Hải Di Nguyễn: Người Việt bị bắt cóc sang Campuchia kể lại những ngày tháng bị đọa đày
Ngày 14/10/2022, H Nguôt Êban (sinh năm 2000) đến chỗ hẹn ở ngã tư An Sương, Sài Gòn, được giới thiệu công việc lương cao ở Long An. H Nguôt bị chuốc thuốc ngủ và đưa sang Campuchia, phải trả 5.000 USD nếu muốn về.
H Nguôt may mắn được giải cứu ngày 30/11/2022, nhưng hiện nay vẫn phải sống với nhiều vấn đề sức khỏe do khoảng thời gian ở Campuchia.
Người viết bài này phỏng vấn H Nguôt Êban ngày 3/1, và ngày 5/1 phỏng vấn ông Y Quynh Buondap, người liên lạc trực tiếp với H Nguôt và một trong những người giúp giải cứu cô từ Campuchia.
Bị lừa và bắt cóc như thế nào?
H Nguôt là người Êđê từ Đắk Lắk. Khi đang làm trong một xưởng may ở Sài Gòn, cô được vài người quen trên Facebook giới thiệu về công việc ở Long An, lương 700 USD/ tháng.
“Lúc đó công việc lương cũng bèo, gia đình mình cũng khó khăn, nghe họ nói lương cao thì em cũng ham, muốn đi làm để kiếm tiền.”
Ngày 14/10/2022, cô đến chỗ hẹn và cùng một người khác lên một xe hơi màu đỏ đi Long An.
H Nguôt kể, hai người được cho uống nước rồi lăn ra ngủ, tới khi tỉnh dậy sáng hôm sau đã thấy mình ở Campuchia. Họ tỉnh dậy trong một xe hơi màu đen; vali, đồ đạc, giấy tờ đều không còn.
“Lúc đó em biết mình bị lừa…”
Từ đó H Nguôt bị một người Trung Quốc, một người Campuchia đưa vào xe khác, chở tới công ty.
Thời gian ở Campuchia
Cũng như nhiều người Việt khác bị lừa sang Campuchia, H Nguôt Êban làm việc và ăn ở trong cùng một tòa nhà, không được ra ngoài. Mỗi ngày H Nguôt phải làm từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm, tìm người trên Facebook để lừa đảo, và chủ công ty yêu cầu mỗi tuần cô phải kiếm được ba người nạp tiền chơi game.
“Nếu không có thì lúc đầu bị phạt hít đất 500 cái, rồi 200 cái. Sau này thì bị phạt 200 đô nếu ai không kiếm được khách và không có khách nói chuyện.”
Là người Công giáo, H Nguôt không muốn làm công việc lừa đảo và trong toàn bộ thời gian ở Campuchia, cô không lừa được ai.
“Một tháng rưỡi em không kiếm người nào hết nên ngày nào em cũng bị phạt, tới khi em hít đất không nổi nữa, em lăn ra bệnh, em không đi nổi nữa, công ty vẫn bắt đi làm. Họ nói nếu em làm không được, họ sẽ bán em cho công ty khác.”
Cô nói mình bị “hăm dọa đánh, chích điện” và “bị chửi thậm tệ, bị hăm dọa bán chỗ này bán chỗ kia… Người ta bán mình đi làm gái cũng được.”
Sau một thời gian, người H Nguôt bị phát phù lên, không rõ tại sao. Cô cũng thường xuyên gặp ác mộng từ khi thấy một nhân viên khác bị đánh hộc máu miệng. Vì cũng bị lừa sang Campuchia và tìm cách bỏ trốn, một đàn ông chừng 22-23 tuổi bị người quản lý đánh: bị hai người giữ, một người đánh và đạp vào đầu.
“Tối nào em cũng bị mộng du. Em bị ám ảnh chuyện người ta đánh anh đó… Tối nào em cũng la hét, em kêu người ta đừng đánh em, em hứa em sẽ làm được…”
Cô sợ bị đánh, sợ bị bán sang nơi khác, sợ không bao giờ có thể về lại Việt Nam.
Được giải cứu như thế nào?
Theo lời H Nguôt kể, họ nói cô đã ký hợp đồng và muốn về phải trả 5.000 USD, nhưng cô nói “chưa bao giờ ký tờ giấy nào hết”.
Cô bị lấy đi điện thoại, nhưng được một người ở đó cho điện thoại dùng lén và tìm cách liên lạc gia đình.
“Em nói mẹ em cố gắng mượn tiền để em được về. Nhưng mẹ em nói… mẹ mượn thì mẹ mượn số tiền nhỏ thôi, hơn 100 triệu mẹ không có khả năng để mượn. Mẹ nói nhà mình đã nghèo khổ vậy rồi, giờ mẹ mượn ai cho.”
Dì của H Nguôt báo với công an tỉnh Đắk Lắk, nhưng “công an nói là không thể cứu em về được. Họ nói là mình đã qua bên đó rồi, họ không đưa mình về được.”
Cô nói vài người xung quanh nói nên tìm cách liên lạc với sứ quán Việt Nam ở Campuchia nhưng “sợ bị đánh, không dám báo”. Cô chỉ hối thúc mẹ tìm cách kiếm tiền chuộc con về.
Khoảng cuối tháng 10/2022, trường hợp của H Nguôt được đưa đến ông Y Quynh Buondap, người sáng lập tổ chức Người Thượng Đứng lên Vì Công lý, và là người cùng làng với cô.
Ông Y Quynh nói “Đồng bào dân tộc thiểu số, người bản địa ở Tây Nguyên không thể có số tiền đó. Số tiền 20-30 triệu có thể họ cũng không có để chuộc con về.”
Ông liên lạc với H Nguôt qua Facebook và Instagram, thu thập thông tin và giấy tờ, định vị nơi đang ở, rồi báo cho CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, tức Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á Châu, thuộc tổ chức BPSOS).
“Tôi thu thập các giấy tờ thông tin và gửi cho CAMSA để dịch ra tiếng Anh và nhờ cảnh sát Campuchia giải cứu nạn nhân bị lừa sang Campuchia.”
Ông Y Quynh Buondap cũng nói “Lúc đầu H Nguôt không dám cho tôi liên lạc với cảnh sát Campuchia… H Nguôt bảo đừng có báo công an, đừng có báo công an hay cảnh sát Campuchia, nếu không cứu được, họ đánh em chết.”
Ngày 30/11/2022, H Nguôt cùng 24 người Việt khác được cảnh sát Campuchia giải cứu.
Những đoạn tin nhắn giữa H Nguôt và ông Y Quynh Buondap
Các tin nhắn liên lạc giữa Ông Percy Nguyen (thuộc CAMSA/ BPSOS) với cảnh sát Campuchia qua Facebook về trường hợp H Nguôt Êban
Trở về Việt Nam
Ngày 12/12, sau khi bị giữ ở Campuchia để lấy lời khai, H Nguôt và nhiều người khác được đưa đến cửa khẩu Xa Mát, Tây Ninh.
Cũng như H Nit Niê và Y Oi Niê trong một bài viết trước của tôi trên BBC News Tiếng Việt, họ bị phạt 6 triệu đồng vì “vượt biên trái phép”. H Nguôt giải thích mọi chuyện nhưng “họ nói lớn chừng này còn bị dụ, ngu thì chịu chứ còn nói gì nữa”.
Cô cho biết những người đóng tiền phạt được qua trước, còn cô và vài người khác không còn tiền bị kẹt ở cửa khẩu đến 9 giờ tối mới được qua, được nói họ sẽ gửi giấy về địa phương để đóng tiền phạt.
Sau khi H Nguôt về lại Đắk Lắk, công an địa phương có đến một lần để hỏi chuyện nhưng không gặp được, cô vẫn bị đau chân vì bị phạt hít đất ở Campuchia.
Cô cũng không liên lạc thêm với công an vì “họ không quan tâm mình, mình nói với họ để làm gì”.
Tôi đã liên lạc với công an tỉnh Đắk Lắk nhưng không nhận được trả lời.
Cuộc sống hiện nay
H Nguôt Êban cho biết “Em đi hai, ba bước là chân em bị rút lại, run và tê lại, em đi không được.”
Trước đó chưa bao giờ bị vấn đề về sức khỏe, cô cũng bị khó thở và bị người sưng phù từ lúc ở Campuchia, nhưng không biết bị gì vì không có tiền vào Sài Gòn khám.
“Nếu khỏe mạnh lại, em cũng muốn đi làm. Em muốn mượn tiền để học cái gì đó, để có nghề với người ta, để nhà chồng không khinh. Khi bọn em ly hôn, gia đình em khó khăn, họ khinh. Tới khi người ta nói lương cao, em cũng muốn đi làm để người ta không khinh mình nữa.”
H Nguôt cũng muốn có việc để nuôi con. Cô ứa nước mắt nói “Chồng không cho gặp con, cũng không mở cửa cho em vô nhà.”