Cù Mai Công: “Hùm xám của chế độ” ẩn mình trong ngõ An Lạc
“Ngõ An Lạc” theo cách gọi hồi đầu di cư 1954 là một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Hồng Thái, nay là hẻm 686 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình. Đây là một con hẻm khu trung tâm vùng Ông Tạ với câu thành ngữ không dân Ông Tạ xưa nào không biết: “Trai Nam Thái, gái An Lạc”.
Vào hẻm này chừng 100m, bên trái có một hẻm nhánh. Đầu hẻm nhánh này có một căn nhà trệt một gác gỗ nhỏ, ngang chừng hơn ba thước. Đó là nhà ông bà Hiếu, Bắc 54 Hà Nam. Đi thêm một căn nữa là nhà nhạc sư Kim Long, một vị nhạc sĩ linh mục nổi tiếng xưa nay với hàng ngàn khúc Thánh ca mà từ hồng y, giám mục đến giáo dân cả nước đều hát: Kinh hòa bình, Con hân hoan…
Cả nhạc sư Kim Long lẫn gia đình ông bà Hiếu sống rất bình thường như mọi người trong con hẻm lao động nghèo này. Bà con trong hẻm gọi ông chủ nhà là “cò Hiếu” – một cách gọi bình dân những người trong ngành công an, cảnh sát ngày xưa. Nhà ông Hiếu cách nghĩa trang Bắc Việt, nơi chôn cất ông cố vấn Ngô Đình Cẩn, chỉ huy cũ của ông, khoảng một cây số. Sau khi ông Cẩn bị tử hình, thỉnh thoảng ông Hiếu lên đây thắp nhang, đọc kinh cho ông Cẩn.
Bà con gọi ông là “cò Hiếu” vì ông từng là Trưởng ty Công an tỉnh Thừa Thiên và đô thị Huế thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Không rõ khi làm công vụ, ông cò như thế nào, còn trong cuộc sống hàng ngày với khu xóm, ông hiền hòa, vui vẻ với mọi người. Bạn bè Thuận, con trai cả của ông thỉnh thoảng ghé chơi với Thuận, ông thương như con cái trong nhà.
Khó ai có thể ngờ rằng ông “cò Hiếu” là nhân vật mật vụ đáng sợ nhất của ngành tình báo, mật vụ miền Nam trước 1975 với biệt danh “Hùm xám của chế độ”: Dương Văn Hiếu, chỉ huy Đoàn công tác Đặc biệt miền Trung. Đây là đơn vị do ông cố vấn miền Trung Ngô Đình Cẩn lập ra; danh nghĩa là miền Trung nhưng tầm hoạt động có thể nói bao trùm miền Nam, văn phòng trung tâm đặt ở Sài Gòn.
Đơn vị này có trách vụ (chức trách, nhiệm vụ) lo về tình báo chiến lược và phản gián, thi hành chính sách của cố vấn Ngô Đình Cẩn: “Chiêu mời (sau đổi thành cải tạo) và sử dụng các cán bộ cựu kháng chiến bị bắt, kể cả việc cài cắm lại số cán bộ này vào đơn vị cũ (phản gián)”. Rất nhiều cán bộ tình báo cấp cao, mạng lưới tình báo “phía bên kia” đã bị đơn vị này bắt như Mười Hương (cùng quê Hà Nam với ông Hiếu), Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, đại tá Lê Câu… Đoàn này cũng từng bám sát đại tá Phạm Ngọc Thảo và đề nghị Tổng thống Ngô Đình Diệm lưu ý đại tá Thảo dù nhà ông Hiếu và ông Thảo cùng ở vùng Ông Tạ, cách nhau vài trăm mét.
Thật ra gọi ông là “Hùm xám của chế độ” có lẽ không chính xác lắm, vì ông chỉ là “hùm xám” thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngay sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ, Đoàn công tác Đặc biệt miền Trung bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng giải tán. Ông “cò Hiếu” bị bắt về tội “bắt giữ người trái phép”, kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Tuy nhiên, ông chỉ ở đây một năm thì được phóng thích.
Thời Đệ nhị Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, ông có làm việc cho Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo theo lời mời của nơi này cùng với việc áp dụng lại cách làm tình báo và phản gián của Đoàn công tác Đặc biệt miền Trung. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, có lẽ hai bên không hợp ý nhau, ông tự bỏ việc.
Gia đình ông sau khi ông được phóng thích từ Côn Đảo sống bằng buôn bán (sỉ) thuốc tây. Thuận, con trai trưởng của ông học trường đạo An Lạc (nay là trường Âu Lạc), đến 1975 đang học Đại học Y dược. Tối 28-4-1975, ông và con trai lớn rời Việt Nam trên một tàu Hải quân cùng trung tướng Nguyễn Văn Là, cựu tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia.
Vợ cùng các con khác của ông là Dung, Chương… và con gái út kẹt lại. Cô út có chồng từng là vận động viên trong đoàn mô tô của thành phố Hồ Chí Minh, hay dẫn đoàn đua xe đạp thời ông Trần Thanh Ngữ làm Trưởng phòng Thể dục thể thao quận 1.
Năm 1989, ông Hiếu bảo lãnh vợ và các còn lại sang Mỹ với ông.
Ông “cò Hiếu” trong ngõ An Lạc vốn “trùm” mật vụ nên rất kín tiếng, giấu thân ẩn mình gần như tuyệt đối. Cho tới giờ, không ai biết ngày sinh, mặt mũi ông ra sao. Không một tấm hình nào của ông xuất hiện trên truyền thông lẫn trên mạng. Từ 1963 cho tới khi sang Mỹ, ông hầu như im lặng, chỉ duy nhất một lần trả lời phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh – Bộ trưởng Nội vụ thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm.