Đỗ Duy Ngọc: Phở Minh
Lâu lắm rồi sáng nay mới trở lại ăn phở Minh. Quán nằm trong hẻm nhỏ đường Pasteur, ngày xưa phía ngoài là rạp xi nê Casino Sài Gòn. Ngoài phố bao nhiêu đổi thay theo thời gian, rạp xi nê không còn, thay vào đó là cao ốc khách sạn sang trọng, bề thế… Thế nhưng con đường vào hẻm nhỏ xíu và quán phở Minh vẫn thế. Hẻm nhỏ, những căn nhà bình yên, quán phở vẫn thấy trống trải vì chỉ để chưa đến chục cái bàn, đấy là kể luôn căn đối diện. Quán vẫn có cảm giác xưa xưa, cũ cũ loáng thoáng mùi của quá khứ. Ngồi trong quán, nhìn mặt bàn lên nước và bà chủ khẳng khiu, thấy thời gian như dừng lại, chỉ thiếu bài thơ Phở tìm không thấy. Nghe kể hồi xưa lắc lơ có ông chủ tiệm giày bên Lê Thánh Tôn rất mê ăn phở và cũng mê truyện kiếm hiệp Kim Dung, một thứ truyện một thời dân miền Nam nhiều người nghiện. Ông chủ phở Minh và ông chủ tiệm giày cũng là dân Bắc kỳ và là bằng hữu thân thiết. Tuy là chủ hiệu giày nhưng cũng có máu văn chương nên có tặng ông bạn mình một bài thơ phở với đủ thứ phụ tùng của phở:
Nổi tiếng gần xa khắp thị thành
Trần Minh phở Bắc đã lừng danh
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh…
Ngày xưa ông chủ phở thuê người viết bài thơ theo kiểu chữ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, lối chữ tương tự bây giờ gọi là thư pháp ấy và treo ở vị trí trang trọng trên vách của quán phở. Giờ không thấy nữa
Phở Minh bao năm rồi vẫn thế, tô phở nho nhỏ vừa ăn, thịt cũng không nhiều, đủ để còn thèm cho ngày mai. Hương vị nhẹ, không nồng đinh hương, quế, hồi mà chỉ mùi gừng nướng phảng phất quyện chút hương sả mà người tinh ý sành ăn lắm mới nhận ra. Bát phở thanh cảnh, người khách cảm thấy nhẹ nhàng mà ăn, từ từ mà thưởng thức. Hôm nay trở lại, hình như nước lèo hơi thiếu đậm đà và bánh hơi nhão, nhưng thịt thì vẫn thế, đủ tái, nạm, gân, gầu, vè. Ở đây, miếng nạm, miếng gầu vẫn dậy mùi thơm, beo béo, mềm vừa ăn mà không nát. Mang tiếng phở Bắc, nhưng ở đây vẫn có rau, ngò gai, giá trụng, tương đen tương đỏ như quán phở Nam. Có lẽ trải bao năm, quán phở Minh vẫn giữ được hương vị đặc trưng của miếng thịt bò của quán, béo mà không ngậy, mềm đủ để nhai thấm trong từng thớ lưỡi. Quán phở Minh cũng có món xí quách ngon nhưng khó gọi vì phải dặn trước mới còn. Quán bán từ sớm, đến 9:00 là hết, nhiều hôm ngủ dậy trễ vừa ló xe vào đã nhận mấy cái phẩy tay báo hết phở. Lại chạy tiếp ra cái hẻm nhỏ chỉ một chiếc xe qua lọt đi tìm món khác.
Phở Minh có mặt ở đây từ năm 1942 với chiếc xe đẩy nhỏ, đến năm 1950 thì thành tiệm. Bao nhiêu năm trôi qua, bao biến thiên của thời cuộc, quán phở hầu như không đổi, hương vị cũng chẳng phai theo thời gian.
Biển hiệu “phở Minh” và các vật trang trí vẫn còn được giữ nguyên vẹn mà nổi bật là chiếc đồng hồ cũ kỹ gõ kính cong như nhắc nhở dù qua bao năm tháng, phở Minh cũng chẳng có chi đổi khác. Chắc ông chủ ngày xưa đã đi xa rồi, bếp chính hiện nay là bà Sáu, con gái út ông chủ đầu tiên của phở Minh. Bà cũng đã già, với dáng gầy gò, có lẽ mốt mai sẽ đến thế hệ thứ ba tiếp nối.
Quán không đông đúc, xô bồ như những quán phở nổi tiếng ở Sài Gòn. Ngồi trong hẻm nhỏ, trong quán phở đã có mặt ở đất này hơn bảy chục năm, giữa chen chúc, lộn xộn ngoài kia, lại tìm thấy một khoảng lặng rất bình yên với bát phở bốc khói ngào ngạt. Ăn bát phở để nhớ một thời trẻ trai, nhai miếng thịt để nhớ thương một thuở hàn vi, muốn ăn được bát phở ở đây cũng không phải dễ vì nghèo.
Giờ đã tuổi lão, tóc chẳng còn xanh, chân tay đã yếu, râu đã bạc, người thân kẻ còn người mất, ngồi lại quán xưa cũng một thoáng ngậm ngùi.
Đỗ Duy Ngọc
(Trích trong cuốn Ăn mà không chơi. NXB Hội Nhà Văn.2022)