Nguyễn Tiến Cường: Tương lai của Đài Loan sau chiến thắng của Lai Ching-te

Trái: Ông Lại Thành Đức (Lai Ching-te), phải: Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim). 

Ông Lại Thành Đức (Lai Ching-te), chủ tịch đảng Dân Chủ Cấp Tiến (DCCT) của Đài Loan đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 13.01.2024, thay thế bà Thái Vân Anh (Tsai Ing-wen) người cùng đảng không được tái ứng cử sau khi đã phục vụ 2 nhiệm kỳ. Chiến thắng này mang lại viễn ảnh tốt đẹp cho Đài Loan trong cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội Đài Loan trong năm nay dù tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ có 71,86%, ít hơn lần bầu cử năm 2020 khoảng 3%.

Phó Tổng Thống cho ông Lai Ching-te là bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), trưởng Văn Phòng Đại Diện Văn Hóa, Kinh Tế của Đài Loan ở Mỹ, cơ quan liên lạc chính thức thay thế cho tòa Đại Sứ Đài Loan ở Mỹ do Mỹ không công nhận chính thức Đài Loan là một quốc gia.

Việc liên danh Lai Ching-te, Hsiao Bi-Khim đại diện cho đảng DCCT đắc cử là một thất bại nhục nhã cho Tập Cận Bình, người đang muốn thâu tóm Đài Loan bằng nhiều cách. Hy vọng đa số người dân Đài Loan ủng hộ Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh đã tiêu tan khiến Tập Cận Bình tức giận, điên cuồng. Những biện pháp vừa đe dọa, vừa vuốt ve của Bắc Kinh suốt năm 2023 hoàn toàn thất bại. 

Trong năm 2023 Trung Quốc đã cho 1.709 máy bay chiến đấu bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan cũng như thực hiện các lệnh cấm vận thương mại, các chiến dịch gây nhiễu loạn thông tin và các biện pháp gây sức ép kinh tế khác không đem lại kết quả mong muôn. Người Đài Loan (Taiwanese) khẳng định họ không phải là người Trung Quốc (not Chinese)ngày càng tăng.

Khi các nước trong Liên Âu chúc mừng cuộc bầu cử của Đài Loan thì Bắc Kinh giận dữ. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken bị Bắc Kinh lên án là Mỹ đã gửi một tín hiệu sai lầm nghiêm trong khi chúc mừng bầu cử ở Đài Loan với chiến thắng của nền dân chủ và quy trình bầu cử vững mạnh.

Tập Cận Bình chắc chắn không thể ngồi yên nhìn nền dân chủ của Đài Loan phát triển, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến vị thế chính trị chẳng những trong nước mà còn trên thế giới của ông. Nếu có cơ hội, chắc chắn ông Tập sẽ xóa sổ nền dân chủ này mà không hề ngần ngại bởi nó sẽ là một ung nhọt nhức nhối cho tương lai của Trung Quốc theo cách nhìn của ông.

Câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh sẽ làm gì trong thời gian tới? Tập Cận Bình có đủ liều lĩnh tiến hành một cuộc tấn công bằng quân sự để thâu tóm Đài Loan như Vladimir Putin đã làm với Ukraine không, khi một giải pháp hòa bình là điều hoang tưởng, bất khả thi?

Câu trả lời tùy thuộc nhiều yếu tố. 

Ai cũng thấy rõ, giữa Putin-Ukraine và Tập-Đài Loan có những điểm tương đồng. Nếu Putin luôn coi Ukraine là một phần lãnh thổ của Nga thì Tập cũng thế, coi Đài Loan chỉ là một hòn đảo của Trung Quốc. Việc đưa Đài Loan trở về với Trung Quốc là một chính sách không thể tranh cãi từ lâu của Trung Quốc. Cả 2 người, Putin, Tập đều cho rằng để cho Ucraine, Đài Loan độc lập chỉ là một thủ đoạn của Mỹ nhằm làm suy yếu đất nước họ.

Nội dung cuộc gặp gỡ giữa 2 nhà độc tài Tập và Putin vào tháng 03.2023 được giữ bí mật nhưng ai cũng có thể đoán ra. Đó là sự cam kết, ngầm yểm trợ quân sự cho nhau trong việc Nga lấy lại Ukraine, Trung Quốc thống nhất với Đài Loan. 

Theo các nhà bình luận quốc tê, có thể Putin và Tập đặt ra 3 mục tiêu chung: 1) Hoàn thành nhiệm vụ mà Putin, Tập nghĩ rằng lịch sử đã giao cho ho. 2) Nếu cuộc xâm lược thành công, sẽ là một đòn trời giáng vào sức mạnh quân sự toàn cầu của Mỹ ở 2 mặt trân châu Âu, châu Á. 3) Tập, Putin sẽ trở thành những biểu tượng được người dân sùng bái, vĩnh viễn ngồi trên ghế quyền lực không sợ bị dị nghị, dèm pha dù hiến pháp đã cho phép họ làm điều đó.

Cuộc xâm lăng Ucraine của Nga sắp bước vào năm thứ 3, hứa hẹn còn kéo dài, chưa biết bao giờ kết thúc, sớm lắm là vào cuối năm 2024, khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Nếu ông Donald Trump được đảng Công Hòa đề cử và đắc cử, chiến tranh Ukraine có thể sẽ nhanh chóng kết thúc bằng “cái chết” của Ukraine. 

Tuy nhiên, cho dù Putin có nuốt trọn Ukraine thì việc Tập tấn công, chiếm đóng Đài Loan bằng  vũ lực chưa chắc đã xẩy ra. Có những lý do mà Bắc Kinh chưa dám mạo hiểm, đó là  những điểm khác biệt trong chính sách đối ngoại của Mỹ với Ukraine và với Đài Loan.

Với Ukraine, Mỹ ủng hộ nền độc lập của đất nước này, viện trợ quân sự, kinh tế dồi dào nhưng Tổng Thống Biden đã khẳng định sẽ không để Mỹ tham gia vào cuộc chiến. Ngược lại, dù không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, không có bang giao chính thức nhưng chắc chắn Mỹ sẽ tham chiến để bảo vệ Đài Loan ngay cả khi Donald Trump đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2. Trump thiếu hiểu biết về chính trị nhưng cũng hiểu rằng mất Đài Loan vào tay Trung Quốc, Mỹ sẽ mất luôn ảnh hưởng, sức mạnh của mình ở Thái Bình Dương, gia đình Trump cũng mất con bài để Ivanka Trump vòi vĩnh những giấy phép sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc.

Vậy ông Tập có đủ can đảm, liều lỉnh đánh một canh bạc, được ăn cả ngã về không là chiếm Đài Loan bằng vũ lực? Người viết không tin ông dám cạn láng trong ván xì phé này.

Nguyễn Tiến Cường

********

Tham khảo: 

(1) https://www.ft.com/content/d77ec25e-8d78-43d8-acc5-359dad4a158f?fbclid=IwAR3lU7i5vMpCkOlGmUucDpDSl-19x8TX2mlida6YKbeEDuJJFw23TFQvoRc

(2) https://time.com/6555475/taiwan-democracy-election-result-china-xi-jinping-independence/(3) https://www.theatlantic.com/international/archive/2024/01/taiwan-2024-election-china/677077/