Cù Mai Công: Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Hoàng Hải Thủy – Yêu Sài Gòn, yêu Ông Tạ đến tận cùng

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Hoàng Hải Thủy (1933–6/12/2020) Ảnh: Phan Nguyen Psg

Trước 1975, Hoàng Hải Thủy là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà chính luận nổi tiếng sắc sảo ở miền Nam. Sau 1975, ông nằm trong danh sách “Những tên biệt kích cầm bút”, bị bắt đi tù không phải một mà hai lần. Chuyện chính trị nếu nói sẽ không cùng, ở đây tôi chỉ nói về khía cạnh ba của bạn tôi – khi ông ra đi đến nay tròn bốn năm (6-12-2020/6-12-2024).

Hoàng Hải Triều là con út ông. Xưa tôi và Triều hay tới nhà nhau chơi. Không rõ có phải vì ảnh hưởng vùng đạo Ông Tạ hay không mà gia đình theo đạo Ông Bà nhưng sau đó theo đạo Công giáo. Khi nhắc đến tôi, Triều bảo: “Nhớ mày chứ, hồi đó nhà mày là tiệm buôn Ngọc Chính ở chợ Ông Tạ, gần rạp Đại Lợi”. 

***

Ngày 6-12-2020, Hoàng Hải Triều, bạn thân tiểu học trường Mai Khôi (nay là Bành Văn Trân) và học cùng khối Trường trung học Tân Bình – Nguyễn Thượng Hiền trước 1975 với tôi, buông một câu như tiếng nấc: “Bố tôi đã không còn nữa”.

“Bố tôi” của bạn tôi là nhà văn, nhà báo, nhà thơ Hoàng Hải Thủy đã ra đi lúc 23g20 tối chủ nhật, 6-12-2020, tại bệnh viện Virginia Hospital Center, tiểu bang Virginia, hưởng thọ 87 tuổi (1933-2020).

Bố của Triều nổi danh miền Nam trước 1975, với một loạt tác phẩm nổi tiếng lúc đó: “Vũ nữ Sài Gòn”, “Tây đực Tây cái”, “Chiếc hôn tử biệt”, “Bạn và vợ”, “Đỉnh gió hú” (phóng tác từ Wuthering Heights), “Điệp viên 007” (phóng tác)… Trong đó, tác phẩm phóng tác Jane Eyre của Charlotte Bronte lấy tên người con con gái của ông: Kiều Giang.Nhà văn Hoàng Hải Thủy tên thật là Dương Trọng Hải, quê Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông không phải Bắc 54 mà vào Nam từ 1951. Sống ở đường Mayer/Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) vài năm, năm 1958, ông về Ông Tạ sống cho tới ngày định cư ở nước ngoài 1994. Ông có thói quen “nghiện” lấy ráy tai từ khi ở Hà Nội và hay lấy ráy tai ở một tiệm hớt tóc gần nhà tôi, đối diện hẻm vào cư xá Thoại Ngọc Hầu trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai); gần nhà nhạc sĩ “Kỷ niệm nào buồn” Hoài An. Tiệm này hồi ấy có ông thợ ráy tai vừa ý ông.

Nhà văn Hoàng Hải Thủy ở Pleiku năm 1971 – Ảnh gia đình

Trước ngày ông đi chỉ hơn nửa tháng, ngày 20-11-2020, chị Kiều Giang, cô con gái được ông lấy tên đặt cho một tác phẩm của mình bảo tôi: “Cù Mai Công, cảm ơn em về những hồi ức về gia đình chị. Chị mong sẽ được đọc thêm nhiều bài độc đáo của em về đất Ông Tạ. Bố chị cũng rất ngạc nhiên và thích thú được biết về những chi tiết về vùng đất này”. 

Triều là con trai út của nhà văn; từ hồi tiểu học đã vẽ rất đẹp và đặc biệt kỳ lạ là vẽ từ chân nhân vật lên. Triều dạy tôi vẽ và dẫn tôi về nhà chơi, một căn nhà trệt, “mái ngói xanh rêu” nho nhỏ trong thơ ông ở cư xá Tự Do. Trong nhà rất nhiều sách. Tôi thích nhất là những bộ truyện tranh Tây du ký của họa sĩ Hồng Kông, nét vẽ rất đẹp. Ông bảo Triều: “Công nó thích thì lấy cho Công xem đi”.

Ông quê Hà Đông nên còn ký bút danh Công Tử Hà Đông, một bút danh đúng như con người ông: một nhà văn nổi tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã. Nhà văn hào hoa ấy yêu thương vợ con đến tận cùng. Ông và bà thành thân đúng ngày chia đôi đất nước 20-7-1954. Hơn 60 năm bên nhau, ông chưa hề có phút giây nào vơi tình yêu dành cho vợ mình: Đỗ Thị Thủy. Bút danh Hoàng Hải Thủy của ông có tên Thủy là vậy. Ông thường gọi vợ là Alice (Elise).

Vợ chồng nhà văn Hoàng Hải Thủy – Ảnh gia đình

Hai vợ chồng cùng ba con: Hoàng Hải Nguyên, Hoàng Kiều Giang, Hoàng Hải Triều chắc chắn đã có những ngày tháng êm đềm, đẹp đẽ ở Ông Tạ. Khi đã định cư nước ngoài, Ông Tạ vẫn luôn là một cái gì đó ám ảnh ông. 

Ông viết: “Ngày mới đến Hoa Kỳ tôi nói: “Tôi mang Sài Gòn trong trái tim tôi…” Tôi muốn nói tôi yêu Sài Gòn, tôi đã sống đến bốn mươi năm trong lòng thành phố Sài Gòn thương yêu, tôi đã vui buồn, đã đau khổ với Sài Gòn. Nay phải đi xa, tôi mang Sài Gòn theo tôi nên tôi sẽ không thấy nhớ Sài Gòn!

Sự thật không như tôi nói, không như tôi tưởng.

(…) Dù tôi có yêu thương Sài Gòn đến chừng nào đi nữa – là Công Tử Hà Đông bên hông Hà Nội, Bắc kỳ chính cống Bà Lang Trọc nhưng tôi yêu Sài Gòn hơn tôi yêu Hà Nội. Dù tôi có sống với Sài Gòn lâu đến chừng nào đi nữa, khi phải xa Sài Gòn tôi vẫn nhớ thương Sài Gòn. Nhớ thương vỡ tim, xé gan, cháy lòng, đứt ruột như nhớ thương người đàn bà mình yêu, người đàn bà đa tình yêu mình cực kỳ, cho mình hưởng tất cả, mình từng sống hạnh phúc bên nàng mà mình phải xa nàng.

Đêm cuối năm, mưa rơi suốt đêm trên Rừng Phong.

Canh khuya trằn trọc nằm nghe tiếng mưa đập vào khung kính cửa sổ, tưởng như đang nằm nghe mưa rơi trên mái ngói xanh rêu trong căn nhà nhỏ ở cư xá Tự Do, ngã ba Ông Tạ – Sài Gòn”.

Năm 1977, ông viết bài thơ “Áo vàng hoa” về vợ mình, nghĩa tình đằm thắm: 

(Trích) Em yêu dấu, Em ơi, đừng ngại

Mặc cho đời tháng lại, ngày qua

Trong xương thịt ta còn giữ mãi

Những cái gì riêng của đôi ta.

Khi Em nằm xuống, khi tàn lửa

Trong hào quang của những tiên nga

Khi xe hạc vàng nhung tới cửa

Đón Em về xa cõi trời xa

Anh sẽ mở hồn Anh lấy áo

Mặc cho Em chiếc áo vàng hoa.

Bà ra đi một ngày cuối tháng 12-2018. Hai năm sau, ông đã gặp lại bà bên kia thế giới, cũng tháng 12; cũng thượng thọ 88 tuổi (ta). Hai lần bất đắc dĩ chia tay vợ, ông đều đủng đỉnh, từ tốn đúng phong cách Hà Nội thanh lịch xưa: sắp xếp ít quần áo, đồ dùng cá nhân trước khi lên đường. Ra đến cửa, ông quay lại từ biệt vợ bằng câu nói bình thản nhưng đầy âu yếm: “Vậy là anh lại phải xa em rồi”. 

Ông bà đã gặp nhau, sẽ không bao giờ xa nhau nữa.

(Trích “Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó!” tập 2)

Cù Mai Công