Đinh Quang Anh Thái: Đọc Bút ký “Những Con Người Những Bóng Ma” của Nam Dao

 Nhà văn Nam Dao—Nguyễn Mạnh Hùng. Tranh: Phan Nguyên.

Nam Dao tên thật là Nguyễn Mạnh Hùng. ông là giáo sư kinh tế của trường Đại Học Toronto, Canada và nay đã nghỉ hưu. Ông tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới như: Harvard, Paris, Sorbonne, Toulouse, Montpellier, Paris10, National Australian University, University of New South Wales…

Nam Dao cũng là tác giả của nhiều nghiên cứu và từng được giải thưởng có bài nghiên cứu của tờ Asian Pacific Economic Review năm 1999. Ông là thành viên của Hội Đồng Nghiên Cứu Khoa Học Nhân Văn của Canada về Kinh Tế Học và nhiều trung tâm nghiên cứu kinh tế tại Canada và Pháp, Úc.

Trong lĩnh vực văn học, Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng còn là cây bút sáng tác nổi bật trên nhiều lĩnh vực: Truyện ngắn, thơ, kịch, tiểu luận, phê bình. Các tác phẩm của ông hầu hết được xuất bản ở nước ngoài dưới hai bút hiệu Nam Dao và Dã Tượng.

Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Cõi Tình (tiểu thuyết), Trăng Nguyên Sơ (tiểu thuyết), Bể Dâu (tiểu thuyết lịch sử), Khoảng Chơi Vơi (truyện và ký), Tiếng Cồng, Trong Buốt Pha Lê (tập truyện), Gió Lửa (tiểu thuyết lịch sử), Dấu Vết Ngậm Ngùi (Thơ), Tình Phụ, Sân Đền, Ta Xô Biển Lại (kịch bản), Bút ký Những Con Người – Những Bóng Ma… cùng rất nhiều tác phẩm khác.

*

Lần đầu tiên tôi đọc Bút ký Những Con Người Những Bóng Ma là năm 2006.  Tôi không chỉ đọc kỹ, đọc một lần, đọc hai lần, đọc ba lần, mà sau đó còn đọc lại những đoạn tôi tâm đắc nhất, cần thiết cho tôi để ôn tập lại một giai đoạn lịch sử kinh khủng của Việt Nam. 

Bút ký Những Con Người Những Bóng Ma, vỏn vẹn chỉ trong hơn 300 trang, đã vẽ lại chân dung những con người từng một thời vang bóng, một thời chịu khổ nạn, một thời chịu oan khiên.

Tác giả Những Con Người Những Bóng Ma, Nam Dao, còn viết về bóng ma của những người chết tức tưởi từ Cải Cách Ruộng Đất đến di cư, từ Giải Phóng đến di tản, từ Chiến tranh Biên giới và Cải tạo Tư Sản đến vuợt biên.  

Có đủ cơ duyên sống, quan sát, ghi nhận, trải nghiệm những thăng trầm của đất nước từ lúc bắt đầu lớn khôn cho đến tuổi xế chiều hiện nay, nên Nam Dao đã góp phần phục hồi ký ức cho một dân tộc, vì chiến tranh, vì chia cắt, vì thể chế, đã quên, hay đã nhìn người và việc không đúng như sự thật.

Sinh ra ở Miền Bắc, lớn khôn ở Miền Nam, ngay từ lúc còn là cậu học trò trung học Nguyễn Mạnh Hùng (sau này là Nam Dao) đã biết những chuyện mà người lớn – thậm chí một số đông người làm lớn của Miền Nam – cũng không biết hoặc không chú tâm đến. 

Từ lúc ấy, anh đã đọc Phùng Cung, đọc Phùng Quán, đọc Lê Đạt… và biết về Trăm Hoa Ðua Nở trên đất Bắc nhờ công tìm tòi sưu tập của học giả Hoàng Văn Chí để thấy rằng giới cầm bút tại Miền Bắc đã chịu khổ nạn như thế nào, chỉ vì suy nghĩ bằng cái đầu của mình chứ không để bị khép vào khuôn khổ của giới lãnh đạo văn nghệ của chế độ.

Sau này, Nam Dao đã trực tiếp gặp và trở nên thân thiết với những người bằng xương bằng thịt trong Nhân Văn Giai Phẩm để cảm nhận được những tủi nhục, cay đắng mà những trí tuệ lẫy lừng của Miền Bắc từng chịu đựng.

*

Bố nuôi của anh Nam Dao thời Đệ Nhất Cộng Hòa là Tổng Giám Đốc Thông Tin Báo Chí, dưới quyền ông Trần Chánh Thành.  Sau cuộc đảo chính hụt của quân đội năm 1960 nhằm lật đổ chế độ, ông bị hạ xuống, trở thành Chủ Tịch Hội Đồng Kiểm Duyệt, trách nhiệm một guồng máy khiến căn nhà Nam Dao ở, tấp nập từ những người làm chính trị cho đến đủ loại văn nghệ sĩ, như Trần Kim Tuyến, Phan Huy Quát, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Mạnh Côn… Toàn là những nhân vật kiệt xuất của xã hội Miền Nam.

Tuổi mới lớn với lòng nhiệt huyết pha lẫn bồng bột giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha, anh lao vào cuộc đấu tranh chống chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm vì ngày nào cũng nghe rằng ông Diệm – ông Nhu độc tài, gia đình trị, không đủ tài đức nên thế nào rồi cũng lại thua Cộng Sản. Mà lần này thua thì chỉ có nước chạy ra Biển Đông.  

Khi bị mật vụ truy lùng, bố nuôi của Nam Dao tìm được, mắng “Con ạ! mày là đứa manh động, tao đã xin họ nhắm mắt bỏ qua vì con còn vị thành niên. Thôi về mà đi học…” Thế là đành phải bỏ giấc mộng như bài thơ của Thâm Tâm, chí lớn chưa về bàn tay không, thì đừng bao giờ nói trở lại, ba năm mẹ già cũng đừng mong. 

Nam Dao thôi học Y khoa vì được một học bổng đi Canada. “Đi để thỏa giấc mơ hải hồ và nhủ lòng dăm năm sau sẽ về.”

*

Những ngày mưa lạnh, tuyết phủ nơi xứ người, Nam Dao da diết kêu lên “Miền Nam của tôi ơi” mỗi khi đọc những trang báo chỉ thấy “toàn những tin tức vấy máu và sực mùi thuốc súng, với những hình ảnh tàn phá man dã, kiểu Trung úy Calley châm lửa đốt mái tranh một căn nhà ở Mỹ Lai.”

Thế là Nam Dao tham gia hoạt động phản chiến với những người trong Hội Việt Kiều Yêu Nước ở Canada, ủng hộ cái có tên là “Lực Lượng Thứ Ba”.

Trong mắt những người Quốc Gia, cậu sinh viên Nguyễn Mạnh Hùng giờ đã xoay lưng với gia tộc còn ở lại quê nhà, phản bội những người đang xả thân bảo vệ một nền dân chủ chập chững của Miền Nam.  

Thời đèn sách ở Canada, anh bỏ ra nhiều thời gian để tìm hiểu cuộc kháng chiến chống Pháp và đã nhìn thấy thực chất Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng Chín 1945 là món tả pín lù, câu đầu lấy trong bản tuyên ngôn Mỹ, vài câu sau thì là tuyên ngôn nhân quyền của Cách Mạng Pháp, rồi ba chữ Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc biểu trưng cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì lại từ chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên bên Tầu.  

Thế nhưng anh vẫn ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, vì anh đồng thuận với tuyên ngôn 10 điểm của tổ chức này và chỉ mong hết chiến tranh, chấm dứt can thiệp của người Mỹ vào Việt Nam.

Trong một chuyến về thăm quê nhà, Nam Dao gặp Bình Minh, một thanh niên Huế, Bình minh hỏi: 

– Mặt Trận là do Đảng Cộng sản lập ra mà, các anh không biết thế sao? 

Nam Dao trả lời – Biết là có Đảng Cộng sản, nhưng cũng biết có những người trong Mặt Trận không là Cộng Sản… 

Từ suy nghĩ đó, anh hoạt động tiếp tay lực lượng thứ ba trong nước, nhắm mục đích lập lại hòa bình, xây dựng một miền Nam trung lập rồi từng bước thống nhất đất nước qua giải pháp chính trị. 

Nam Dao nói, phải chấm dứt chiến tranh đã. Rồi về để xây dựng, bắt đầu lại, tất cả.

Nghĩa là từ từng người, với từng người. Hàn gắn cho nhau những vết thương chưa đóng miệng, cùng nhau xua đi những cơn ác mộng vẫn rình rập và chân thành nói với nhau bằng lẽ phải, với con tim.

Nam Dao mong như thế.  Tin tưởng như thế.

30 tháng Tư 75, chiến tranh chấm dứt.  Đất nước thống nhất về một mối.  Nhưng thực tế không giống như Nam Dao mong, như Nam Dao tin.

Sau 14 năm xa cách, Nam Dao về nước.  Nhưng về, chỉ thấy sự sợ, sự nghĩ một đằng nói một nẻo, sự có hai ba nhân cách trong một con người. Và con người tư riêng hình như bị cắt khỏi con người xã hội, cái thằng lúc nào cũng phải đối phó, phải tranh thủ, phải ngụy trang bằng nụ cười và ém dao dưới áo đề phòng mọi kẻ khác, già cho đến trẻ, từ hàng xóm đến cán bộ cùng cơ quan. 

Sài Gòn đầu thập niên 80 không còn là thời cậu học trò Nguyễn Mạnh Hùng hoạt động chống chế độ Ngô Đình Diệm, mà là quần đen, áo bà ba, nón cối gắn sao đỏ, áo vàng công an thấp thoáng góc phố, mắt cay nghiệt rình rập, mặt lạnh như tiền. 

Nam Dao trăn trở trước một loạt câu hỏi. Độc Lập quốc gia ư? Thống Nhất đất nước ư? Giải Phóng dân tộc ư? Thực chất những tiêu ngữ kia là gì trên cơ sở những sử liệu hiện có? Sau 30 năm chiến tranh, dân tộc Việt Nam được gì, mất gì? Từ ngày 30 tháng Tư 1975, Tự Do đâu? Hạnh Phúc đâu? Không thể không hỏi có phải xương máu hàng chục triệu nhân mạng xưa kia đổ ra là chỉ lận lưng con người để đánh tráo lịch sử? Và sống còn, ta quyết phải xua đi những bóng ma lẩn khuất gây mê một dân tộc chìm đắm trong những tuyên ngôn ồn ào dối trá.

Có bằng cấp, có học vị, có tấm lòng đối với đất nước, anh được (hay bị) cấp lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ khuyến khích gửi Hội Đồng Bộ Trưởng những góp ý về vấn đề xây dựng.  Thế là anh bị can tội “trời chưa sáng gà đã gáy”. Đinh ninh như vẫn đang ở Canada, một đất nước sẵn sàng đón nhận những ý kiến khác biệt, Nam Dao đề nghị với giới lãnh đạo chế độ một xã hội “mở”, thông tin được luân chuyển, có tính phản hồi, sinh động chứ không ù lì.

Về kinh tế, anh xin đẩy mạnh “khoán” đến việc sử dụng cơ cấu giá thị trường như đòn bẩy kích thích, và giới hạn sự tham gia của Nhà Nước vào những chính sách vĩ mô liên quan đến y tế, giáo dục, quân sự, và những ngành công nghiệp cần tập trung… 

Đề nghị như thế, rõ ràng anh chưa “nắm bắt” được bản chất của một chế độ toàn trị.  Hậu quả là sau lần góp ý đó, anh phải đợi sáu năm sau mới có giấy phép nhập cảnh dù anh “xin về đóng góp xây dựng quê hương mình”.  Mà phải có chữ ký chấp thuận của đến ba vị lãnh đạo là các ông Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Cơ Thạch! 

Một trải nghiệm của anh mà anh kể khiến tôi nhớ mãi. Nam Dao kể, một lần anh đi tham quan và có dịp hỏi riêng một vị tiên chỉ ở một cái xã ngoại thành Hà Nội, “nếu Nhà Nước ở các cấp chỉ thu độ 40% thuế các loại, nông dân ta có làm hăng hơn không?” Cụ tiên chỉ sụp xuống, nói “nếu ông lo được thế thì làng tôi xin vái ông làm Thành Hoàng.”

Nam Dao viết những câu như dao cắt vào tim: “Mong đất nước được giải phóng để xây dựng một xã hội công bằng. Nhưng bắt đầu xuất hiện hình ảnh những trại cải tạo. Học tập một tuần, một rồi ba tháng, và nay đã sáu năm. Những đứa em gái Nam Dao tuổi hai mươi lấm lét uống thuốc ngừa thai sẵn sàng vượt biển.

Nam Dao nêu câu hỏi mà cứ như gào lên rằng, các em ơi, sao vậy? Bảy phần chết, ba phần sống, không sợ à? Cướp biển hãm hiếp, giết chóc. Trời nổi cơn, sóng cuộn, nước nhận người vào đáy đại dương.”

*

“Khép lại mà đi, dạng háng ra là phiền”, bạn bè khuyên Nam Dao như thế trước khi anh trở về.  Còn “người ta” tức là các quan chức đảng thì luôn nhắc nhở, thế nhé, tránh gặp những người “có vấn đề” nhé! 

Ai là người có vấn đề xin cứ nói thẳng, và vì “người ta” không nói thẳng nên Nam Dao cứ đi theo cách của anh, gặp theo cách của anh. Và anh đi tìm gặp Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trần Dần, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng…  

Với Nguyễn Tuân, vì bố nuôi của Nam Dao là bạn từ bé với tác giả Vang Bóng Một Thời, nên anh giữ lễ, gọi ông bằng bác xưng cháu.  Thế là Nguyễn Tuân phang ngay một câu, “tôi với anh chẳng họ hàng hang hốc, có gì mà bác với cháu!”  Đúng là khẩu khí Nguyễn Tuân.  Vậy mà một già một trẻ lại trở nên thân thiết.  Đám cưới Nam Dao có cụ Nguyễn Tuân đến uống rượu mừng chàng rể Việt kiều và cô dâu Hà Nội.

Với Phùng Cung, Nam Dao lúc còn là cậu học trò 14 tuổi đã đọc Con Ngựa Già của Chúa Trịnh. Đọc lén vì bản thảo nằm trong một cái tủ cha nuôi của anh khóa kỹ, thỉnh thoảng mở ra rồi thận trọng nhét vào một cái hồ sơ trên có đề chữ Mật. Anh đánh được chìa, mở tủ lấy hồ sơ, leo lên trần nhà. “Đọc say sưa đọc, mồ hôi nhễ nhại trong cái hừng hực nóng của mùa hè Sài Gòn đổ lửa.”

Lúc anh về Hà Nội năm 1999 thì Phùng Cung không còn nữa. Anh chỉ có dịp hỏi Phùng Hà Phủ, con trai của Phùng Cung. Phủ kể, khi Nhân Văn ra đời, đợi đến số 4, tháng 10, năm 1956 mới đưa in Con Ngựa Già của Chúa Trịnh. “Thế thì tại sao mãi 5 năm sau, tức vào năm 1961, người ta lại bắt bố cháu đi tù? Và tù liền 12 năm? Tại sao?”

Phùng Hà Phủ nói với Nam Dao rằng, bố cháu ra tù khi hai anh em cháu đâu mười một, mười hai. Một hôm, cả nhà cháu đi bộ trên lề phố Trần Hưng Đạo, khúc gần Bà Triệu, thì có tiếng gọi, Cung ơi, Cung. Mọi người quay lại. Bác Trần Dần đứng lề bên kia vẫy. Bố cháu chưa kịp phản ứng thì mẹ cháu giằng lấy tay, miệng van vỉ, em lậy anh, đi thôi… Em và các con đã khổ lắm rồi… Đi thôi, anh ơi!

 hùng Hà Phủ nói “…tiếc là bố cháu chưa gặp chú! Bố cháu một hôm nắm tay cháu, cao hứng đọc thơ cho cháu nghe. Bố cháu bảo họ Phùng nhà ta chẳng có gì, chỉ có cái này, tay đưa cháu một tập bản thảo, toàn chữ là chữ. Cháu còn ngơ ngác thì bố cháu đập tay lên vai, cười, “…có cái này là có đóng góp cho đời… Con phải biết hãnh diện!”. Rồi Phủ rưng rưng đọc vài câu thơ của bố cho Nam Dao nghe:

Mồ hôi Mẹ 
Tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt 
Con níu giọt mồ hôi
Đứng dậy làm người

Nam Dao được đào tạo tại một đất nước dân chủ văn minh, tôi ngờ rằng nếu anh không về lại quê nhà, chắc không bao giờ anh mường tượng được một người chỉ vì làm thơ, viết văn bằng cảm xúc thật của trái tim mình như Phùng Cung mà bị đầy đọa đến như thế.

Lần Nam Dao đến thăm Văn Cao thì người nghệ sĩ tài hoa này đi Cộng hòa Dân chủ Ðức. 

Bà Băng, vợ ông Văn Cao kể, “Trước hôm nhà tôi đi, tôi bàn để cho tôi đi vay vốn, ông ấy ra ngoài mua ít hàng về. Dễ gì mà xuất ngoại. Các anh ‘ấy’ cũng đã nhận cho vay, bán xong rồi chia. Con cháu tôi nó làm cả một thư mục những cái mua được, bán được. Thế nhưng mà ông ấy gắt nhắng lên, không chịu. Ông ấy bảo đi là đi cho tất cả anh em, ai lại làm con buôn đi buôn lậu. Bà Băng nói: Gàn thật…” 

Nam Dao nói với bà Băng, “chẳng phải gàn đâu, chị Băng ơi! Một người có tài như anh, thì phải để anh ấy viết văn, làm thơ, làm nhạc, vẽ… Cả trăm năm mới kết được một thứ tinh hoa, không còn làm được gì thì phí phạm biết bao nhiêu cho mai sau? Hãy để anh hát những bài hát thèm muốn biển rộng, thèm muốn trời cao, thèm cơn gió lồng lộng ở chốn thinh không. Hát nữa, hát mãi với tiếng đàn còn lại.”

Thật kinh khủng! Thật xót xa! Tôi chỉ là người đọc thôi mà đã nghèn nghẹn trong lòng. Huống hồ Nam Dao! Anh ngồi trong căn nhà nghe bà Băng ta thán chồng như thế, hẳn anh phải buồn lắm, uất lắm cho nên mới thốt lên “Hay là mình uống để chôn đi những hoài bão, ao ước, quên đi cái chuyện ‘đời đi qua như một tiếng thở dài, ta chôn cả khát khao vào bụng vợ?’ ” 

Những con người Nam Dao gặp trong những lần về, mỗi cuộc đời đều là một kiếp bị đọa đầy phản ảnh một thời đại “này sông này núi, ai trấn ai yểm gì mà cái đất nước này cứ phải chôn sâu vùi chặt những đứa con ưu tú nhất? Cớ sao những gì là tinh hoa trí tuệ cứ muôn đời phải chống trả với cái vung tay thô bạo của thứ quyền lực nhất thời?”

***

Về nước, quê nhà VN trong mắt Nam Dao là như thế.  Những con người kiệt xuất mà Nam Dao gặp thì như thế.  Thế còn ở hải ngoại? Nam Dao có giao tình với những cây bút “Quốc Gia” như Nguyễn Xuân Hoàng, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường… Nhưng giao tình đó không phải một sớm một chiều mà có được, vì thời đó rất “găng”, người Việt tỵ nạn đang sôi sục căm hận chế độ trong nước và rất kỵ khi nghe ai nói tới chuyện “hòa hợp hòa giải” trong khi Nam Dao thì cứ tin dân tộc cần phải hòa giải nên dám đòi nhà văn Hoàng Khởi Phong đưa đi làm quen với văn nghệ sĩ Quận Cam, nơi được mệnh danh là thành trì chống Cộng của người Việt tỵ nạn. 

Nam Dao nhớ lại, mười năm sau đó, Cao Xuân Huy, tác giả Tháng Ba Gẫy Súng, và cũng là em rể hụt của Nam Dao nói “lúc đó mà gặp chắc phải đấm anh vỡ mặt!” 

Lời kể của Nam Dao khiến tôi nhớ lại Quận Cam thời thập niên 80.  Lúc ấy, Cao Xuân Huy và tôi vừa rời đảo tỵ nạn Galang bên Indonesia, chân ướt chân ráo đến Mỹ, ở cạnh nhau trong một dãy căn hộ cho thuê.  “Anh Beng” – tên do bạn bè đặt cho Huy – ra đường là khoác cái áo Thủy Quân Lục Chiến. Ngày lễ quân lực và binh chủng, anh Beng mặc quân phục xưa diễn hành.  Và dĩ nhiên “sẵn sàng đấm vỡ mặt thằng nào tỏ ra bênh Việt Cộng”.  Ngoài ra, người nào có một cuốn sách do Hà Nội xuất bản thì phải cất dấu để đọc và nhất là đừng cho ai biết.  Nếu không thì “găng” lắm, “phiền” lắm.  

Nhà văn hải ngoại đầu tiên Nam Dao hẹn gặp là Nguyễn Mộng Giác. 

Cuộc gặp với tác giả Mùa Biển Động thoạt đầu là tại một tiệm phở có cả Hoàng Khởi Phong nhưng sau lại dời đến một tiệm phở khác, cứ như chuyện “điệp viên”, hồi hộp thiệt là hồi hộp. Và rồi cũng gặp nhau. 

“Lịch sự thì có. E dè thì nhiều.” Nam Dao nói anh có cái cảm tưởng tất cả ba người là những xác ướp “momies” vừa từ cõi âm bước lên, chưa thực sự nói được tiếng người, chỉ phát ra những âm thanh nhợt nhạt, xoay trở gượng gạo như thể còn đợi tay phù thủy điều khiển âm binh phà một câu thần chú để hồi phục sau bao nhiêu dâu bể.”

Một lần Nam Dao đến thăm nhà văn Võ Phiến, câu chuyện văn chương rồi cũng dẫn đến chuyện đất nước và con người Việt Nam, Võ Phiến hỏi: Cuộc Chiến Việt Nam là chi? Có phải là cuộc chiến chống Đế Quốc Mỹ? Hay một cuộc chiến ủy nhiệm giữa 2 phe, một bên là Tư Bản, bên kia là Cộng Sản? Hay chỉ là một cuộc nội chiến giữa người Việt? Nam Dao bảo là cả ba!

Nhưng anh nhấn mạnh khía cạnh nội chiến, vì theo anh, hai khía cạnh kia thì đã có văn chương “cách mạng” và văn chương “chống Cộng” nói mãi rồi! Anh bảo, nội chiến là sự tiếp nối oái oăm của lịch sử từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Không mổ xẻ để chữa trị cho lành thì vết xe cũ có thể lại lặp lại, máu người Việt lại đổ, và oán hận lại chồng chất… Võ Phiến lại hỏi, sau những cơn “bể dâu” thì chúng ta liệu có hàn gắn với nhau được không? Nam Dao trả lời là được, với điều kiện “chúng ta cần hành xử với nhau như những con người vì con người và vì tương lai. Hóa giải hận thù là chuyện sống còn của cả một dân tộc đã oằn lưng ra gánh bao nhiêu oan khiên vì theo, vì chống, vì được, vì thua, vì còn, vì mất… Rồi hóa giải hận thù có xong thì ta mới nói được chuyện Hoà hợp Hoà giải Dân tộc.”

Trong một lần gặp Nam Dao tại Quận Cam, tôi có nêu vấn đề nhu cầu hòa giải – hòa hợp dân tộc với anh.  Tôi cho rằng, hòa giải dân tộc phải đến từ những người cầm quyền chứ không thể đến từ những nạn nhân, những người thua cuộc. 

Hòa giải dân tộc trước hết cần phải trả lại công bằng cho lịch sử và phục hồi danh dự cho những người bị oan khuất, dù còn sống hay đã chết. Không thể hòa giải được khi nhà cầm quyền chưa một lần công khai nhận những tội lỗi do họ gây ra đối với nạn nhân của Cải Cách Ruộng Đất, của Nhân Văn Giai Phẩm, của Xét Lại Chống Đảng, của Tết Mậu Thân, của những người chết tức tưởi vì phải bỏ nước ra đi tìm tự do, của những phận gái chưa một lần biết yêu đã bị hải tặc vùi dập trên biển, của những quân nhân – công chức Miền Nam sau nhiều năm tù cải tạo trở về, nhà mất, vợ con ly tán; của những người Hoa, cả ba đời không nói được một câu tiếng Hoa vẫn bị đuổi về quê hương mà họ hoàn toàn xa lạ… Tất cả những oan khuất đó cần một lần được giải oan.  Tôi nhắc với anh câu nói của cố Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang: “Phục hồi Nhân Quyền cho người sống và Linh Quyền cho người chết”.  

Nghe tôi nói thế, anh bảo, chính anh năm 1992 đã đề nghị với nhà nước Hà Nội lập đàn giải oan cho dân tộc, vì bên cạnh những tượng đài Liệt Sĩ, có bao giờ những người có trách nhiệm lịch sử nghĩ đến dựng những tượng đài cho những kẻ chết oan như một cách xin họ tha cho những lỗi lầm phải trả giá bằng hàng triệu sinh mạng. Anh nói, đã đến lúc những người có trách nhiệm cao nhất trong guồng quyền lực có thể nghĩ đến một cuộc đại lễ giải oan cho toàn dân tộc. Tất cả chúng ta sẽ thành khẩn cầu cho những kẻ chết oan, chết dại, chết vô ích, chết trên rừng, trong địa đạo, chiến hào, dưới biển thẳm… siêu thoát. Nếu không hòa hợp hòa giải được với những người đã xuôi tay nằm xuống thì ai tin gì vào lời tuyên bố người Việt sống dù ở đâu cũng là da là thịt của Tổ Quốc.  Nay, là lúc phải làm một cuộc đại lễ sám hối cho những người sống và giải oan cho những bóng ma chưa siêu thoát trên mọi miền, ở mọi phía. Trên muôn ngóc ngách của quê hương này, bao nhiêu là linh hồn chịu oan khiên vẫn còn đợi giờ siêu thoát. Bao nhiêu là những tà ma gây nghiệp quả còn đọa đầy ở sáu tầng địa ngục. Bao nhiêu là những bóng ma còn lẩn quẩn đâu đây đòi những món nợ trần gian. 

Đọc và nghe trực tiếp những thao thức trăn trở của Nam Dao, tôi có cảm tưởng mỗi câu anh nói ra là một tiếng thở dài não nuột, mỗi chữ anh viết là những giọt nước mắt nhỏ xuống trang giấy!

Có lần anh tâm sự, anh viết để trả nợ. Nợ những người đã chết. Nợ những người còn sống. Nợ những bóng ma chưa siêu thoát. 

Những lần anh sang Mỹ thăm gia đình và bằng hữu, được trò chuyện trao đổi với anh, tôi thấy được con người anh thuở mới lớn, tin điều mình làm là đúng, anh dấn thân hết mực.  Lúc thành đạt, qui cố hương với mong ước mang tấm lòng và sở học góp phần xây dựng lại mọi đổ vỡ của con người và đất nước, khi chạm mặt với sự thật, anh can đảm lên tiếng.  Anh bảo, nếu không đánh cho tan nỗi sợ, người đâm thành ngợm cả, thì tiền đồ một xã hội đa phần hóa ngợm sẽ ra sao?

Lần gặp anh gần đây nhất là tại nhà anh Nguyễn Văn Hưng, người bạn mày tao – chi tớ với Nam Dao từ thuở tiểu học.  Miền Nam California hôm đó trời hơi se lạnh dù đang chuẩn bị đón Nàng Xuân, buổi gặp có các anh Ngô Thế Vinh, Phan Nhật Nam, Cao Bá Minh, Trịnh Y Thư, Nguyễn Đình Thuần.  Ai đầu tóc cũng đã chập chờn lau trắng. Tôi nói với anh Nam Dao, chắc là quỹ thời gian của anh em chúng ta chẳng còn bao nhiêu nữa, anh có điều gì muốn nói với lớp em cháu đi sau không? Anh bảo, trong Bút ký Những Con Người Những Bóng Ma, anh có nói tâm sự của anh với giới trẻ là chưa muộn nếu chúng ta lên đường từ một quá khứ cùng hiểu ra để tránh được những bước hững chân mai sau. “Và dù thế nào chúng ta cũng phải đi. Chỉ xin được đi những bước vững chắc, với ý thức tìm về quê quán là con người, ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Như những đứa con nhân loại, chúng ta còn sẽ vượt qua sa mạc, vượt qua núi cao, vượt qua đại dương. Trên bước đường trong mênh mông, chúng ta đang cần chút nước cho một hành trình mà đích đến còn ở trước mặt. Những thiệt thòi trong quá khứ đã đủ lớn nên ta không thể để cả một giống nòi bị hụt hơi vì vô vọng.” 

Xong bữa cơm trưa, trong lúc các anh khác ngồi trong phòng khách uống trà, Nam Dao và tôi ra sân hút thuốc.  Anh vẫn ngậm cái tẩu như những lần gặp trước, giọng thoáng chút ngậm ngùi, anh bảo, mình tuổi già rồi, sức khỏe cũng không tốt lắm, không khéo đây là lần chót thăm nhau.  Nhìn anh, vai đã trĩu xuống, tóc đang mất dần những mảng đen, thỉnh thoảng húng hắng ho. Tôi hỏi, anh có lời kết nào cho những chặng đường anh đã bước qua, những bến bờ anh đã dừng chân rồi rời bỏ, và nhất là anh có mong ước gì cho tương lai không, anh bảo, anh vẫn chưa ngừng nghỉ và “mỗi bước đi, anh sẽ ngước lên chào bình minh, đợi một tiếng hoàng oanh hót cho mặt trời lên, để nắng vào lòng, ngước mặt nhìn trời thật sáng.”

Cá nhân tôi, kẻ viết bài này, tôi cũng luôn hằng mong có ngày mặt trời sẽ rạng rỡ trên đất nước Việt Nam và tiếng chim hót sẽ líu lo trong lòng mỗi người Việt Nam.

Đinh Quang Anh Thái