Cù Mai Công: Điều ít ai ngờ quanh ba cư xá lớn ở Sài Gòn – Gia Định
Vùng Ông Tạ có hai trục đường chính: Phạm Hồng Thái (Lê Văn Duyệt nối dài, nay là Cách Mạng Tháng Tám, đoạn quận Tân Bình), Hương lộ 16 (từ giữa thập niên 1960 đổi thành Thoại Ngọc Hầu, ngày 4-4-1985 cho tới nay là Phạm Văn Hai).
Cư dân trong vùng sống xung quanh hai trục đường này. Trong đó, trục Phạm Hồng Thái là trục chính, chạy từ khu vực tiền quân (đường Bắc Hải) đến trung quân (ngã tư Bảy Hiền) đại đồn Chí Hòa hồi 1861. Trục Hương lộ 16 là trục chặn liên quân Pháp – Tây Ban Nha ở hướng Bắc và hướng Đông.
Có cả chục cư xá trong và sát bên vùng Ông Tạ. Trong đó, ba cư xá lớn và quan trọng nhất ở đầu hai trục đường này, cách khá đều ngã ba Ông Tạ, từ 700-800m: cư xá Phủ Tổng thống, cư xá sĩ quan Chí Hòa và cư xá Tự Do.
Các khu định cư Bắc 54 ở miền Nam trước 1975 vốn hầu hết được bố trí sát vùng hoạt động mạnh của “phía bên kia” – như một nút chặn. Cạnh đó thường là các đơn vị quân sự để bảo vệ, hỗ trợ qua lại nhau. Ba cư xá lớn nhất xung quanh vùng Ông Tạ trên cũng vậy, với thành phần cư dân khá rõ tính toán việc bố trí khu dân cư và quốc phòng:
– Cư xá Phủ Tổng thống (góc ngã tư Hương lộ 16 – Trương Minh Ký).
– Cư xá sĩ quan Chí Hòa (vùng giáp ranh đầu đường Phạm Hồng Thái và Lê Văn Duyệt – nay là Cách Mạng Tháng Tám, đoạn quận 10. Sau Mậu Thân 1968 đổi thành cư xá Bắc Hải, có lẽ để tránh gây sự chú ý của “phía bên kia”): cư dân hầu hết là sĩ quan cấp tá giữ chức vụ quan trọng trong Quân đội/Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trên dưới 30 vị cấp tá ở đây sau này đã lên tướng.
– Cư xá Tự Do (gần cuối đường Phạm Hồng Thái): Cư dân nơi đây khá đa dạng, như chủ yếu văn nghệ sĩ, trí thức, chính khách… lẫn sĩ quan Nhảy dù – do cư xá này nằm sát Trại tiểu đoàn dù Phạm Công Quân (đầu thập niên 1970 dời trại lính xây bệnh viện Vì Dân, nay là bệnh viện Thống Nhất).
HÀNG NGÀN LÍNH VÀ SĨ QUAN MỸ ĐÓNG QUÂN SỰ DỌC THEO CƯ XÁ PHỦ TỔNG THỐNG
Cư xá này xây dựng cuối thập niên 1950, cư dân ban đầu hầu hết là quan chức cao cấp, chính khách lớn trong chính quyền thời Đệ nhất Cộng hòa. Sau ít năm, mua qua bán lại, nhưng đa số cư dân vẫn là quan chức (xin nói rõ là đa số, tức không hoàn toàn 100%) như tỉnh trưởng, bộ trưởng, thứ trưởng, chính khách…).
Cư xá này đối diện cư xá Việt Nam Thương Tín bên kia đường Trương Minh Ký. Cách đều khoảng một cây số khu vực Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH, cổng Phi Long của Căn cứ Không đoàn 33 Chiến thuật cùng Yếu khu Tân Sơn Nhứt và Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ (The US Military Assistance Command, Vietnam – MACV; cơ quan chỉ huy quân sự cao nhất với lực lượng Quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam (trong Tân Sơn Nhứt).
Trực tiếp và gần hơn, từ cư xá này nhìn xéo qua bên kia ngã tư Trương Minh Ký – Thoại Ngọc Hầu là cư xá Pax BEQ của Mỹ (hiện vẫn còn) với hàng trăm binh lính Mỹ ở. Cạnh cư xá này là trụ sở Hội đồng xã Tân Sơn Hòa (đã phá bỏ xây trường mầm non). Cạnh Hội đồng xã là “trường làng” Tân Sơn Hòa, nay là Trường trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên.
Trên đường Thoại Ngọc Hầu, hai bên và cách cư xá này trên dưới 250m cư xá này là hai cư xá Quân đội Mỹ lớn hơn với tổng cộng trên dưới 1.000 binh sĩ (binh lính và sĩ quan), tương đương gần hai tiểu đoàn:
– Cư xá Newport BOQ (Bachelor Officers ‘Quarters), góc Thoại Ngọc Hầu – Võ Tánh (hiện là khu nhà số 2 Phạm Văn Hai, đã đập bỏ xây mới). Đối diện qua bên kia đường Thoại Ngọc Hầu là Bệnh viện dã chiến số 3 lớn nhất của Quân đội Mỹ ở miền Nam trước 1973. Sau Hiệp định Paris 1973, bệnh viện này chuyển giao cho Giáo hội Cơ đốc làm Bệnh viện Cơ đốc. Một nữ bác sĩ của bệnh viện này, chồng là Bắc 54 hồi đó thuê nhà tôi gần đó.
Sau 1975, đại tá Bùi Văn Tùng (người tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh) cũng ở đây cùng với gia đình. Căn hộ của gia đình ông nhìn ra Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH cũ) thật ra không phải của ông mà là tiêu chuẩn của vợ ông. Ông lúc đó ở trong doanh trại, không có tiêu chuẩn nhà riêng. Sau này, khi về ở nhà bên gia đình họ ngoại, căn hộ này được trả cho nhà nước, không một đồng hỗ trợ. Con gái ông là Bùi Quỳnh Hoa, con trai ông là Bùi Nam Hải học cùng trương Ngô Sĩ Liên gần đó với tôi; coi tôi như anh. Tôi tới nhà ông Tùng, ra vô như nhà mình.
– Cư xá Missouri BOQ dành cho sĩ quan Mỹ độc thân. Cư xá này đối diện khu nghĩa địa mấy ngàn mộ lớn nhất vùng Ông Tạ – cách nhà tôi vài chục thước. Khuôn viên và số phòng rất lớn, có thể ở 400-500 người. Bà con gọi là building Đại Lợi – cùng tên với rạp hát Đại Lợi bên cạnh.
Hai miếng này vốn là vũng đằm trâu, tắm ngựa của bà con người Nam bản địa nơi đây cả trăm năm. Sau di cư, con nít Bắc 54 xóm tôi, trong đó có mấy anh tôi cũng đến đây đằm chung, tắm chung với trâu, ngựa. Một miếng trung tá Nhảy dù Dư Quốc Đống (sau lên trung tướng, Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng) mua, sau nhượng lại cho trung tá Huệ, xây rạp Đại Lợi.
Miếng bên cạnh đại tá Nguyễn Văn Thiệu tính mua, có lẽ để gần nhà em họ Hoàng Đức Nhã (ở cư xá Việt Nam Thương Tín cũng trên đường Thoại Ngọc Hầu, cách đó 200m. Ông Nhã là bí thư riêng cho Tổng thống Thiệu thời Đệ nhị Cộng hòa) và bạn thân của ông là tướng Trần Thiện Khiêm (thủ tướng thời Đệ nhị Công hòa Nguyễn Văn Thiệu. Nhà riêng của ông Khiêm ở sau nhà thờ Chí Hòa – nhà thờ chính vùng Ông Tạ, quản Giáo hạt Chí Hòa, cách đó một cây số.
Sau đảo chính 1-11-1963, ông bỏ dự tính này. Theo ông T. (xin tạm giấu tên) nhà gần đó, người được ông nhờ mua kể lại: “Ông Thiệu kêu là tui phe đảo chánh, dân Ông Tạ ủng hộ ông Diệm, chắc tui khó ở đây” (!). Thực hư ra sao không rõ. Cái rõ là ông Thiệu (và cả ông Khiêm) cuối cùng ở tư dinh trong khu cư xá Trần Hưng Đạo – Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH; cách cư xá Phủ Tổng thống không xa, một cây số. Năm 1973, con gái ông vu quy ở nhà này và năm 1975, ông Thiệu và ông Khiêm cũng di tản từ nhà này.
Khi xây dựng hai tòa nhà này, ông Huệ mua gạo ghi sổ của nhà tôi để nấu ăn cho thợ, cuối tuần ông trả. Vậy nên khi rạp hát Đại Lợi hoạt động, anh em tôi vô coi khỏi mua vé.
Tuy nhiên, để “thoải mái” hơn, tôi vô rạp, giờ giải lao giữa hai phim, tôi mua kem để làm quen với thằng cháu ông Huệ cỡ tuổi tôi. Nó hay bưng thùng xốp kem bán dạo trong rạp. Mua vài lần, hai đứa nhẵn mặt nhau, thế là khi nào muốn coi, tôi kêu nó dắt tôi đi cửa sau vô.
Sau 1975, một thời gian cư xá này là Trại tạm giam của Công an quận Tân Bình. Ai có vi phạm gì bị nhốt ở đây, dân gọi là “đi Úc Đại Lợi”.
Nhiều tấm hình rất rõ khu vực Ông Tạ, Trương Minh Ký, nhà thờ Tân Sa Châu mà tôi chọn in trong các tập sách được chụp từ các sĩ quan, binh lính Mỹ ở các cư xá Mỹ này.
***
CƯ XÁ TỰ DO: VĂN NGHỆ SĨ CHUNG XÓM TƯỚNG TÁ, CHÍNH KHÁCH
Sau 1975, nhà văn – nhà thơ Hoàng Hải Thủy nổi tiếng viết bài thơ khá nhiều người biết “Áo vàng hoa”. Cuối bài thơ, ông ghi: “Tháng 7, 1977 – Nhà 259/29A Phạm Hồng Thái, Cư xá Tự Do, Ngã ba Ông Tạ, Sài Gòn”.
Cư xá này trên đường Lê Văn Duyệt nối dài/Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám), đoạn gần ngã tư Bảy Hiền – khu vực cuối của xã Tân Sơn Hòa, cách ngã ba – trung tâm Ông Tạ khoảng nửa cây số.
“Ngã ba Ông Tạ” ở đây hàm nghĩa khái niệm “vùng/phạm vi (thuộc) Ông Tạ”. Vậy nên, không chỉ nhà văn – nhà thơ Hoàng Hải Thủy, nhiều cây bút ở miền Nam trước đây cũng xác định cư xá Tự Do cách ngã ba Ông Tạ hơn nửa cây số thuộc vùng Ông Tạ. Như nhà văn Lê Văn Sơn ở nước ngoài, trong hồi ký “Cuộc hành trình dài nửa thế kỷ thơ” viết nhà văn Hà Thúc Sinh ở cư xá Tự Do là dân ngã ba Ông Tạ: “…Ghé qua cầu chữ Y hàn huyên tâm sự với Ngô Nguyên Nghiễm, Nguyễn Thành Xuân; đường Nguyễn Tiểu La với Nguyễn Lê La Sơn, Thuỵ Miên; Ngã Ba Ông Tạ với Hà Thúc Sinh”.
Ra vô cư xá này bằng hai cổng: cổng số 1, cổng chính của cư xá này nay là hẻm 1025 Cách Mạng Tháng Tám); cổng số 2 sát bên khu vực trại tiểu đoàn dù Phạm Công Quân, giờ là bệnh viện Thống Nhất, nay là hẻm 1073 Cách Mạng Tháng Tám.
Cư xá này xưa có ba khu vực. Dãy nhà phía ngoài là khu Villa – biệt thự, khu nhà giàu mà chủ nhân thường là sĩ quan, chính khách. Vừa qua dãy này, nhìn bên phải là thấy bảo sanh viện Hiền Mẫu xưa do đệ nhất phu nhân nền Đệ nhất Cộng hòa Trần Lệ Xuân khởi xướng xây dựng và cắt băng khánh thành năm 1961. Đó là một dãy nhà trệt hiện vẫn còn, là khoa Răng hàm mặt Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.
Qua dãy này, đi tiếp là khu Bình dân với nhiều dãy nhà mang tên A, B, C, D… của sĩ quan, lính Nhảy dù và bà con bình dân. Bên hông hai khu này, sát phía trại dù Phạm Công Quân là khu/xóm “Nhà lá”; thường đi cổng số 2. Nhà văn Đoàn Thạch Biền “Tôi thương mà em đâu có hay”, “Tôi hay mà em đâu có thương”, chủ biên tập san Áo Trắng ở đây. Hồi đầu những năm 2000, thỉnh thoảng tôi ghé nhà anh chơi.
Ngay cổng 1 ra vô cư xá trước 1975 có nhà của nhà văn Nguyễn Hữu Hiệu. Ông sĩ quan đa tài (nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, dịch giả) Hà Thúc Sinh, Bắc 54 Thanh Hóa cũng ở đây. Ở ngôi nhà này, Hà Thúc Sinh đã giúp Hoàng Đình Huy Quan tục bản tập san Sóng, giúp Nguyễn Bắc Sơn in tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi”.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn “Căn nhà xưa”, “Em còn yêu anh”, “Quê hương thu nhỏ”… còn là nhà văn, nhà thơ cũng ở đây. Tác phẩm “Áo mơ phai” của ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973.
Trong đây cũng có nhà của nhà văn Hoàng Hải Thủy. Đó là một ngôi nhà trệt nhỏ gần cuối dãy A, bên phải mà hồi tiểu học, tôi học chung lớp Bốn, lớp Năm trường Mai Khôi (nay là trường Bành Văn Trân) hồi 1971 – 1973 và chơi thân với Hoàng Hải Triều, con trai út nhà văn. Hồi đó, tôi hay đến nhà nó mượn truyện tranh về đọc. Bạn của con, ông cũng coi như con mình, tôi ra vô thoải mái.
Nhà ông Hoàng Hải Thủy bên khu Bình Dân, nhưng đâu lưng với nhà của chuẩn tướng Nhảy dù Hồ Trung Hậu bên khu Villa – cách bảo sanh viện Hiền Mẫu vài căn. Con gái tướng Hậu là á hậu – diễn viên Kim Khánh (Hồ Kim Khánh) nổi tiếng thập niên 1990. Trước đó, Kim Khánh mở quán cà phê tên Các Hoàng Tử ngay nhà mình, dưới tàng cây xoài trái rất ngọt của ngôi nhà.
Kim Khánh không phải là ca sĩ duy nhất nơi đây. Trước cô có một ca sĩ, thậm chí còn là nhạc sĩ lừng lẫy miền Nam xưa: Duy Khánh. Ông có nhiều nhạc phẩm rung động lòng người miền Trung: “Ai ra xứ Huế”, “Xin anh giữ trọn tình quê”, “Thư về em gái Thành đô”…
Một nhạc sĩ khác là Bùi Thế Dũng, có thể không lừng lẫy như nhạc sĩ Duy Khánh nhưng là thầy, đào tạo nhiều danh thủ guitar cổ điển hàng đầu Việt Nam sau 1975 như: Nguyễn Trí Đoàn, Trần Phương Quang, Bùi Tuấn Anh….
Chính khách nổi tiếng, từng là đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ từ 1967 đến 1972 là Bùi Diễm cũng ở đây. Ông Bắc 54 Hà Nam, con nhà nho Ưu Thiên Bùi Kỷ theo Việt Minh. Cô ruột của ông là vợ học giả Trần Trọng Kim, thủ tướng Đế quốc Việt Nam.
Hết hẻm 1025, đi thêm chút nữa, quẹo phải chừng 100m, gần tường rào trại dù Phạm Công Quân có nhà riêng đại tướng Trần Thiện Khiêm. Ông này sinh ở Long An nhưng gốc Bắc Hải Dương, cha mẹ vào Nam từ đầu thế kỷ 20. Ông làm thủ tướng kiêm tổng trưởng Quốc phòng VNCH cho đến 5-4-1975. Vợ chồng ông rất thân với vợ chồng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hồi đầu thập niên 1960, hai bà vợ thường từ khu cư xá Trần Hưng Đạo xéo đầu đường/hương lộ 16 (sau đổi thành Thoại Ngọc Hầu nay Phạm Văn Hai) ngày ngày rủ nhau đi chợ Ông Tạ.
Vị giáo sư đầu ngành ung thư học Đại học Y khoa Sài Gòn, giám đốc bệnh viện Bình dân là GS Đào Đức Hoành cũng có một thời gian ở đây, trong một ngôi nhà ở hẻm nhánh. Sau đó dời về cư xá sĩ quan Chí Hòa cách đó một cây số – đều thuộc vùng Ông Tạ.
Trong cư xá sau 1975 cũng có một ngôi nhà có hai hộ gia đình ở chung. Người trong hai hộ ấy sau này là hai thứ trưởng. Tôi học chung khối cấp ba trường Nguyễn Thượng Hiền với người chị của vị thứ trưởng thứ hai, Nguyễn Trường Sơn, thỉnh thoảng cà phê cà pháo với vị này. Cả hai chúng tôi đều đi xe máy cùi, áo thun, dép lê, xăng đan… lang bang kiểu dân Ông Tạ với nhau và toàn nói chuyện Ông Tạ. Tôi hỏi: “Ở Ông Tạ 45 năm rồi không ngán sao?”. Vị này bảo: “Ở Ông Tạ vui anh ạ”…
(Lược trích một phần nhỏ trong “Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó” tập 1 và 2)