Dazai Osamu: Merry Christmas (Nguyễn Văn Thực dịch)
メリイクリスマス
Merry Christmas
太宰治
Thái Tể Trị
Dazai Osamu
(1909-1948)
Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên tác Nhật ngữ
Đông Kinh/Tokyo là một nơi nhộn nhịp mà buồn, tôi nghĩ như thế khi tôi trở lại Đông Kinh, ý nghĩ này giống như giòng chữ đầu tiên của một bài văn, nhưng trong mắt tôi, “cuộc sống Đông Kinh” cũng chẳng khác gì trước đây.
Tôi đã sống ở Tân Khánh/Tsugaru, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi được một năm ba tháng, và chuyển về Đông Kinh với vợ con vào giữa Tháng Mười Một năm nay, nhưng khi nhìn lại tôi có cảm tưởng như đi chơi hai hay ba tuần gì đó rồi trở về.
“Đông Kinh sau một thời gian dài tôi vắng bóng, tính cách của thành phố này cũng không thay đổi chút nào, không tốt cũng không xấu. Dĩ nhiên là về mặt vật chất có thay đổi, nhưng về mặt tinh thần thì nó vẫn như cũ. Tôi cảm thấy là chỉ có cái chết mới chữa lành được những đứa ngu. Đông Kinh thay đổi nhiều hơn một chút thì tốt, không, nó phải thay đổi thay đổi.” Tôi đã viết và gửi cho một người ở quê tôi như thế, và tôi vẫn như ngày nào, khoác áo bông hai lớp hiệu Cửu Lưu Mễ Băng đi lang thang trên các đường phố Đông Kinh.
Vào đầu tháng 12, tôi đến một rạp chiếu phim ở ngoại ô Đông Kinh (hay đúng ra nên gọi đó là một căn nhà thường thường, không đến nỗi xập xệ lắm thì hợp hơn gọi là rạp này rạp nọ) và xem phim của Mỹ. Khi đi ra thì đã 6 giờ chiều, thành phố Đông Kinh ngập trong sương mù chiều hôm như ngập trong khói trắng, và những người mặc đồ đen đang hối hả tới lui trong sương mù. Lòng tôi đã là Tháng Mười Hai. Cuộc sống ở Đông Kinh không thay đổi chút nào.
Tôi đi vào một hiệu sách, mua một tập kịch của một kịch tác gia nổi tiếng, người Do Thái, bỏ vào túi, và đột nhiên nhìn ra lối ra vào, tôi thấy một người đàn bà đứng giống như con chim đang nhón chân để cất cánh và đang nhìn tôi. Cái miệng nhỏ hé mở, nhưng chưa thốt ra lời.
Hên hay xui đây?
Ngày xưa, thì tôi chạy theo tán liền, nhưng bây giờ loại người như thế tôi chẳng ham. Gặp loại người nữ như vậy thì thật là xui xẻo. Tôi đã vướng phải nhiều người đàn bà như vậy. Không, tôi không nói quá đâu.
Một nàng ở Tân Túc/Shinjuku? Ơ… ơ, không phải…. nhưng mà cũng có thể.
“Thưa ông, ông là Lạp Tĩnh/Kansai có phải không?” Người đàn bà gọi nhỏ tên tôi, hạ gót xuống và cúi đầu chào tôi. Người đàn bà đội một chiếc mũ màu xanh lá cây, dây mũ buộc cằm, và mặc một chiếc áo mưa màu đỏ tươi. Trong nháy mắt người đàn bà trở nên trẻ trung ra, trông như thể một cô gái tuổi mười hai mười ba, khớp hoàn toàn với hình ảnh còn hiện hữu trong trí nhớ của tôi.
“Shizueko!”*
Hên rồi.
“Ra đây. Ra đây cháu. Cháu đang muốn mua tạp chí hay món gì đó phải không?”
“Không. Cháu tính mua một cuốn sách tên là Ariel, nhưng không sao, chốc nữa mua cũng được.”
Chúng tôi ra khỏi tiệm sách và đi trên đường phố Đông Kinh Tháng Mười Hai.
“Bác không ngờ cháu đã lớn bộn.”
Đông Kinh nơi này vẫn thế. Mọi sự rồi cũng vậy thôi.
Tôi mua hai túi đậu phộng giá 10 yên một túi từ một quán nhỏ, rồi cất bóp, suy nghĩ một chút, rồi lại rút bóp ra và mua thêm một túi nữa. Ngày xưa, tôi luôn mua một một món quà nào đó cho con nhỏ này khi đến thăm mẹ nó.
Mẹ con bé đồng tuổi với tôi, và là một trong ít người đàn bà, không, phải nói là đàn bà duy nhất, còn đọng lại trong trí nhớ của tôi, mà khi gặp gỡ rất ít khi tôi phải sợ hãi và bối rối.
Tại sao vậy? Bây giờ tôi thử đưa bốn câu trả lời. Vì nàng ấy được sinh ra từ một nơi gọi là quý tộc, xinh đẹp mà ốm yếu, một người mà như thế thì lòng hẳn dễ tổn thương, và không thể đủ tư cách trở thành “người đàn bà duy nhất” mà khi gặp gỡ tôi hẳn phải sợ hãi, bối rối. Dầu rằng nàng cho biết là nàng đã chia tay với người chồng giàu có, bây giờ tiền bạc eo hẹp và sống trong một căn hộ với một đứa con gái, tôi cũng không quan tâm chút nào về mấy cái chuyện đàn bà ấy. Thực sự có nguyên nhân nào đó làm nàng phải chia tay với người đàn ông giàu có ấy không? Chia tay với người chồng giàu có, mà tiền bạc chẳng có bao nhiêu, thiệt tôi chẳng hiểu nổi. Và dù có nghe rồi, cũng sẽ quên béng đi thôi. Có lẽ vì tôi đã bị người ta lừa dối quá nhiều, nên dẫu nàng ấy có kể cho tôi nghe những câu chuyện thảm thương đến thế nào đi nữa, tôi vẫn cảm thấy tất cả chỉ là trò dối trá, giấu đầu hở đuôi, và tôi không thể rơi một giọt nước mắt cho những chuyện như thế. Nói cách khác, không làm gì có chuyện tôi chọn nàng là “người đàn bà duy nhất” như trên vì những cái gọi là lãng mạn, chẳng hạn như được sinh ra trong gia đình giàu có, quyền quý, xinh đẹp, và dần dà bị tán gia bại sản và thật đáng thương.
Chỉ có bốn câu trả lời:
Trước hết, tôi thích sự sạch sẽ. Mỗi khi về nhà, nàng đều rửa tay chân ở cửa ra vào. Mặc dù không có tiền, phải ở trong một căn hộ nhỏ hai phòng, nhưng mọi ngóc ngách luôn được chăm chút cẩn thận, dụng cụ nhà bếp sạch sẽ tới mức không thể sạch hơn.
Thứ hai, nàng không hề yêu tôi. Và tôi cũng chẳng yêu nàng chút nào. Còn về tình dục ư?, đấy là cái chuyện rắc rối và bẩn thỉu. Những kiểu yêu đương như: Yêu vì thương hại, và phải tự lừa dối mình đang yêu thực sự; hay yêu thực sự và tìm cách cho nàng để ý đến mình? Những chuyện xưa như trái đất. Đàn ông đàn bà cãi cọ, ấu ó nhau, những ách ấy tôi không muốn quàng vào cổ chút nào cả. Và tôi nghĩ nàng vẫn còn yêu người chồng đã ly thân của mình, và nàng đang vẫn kiểu giận thì giận mà thương.
Thứ ba, nàng rất nhạy cảm với tôi. Chuyện đời chán muốn chết, chịu hết nổi thế mà có kẻ vẫn bô bô: “Cuộc đời vẫn đẹp sao!” hay các câu đại loại như vậy, thì thiệt là lãng nhách. Nàng thì khác, khi chúng tôi đi chơi với nhau, nàng luôn luôn ăn nói hợp ý tôi trong từng chi tiết nhỏ. (Thời đại nào cũng vậy, hễ ăn ngay nói thẳng là sẽ bị dập vùi cho mày chết luôn, nào là Thánh Gioan tẩy giả, nào là Đức Giêsu, chỉ tiếc Thánh Gioan Tẩy giả không sống lại được như Đức Giêsu. Không có một lời nào nói về các nhà văn Nhật Bản còn sống. )
Thứ tư, có thể là điều quan trọng nhất, căn hộ của nàng khi nào cũng có rượu. Tôi không nghĩ mình thuộc loại keo kiết kiểu vắt chày ra nước, nhưng những khi chán nản, rồi còn nợ ký sổ đầy ở mọi quán rượu, thì tôi thường tìm đến nhà nàng để uống. Ngay cả khi chiến tranh cứ kéo dài mãi ra và Nhật Bản trở nên khan hiếm rượu, nhưng khi tôi đến thăm nàng, tôi luôn có thứ gì đó để uống. Tôi mang một món quà vặt vãnh cho con gái của nàng, rồi uống cho đến khi say mèm.
Bốn câu trên là những câu trả lời cho câu hỏi tại sao nàng là “người đàn bà duy nhất” ngày xưa của tôi, nhưng khi tôi bị hỏi liệu đó cũng là một hình thức của tình yêu thực giữa hai người chăng, tôi làm mặt khờ, chẳng biết làm thế nào khác hơn là trả lời: “Tôi không biết.” Nếu tất cả những sự thân thiết giữa nam và nữ đều là chuyện tình cảm thì ta không thể làm gì khác hơn là trả lời: “Có thể là như thế.”, tuy nhiên về phần nàng, tôi chưa bao giờ bị nàng làm phiền, và nàng cũng không thích những màn kịch rắc rối.
“Mẹ của cháu có gì thay đổi không?”
“Thưa, không. “
“Có bệnh tật gì không?”
“Thưa, không.”
“Cháu vẫn ở với mẹ chứ?”
“Vâng.”
“Nhà cháu có gần đây không?”
“Thưa, gần, nhưng nhà cửa bề bộn lắm.”
”Thì đâu có sao! Bác cháu mình bây giờ đi đến đó đi! Sau đó, hãy rủ mẹ đi uống cái chi đó với bác cháu mình ở nhà hàng quanh xóm mẹ con cháu ở.”
“Dạ.”
Cô nhỏ dần dần có không còn sức để đi nữa. Nó đi lững thững từng bước một như người lớn. Đứa trẻ này cứ cho là 18 tuổi, thì mẹ nó bây giờ cũng đã 38, cùng tuổi như tôi, thế rồi…
Tôi lại cứ tưởng tượng tầm phào: Dám con nhỏ có thể ghen với mẹ mình. Tôi
đổi đề tài:
“Mà Ariel là sao?”
“Thật là lạ.” Cô nhỏ thao thao không chút đắn đo.”Khi cháu vừa vào trường nữ sinh, bác đến nhà cháu chơi, thì trời đang là mùa hè, và cái âm Ariel, Ariel cứ phát ra hoài hoài trong những câu chuyện bác nói với mẹ cháu. Cháu không biết nó có nghĩa gì, nhưng cháu không thể quên âm thanh ấy.”
“Đó là tên của một cuốn sách, cháu à.”
Tôi đã phải lòng con nhỏ mất rồi! Thật thế! Bà mẹ không yêu tôi, và tôi chưa bao giờ cảm thấy yêu bà, nhưng đứa con gái này, tôi nghĩ, xem nào, biết đâu được, nó cũng yêu tôi.
Bà mẹ là một người có tán gia bại sản hay không không cần biết, nhưng bà không thể sống mà không ăn ngon, vì vậy trước khi bắt đầu cuộc chiến chống Mỹ và Anh, bà đã cùng con gái chạy loạn đến một vùng đất có rất nhiều món ăn ngon ở Quảng Đảo/Hiroshima. Ngay sau cuộc chạy loạn, tôi nhận được một tấm bưu thiếp bà mẹ cô nhỏ gởi, nhưng đời tôi lúc đó thật khó khăn vất vả, và tôi chẳng mặn mòi gì mà viết thư trả lời cho những người tránh nạn về miền quê ăn ấm. Hoàn cảnh sống thay đổi hoài hoài, và cuối cùng sau năm năm, tin tức về hai mẹ con đứt luôn.
Rồi đêm nay, lần đầu tiên sau năm năm, và hoàn toàn bất ngờ, hai mẹ con sẽ gặp lại tôi, tôi tự hỏi mẹ và con, ai vui hơn ai. Không hiểu sao niềm vui của con nhỏ này đối với tôi dường như trong lành và sâu đậm hơn niềm vui của bà mẹ. Nếu vậy, tôi cũng cần phải phơi bày tơ lòng của tôi ngay. Tôi không thể liên hệ với bà mẹ và đứa con gái này ở một mức độ như nhau. Từ đêm nay tôi sẽ phản bội bà mẹ và trở thành bồ với cô nhỏ này. Nếu bà mẹ có tỏ ra khó chịu thì cũng chẳng quan trọng. Vì tôi đã yêu con nhỏ mất rồi.
“Cháu đến đây khi nào?” Tôi hỏi.
” Dạ, Tháng Mười năm ngoái.”
“Thế à? Có phải là sau khi chiến tranh chấm dứt? Tuy nhiên, dường như mẹ của Shizueko vốn là một loại người cứ chăm chẳm lo cho thân mình, thì sẽ không thể kiên nhẫn ở lại miền quê trong một thời gian dài.” Tôi giở cái giọng của bọn hàng tôm hàng cá nói xấu bà mẹ. Mục đích là để mua cảm tình con gái của bà mẹ. Phụ nữ, không, con người, cạnh tranh với nhau, ngay cả giữa cha mẹ và con cái.
Tuy nhiên, đứa con gái không cười. Dường như nó muốn cấm không được nói gì về bà mẹ, khen, chê gì cũng vậy. Và cũng dường như con nhỏ trổ mòi ghen tương không muốn tôi nói gì về mẹ mình.
“Đúng là kỳ ngộ.” Tôi xoay phắt đầu lại. “Như thể chúng ta hẹn giờ trước và gặp nhau ở hiệu sách đó.”
“Đúng quá đi!” Cô nàng reo lên. Tiếng reo đầy xúc động của con nhỏ làm cho tôi sướng rên.
Vậy là ngon trớn!
“Chúng ta có thể đi xem phim giết thời gian, rồi đến hiệu sách sau, được không?”
“Xem phim?”
“Ừ, lâu lâu bác mới xem. Đây là một cuốn phim kể chuyện một nghệ sĩ đi giây trong rạp xiếc, và một nghệ sĩ mà đóng vai một nghệ sĩ mới lột tả hết được tính cách người nghệ sĩ. Khi đóng vai nghệ sĩ, nỗi buồn nghệ sĩ vẫn vô tình lộ ra, bởi vì nỗi buồn thực ra vốn có gốc, có rễ trong lòng nghệ sĩ. Nỗi bi ai của nghệ sĩ từ trong vô thức ứa ra, cho nên lời đối thoại của những người yêu nhau trong phim rất giới hạn.”
“Dạ.”
“Ngay khi họ gặp nhau, một làn sóng ập đến giữa hai người, và họ sẽ lại chia xa. Hay là hay chỗ đó. Đó là lý do tại sao trong cuộc đời mãi mãi vẫn có chuyện xa nhau.”
Nếu tôi không ra cái vẻ điềm tĩnh nói những điều vừa ngọt ngào vừa u uẩn đó, tôi không thể trở thành người yêu của cô nhỏ.
“Nếu bác rời hiệu sách một phút trước và sau đó cháu bước vào hiệu sách đó, chúng ta sẽ ít nhất là mười năm mới gặp lại được, hoặc vĩnh viễn không thể gặp nhau.”
Tôi đã cố gắng trong khả năng tối đa của tôi thổi vào cuộc gặp gỡ tối nay cái không khí lãng mạn trong tầm mức tôi có thể. Con đường hẹp và tối, lại còn lầy lội nên chúng tôi không thể đi cạnh nhau. Con nhỏ đi trước, còn tôi, tôi đút hai tay vào túi quần của chiếc áo khoác hai lớp và đi theo sau.
“50 mét, 100 mét?” Tôi hỏi
“Ồ, cháu cũng không biết rõ là bao nhiêu mét.”
Trên thực tế, tôi cũng là một người chẳng giỏi giang gì trong việc đo đạc, nhưng trong tình yêu, chớ tỏ ra mình là ngu ngốc. Tôi giả vờ làm một nhà thông thái.
“100 mét?”
“Ừm…”
“Mét, thì dễ tính hơn. Một trăm mét là một nửa đinh.” Tôi ra cái điều lên lớp cho cô nhỏ, nhưng có cái gì đó bất ổn, tôi kín đáo tính lại trong đầu, thì ra 100 mét thì bằng khoảng một đinh.
Nhưng tôi đã không sửa lại. Trong tình yêu chớ có ngớ ngẩn.
“Mà… đằng kia, sắp tới rồi.”
Đó là một căn hộ kiểu nhà trại lính trông bắt ghê. Đi qua hành lang mờ tối, thấy có tên họ quý tộc Trận Trường/Jimba viết trên cánh cửa căn phòng số 5 hoặc số 6 gì đó phía bên trái .
“Ngài Trận Trường ơi!” Tôi hét vào phòng.
Tôi chắc chắn nghe ai đó trả lời. Thế rồi, nơi khung kiếng sần sùi, có bóng hình gì đó đang động đậy.
“Con bé đã về rồi đây này.” Tôi nói
Cô gái vươn người đứng thẳng, mặt thất sắc, môi dưới méo xệch, và bỗng khóc nức nở.
Người mẹ đã chết vì bom. Trong giây phút hấp hối đã gọi tên Lạp Tĩnh trong từng tiếng nấc. Cô gái quay về Đông Kinh một mình. Đang làm việc cho một người họ hàng bên mẹ là nghị sĩ đảng Tiến Bộ.
Con nhỏ kể chuyện mẹ chết, rồi loay hoay không biết làm gì, cho nên chỉ dẫn tôi tới trước cửa, rồi đứng yên ra đó.
Lúc nãy, khi tôi nêu chuyện bà mẹ ra, Shizuko bỗng sa sầm mặt là vì thế chứ không phải vì cô nhỏ ghen tuông hay yêu đương gì tôi.
Chúng tôi không vào phòng, và cứ thế chúng tôi quay bước, đi tới khu ăn chơi gần nhà ga. Bà mẹ thích ăn lươn. Chúng tôi chui qua tấm màn của quán bán món lươn.
“Xin kính mời.”
Khách khứa lúc này chỉ có hai chúng tôi và một ông dáng lịch sự đang ngồi ăn phía trong cùng của quán.
“Thưa ông và cô muốn dùng xiên lớn hay xiên nhỏ?”
“Xiên nhỏ, ba phần.”
“Thưa vâng.” Anh chủ quán có dáng dân Đông Kinh chính hiệu, đang quạt phần phật chiếc lò đất.
“Cho tôi ba đĩa cho ba người.”
“Thưa ông, có phải một người nữa sẽ đến sau?”
“Bộ không phải ba người đang đứng đây sao?” Tôi nói mà không cười.
“Hừm…”
“Người ấy là một người đàn bà đẹp với khuôn mặt đầy lo lắng đang đứng giữa chúng tôi.” Lần này tôi vừa nói vừa nhếch mép cười.
Anh chủ quán không biết có hiểu ra không, mà đưa bàn tay lên gần chỗ nút thắt của dải băng chít đầu, và vừa cười vừa nói: “Ồ, mong rằng ông được toại nguyện như lòng ông cầu xin!”
Tôi đưa bàn tay trái ra dấu uống.
“Chúng tôi có thứ cực ngon. Mà… xin lỗi… tôi hơi nói quá. Cũng dùng được thôi.”
“Cho ba chén đi.” Tôi nói.
Ba đĩa với xiên lươn nướng đặt trước mặt chúng tôi. Đĩa giữa chúng tôi để yên, hai đĩa hai bên chúng tôi gắp ăn.
Chẳng bao lâu ba chén rượu đầy tới mép được mang tới bày ra. Tôi cầm chén nằm một bên, nốc cái ực.
“Nào uống đi.” Tôi nói nhỏ đủ để cho Shizueko nghe, và tôi nâng chén rượu dành cho bà mẹ và cũng uống cái ực, rồi móc trong túi ra ba gói đậu phộng tôi mua lúc nãy:
“Tối nay bác uống chút chút ở đây, trong khi cháu ăn đậu phộng và ngồi đây với bác cho vui.”
Shizueko gật đầu, rồi từ đó chúng tôi không nói với nhau một lời nào.
Trong khi tôi im lặng ngồi uống tù tù bốn năm chén gì đó, cái ông có vẻ lịch sự ngồi sát sau quán bắt đầu nói ồn ào với anh chủ quán.
Nói toàn những chuyện tiếu lâm chán ngắt, dở òm, vô vị, thế rồi đương sự cười thích chí, ông chủ chỉ cười góp.
“Thằng chả đó nói như vậy đó, làm tui sửng sốt, rồi thằng chả còn nói ‘Bưởi nào bưởi nấy ngon lành, tao biết mày ham lắm’ Ha, ha, ha! Thằng chả đó lém đáo để. Chả còn nói: ‘Ga Đông Kinh là nhà của tớ.’ Mẹ, thằng chả bốc phét, tui bộp ngay: ‘Còn đào của tớ ở đại khách sạn Maru.’ Và bây giờ đến lượt thằng chả há hốc miệng kinh ngạc.”
Lão ta cứ tiếp tục làm xàm mấy cái chuyện hài hước nhạt nhẽo. Tôi cảm thấy ghê tởm hơn bao giờ hết cái lối nói đùa nói giỡn mà chẳng ra cái quái gì hết trong bất cứ chỗ nào quý độc giả thấy mấy cái thằng Nhật uống rượu. Cái anh chủ quán với cái lão có cái vẻ lịch sự ấy dù có cười đến khản cổ đi nữa, tôi cũng chẳng thèm nhếch mép cười, và tôi chỉ tiếp tục uống và lơ mơ nhìn đám người cuối năm chen lấn đi qua trước quán.
Cái ông có vẻ lịch sự ấy quay lại xem tôi đang nhìn gì. Sau khi nhìn đoàn người qua lại một lúc, lão ta bỗng hét lên: “Ha-ro-o! Me-ri-i ku-ri-a-ma-su!: Hello, Merry Christmas!” cho một anh chàng lính Mỹ đang đi xuống con đường phố nghe. Không biết sao tôi lại phá lên cười. Người lính Mỹ cau mày và lắc đầu như thể để cho thấy anh ta nghĩ cái ông có cái vẻ lịch sự kia thật là ngớ ngẩn đến buồn cười, rồi rảo bước khuất dạng.
“Chúng ta cũng sẽ dùng cái này chứ?” Tôi vừa nói vừa cầm chỉ đũa chĩa vào cái đĩa nẳm ở giữa.
“Vâng.”
“Cháu một nửa, bác một nửa!”
Đông Kinh nơi này vẫn thế. Chẳng có gì thay đổi.
Nguồn:
https://www.aozora.gr.jp/cards/000035/files/295_20170.html
*Quý danh này viết ½ viết bằng mẫu tự katakana, ½ chữ hán tự/kanji nên ở đây chỉ ghi theo katakana.