụ bảo vợ con: “Ở đây, không sang trọng, oai vệ bằng bên kia nhưng thoải mái, tự do; hàng xóm xung quanh lại toàn bà con ngoài Bắc mình”. Cụ vốn đạo Thờ Ông Bà, sau theo đạo Phật.

San, con trai cả cụ Soạn và Tụng, con trai kế cụ Thuần cùng học trường Chu Văn An nhưng khối lớp khác nhau. Khi ông San lập gia đình, vợ trung tá Nhã sang phụ làm bánh cho đám cưới. Hôm con trai cả cụ Thuần mất bên Mỹ, cụ Soạn lúc đó đã hơn 90 tuổi cũng từ Canada sang viếng. 

Con trai cả cụ Thuần là trung tá Nguyễn Văn Nhã, cũng làm ở Bộ Tổng tham mưu; con trai thứ tên Tụng…. Chị Bùi Vũ, con gái cụ Soạn, em gái kế ông San bảo: “Gia đình cụ Thuần nghiêm cẩn. Các con đều học giỏi, sống đạo đức”.

* Ông bà cụ Soạn 10 con, cả 10 đều đều học hành giỏi giang, có học vị. Hải quân trung tá Vũ Hữu San là con cả, vợ dạy Quốc gia Nghĩa Tử (nay là trường nghề Lý Tự Trọng). Ông San giống tính bố: cứng cỏi, cương trực; sống thanh bạch, không uống rượu, hút thuốc và không bao giờ “ăn bẩn”.

Em gái ông San là bà Bùi Vũ bảo: “Anh San rất règle (mực thước), không có ngoại lệ, phải nói là vì kỷ luật Hải quân là như thế. Tuy vậy anh ấy lại là người con trai trưởng rất gương mẫu, chưa bao giờ bị cha mẹ phải la mắng lấy một lần. Đứa con thứ nhì bị thành kiến nói là ương ngạnh khó dạy bảo nhất là tôi nhưng cũng không dám hó hé một tiếng với anh San. Chín đứa em đều kính nể ông anh cả, không đứa nào dám cãi anh San”. 

Cũng theo bà Bùi Vũ, tết nhất, gia đình chỉ lo chuyện cúng gia tiên, mừng tuổi cha mẹ, lì xì con cháu; chưa bao giờ ăn tết linh đình… Ông San là con cả càng gương mẫu, ăn uống thường sơ sài theo câu “ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”. Cả đời hình như ông San chưa tỏ ý thích món ăn nào cả và ăn gì cũng không bao giờ ăn nhiều; có lẽ ông nghĩ rằng chỉ ăn no bảy tám phần mười thôi để thân thể được nhẹ nhõm thảnh thơi và sống lâu như cha mẹ. Ông cụ Soạn mới mất 2018, 104 tuổi. Bà cụ Soạn hiện nay 2022 đã 107 tuổi, còn khỏe, mình mẫn, đọc sách báo không cần kính. 

Trong gia đình, như cha, ông San lấy vợ rồi là một đời chung thủy, dù tính ông vốn nóng, cái gì ra cái đó. Khi nguy khốn, như trong Hải chiến Hoàng Sa, tính cách đó bộc lộ rất rõ.

HOÀNG SA TRƯỚC 6G SÁNG 19-1-1974

Quần đảo Hoàng Sa – Đồ họa Thanh Niên Online

Quần đảo Hoàng Sa gồm 130 đảo san hô, mỏm đá ngầm và bãi cát nằm rải rác trên 5.800 dặm vuông trên Biển Đông, cách gần đều cảng Đà Nẵng của Việt Nam (200 hải lý) và đảo Hải Nam của Trung Quốc (162 hải lý). Diện tích của toàn quần đảo (chỉ tính mặt đất) khoảng ba dặm vuông. Hầu hết các đảo hợp thành nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) về phía đông bắc và nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm (Crescent Group) về phía tây, cách nhau khoảng 39 hải lý. Đảo Phú Lâm (Woody island) thuộc nhóm An Vĩnh lớn nhất trong các đảo thuộc Hoàng Sa, có diện tích khoảng hơn 5 km2 (530 hecta).

Việt Nam Cộng hòa tiếp quản nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm từ năm 1954. Trung Quốc kiểm soát nhóm đảo An Vĩnh và đảo Phú Lâm vào năm 1956. Năm 1959, với hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc, ngư dân Trung Quốc từng đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan) nhưng Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã xua đuổi họ đi.

… Trong hồi ký của mình, Hải quân đại tá Hà Văn Ngạc viết: “Soái hạm HQ-5 đến lòng chảo Hoàng Sa (lúc 15g chiều 18-1) đã thấy lực lượng biệt hải đổ bộ trên tàu HQ-4 và HQ-16 đang kiên cường trấn giữ các đảo Hữu Nhật (Robert), Quang Ảnh (Money), Duy Mộng (Drummond). Phía đảo Quang Hòa, tàu Trung Quốc đang lờn vờn bên ngoài (tất cả thuộc nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm)”. Thực tế ngay sau đó, lực lượng Trung Quốc đã đổ bộ phía Bắc đảo Quang Hòa.

Đêm 17 rạng 18-1, hai bên đã đấu khẩu nhau, cùng xác nhận chủ quyền ở Hoàng Sa. Sáng 18-1, HQ-4 dùng mũi tàu ủi thẳng tàu cá 407 khi trên tàu lố nhố “ngư dân” có đủ thượng liên, AK-47. 407 bỏ chạy. Bên kia, HQ-16 cũng quyết liệt đuổi tàu cá vũ trang 402.

Chiều 18-1, ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 tiến về đảo Quang Hòa. Hai tàu 271, 274 cản đường. Các tàu tạm lui về nhóm đảo Hoàng Sa. Suốt đêm 18 rạng 19-1, các tàu Trung Quốc vẫn cứ lởn vởn quanh đảo Hoàng Sa.

Tính hạm trưởng San vốn quyết liệt, ông yêu cầu anh em HQ-4 phát còi hơi vang động và rọi đèn hồ quang chói rực vào các tàu Trung Quốc khiến họ buộc phải rút. 

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị: “Tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm đối phương ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam”. 

23g30 đêm 18-1, đại tá Hà Văn Ngạc gửi điện thượng khẩn đến các hạm trưởng: “Quy luật khai hỏa được căn cứ trên hai trường hợp: Nếu địch khai hỏa trước sẽ phản ứng bằng hỏa lực cơ hữu tiêu diệt càng nhiều càng tốt, ưu tiên hỏa lực vào các chiến hạm quan trọng như Kronstadt hoặc các tàu lớn. Nếu địch tỏ vẻ ôn hòa, sẽ dè dặt và cảnh giác tối đa với phản ứng ôn hòa tương ứng, đồng thời tiến hành nhiệm vụ tái chiếm đảo Quang Hòa bằng thương lượng, sau đó cắm quốc kỳ lên đảo…”.

Chưa bên nào nổ súng. Nhưng tình hình hết sức căng thẳng suốt đêm 18-1. 3g sáng 19-1, Hạm trưởng San yêu cầu hạ sĩ quan giám lộ Lữ Công Bảy kéo chiến kỳ lên đỉnh cột cờ. Chiến kỳ ngang hai tấc, dài 15 thước tung bay – như một thái độ.

Các pháo thủ trên Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư trước giờ khai hỏa – Ảnh: Hải quân tàu HQ-4

THÊM VÀI NÉT VỀ VỀ HẠM TRƯỞNG VŨ HỮU SAN 

Hải quân trung tá hạm trưởng HQ-04 Vũ Hữu San. Sau hải chiến được thăng đại tá – Ảnh tư liệu

Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San, sinh năm 1940 ở Đái Nhân, Hoa Lư, Ninh Bình; hồi nhỏ học các thầy Tăng, Cao, Ngọc ở làng Cối, Nho Quan. Vào Nam, học Chu Văn An, rồi theo ban toán các trường đại học ở Sài Gòn, Đà Lạt, Huế; tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang (hai ngành chỉ huy, cơ khí) và Trường Chỉ huy Tham mưu Đà Lạt. Ông là hạm trưởng nhiều chiến hạm, chiếc cuối cùng là hạm chủ lực của Hải quân Việt Nam Cộng hòa: khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư. 

Sau 1975, ở nước ngoài, khi đã gần 40 tuổi, ông vẫn tốt nghiệp cử nhân cơ khí, theo học Post Graduate School để thành chuyên gia tin học. Thỉnh thoảng, rất bất ngờ và thú vị khi ông cộng tác với giáo sư Nguyễn Khắc Kham về văn hoá. Và khi đã cao tuổi, ông vẫn viết hàng loạt sách có giá trị về hàng hải, ghe thuyền và văn hóa nước của người Việt: 

– Lược sử tổ chức Hải quân Việt Nam Cộng hòa.

– Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa & Trường Sa (đã xuất bản ở Việt Nam).

– Vịnh Bắc Việt & chủ quyền hải phận. 

– Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa (đã xuất bản ở Việt Nam).

– Sơ lược hải sử và thủy quân nước ta.

– Văn hóa nước.

– Chiến hạm và chiến đĩnh Việt Nam Cộng hòa.

– Ghe thuyền Việt Nam…

Cù Mai Công