Dương Quốc Chính: Nguyên nhân thắng và bại trong chiến tranh Việt Nam
Đã nhiều người viết về chiến tranh Việt Nam, thậm chí đã viết thành sách, mang tính hệ thống cao. Phe quốc gia cũng viết, cộng sản cũng viết, Mỹ cũng viết và gần đây dư luận viên cũng viết nhiều. Mỗi người viết dựa trên quan điểm, góc nhìn riêng và nhìn chung là đều 1 chiều. Các bạn dư luận viên thì hay có luận điệu “Quân Cộng sản được lòng dân nên thắng”, “Chế độ Ngụy quyền tham nhũng thối nát nên thua”, “Quân Cộng sản có các tướng tài, bộ đội ta anh dũng chiến đấu có lý tưởng, quân Ngụy hèn nhát, không có lý tưởng nên thua”, phe quốc gia thì cho là do Mỹ bỏ rơi nên họ mới thua… Lý giải như vậy thì giản đơn quá, chỉ là bề nổi, không phân tích được những nguyên nhân sâu xa, chủ quan, khách quan và thiếu tính khoa học.
Viết về chiến tranh Việt Nam thì dài lắm nhưng vấn đề hay gây tranh cãi là nguyên nhân thắng và bại của mỗi phe.
Để quyết định về thắng hay bại trong cuộc chiến thì thường phụ thuộc các yếu tố như: Sức mạnh vũ khí, chiến lược, chiến thuật; chiến trường; nhân lực, quân số và ý chí chiến đấu; kinh tế xã hội, địa chính trị và đồng minh; nhân tâm hay lòng dân. Yếu tố này có thể là hệ quả của yếu tố kia và liên quan mật thiết đến nhau.
Tôi sẽ phân tích từng yếu tố một hoặc có thể ghép các nhóm yếu tố là hệ quả của nhau, từ đó rút ra nguyên nhân thắng và bại của mỗi phe. Đây là 1 bài phân tích dựa trên các dữ liệu quen thuộc mà đa số đều biết, vì thế bài viết sẽ ít trích dẫn các số liệu thống kê, mọi người có thể tìm hiểu thêm về các số liệu này qua Google.
Chẳng hạn, tôi viết là quân Mỹ có vũ khí nặng mạnh hơn quân Cộng sản hay vũ khí cá nhân của quân Cộng sản có phần trội hơn quân Mỹ, thì không cần phải trích dẫn các số liệu hay tài liệu chứng minh vì nó là thông tin cơ bản, gần như hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu các bạn có số liệu để chứng minh ngược lại thì có thể dẫn chứng, tôi sẽ xem xét lại nhận định của mình.
1. Sức mạnh vũ khí, chiến lược và chiến thuật
Yếu tố này thường không gây tranh cãi nhiều vì khá rõ ràng. Phía Mỹ (được hiểu như Mỹ và quân đồng minh ngoại quốc) và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) có sức mạnh vượt trội về vũ khí chiến lược, không quân, hải quân nhưng vũ khí cá nhân thì gần như không có sự chênh lệch thậm chí súng AK47 còn vượt trội so với M16, đặc biệt hiệu quả là súng chống tăng B40-B41 của phe Cộng sản (được hiểu như quân Bắc Việt và Mặt trận GPMNVN). Vì vậy quân Mỹ và VNCH sẽ nắm quyền chủ động và dễ thắng lợi nếu đối đầu trong các trận đánh lớn cấp sư đoàn như các trận Khe Sanh, Mùa hè đỏ lửa. Ngược lại, quân Cộng sản sẽ nắm thế chủ động và dễ thắng lợi với các các đụng độ nhỏ kiểu du kích cấp tiểu đoàn trở xuống trong rừng rậm hay đô thị.
Với thế mạnh vũ khí cá nhân và yếu thế về vũ khí nặng, phe Cộng sản sử dụng chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, không có cách gì phân biệt được quân du kích (quân MTGPMNVN hay Việt Cộng) với người dân, họ không mặc quân phục, “quân phục” thường thấy của họ là bộ bà ba đen, khăn rằn hoặc cởi trần, mặc quần đùi. Chiến lược này rất có hiệu quả trong việc ẩn nấp và có thể kết hợp tốt với cuộc chiến dư luận khi quân đội Mỹ và VNCH tấn công nhầm vào dân thường và các mục tiêu dân sự.
Khi đó, phe Cộng sản cũng dễ dàng lợi dụng để tuyên truyền kích động lòng căm thù của nhân dân Việt Nam cũng như thế giới đối với đối phương. Ngoài ra, cách đánh kiểu quấy rối này dễ kích động quân Mỹ và VNCH “nổi nóng” và sử dụng vũ khí nặng để tấn công mà vũ khí nặng thì rất dễ tên bay đạn lạc, người dân chết oan rất nhiều.
Tất cả các cuộc càn quét, thảm sát vào dân thường đều bắt nguồn từ lý do “tìm và diệt” quân Cộng sản. Quân Mỹ và VNCH không hề và không có lý do gì để giết dân thường theo kiểu diệt chủng, giết dân để giải trí như phía Cộng sản và các dư luận viên hay chụp mũ để kích động lòng căm thù của nhân dân. Nếu chỉ vì mục đích diệt chủng thì tại sao quân Mỹ không chọn khu vực đông dân mà lại chọn khu vực thưa dân và hay có quân Cộng sản quấy rối như ở Quảng Ngãi?
Về việc sử dụng vũ khí nặng để tấn công hoặc tấn công khủng bố dẫn đến dân chết oan thì chính phe Cộng sản cũng mắc phải khi pháo kích vào các đô thị trong các chiến dịch Mậu Thân, Mùa hè đỏ lửa, chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh bom khách sạn Caravelle, thảm sát Huế… phía VNCH cũng lợi dụng để tuyên truyền. Chiến lược chiến tranh nhân dân là 1 nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi cuối cùng của phe Cộng sản.
Phía Mỹ và VNCH thường lợi dụng sức mạnh vũ khí nặng để chiếm lợi thế trong các trận đánh lớn nhưng phía Cộng sản mới thực sự làm chủ chiến trường vì ở thế chủ động. Quân du kích “nằm trong tối”, Mỹ và VNCH ngoài sáng thì dĩ nhiên kẻ ẩn nấp luôn giành được thế chủ động. Ngoài ra yếu tố chiến trường cũng quyết định xem bên nào nắm thế chủ động. Tôi sẽ phân tích tiếp ở phần sau.
2. Chiến trường và địa chính trị
Chiến trường Việt Nam không phù hợp với lối đánh quen thuộc của Mỹ là đánh các trận lớn, chiến trường rộng lớn như trên sa mạc hay cánh đồng lớn với các trận đấu tăng, có sự phối hợp binh chủng như ở chiến trường châu Âu hay Bắc Phi hoặc các trận hải chiến như đã xảy ra với quân Nhật trong thế chiến 2. Nam Việt Nam có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, rừng rậm lại có biên giới dài với Lào và Campuchia.
Lào và Campuchia vốn là 2 quốc gia trung lập, theo hiệp định Geneva. Tuy nhiên, phía Cộng sản lại có ảnh hưởng lớn với 2 nước này hơn là phía VNCH. Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã có thời gian VNCH và Campuchia tuyệt giao do cách ngoại giao thiếu khôn khéo, thậm chí đứng sau âm mưu đảo chính của VNCH đối với Campuchia.
Trong khi đó phía Cộng sản lại nuôi dưỡng quân du kích Cộng sản tại 2 nước này và có quan hệ khéo léo với chính quyền 2 nước, thậm chí bỏ tiền thuê được cảng Sihanoukville của Campuchia để vận chuyển vũ khí.
Mỹ chỉ hậu thuẫn được cho chính quyền Lon Nol ở Campuchia vào 5 năm cuối của cuộc chiến. Trước đó, thời vua Sihanouk lãnh đạo thì Campuchia thân với VNDCCH và Trung Quốc hơn là VNCH và Mỹ. Mối quan hệ của 2 phía đối với Lào và đặc biệt là Campuchia là 1 trong những yếu tố tiên quyết dẫn đến thắng lợi của phía Cộng sản do nguồn tiếp tế chính cho cuộc chiến của những người Cộng sản là qua ngả Lào và Campuchia.
Thêm nữa, với chính sách không can thiệp vào Lào và Campuchia của Mỹ dẫn đến phía Cộng sản dễ dàng rút quân từ các bưng biền trên đất VNCH sang Lào và Campuchia mà không e ngại đối phương truy kích sâu. Chiến dịch Lam Sơn 719 là chiến dịch duy nhất mà quân VNCH can thiệp sâu vào lãnh thổ Lào để tấn công các căn cứ của quân Cộng sản nhưng không thành công. Đường biên giới và mối quan hệ tốt với 2 nước láng giềng có từ trước năm 54 với đảng Cộng sản Đông Dương là thế mạnh lớn mà phía Bắc Triều Tiên không có được trong cuộc chiến Triều Tiên, cuộc chiến với nhiều điểm tương đồng khác.
Trong các cuộc chiến quy ước khác khi các bên tham chiến có ranh giới rõ ràng thì thắng tức là chiếm được đất cho dù trả giá sinh mạng là lớn hơn. Nhưng với cuộc chiến Việt Nam, quân du kích chỉ có các căn cứ trong rừng sâu là chính thì phía nào có chiếm được căn cứ của đối phương thì cũng không được coi là thắng vì không thể đóng quân đồn trú ở đó được, trước sau cũng phải rút quân về. Khi đó kẻ thắng là kẻ có có khả năng tiêu hao sinh lực địch được nhiều hơn. Như trận Khe Sanh, quân Mỹ chỉ trú đóng được một thời gian rồi cũng phải rút, quân Cộng sản cũng không vây hãm nữa và 2 bên đều tuyên bố chiến thắng với số liệu quân số thiệt mạng chênh lệch nhau tùy vào công bố của mỗi bên!
Quân Cộng sản có mặt ở hầu hết lãnh thổ VNCH do phía Cộng sản dùng chiến tranh nhân dân, chỗ nào có dân tức là chỗ đó có quân Cộng sản. Có thể nói gần như toàn bộ lãnh thổ VNCH đều là chiến trường tiềm năng, chỉ có 1 số khu vực giáo dân ở sinh sống thì Cộng sản khó thâm nhập. Đây là yếu tố rất bất lợi cho phía Mỹ và VNCH do quân số phải trải rộng trên 1 diện tích quá lớn để bảo vệ lãnh thổ trong khi quân Cộng sản lại có thể chủ động tập trung quân để tấn công bất cứ vị trí nào họ muốn. Vì vậy, yếu tố quân số đông trên toàn lãnh thổ không còn là thế mạnh cho phía Mỹ và VNCH. Tôi sẽ phân tích sâu hơn về vấn đề này trong phần tiếp theo.
3. Kinh nghiệm và ý chí chiến đấu
Như đã phân tích ở trên, do chiến trường là toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam và quân Cộng sản nắm quyền chủ động chiến tranh nhân dân với các đụng độ nhỏ, du kích nên ưu thế về tổng quân số không còn là lợi thế tuyệt đối.
Vì vậy tôi không đi sâu phân tích về sức mạnh quân số trên toàn lãnh thổ miền Nam. Nhìn chung, với các trận chiến do phía Cộng sản phát động thì họ thường tập trung quân số được để có số lượng áp đảo từ gấp 3-5 lần quân đối phương cố thủ. Còn với các trận càn do phía Mỹ và VNCH chủ động thì quân số có thể cũng gấp 5-10 lần quân Cộng sản.
Tuy nhiên, với cách đánh du kích thì trong trường hợp đó thì quân Cộng sản sẽ rút lui để bảo toàn lực lượng trong khi nếu rơi vào trường hợp tương tự thì quân Mỹ và VNCH không dễ dàng rút lui do phải bảo vệ lãnh thổ và cứ điểm. Quân du kích có 1 lợi thế là không cần bảo vệ lãnh thổ nên không cần phải cố thủ. Trận đánh duy nhất mà phía Cộng sản phải cố thủ để bảo vệ lãnh thổ là trận Mùa hè đỏ lửa với thành cổ Quảng Trị. Khi họ xa rời cách đánh quen thuộc thì sẽ gặp phải tổn thất nặng nề do phía Mỹ và VNCH tận dụng được sức mạnh vũ khí nặng.
Quân Cộng sản nhìn chung là được huấn luyện không bài bản nhưng có kinh nghiệm chiến đấu thực tế tại chiến trường Việt Nam lâu dài hơn quân Mỹ và VNCH. Quân VNCH và Mỹ chắc chắn được tiếp vận và huấn luyện tốt hơn nên sức khỏe của chiến sỹ sẽ vượt trội so với quân Cộng sản, đó là thế mạnh trong các trận chiến giáp lá cà.
Quân lực VNCH thường ít được chủ động chiến đấu nên kinh nghiệm chiến đấu kém hơn quân Cộng sản. Họ chỉ thực sự được chủ động hoàn toàn kể từ năm 1970, tức là chỉ có 5 năm kinh nghiệm cho đến khi VNCH sụp đổ. Trong khi quân Cộng sản có kinh nghiệm chiến đấu từ năm 1945.
Về ý chí chiến đấu thì phía Cộng sản tuyên truyền tốt hơn về tính chính nghĩa, hơn nữa bộ đội Cộng sản có ít kênh thông tin hơn lính Mỹ và VNCH nên khả năng tuyên truyền một chiều của Mỹ và VNCH sẽ kém hơn.
Quân đội VNCH thường có các trại gia binh ở ngay cạnh căn cứ nên khi chiến đấu thì sẽ bị phân tán tư tưởng, phải lo lắng cho gia đình. Trong khi đó thì quân Cộng sản thường chiến đấu xa nhà, đặc biệt là quân Bắc Việt, bộ máy tuyên truyền của họ không cho phép các tin xấu của gia đình binh sỹ ở hậu phương làm ảnh hưởng đến ý chí chiến đấu của bộ đội. Đó là sự khác biệt lớn giữa 2 bên.
Lính Mỹ là 1 đội quân viễn chinh, khả năng tuyên truyền về tính chính nghĩa khi tham chiến là khó khăn hơn nhiều so với quân đội của 2 phía Việt Nam. Ngoài ra, lính Mỹ đa phần là lính nghĩa vụ lại quen được tiếp vận đầy đủ nên khả năng chịu gian khổ khi chiến đấu ở môi trường khắc nghiệt là khó, ý chí chiến đấu cũng không cao. Về ý chí chiến đấu và tiện nghi chiến đấu (năng lực tiếp vận) sẽ được phân tích sâu hơn trong phần tiếp theo.
4. Thể chế chính trị và kinh tế, xã hội
VNDCCH là chế độ Cộng sản toàn trị. VNCH nhìn chung là theo mô hình dân chủ kiểu Mỹ. Thời đệ nhất cộng hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì VNCH là chế độ độc tài, gia đình trị nhưng vẫn có bóng dáng của nền dân chủ do sức ép của Mỹ. Thời đệ nhị cộng hòa sau này thì dân chủ được mở rộng hơn nhưng vẫn có bóng dáng của độc tài. Nói tóm lại VNCH là 1 thể chế dân chủ non trẻ còn hơi hướng độc tài.
Với bộ máy chiến tranh thì chế độ xã hội có sức ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đến sức mạnh chiến đấu và độc tài toàn trị có ưu thế vượt trội, cụ thể là:
Chế độ toàn trị cho phép chính quyền quản lý cả phần hồn và phần xác nhân dân, trong đó có quân nhân nên dễ dàng tuyên truyền 1 chiều. Nhân tâm cả nước nhìn chung là thu về 1 mối, 1 số cá nhân hay tổ chức có tư tưởng khác thì dễ dàng bị bỏ tù, cách ly như các vụ Nhân văn giai phẩm, Vụ án xét lại chống đảng ở ngoài Bắc.
Xã hội miền Bắc triệu người như một từ cách suy nghĩ đến bề ngoài. VNDCCH không có khái niệm biểu tình, bãi khóa nên xã hội rất ổn định. Với 1 xã hội đồng nhất như vậy thì đối phương rất khó xâm nhập. Đây là lý do cơ bản dẫn đến tình báo VNCH hầu như không thể xâm nhập vào xã hội miền Bắc chứ đừng nói là vào được các cơ quan quan trọng của chính quyền.
Chế độ toàn trị thường kèm theo “thế trận an ninh nhân dân”, dân chúng tự theo dõi lẫn nhau, nếu phát hiện cá nhân khác biệt thì sẽ báo công an và công an thì sẵn sàng bắt nhầm còn hơn bỏ sót nên tình báo miền Nam coi như không có cách gì tồn tại ngoài Bắc. Tôi có đọc cuốn hồi ký của 1 tình báo viên VNCH được tung ra Bắc, cho dù được huấn luyện kỹ càng và là dân Bắc di cư nhưng đã dễ dàng bị bắt rất đơn giản, do dân thấy người lạ thì chỉ điểm cho công an.
Trong khi đó, miền Nam theo chế độ tự do dân chủ, đã tiếp nhận hàng triệu người Bắc di cư và hàng chục nghìn cán bộ Việt Minh nằm vùng ở lại sau hiệp định Geneva. Vì vậy tình báo của VNDCCH dễ dàng xâm nhập xã hội và chính quyền miền Nam và dễ dàng tạo vỏ bọc.
Chế độ tự do không thể quản lý người dân đến cả phần hồn như chế độ toàn trị, nhân dân cũng không có và không cần có thói tọc mạch theo dõi hàng xóm, người dân không cần cắt thịt gà bằng kéo (để tránh hàng xóm biết) như ngoài Bắc. Miền Nam luôn phải đối mặt với sức ép dư luận, các cuộc biểu tình, là hệ quả của chế độ tự do dân chủ. Chế độ gia đình trị như đệ nhất cộng hòa vẫn cho phép biểu tình, vẫn có tự do báo chí, không bị tuyệt đối cấm như ngoài Bắc.
Chế độ Cộng sản miền Bắc quản lý kinh tế kiểu tập trung, kế hoạch XHCN nên nền kinh tế rất ổn định do không có kinh tế tư nhân. Kinh tế kế hoạch dễ dàng cho phép tập trung nguồn lực cho tiền tuyến. Ngược lại, miền Nam theo kinh tế thị trường TBCN, kinh tế tư nhân là chính nên nền kinh tế rất nhạy cảm, đặc biệt là vào thời chiến, chính quyền luôn phải đối mặt với nạn đầu cơ, buôn lậu, nhìn chung là không ổn định.
Chế độ TBCN không dễ dàng tập trung kinh tế cho bộ máy chiến tranh, phải đầu tư 1 cách cân bằng vào các mặt kinh tế xã hội, hạ tầng, dịch vụ…Như vậy dẫn đến, xét trên tổng thể, thì người dân miền Nam có cuộc sống tốt hơn dân Bắc, người dân ở đây bao gồm cả quân nhân.
Dân Bắc có cuộc sống kham khổ hơn. Khi người ta quen sống sung sướng thì năng lực chịu gian khổ sẽ kém hơn hay sức chiến đấu trong môi trường gian khó cũng kém hơn. Ngoài ra, cuộc sống khó khăn ngoài Bắc cũng là cơ hội để tuyên truyền cho chính quyền “Vì giặc Mỹ xâm lược nên cuộc sống mới khó khăn”.
Nền kinh tế kế hoạch XHCN dễ dàng kiểm soát tham nhũng hơn kinh tế thị trường tự do. Thực tế cho thấy Việt Nam kể từ khi chuyển sang kinh tế thị trường thì tham nhũng trở nên tràn lan không thể kiểm soát, có người nói là còn tham nhũng nhiều hơn chế độ cũ. Kinh tế thị trường cũng có nhiều mặt trái như tham nhũng, tệ nạn xã hội tràn lan, nhất là để phục vụ đến 500 nghìn quân Mỹ.
Nói tóm lại, chế độ Cộng sản toàn trị tạo nên 1 xã hội thuần nhất và ổn định, chế độ tự do dân chủ tạo nên xã hội bất ổn và đa dạng. Nền kinh tế thị trường có ưu thế để phát triển kinh tế vào thời bình còn nền kinh tế kế hoạch có ưu thế ổn định phù hợp với thời chiến.
5. Đồng mình
Xét trên tổng thể thì phía Mỹ và phe TBCN viện trợ cho VNCH lớn hơn Liên Xô, Trung Quốc và phe XHCN viện trợ cho VNDCCH. Tuy vậy, nền kinh tế kế hoạch dễ dàng tập trung nguồn lực kinh tế vào chiến tranh trong khi kinh tế thị trường TBCN của miền Nam lại không thể tập trung như vậy.
Hơn nữa, cách đánh của Mỹ và VNCH gây tốn kém quân cụ, vũ khí, khí tài gấp nhiều lần cách đánh du kích của quân Cộng sản. Trung Quốc, Liên Xô, VNDCCH dễ dàng tiếp cận miền Nam để tiếp vận qua đường bộ trong khi Mỹ và khối TBCN phải tiếp vận với khoảng cách xa hơn, qua đường không và đường biển. Như vậy, viện trợ lớn của VNCH đã bị giảm hiệu quả đi nhiều với lối đánh trận kiểu “con nhà giàu” trong khi VNDCCH lại phát huy hiệu quả viện trợ.
Viện trợ của phe XHCN cho miền Bắc nhìn chung là ổn định theo thời gian còn viện trợ Mỹ và TBCN cho VNCH lại tăng giảm bất thường do chính sách của Mỹ đối với VNCH thay đổi. Sau hiệp định Paris thì viện trợ Mỹ giảm đột biến dẫn đến quân VNCH bị mất ý chí và năng lực chiến đấu trong khi đối phương vẫn có nguồn viện trợ ổn định.
Kể từ năm 1965, VNDCCH được hỗ trợ bởi Liên Xô và Trung Quốc, vì thế nên họ không bị quá lệ thuộc vào 1 bên, có tính độc lập tương đối bởi chiến thuật đu dây. Trong khi VNCH chủ yếu phụ thuộc vào Mỹ, không có đối tác khác tương đương, nên bị phụ thuộc vào Mỹ.
Các lý do về lịch sử, chế độ xã hội là tác nhân ảnh hưởng đến nhân tâm của dân chúng đối với cuộc chiến. Tôi sẽ phân tích trong phần tiếp theo.
6. Nhân tâm
Như đã phân tích ở trên, miền Bắc có lợi thế về tuyên truyền hơn miền Nam do bản chất chế độ. Nói cách khác, phe Cộng sản dễ dàng thu hút nhân tâm hơn qua tuyên truyền. Hơn nữa, những người Cộng sản đã có công lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giành độc lập, uy tín của chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Cộng sản khác trong nhân dân, đặc biệt là người Bắc là rất cao.
Ngược lại, phe VNCH có đa số lãnh đạo đã từng cộng tác với Pháp trong khi đa số dân chúng lại ác cảm với thực dân Pháp nên khả năng thu phục nhân tâm là khó khăn hơn nhiều. Tuy vậy, những người Cộng sản cũng có những nợ máu nhất định với tầng lớp địa chủ, trí thức, quan lại, thương gia và các giáo phái nên chắc chắn khó khăn trong việc thu hút nhân tâm của tầng lớp này.
Thêm nữa, miền Nam trước kia vốn là thuộc địa của Pháp, dân chúng sống tương đối dễ thở hơn so với miền Bắc và miền Trung, Cộng sản cũng không có chỗ đứng vững chắc ở Nam kỳ như ở Bắc và Trung Kỳ. Nói cách khác là người dân miền Nam không thân Cộng sản bằng người Bắc và Trung, vốn là cái nôi cách mạng.
Như đã phân tích ở trên, chính quyền VNCH tham nhũng nhiều hơn, xã hội bất ổn, nhiều tệ nạn xã hội cũng là cơ hội tuyên truyền tốt cho miền Bắc để thu phục nhân tâm.
Phe Cộng sản cho rằng họ thu phục được nhân tâm của đa số dân chúng miền Nam. Tôi cho là chưa đúng, bằng chứng là trong chiến dịch Mậu Thân, mục đích của Cộng sản là kích động toàn dân nổi dậy lật đổ chính quyền, nhưng điều đó không xảy ra.
Trong các trận Mậu Thân, Mùa hè đỏ lửa, mùa xuân 75 dân chúng “chạy giặc” rất nhiều chứ không ở lại các đô thị mới được “giải phóng”. Về mặt chính trị, miền Nam được tự do bầu cử nên nếu đa số dân theo Cộng sản thì họ có thể tẩy chay bầu cử hoặc bầu cho phe thiên tả. Phe nào đó được coi là giành được lòng đa số dân thì phải thông qua phổ thông đầu phiếu.
Theo đánh giá chủ quan của tôi thì phe Cộng sản giành được nhân tâm của dân cư nông thôn là chính và 1 phần nhỏ dân cư đô thị. Về mặt lịch sử thì người nông dân thường có thiện cảm với Cộng sản hơn là thương nhân, trí thức, công chức (là dân cư đô thị). Nếu thực sự được lòng dân thì khó có thể có hàng triệu thuyền nhân sau 75, ngay cả những người thuộc thành phần thứ 3, thân Cộng sản, sau 75 cũng bỏ nước ra đi đa số.
Người dân Việt Nam vốn có ác cảm với thực dân Pháp và có tinh thần chống ngoại xâm cao nên cơ hội thu phục nhân tâm của chính quyền VNDCCH sẽ dễ hơn nhiều so với VNCH. Quân đội Mỹ chủ động tham chiến ở miền Nam sẽ giống với đội quân xâm lược hơn là quân Trung Quốc, Liên Xô, Bắc Triều Tiên có mặt ở miền Bắc.
7. Kết luận
Trong các nguyên nhân thành bại kể trên, tôi cho là yếu tố chế độ xã hội là cơ bản nhất, có ảnh hưởng đến yếu tố khác và mang tính quyết định . Tiếp theo yếu tố địa lý chiến trường và nhân tâm.