Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, cánh chim đầu đàn của Du Ca Việt Nam, qua đời ở tuổi 92

Ông Hoàng Ngọc Tuệ. (Hình: Uyên Nguyên)

FOUTAIN VALLEY, California (NV) – Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, “người anh cả,” “cánh chim đầu đàn,” cựu chủ tịch Phong Trào Du Ca Việt Nam; cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Người Việt, vừa qua đời lúc 6 giờ 58 phút chiều Thứ Bảy, 15 Tháng Sáu, 2024, tại Orange Coast Memorial Hospital, thành phố Fountain Valley, Nam California.

Theo thông báo của gia đình, “Gioan Baotixita Hoàng Ngọc Tuệ ra đi bình an bên cạnh những người thân yêu nhất, gồm vợ (bà Hoàng Vĩnh) cùng các con và các cháu.”

Ông Hoàng Ngọc Tuệ sinh ngày 21 Tháng Tám, 1932, tại Huế, tốt nghiệp bằng dược sĩ năm 1959 tại Sài Gòn.

Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ được nhiều người biết đến trong vai trò khởi xướng Phong Trào Du Ca Việt Nam năm 1966 tại Miền Nam Việt Nam, trong đó đặc biệt nổi bật là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, cùng với nhiều người khác, và kéo dài ra hải ngoại sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.

Vào thập niên 1960, tại Miền Nam Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Tuệ là một người khá nổi tiếng trong các sinh hoạt thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn. Nhóm hoạt động thanh niên thời đó gồm ông Đỗ Ngọc Yến (cố chủ nhiệm sáng lập Nhật Báo Người Việt), Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Hà Tường Cát,… và nhiều người khác.

Sau khi tốt nghiệp dược sĩ, ông gia nhập Quân Lực VNCH đến cấp bậc Đại Úy Quân Y, và tiếp tục có nhiều đóng góp cho các hoạt động sinh viên và thanh niên, đặc biệt là “Chương Trình Công Tác Hè 65” do ông Đỗ Ngọc Yến làm tổng thư ký. Cũng trong mùa Hè 1965, nhóm nhạc Ban Trầm Ca được thành lập với buổi ra mắt chính thức trình diễn tại giảng đường Spellman, Viện Ðại Học Ðà Lạt, đêm 19 Tháng Mười Hai, 1965.

Sau khi kết thúc “Chương Trình Công Tác Hè 65,” ông Tuệ về làm ở Bộ Thanh Niên (bộ trưởng là ông Võ Long Triều) phụ trách kế hoạch và công tác huấn luyện. Dựa vào ngân sách có sẵn, ông Tuệ mời Ban Trầm Ca cộng tác soạn một chương trình huấn luyện cho thanh niên. Các bài ca khai phá của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang được đem vào chương trình giảng dạy.

Vài tháng sau, nhận thấy cần phải có một tổ chức hợp pháp, có quy mô toàn quốc để tiếp tục công việc tác động giới trẻ, ông Tuệ đề ra sáng kiến thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam, và được ông Đỗ Ngọc Yến và Ban Trầm Ca ủng hộ.

Ban Trầm Ca đề cử ba nhân sự đứng tên thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam trong năm 1966. Chủ tịch đầu tiên: Ðinh Gia Lập. Tổng thư ký kiêm thủ quỹ: Nguyễn Ðức Quang. Thành viên: Hoàng Thái Lĩnh.

Mấy năm đầu, hội hoạt động tại nhà ông Tuệ, biệt thự số 114 đường Sương Nguyệt Anh, Sài Gòn. Ngày 24 Tháng Giêng năm 1969, Phong Trào Du Ca Việt Nam được Bộ Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên VNCH công nhận chính thức và cấp giấy phép hoạt động trên toàn quốc qua Nghị Định số 319/GDTN/TN/NĐ. Ông Hoàng Ngọc Tuệ được cử làm chủ tịch chính thức của Phong Trào Du Ca Việt Nam. Đến năm 1972, ông Đỗ Ngọc Yến phụ trách cho đến 30 Tháng Tư, 1975.

Theo Wikipedia, Phong Trào Du Ca Việt Nam được thành lập với tôn chỉ “Dùng tiếng hát chung của cộng đồng để tô điểm cho nền văn nghệ dân tộc một màu xanh đầy hy vọng, đưa mỗi người đến gần nhau hơn để cùng lo xây đắp một quê hương tươi sáng.”

“Du Ca quy tụ khá nhiều các nhạc sĩ tên tuổi, cũng như nhiều nhạc sĩ trẻ xuất phát từ phong trào: Nguyễn Đức Quang, Phạm Duy, Ngô Mạnh Thu, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Hữu Nghĩa, Giang Châu, Trần Đình Quân, Lý Văn Chương, Lê Quang Dũng, Nguyễn Văn Phiên, Võ Thị Xuân Đào, Fa Thăng…”

Sau 30 Tháng Tư, 1975, ông cùng gia đình lui về sống ở nông thôn, đến 1978 ông làm tài xế xe đò. Năm 1981 ông vượt biên và năm 1982 tới Mỹ. Ông được nhóm anh em hoạt động thời thanh niên bảo lãnh về Orange County, gắn bó xây dựng tờ báo Người Việt tại Little Saigon, Nam California. Sau đó, tiếp tục học để lấy lại bằng dược sĩ hành nghề tại Mỹ và 1989 mở Orange Pharmacy.

Với công ty Người Việt, ông Hoàng Ngọc Tuệ từng là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị nhiều nhiệm kỳ. Ông là một trong những người hoạch định ra đường lối, chính sách của công ty và Nhật Báo Người Việt. Sau đó, ông cùng nhà báo Lê Đình Điểu đại diện công ty Người Việt sáng lập Đài Phát Thanh VNCR. Sau khi ông Điểu qua đời, ông Tuệ tiếp tục điều hành VNCR một thời gian rồi giao lại cho anh em khác phụ trách. Ông cũng là chủ nhiệm Tạp Chí Thế Kỷ 21 từ năm 2001 đến 2004.

Từ trái: Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Quyết Thắng, Hoàng Ngọc Tuệ, và Nguyễn Đức Quang chụp năm 2006 tại California. (Hình tài liệu)

Có thể nói hầu hết những năm sống tại hải ngoại, ngoài công việc dược sĩ, sự hiện diện của ông trong Hội Đồng Quản Trị công ty Người Việt đã có những đóng góp rất quan trọng cho sự lớn mạnh của công ty trong các lĩnh vực báo in, truyền hình, truyền thanh. Bên cạnh đó, ông tiếp tục là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao, không biết mệt mỏi, cho Phong Trào Du Ca Việt Nam ở hải ngoại, nhất là tại cả hai miền Nam và Bắc California.

Di sản của Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ và các bạn ông ở công ty Người Việt nay tiếp tục được bà Hoàng Vĩnh, người bạn đời của ông, gánh vác trong vai trò tổng giám đốc kiêm chủ nhiệm Nhật Báo Người Việt. (VĐT & KN)

Người-Việt