Dư luận xã hội xung quanh chuyện “xá lợi” tóc ở chùa Ba Vàng
Nguyễn Tiến Cường: Về một sợi tóc của Đức Phật
Trong chủ trương và chính sách phá hoại Phật Giáo, chế độ Cộng sản Việt Nam đã dùng mọi thủ đoạn, phương tiện, nhân sự – những tên công an đội lốt tu sĩ – làm xói mòn niềm tin, chệch hướng tu tập của những Phật tử nhẹ dạ, ít học, mê tín, dị đoan, thiếu hiểu biết về Phật Giáo, Phật Pháp.
Thầy Tuệ Sỹ viên tịch chỉ mới hơn một tháng, những tên công an đội lốt tu sỹ như Thích Trúc Thái Minh, chùa Ba Vàng thấy thời cơ đã đến, bắt đầu dở trò ma mị, lèo lái, định hướng niềm tin, đồng thời móc túi Phật tử vào những chuyện hoang đường, nhảm nhí về Đức Phật.
Báo Thanh Niên online ngày 27.12.2023 đưa tin hàng vạn người chiêm bái xá lợi tóc của Đức Phật Thích Ca tại chùa Ba Vàng (1). Theo chùa Ba Vàng, xá lợi được trưng bày là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho 2 thương buôn người Myanmar hơn 2.600 năm trước.
Chuyện Đức Phật nhổ 8 sợi tóc trao cho 2 thương gia nói trên rất khó kiểm chứng và cũng không có nhiều người tận mắt nhìn thấy xá lợi tóc của Đức Phật. Tuy nhiên Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng sau một chuyến hành hương qua Miến Điện đem về một sợi tóc nói là xá lợi tóc của Đức Phật được một chùa bên Miến Điện trao tặng vì hữu duyên thì rõ ràng rất đáng nghi ngờ.
Người Phật tử cần hiểu rõ Xá Lợi là gì? Xá lợi (relics), tiếng Phạn (Pali) là Sarira là những gì không bị cháy, kết tinh lại theo dạng hạt sau khi hỏa táng thân xác một người. Thông thường, chỉ có những bậc chân tu, đạo hạnh cao dầy sau khi chết, được hỏa thiêu mới có xá lợi, có nhiều hay ít tùy theo đạo hạnh mà họ đạt được khi tu tập (2).
Xá lợi hơn nữa, không chỉ là những hạt kết tinh còn lại sau khi thân xác Đức Phật, các vị cao tăng được hỏa thiêu mà còn là những lời giảng, Kinh, Pháp, Luật được Phật Thích Ca truyền dậy. Việc chiêm ngưỡng, cung kính vái lạy xá lợi không trái với đạo pháp nhưng vái lạy để cầu xin may mắn, giàu có, thoát khỏi bệnh tật, gia đình hạnh phúc…lại là chuyện khác.
Không bàn đến thời gian tồn tại của một sợi tóc là bao lâu bởi nó còn tùy thuộc vào môi trường chung quanh. Một bộ xương của loài khủng long Gressly đã tồn tại đến cả trăm triệu năm được tìm thấy ở Stuttgart, Đức năm 2015 là một thí dụ (3).
Tuy nhiên, trưng bày một sợi tóc, gọi đó là xá lợi tóc của Đức Phật, làm cho sợi tóc có thể tự chuyển động chỉ là trò con nít của những nhà ảo thuật tay mơ, mới vào nghề. Tiếc thay, theo báo Thanh Niên, đã có hàng chục ngàn người thật sự tin tưởng những gì chùa Ba Vàng đưa tin, đến chiêm bái và cúng dường.
Sùng bái, thành kính, lạy lục một sợi tóc có thể tự chuyển động được cho là của Đức Phật đi ngược lại với tín lý của Phật Giáo do những kẻ buôn thần, bán thánh, tay sai của chế độ Cộng sản Việt Nam bịa đặt ra nhằm phá hoại Phật Giáo, đưa người Phật Tử vào những mê lộ hoang đường, tin tưởng những điều thần bí, không thể kiểm chứng.
Chỉ cần một chút tỉnh táo, đặt câu hỏi: -Ai có thể chứng minh được sợi tóc mà chùa Ba Vàng trưng bày, nói là xá lợi tóc của Đức Phật là thật? Giả sử chuyện Đức Phật nhổ tám sợi tóc của mình, trao cho 2 thương gia ở Miến Điện (Myanmar) 2.600 năm trước là có thật thì cũng không ai chứng minh được sợi tóc chùa Ba Vàng đang trưng bày chính là một trong 8 xá lợi tóc của Đức Phật Thích Ca.
Người Phật tử chân chính cần phải tỉnh táo trước những thủ đoạn thâm độc của chính quyền Cộng sản. Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ, Thích Thanh Quyết…Họ là những cánh tay nối dài của chế độ đang cố gắng thao túng, lũng đoạn niềm tin của người Phật tử. Chế độ Cộng sản Việt Nam đã và đang tìm đủ mọi cách làm cho Phật Giáo suy tàn, dẫn dắt người dân vào con đường mê muội, cuồng tín với những trò ma thuật, bịp bợm. Người dân càng mê tín, ngu muội, Cộng sản càng dễ cai trị.
Đạo Phật không ngăn cấm cũng không hề chủ trương, khuyến khích Phật Tử vái lạy hay tôn thờ xá lợi của Đức Thích Ca, các vị Bồ Tát hoặc các vị chân tu bởi đó là sự bày tỏ lòng thành kính. Đạo Phật quan niệm chỉ có đạo hạnh, con đường tu tập, giữ giới của các nhà sư chân chính mới là điều cần phải học hỏi, tu tập theo.
Rất nhiều người đặt câu hỏi: -“Tại sao Phật tử không lo tu tập mà lại kéo nhau đi sì sụp, lễ bái, vái lậy một sợi tóc, tin tưởng vào những chuyện hoang đường? Hỏi như vậy là vẫn chưa thấy rõ được gốc rễ của vấn đề. Cộng sản Việt Nam muốn như vậy. Khi người Phật tử đắm chìm trong mê muội, tin tưởng vào những chuyện cúng sao giải hạn, hái lộc, xin xăm, cúng dường cầu may, hưởng phước… thì chế độ Cộng sản mới dễ dàng cai trị.
Hãy đặt một câu hỏi khác: -“Tại sao các vị chân tu như các Thầy Quảng Độ, Huyền Quang, Tuệ Sỹ, Trí Siêu…bị cấm thuyết pháp, giảng đạo, bị giam lỏng, thậm chí bị kết án tử hình trong lúc các ma tăng như Nhật Từ, Thái Minh, Thanh Quyết…được tự do tung hoành xây chùa, quyên góp tiền bạc, phẩm vật cúng dường của bá tánh, thuyết pháp, phát ngôn những chuyện tào lao?”
Tin giờ chót cho biết báo Thanh Niên đã gỡ bài nói về xá lợi tóc của chùa Ba Vàng.
Nguyễn Tiến Cường
——————
(2) https://bachkhoawiki.com/xa-loi-la-gi/
***
Lê Học Lãnh Vân: Cọng lông trôi nổi cõi ta bà Việt.
1) Sách Yên Đan Tử (cuối đời Tần) viết: “Có cái chết nặng tựa Thái Sơn, có cái chết nhẹ như lông hồng”. Người đời xưa khi nói về ý nghĩa của cái chết và thái độ con người trước cái chết đã dùng hình tượng của một vật rất rất nặng là núi và một vật rất rất nhẹ là cọng lông. Ý câu ấy nói khi gặp việc đáng hy sinh, người ta xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Lông hồng chỉ lông một loài chim, chim hồng, là lông vũ. Về mặt tiến hóa học thì người và chim có cùng tổ tiên, tách nhau cách nay khoảng sáu chục triệu năm. Lông của người, thuộc nhóm lông mao, có cùng nguồn gốc phát triển phôi sinh học với lông vũ. Nói tóm lại lông vũ (lông chim) và lông mao cùng nguồn gốc, chẳng xa xôi nhau chi!
Việt Nam bây giờ đang có một cọng lông nặng như dãy Trường Sơn. Bởi vì nó làm dậy sóng cả từ Bắc vào Nam, sóng mê lông và sóng chống lông! Ấy là cọng lông (tóc) nào đó mà một thầy chùa nói là tóc Phật. Thật ra, về mặt sinh học thì bản chất tóc và lông không khác gì nhau ngoài vị trí trên cơ thể!
2) Có anh chị viết bài nghiêm túc về khoa học, tôn giáo… phân tích trường hợp cọng lông làm dậy sóng. Các bài đó cần thiết về mặt học thuật vì phân tích chi tiết và sâu sắc. Tuy nhiên, có những điều người ta cảm nhận được trực tiếp. Thí dụ, ngó hoa nhài cắm bãi cứt trâu, ai không thấy hoa lài thơm mà cục cứt thì thúi hoắc? Người thấy khác hoặc là ngu quá xá ngu hoặc là đại gian tặc lừa gạt người đời, tức hoặc thần kinh hoặc khốn nạn theo cách nói của ông Ngô Bảo Châu!
3) Việc cọng lông ấy là của động vật hay thực vật, của người thời nay hay của người sống cách nay hơn hai ngàn rưỡi năm, có thể tự chuyển động được không đều có thể dùng phương pháp khoa học tầm ra. Để dư luận xã hội lụp cụp lạc cạc như nồi xương heo sôi sùng sục mấy ngày mà giới có thẩm quyền tôn giáo, văn hóa địa phương và quốc gia chỉ giương mắt ngó thì có đáng cười ba tiếng khóc ba tiếng không?
Sự sùng bái, cầu xin trước sợi tóc… đều thuộc phạm vi tin tưởng, tín ngưỡng mà nhà chức trách không nên can thiệp. Tuy nhiên, nếu phát hiện sợi tóc ấy có nguồn gốc thực vật, hoặc có tuổi trẻ hơn hai ngàn rưỡi năm, hoặc sự chuyển động của sơi tóc được điều khiển ngầm của người tổ chức… thì sự kiện trên thuộc trường hợp lừa gạt công chúng, ra ngoài phạm vi tín ngưỡng.
4) Nhiều người nói nhìn cái cọng lông trôi nổi trong cõi ta bà Việt là biết dân trí người Việt! Trong xã hội dân trí cao hơn thì cọng lông đó đã lập tức rớt xuống đất! Bài viết này không đánh giá dân trí Việt như vậy. Nếu xã hội dân sự Việt có tự do hoạt động hơn, nếu báo chí Việt có tự do lên tiếng hơn, các bài phân tích về khoa học, tôn giáo, học thuật… sẽ rộ lên phối hợp cùng các hoạt động thích hợp của xã hội dân sự tạo một làn sóng ủng hộ nếp sống, tư tưởng lành mạnh, ủng hộ tâm linh, tín ngưỡng cùng lúc bài bác mê tín và các loại hủ tục khác…
Những làn sóng đó được sự ủng hộ của dư luận đông đảo sẽ nâng cao dân trí, thúc đây trào lưu canh tân, ủng hộ ý tưởng cải tiến trong các ngành văn hóa, giáo dục tạo nền cho sự phát triển quốc gia bền vững.
Bài viết này không bi quan về dân trí Việt. Người Việt không đáng phải sống trong u mê!
5) Nói “không bi quan về dân trí Việt. Người Việt không đáng phải sống trong u mê!” không có nghĩa cho rằng dân trí Việt cao, chỉ có ý nói với dân trí hiện thời của người Việt, nếu thoát khỏi cái lồng u mê, thiếu áng sáng tự do học thuật và tư tưởng thì người Việt còn đủ sức cất cánh! Thoát cái lồng u mê, tìm ánh sáng tự do học thuật là việc làm của toàn dân Việt, cả dân chúng và nhà chức trách.
Trên cương vị người dân, các nhà trí thức có nhiều việc phải làm để truyền bá kiến thức tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Thời nay có thuận lợi là đội ngũ các người có kiến thức đã đông hơn thời cụ Phan Châu Trinh, công nghệ mới đang khiến thế giới phẳng đi, các mạng xã hội xuất hiện nối đuôi nhau, Chat GPT tổng hợp kiến thức mới… Nhưng hòn đá phải nhắc khỏi xã hội không hề nhẹ, đó là những thói xấu cản trở sự tiến bộ đang được dung túng, đang hằn in trong tâm trí xã hội…
Trở ngại càng khó vượt thì việc cố gắng càng có ý nghĩa và thú vị! Mục đích càng cao đẹp thì gian khổ gỡ bỏ trở ngại dù to lớn tới đâu, thậm chí phải hy sinh nhiều hơn, cũng có thể xem nhẹ như lông hồng!
6) Một hai năm nay tôi có cảm giác hệ thống vận hành nước Việt đang chuyển mình, chuyển mình một cách thận trọng. Sự thận trọng có thể được thông cảm trong lãnh vực an ninh quốc gia, gìn giữ hòa bình. Nhưng trong lãnh vực văn hóa, giáo dục thì sự thận trọng đó có quá mức cần thiết và do đó kềm hãm phát triển không?
Ngày 28 tháng 12 năm 2023
Lê Học Lãnh Vân
***
Trần Trung Đạo: Đức Phật tật nguyền
Nhiều năm trước, một lần ở New Delhi, trước khi bay về Boston tôi ghé tới khu bán hàng kỷ niệm để mua một vài món quà. Vài tiệm lớn bán thảm Kashmir, đồ trang sức, còn hầu hết đều bán hình tượng, nhiều nhất là tượng Đức Phật.
Khi còn làm việc cho một hãng tư nhân ở Boston, tôi đến Ấn vài lần và tượng Phật ở đâu cũng mỉm cười giống nhau không có gì mới. Nhiều hình tượng các Thần Ấn Độ Giáo như Thần Brahma, Thần Vishnu, Thần Shiva cũng được trưng bày nhưng ngoại hình của các thần này xa lạ và nhìn không thân thiện đối với khách du lịch so với hình tượng Đức Phật hiền từ.
Hình tượng Đức Phật nuôi sống nhiều người dân Ấn sống trong các vùng có Phật tích nhưng Đạo Phật đã xa Ấn nhiều thế kỷ, ít nhất là khi Tu viện Vikramashila, một trong những biểu tượng cuối cùng của tư tưởng Phật Giáo Ấn Độ, bị quân Hồi Giáo tàn phá vào cuối thế kỷ 12.
Sự tàn bạo của các tướng Hồi Giáo là lý do trực tiếp tác động vào Phật Giáo Ấn Độ nhưng không phải là lý do duy nhất. Nền tảng của một tôn giáo có mặt tại Ấn Độ trên 15 thế kỷ không dễ bị tàn phá do một ngoại lực. Trước khi bị đạo quân Hồi tàn sát, Đạo Phật cũng đã chịu đựng sự phân biệt và áp bức khắt khe của Ấn Độ Giáo đa số và sự phân hóa trong hàng ngũ tăng đoàn.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đạo Phật đang phục hồi tại Ấn, thực ra chỉ phục hồi trong lãnh vực khảo cổ và một số nghiên cứu về tư tưởng Phật Giáo tại các đại học Ấn. Phật Giáo như một tôn giáo với Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, Duyên Sinh đã rời Ấn và vẫn chưa trở lại. Tín đồ Phật Giáo tại quê hương Nepal của Ngài theo tỉ lệ đông hơn Ấn Độ với 9 phần trăm dân số, 2.3 triệu người, nhưng đa số thuộc dân tộc ít người Tamang chiếm 1.3 triệu người theo Phật Giáo Tây Tạng.
Một hôm dắt vợ lang thang qua đường phố Pokhara, Nepal chợt thấy một tấm hình Đức Bổn Sư khá lớn treo dọc hàng rào gần chỗ mấy sạp áo quần đang bày bán dọc lề đường. Hình Đức Phật quá đẹp nên tôi chụp một số, cắt bỏ hàng rào và mấy sạp hàng chỉ giữ lại khuôn mặt Đức Phật với nụ cười bao dung. Về nhà tôi sang bức ảnh để tặng vài anh chị thân quen. Họ rất thích và có thể nghĩ tôi chụp từ một đền đài uy nghiêm. Tôi không giải thích vì Đức Phật sống ở mọi nơi, có mặt mọi chỗ trên thế gian này.
Hôm ở New Delhi tìm tới tìm lui, tôi chợt để ý có một thùng giấy đặt bên cạnh anh chủ quán trong đó có nhiều tượng Phật bị hư. Có tượng Phật gãy tay, có tượng Phật má hóp, có tượng Phật sứt trán, có tượng Phật hói đầu. Tôi hỏi anh chủ quán, thế những tượng trong thùng giấy đó thì sao, anh chủ quán trả lời rất gọn “free”. Lý do, những tượng đó bị đúc hư, được bỏ riêng vào một thùng giấy, khi đầy thùng sẽ đem đi hủy nhưng khi còn đó ai muốn lấy thì tự tiện lấy không tính tiền.
Tôi chọn một tượng Phật trong thùng giấy. Tượng Phật này một phần trên đầu bị sói, khuôn mặt Ngài được đúc không cân xứng, một bên má bị méo, hai tai bị những vết sứt đóng thành những thẹo đen. Tôi không nhờ anh chủ quán gói lại vì tôi không phải trả tiền, chỉ đặt tượng Phật trong xách tay. “Vậy thôi sao?” Anh chủ quán nhìn tôi. “Vâng, thế thôi, cám ơn anh”, tôi đáp và vội vã ra phi trường.
Tôi mang tượng Phật về và đặt lên bàn thờ bên cạnh tượng Đức Phật do cố Đại Lão Hòa thượng Thích Hộ Giác cho nhân dịp tôi đến đảnh lễ Thầy, tượng Đức Bổn Sư do ông lãnh sự Nepal tặng khi chúng tôi gây quỹ giúp nạn nhân động đất ở Nepal. Bên cạnh các tượng Phật hoàn hảo được tặng, Đức Phật tôi thỉnh về là một Đức Phật tật nguyền.
Nhưng tôi kính trọng các tượng Đức Phật không phân biệt tượng của Ôn Hộ Giác cho, tượng của ông lãnh sự Nepal tặng hay tượng tôi nhặt từ thùng giấy ở Ấn Độ.
Đọc lại cuộc đời Đức Phật, không phải lúc nào Ngài cũng tỉnh tọa trên tòa sen với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà đã trải qua những chặng sống rất người.
Chính Đức Phật kể lại thời gian tu khổ hạnh của Ngài như sau: “Này Xá-lợi-phất, Ta thắng tri phạm hạnh, đầy đủ bốn hạnh: về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất.” (Đại Kinh Tư Tử Hống, Trung Bộ Kinh, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973)
Ngài cũng kể trong Kinh vừa nêu: “Trên thân Ta, bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng” hay những ngày độc cư xa lánh mọi tiếp xúc với thế gian: “Ta đi sâu vào một khu rừng và an trú tại chỗ ấy. Khi Ta thấy người chăn bò, người mục súc, người cắt cỏ, người đốn củi hay người thợ rừng, Ta liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác.”
Nhờ trải qua những ngày khổ hạnh cực đoan đó, Ngài đã chứng ngộ và để lại cho chúng ta Bát Chánh Đạo hôm nay.
Đạo Phật du hóa vào mỗi nền văn hóa tùy thuộc vào trình độ nhận thức của dân tộc trong thời điểm đó. Sự du nhập Phật Giáo vào xã hội Tây Phương không mang các đặc tính huyền bí cổ xưa như các nước Á Đông mà rất gần gũi với xã hội con người đang sống. Đức Phật là Đấng Giác Ngộ chỉ cho chúng ta con đường đạt đến giải thoát chứ không phải là nhà tâm lý học bàn chuyện đời sống cá nhân hay buồn vui trong gia đình, nhưng để hòa nhập vào xã hội Tây phương, Đạo Phật phải đáp ứng được các nhu cầu tinh thần trước mắt của con người trong xã hội.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp ứng được không phải nhờ uy tín của ngài được trao giải Nobel hay là một lãnh đạo lưu vong của dân tộc Tây Tạng đáng thương nhưng ngài gõ đúng cánh cửa tâm hồn của hàng triệu người Tây phương đang khao khát tình yêu, an vui, hạnh phúc và lòng thương cảm giữa con người. Hạnh phúc đích thực là lối thoát tinh thần mà con người trong xã hội bị vật chất cám dỗ đang tìm kiếm. Đạo Phật trong các tác phẩm của Đức Đạt Lai Lạt Ma thoạt nhìn như một triết lý sống, nhưng không phải, đó chỉ là chiếc thuyền chuyên chở tư tưởng Phật Giáo.
Phân tích để thấy nhận thức của con người, dù Á hay Âu, như dòng chảy của sông Hằng, khởi nguồn từ những rặng băng hà của Hy Mã Lạp Sơn, chia thành nhiều nhánh và lớn dần cho tới khi chảy ra đại dương bát ngát qua ngả vịnh Bengal.
Nhận thức vô cùng quan trọng. Mỗi chúng ta nhìn lên Đức Phật không phải từ hình ảnh của chính Ngài mà từ nhận thức về Ngài trong mỗi chúng ta.
Với những người dân mê muội bị ma tăng lừa gạt để tin một cách mù quáng rằng sợi tóc để trên bàn ở chùa Ba Vàng là của Đức Bổn Sư để lại sau 2600 năm và không những thế, sợi tóc lại “có thể tự chuyển động”.
Trapusa và Bahalika, hai thương gia trở thành cư sĩ Phật tử đầu tiên của Đức Phật, là người Miến hay người Afghanistan và truyền thuyết về nơi giữ tám sợi tóc Đức Phật tặng cho hai thương gia này là ngôi tháp tại Balkh, Afghanistan hay Yangon, Miến Điện đến nay là vẫn còn nhiều tranh luận. Những sợi tóc 2600 năm chưa một người nào trong thời hiện đại thấy chắc đã bị hoại theo thời gian và sau bao nhiêu tàn phá của thiên tai và hưng phế của lịch sử Miến Điện và Afghanistan. Năm 1220, quân Mông Cổ san bằng thành phố Balkh và 200 năm sau lần nữa bị đạo quân dã man của Timur tàn phá. Trong khi đó, chùa Shwedagon ở thủ đô Yangon, Miến cũng chịu đựng nhiều trận động đất, chiến tranh và nhiều lần tái dựng.
Hư cấu dựa vào truyền thuyết vốn là công việc của các đạo diễn điện ảnh. Nhưng ngày nay tại các nước lạc hậu như Việt Nam lại là công việc của các ma tăng trục lợi bằng việc vận dụng niềm tin.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ nhắc đến chủ trương hư cấu này nhiều lần trong Lá Thư Ngày Tết 2021: “Nhiễu loạn thông tin, tuyên truyền phổ biến những giá trị hư cấu, có thể nói, cũng được tìm thấy, từ xa xưa, như là tín hiệu xã hội cho các giai đoạn thăng trầm của các cộng đồng dân tộc và tôn giáo. Những giá trị hư cấu được phổ biến gây nên ảo giác về một xã hội phồn vinh; cũng vậy, Phật ngôn hư cấu tác thành vọng tưởng về sự hưng thịnh của Chánh pháp, và lịch sử quá khứ cũng như hiện tại đã và đang chứng kiến sự suy thoái đạo đức trong các chúng đệ tử Phật.” (Lá Thư Ngày Tết 2021, Hòa Thượng Tuệ Sỹ, Thư Viện Phật Việt, 10/02/2021)
Phân tích từ quan điểm nhân quả, những người đứng chen chúc để chiêm bái “sợi tóc Phật” cũng chỉ là những trái của một cây hư thối. Nguyền rủa hay trách cứ không thay đổi được gì mà phải tìm mọi cách để nâng cao nhận thức của họ. Nâng cao nhận thức của cộng đồng Phật Giáo tại Việt Nam là một nỗ lực lâu dài và đầy khó khăn khi chung quanh vẫn còn khá nhiều ma tăng trục lợi. Những ma tăng này không chỉ khinh thường nhận thức nông cạn của người dân mà còn khinh thường nhận thức của những vị tự cho mình là “Như Lai trưởng tử” làu thông kinh điển.
Người Việt sinh ra trong thời đại này, bên cạnh biệt nghiệp của mỗi người còn có cộng nghiệp của cả dân tộc. Giữ dòng nhận thức chảy về phía ánh sáng văn minh và không chảy về hang sâu mê muội tối tăm là trách nhiệm chung của những người Việt Nam có lương tâm, ý thức và niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp.
Hòa thượng Tuệ Sỹ viết về niềm hy vọng này cũng trong thư chúc Tết 2021: “Đạo Phật Việt Nam, kể từ thời dựng nước, độc lập và tự chủ, đã dung hội giác tính trong nhất thể dân tộc, trải qua những thăng trầm, vinh nhục của lịch sử, vẫn tự tin và đứng dậy từ những sụp đổ đau thương.”
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
Boston, những ngày cuối năm 2023