Cù Mai Công: Khu Ông Tạ và những con người nổi tiếng một thời

LIỆU CÓ “MÈO KHEN MÈO DÀI ĐUÔI” VÙNG ÔNG TẠ?

Vài anh em có ý kiến như vậy. Xin mời anh em đó tìm ra MỘT VÙNG ĐẤT MÀ KHU TRUNG TÂM CHỈ 2KM2 nhưng có gần 200 văn nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng; hàng trăm học giả, nhân sĩ, trí thức; 1/3 số tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) + hàng chục phó tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, đại sứ VNCH…?

Ví dụ (lược trích “Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó” tập 2): Nhạc sĩ nổi tiếng chẳng hạn, chỉ tính những vị có sổ gia đình (trước 1975), sổ hộ khẩu (sau 1975) chính thức, vùng Ông Tạ có trên dưới 25 vị. Cụ thể:

Cạnh nhà tôi là nhà bác Giảng, tức nhạc sĩ Thông Đạt “Ai về sông Tương”. Hai con ông là Hùng, Lộc chơi, đánh lộn với tôi.

Cư xá Tự Do có các nhạc sĩ Duy Khánh “Ai ra xứ Huế”, Nguyễn Đình Toàn, Bùi Thế Dũng (thầy, đào tạo nhiều danh thủ guitar cổ điển hàng đầu Việt Nam sau 1975 như: Nguyễn Trí Đoàn, Trần Phương Quang, Bùi Tuấn Anh…), Hà Thúc Sinh (cũng là nhà văn, nhà thơ).

Nguyễn Vũ “Bài Thánh ca buồn” (khu Nghĩa Hòa), Ngọc Chánh “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (khu Sao Mai), Hoài An “Câu chuyện đầu năm” (cách nhà tôi 200m, cùng dãy nhà), Quốc Dũng “Mai”, “Cây cầu dừa”, “Chuyện ba người” (cư xá Thoại Ngọc Hầu), Ngọc Trọng “Buồn vương màu áo” (em MC Nguyễn Ngọc Ngạn, cách nhà tôi 250m, cùng dãy nhà), Việt Dzũng “Bên đời hiu quạnh” (con bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy chữa bệnh suyễn cho tôi – nhà đầu hẻm Bác sĩ Bảy gần ngã ba Ông Tạ), Vũ Xuân Hùng “Búp bê không tình yêu” (khu An Tôn), Thế Hiển “Tóc em đuôi gà” (ngõ Cổng Bom, bên cầu Ông Tạ), Cao Thanh Tùng (đường Bùi Thị Xuân, dẫn chương trình Đố vui để học trước 1975), Lê Hoàng Long “Gợi giấc mơ xưa” (hẻm Hàng Dầu/Hòa Bình, sát rạch Nhiêu Lộc), Dương Thụ (ở khu Sao Mai trên dưới 20 năm và thành danh khi ở đây), giáo sư – nhạc sĩ Phạm Đức Huyến, Hồ Sâm(khu An Tôn – Quân nhạc VNCH), linh mục – nhạc sĩ Hoàng Kim, linh mục – nhạc sĩ Vũ Đình Trác…

Và đặc biệt là linh mục – nhạc sư Kim Long với hơn 6.000 nhạc phẩm đạo.

Ảnh: Một số nhạc sĩ (chưa đủ) vùng Ông Tạ.

Linh mục – nhạc sư Kim Long “Kinh Hòa bình với hơn 6.000 nhạc phẩm đạo (khu An Lạc)
NS Ngọc Chánh “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (khu Sao Mai)
NS Nguyễn Vũ “Bài Thánh ca buồn” (khu Nghĩa Hòa)
NS Nguyễn Đình Toàn “Căn nhà xưa” (cư xá Tự Do)
Nhạc sĩ Duy Khánh “Ai ra xứ Huế” (cư xá Tự Do)
NS Quốc Dũng “Mai”, “Chuyện ba người” (cư xá Thoại Ngọc Hầu)

CHỈ MỘT KHU ĐẤT TRONG VÙNG ÔNG TẠ CÓ 30 TƯỚNG VNCH

(Số tướng này chiếm gần 1/5 số tướng Quân lực VNCH. Lược trích 1/3 bài “Cư xá Bắc Hải” trong “Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó!” tập 2, đã phát hành)

“Từ đây về đường Bắc Hải, khu Ông Tạ thì cậu lấy bao nhiêu?” – Đó là câu hỏi của một vị khách với một thanh niên chạy xích lô trên đường tìm về nhà cũ năm 1980. Vị khách ấy vốn là một giáo dân giáo xứ Nam Hòa – Ông Tạ, tù 18 năm ở miền Bắc (1962–1980) về tội làm gián điệp (tung ra miền Bắc) cho chính quyền Sài Gòn (Hồi ký “Thép đen” – Đặng Chí Bình)

Như một trong vô số minh chứng tự nhiên, không cần lý luận: khu Bắc Hải rõ ràng nằm trong mặc định của một người Bắc Hải, về địa giới hành chính là quận 10, Sài Gòn, nhưng “lòng” nó lại thuộc vùng Ông Tạ, xã Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình, Gia Định.

Khi rời đường Bắc Hải năm 1962, ông còn là thanh niên 29 tuổi (sinh 1933). Khu Bắc Hải trong ông còn nguyên vẹn, sắc nét hình ảnh năm 1962 trở về trước.

(…) Cuối thập niên 1959, đầu thập niên 1960, đây là nơi ở của nhiều sĩ quan cấp tá của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, hầu hết gốc Bắc sau này trên dưới 30 vị đã lên tướng như đại tướng Cao Văn Viên (tổng tham mưu trưởng 10 năm, 1965–1975), trung tướng Đồng Văn Khuyên (thường vụ tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu), trung tướng Dư Quốc Đống (phụ tá tổng tham mưu trưởng), trung tướng Trần Thanh Phong (phụ tá chánh văn phòng Văn phòng thường trực trung ương đặc trách Chương trình Thị tứ của thủ tướng), trung tướng Phạm Quốc Thuần (chỉ huy trưởng Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế), trung tướng Nguyễn Văn Hiếu (tư lệnh tiền phương Quân đoàn III), thiếu tướng Phạm Văn Phú (tư lệnh Quân đoàn II và Quân khu 2), thiếu tướng Lê Minh Đảo (tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh kiêm tư lệnh Biệt khu 31 chiến thuật, chỉ huy trận Xuân Lộc), thiếu tướng Nguyễn Thanh Sằng (tư lệnh Bộ tư lệnh Tiền phương Quân đoàn IV và Quân khu 4), chuẩn tướng Lý Tòng Bá (tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh), chuẩn tướng Nguyễn Trọng Bảo (tham mưu trưởng Sư đoàn Nhảy dù kiêm phụ tá tư lệnh sư đoàn Đặc trách Hành quân)…

Đại tá Trần Khắc Kính, Bắc 54 Nam Định – phó tư lệnh Lực lượng Đặc biệt; trung tá (khi tử trận truy thăng đại tá) Nguyễn Đình Bảo, Bắc 54 Hà Đông; trung tá Trần Thanh Chiêu, tư lệnh Sư đoàn 22 bộ binh, trung tá Lý Văn Quảng – chỉ huy trưởng Căn cứ Hoàng Hoa Thám (trại Sư đoàn Nhảy dù Hoàng Hoa Thám); trung tá Hồ Văn Kiệt, trưởng Ban U –Phủ Đặc ủy trung ương tình báo… cũng ở đây.

Ông Bảo là Bắc 54 Hà Đông (nay là Hà Nội), xa Hà Nội năm 17 tuổi. Gốc Bắc, nhưng anh em đồng đội đều gọi bằng một cái tên rất Nam bộ: “Anh Năm”. Vợ ông là một chiêu đãi viên (tiếp viên) hàng không, sinh năm 1940, thua ông bốn tuổi. Ông học ở Hà Nội, mang nét hào hoa Thăng Long: lính tráng nhưng đàn giỏi, hát bay bổng. Ngày 11-4 là sinh nhật vợ, ông đã đặt sẵn một bánh kem cho bà. Ngày 25-3-1972, ông hành quân vào Charlie với lời hứa sẽ về dự sinh nhật vợ – mới sanh đứa út một, hai tháng.

Hai bé con sĩ quan VNCH ở cư xá sĩ quan Chí Hòa trước 1975. Nhà sau lưng hai bé là nhà trung tá Nguyễn Đình Bảo “Người ở lại Charlie” – Ảnh gia đình

Sinh nhật mình, người vợ không làm gì, chờ chồng về. Tới giờ 2022, 50 năm rồi, có lẽ bà vẫn chờ dù biết chồng sẽ không bao giờ trở về: ngày 12-4-1972, ông đã “thất hứa” khi nằm lại vĩnh viễn ở Charlie, khi là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy dù “song kiếm trấn ải”. Ông bà có ba người con tên Nguyễn Bảo Tường, Nguyễn Bảo Tú và Nguyễn Bảo Tuấn; đều học rất giỏi; có cá tính. Tuấn là “đứa bé thơ” với “tấm khăn sô bơ vơ” trong nhạc phẩm ấy, sau 1975, học ở khu Ông Tạ và nay là kiến trúc sư, giảng viên đại học. Người anh cả sau 1975, bảy năm liền, từ khi học lớp 11 đến năm thứ sáu y khoa, sáng sáng đạp xe đạp từ cư xá Bắc Hải lên Gò Vấp mua bánh đậu xanh về bỏ cho các tiệm bánh rồi mới đi học; giờ là bác sĩ nhi khoa. Bảo Tú, chị kế Tuấn, giỏi nhiều ngoại ngữ, làm việc ở Lãnh sự quán Anh nhiều năm nay. Người mẹ ở vậy nuôi con, từ khi mới 32 tuổi…

Nhà thiếu tướng Sư đoàn 18 bộ binh Lê Minh Đảo, chỉ huy trưởng phòng tuyến Xuân Lộc cũng ở trong khu cư xá này. Ở Xuân Lộc, tướng Đảo đã tuyên bố sẽ “tử thủ”. Tuy nhiên sau 11 ngày chiến đấu, ông đã rút quân về Sài Gòn sau khi phi trường Biên Hòa – nơi các máy bay cất cánh yểm trợ mặt trận Xuân Lộc bị tấn công và phòng tuyến Phan Rang thất thủ. Ông Đảo dân Bình Hòa. Không rõ có phải ở khu xóm đạo Ông Tạ nhiều năm, ông đã vào đạo khi đang đi cải tạo sau 1975.

Chuẩn tướng Lý Tòng Bá cũng ở đây. Ông là tư lệnh Sư đoàn 25 bộ binh, lực lượng phòng thủ cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa khu vực bắc Sài Gòn trước khi thất thủ. Sáng 30- 4-1975, ông bị quân Giải phóng bắt tại làng Tân Thạnh Đông, quận Củ Chi.

Thiếu tướng Trần Thanh Phong (khi mất truy thăng trung tướng) nhà cũ ở dãy SS + TT, vốn là tư lệnh nhiều đơn vị bộ binh, đứng đầu ngành An ninh Nội chính (Cảnh sát Quốc gia) và chức vụ cuối cùng là chánh văn phòng thường trực Trung ương Đặc trách Chương trình Thị tứ của thủ tướng. Cuối năm 1972 ông bị tử nạn máy bay quân sự khi đi thanh sát Quân khu 2. Cùng chuyến bay này với ông có đại tá Lý Trọng Mỹ, nhà cũng trong cư xá (em vợ của đại tá Bùi Dzinh, nhà đối diện hồ tắm Cộng Hòa) may mắn thoát nạn.

Có hai vị tướng trong khu này đã ra đi trong tang tóc. Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Bắc 54 Hà Đông, tư lệnh Quân đoàn II và Quân khu 2. Ngày 29-4, sau khi nhờ sĩ quan tùy viên đưa phu nhân và các con ông ra phi trường Tân Sơn Nhứt để di tản ra khỏi Việt Nam, ông đã uống một liều thuốc độc cực mạnh.

Riêng thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Bắc 54 Bắc Ninh, tư lệnh phó Quân đoàn 3 Đặc trách Hành quân đã tử nạn ngày 8-4-1975 ở ngay bàn làm việc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ở Biên Hòa, do một viên đạn từ cằm xuyên lên trên.

Tướng Hiếu là một trong những vị tướng được coi là trực tính và đặc biệt là thanh liêm nhất trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Năm 1972, ông được Phó Tổng thống Trần Văn Hương cử làm thứ trưởng đặc trách bài trừ tham nhũng khi tệ nạn tham nhũng đang hoành hành trong nhiều chỉ huy quân đội Sài Gòn. Từ vị trí này, ông đã buộc hàng loạt sĩ quan cao cấp, trong đó có hai trung tướng Nguyễn Văn Vỹ, Lê Văn Kim và bảy đại tá bị cách chức. Tuy nhiên, sau đó, ông đã buộc phải cay đắng nói ra: “Chiến dịch chống tham nhũng sẽ không đi tới đâu vì các bộ trưởng trong nội các và thủ tướng (Trần Thiện Khiêm) không cộng tác”.

Cái chết của ông được coi là một bí ẩn. Có thông tin cho là do tranh cãi với cấp trên về cuộc chiến lúc ấy như hãng tin UPI đưa tin lúc ấy. Tuy nhiên, theo báo cáo mật của CIA đã được công bố: “Tướng Hiếu bị ám sát bởi cận vệ của tướng Toàn, đại úy Đỗ Đức, trong văn phòng riêng tại bản doanh Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 bởi một một viên đạn bắn vào cằm xuyên lên não”. Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III vốn ‘khét tiếng’… tham nhũng trong quân đội Sài Gòn. Có thời gian chỉ huy một sư đoàn đóng ở vùng nhiều rừng quế, ông đã thu gom và đầu cơ loại đặc sản này, lính tráng gọi lén là “Quế tướng công”.

Sáng 10-4-1975, Phó Tổng thống Trần Văn Hương đã thay mặt Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến nhà thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu trong cư xá Bắc Hải viếng tang ông, truy thăng lên trung tướng.

Những vị tướng tá khác trong cư xá giờ tứ tán khắp nơi, trong và ngoài nước, kẻ mất người còn. Lính tráng thời chiến, ai hay dâu bể sự đời về sau…

Cù Mai Công

Tượng đài Đức Mẹ trên đường Bắc Hải khi vừa xây dựng xong trước 1975. Tượng đài Hải do đại tá Lý Trọng Song nhờ lính Quân tiếp vụ đóng ở cổng sau cư xá xây dựng- Nguồn Nguyen Ba Hung
Tượng đài Đức Mẹ trên đường Bắc Hải hiện nay – Ảnh CMC
Vị trí cư xá sĩ quan Chí Hòa trên bản đồ 1959 – Đồ họa CMC